Pages - Menu

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

GIÁNG SINH : MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA CẦN CON NGƯỜI ĐỂ CỨU CON NGƯỜI

Mỗi lần Giáng Sinh về, chúng ta ai nấy đều chiêm ngưỡng và thờ lậy Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể : mầu nhiệm vì yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người, Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống (1 Ga 4,9) ; mầu nhiệm Ngôi Lời đã trở nên nguời phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14) và Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,6-8) để làm của lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4,10) cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Vâng, khi cộng đoàn phụng vụ cùng qùy gối kính cẩn và sốt sắng suy tôn Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa khi tuyên xưng Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người, chúng ta thờ lạy Tình Yêu vô cùng và đến cùng của Thiên Chúa đã thương loài người và cứu chúng ta khỏi chết đời đời, do hậu qủa của tội nguyên tổ, nhưng đồng thời cũng là giây phút chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về vinh dự và hạnh phúc được cộng tác với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người trong công trình cứu chuộc loài người của Ngài.
Thực vậy, bên cạnh công cuộc Cứu Độ về phiá Thiên Chúa, mà chúng ta không bao giờ quên, còn một khiá cạnh khác mà chúng ta có thể không để ý để cảm tạ Thiên Chúa cho xứng đáng, đó là Thiên Chúa cần chúng ta cộng tác với Ngài, Thiên Chúa cho phép con người được làm việc với Ngài, cụ thể là Đức Giêsu cần sự đóng góp của mỗi người để cứu chuộc mọi người như mặc khải của Tin Mừng. Nói cách khác, Thiên Chúa không cứu độ đơn phương, đơn độc, tự động, máy móc, nhưng cần con người để cứu độ con người. Đây không phải kiểu nói làm giảm quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, hay lối nhìn của nhân bản thuyết tìm cách nâng cao giá trị con người, càng không là xảo thuật kéo Thiên Chúa toàn năng xuống thấp một chút, và nâng con người có giới hạn lên một nấc cao hơn để hai bên Thiên Chúa - Con người ngang hàng, cùng cỡ. Trái lại, đây là mầu nhiệm của Tình Yêu, khi Thiên Chúa trân trọng và ưu ái con người được dựng nên bởi Ngài và với hình ảnh của Ngài và ban cho con nguời vinh dự làm con để hưởng quyền thừa kế, vinh dự làm anh em và bạn hữu, để được chia sẻ và thông phần ước mơ, thao thức, kế hoạch, công trình Cứu Độ loài người của Thiên Chúa.
Qủa thực, với quyền năng vô cùng, Thiên Chúa không nhất thiết cần đến con người để xuống thế làm người, không cần con người để cứu chuộc con người, vì Ngài có thể tự mình sừng sững có mặt trong thế giới loài người mà không cần cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria ; có thể lấy quyền của Đấng Chủ Tạo mà áp đặt mọi người phải đi theo, mà không cần những con người tông đồ, môn đệ đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ…, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền (Mt 28,19-20). Trái lại, Tin Mừng đã làm chứng ngược lại, khi cho chúng ta thấy : Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương con người đến độ cần con người, cần mỗi người để cứu chuộc mọi người.
Vì cần con người cộng tác để cứu con người khỏi chết đời đời, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại bằng những bước chân đồng hành để yêu thương, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, thánh hoá, và lịch sử nhân loại cũng như lịch sử dân riêng Thiên Chúa đã là lịch sử của lòng thương xót vô bờ bến, như Đức Maria đã hạnh phúc thốt lên trong Kinh Tán Tụng Magnificat : Từ đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,50). Vì cần con người chia sẻ công việc Cứu Thế với mình, Thiên Chúa đã cần đến lời Xin Vâng hoàn toàn tư do, tự nguyện của thiếu nữ Maria, quê làng Nadarét, một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít (Lc 1,27) để Ngôi Hai Thiên Chúa làm người trong cung lòng một người nữ, giữa một gia đình, ở một địa điểm trên địa cầu, và tại một thời điểm trong giòng lịch sử nhân loại, nghiã là Thiên Chúa không xuống thể kiểu nhẩy dù, có sẵn, nhưng làm người trăm phần trăm, như bao nhiêu con người khác trong từng chi tiết, và theo đúng tiến trình : được thụ thai, sinh ra, lớn lên, và chết, với tất cả trí khôn, ý chí, tình cảm của con người chính danh, sống động, cụ thể. Vì cần những cộng sự viên là con người cho chương trình loan báo Tin Mừng : Thiên Chúa xót thương, và cứu độ dân Người, Đức Giêsu đã bắt đầu đời mục vụ của Ngài bằng kêu gọi các môn đệ, bắt đầu là bốn môn đệ đầu tiên : Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là Anrê… và hai anh em khác con ông Dêbêđê là ông Giacôbê và người em là ông Gioan (Mt 4,18.21), tất cả đều là những ngư phủ đang quăng chài, vá lưới. Vì cần con người cộng tác trong công cuộc cứu chữa con người, Đức Giêsu đã không làm phép lạ kiểu đại trà, nhưng chỉ làm phép lạ chữa tật bệnh cho những ai có lòng tin như người bại liệt (x.Lc 5,17-20), những người khiêm nhường tín thác như ông sĩ quan đại đội trưởng ngoại giáo (x. Lc 7,1-10), những người tuyệt đối tin tưởng chỉ một mình Thiên Chúa mới cứu chữa được như người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm (x. Lc 8,43-48), những nguời nhận mình yếu đuối, thiếu thốn, tật nguyền và  tha thiết xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót như anh mù Timê ở Giêrikhô (x. Mc 10,46-52), những người kiên trì trong cầu nguyện như người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan đã chẳng tự ái, giận dỗi khi thưa với Đức Giêsu : Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống », mặc dù Đức Giêsu đã cứng rắn nói với bà : Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con (Mt 15,26-27), khi bà lèo nhèo năn nỉ Ngài chữa con gái bà bị quỷ ám. Vì cần con người cùng với Ngài làm chứng Nước Thiên Chúa đã gần, Đức Giêsu đã chỉ làm phép lạ biến nước thành rượu ngon, khi con người đã đóng góp công sức, như các gia nhân trong tiệc cưới ở Cana đã vâng lời Ngài đổ nước đầy các chum (x. Ga 2,1-11), cũng như đã hoá bánh ra nhiều để nuôi hàng ngàn người ăn no nê, với năm chiếc bánh lúa mạch và ba con cá của một em bé (x. Ga 6, 5-11). Vì cần con người để tình yêu thương xót của Ngài được lan toả đến mọi tâm hồn, Đức Giêsu đã tha thứ cho những người tội lỗi biết lấy nước mắt tình yêu tưới ướt chân Người như người phụ nữ trắc nết trong bữa tiệc ở nhà người Pharisêu (x.Lc 7,36-50), hay như người đàn bà ngoại tình lặng lẽ lê từng bước nhục nhằn, đau khổ, và cúi sâu mặt nhận mình yếu đuối (x. Ga 8,1-11). Vì cần con người để làm chứng Thiên Chúa là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25), Đức Giêsu đã cho Ladarô sống lại, ra khỏi mồ sau ba ngày, khi có giòng lệ yêu thương, và tin tưởng của Mátta  qua tiếng khóc nức nở thương tiếc nhưng tràn đầy hy vọng của cô : Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy (Ga 11,21-22).
Như thế, Thiên Chúa đã không độc quyền một mình sử dụng quyền năng vô hạn của mình để cứu chuộc con người, nhưng đã cho phép con người hữu hạn, với rất nhiều giới hạn được đóng góp vào quyền năng vô hạn của Ngài trong công việc cứu chuộc con người của Ngài. Tuy biết con người chỉ là giọt nước nhỏ bé trong đại dương bao la là Ngài, nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa luôn ưu ái và trân trọng giọt nước bé nhỏ ấy, bằng đợi chờ từ giọt nước có tên con người phần đóng góp, cộng tác vào công trình của Thiên Chúa, dù đóng góp ấy không đáng kể, và cộng tác ấy chẳng là gì so với quyền năng vô hạn, và sức mạnh vô biên của Đấng dựng nên trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình (Kinh Tin Kính) .
Thế mới biết Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào, bởi không yêu thương, Ngài đã không cần đến con người ; không yêu thương, Ngài chẳng phải trân trọng những đóng góp chẳng làm nên tích sự của con người vốn hữu hạn, yếu đuối, khờ dại ; không yêu thương, Thiên Chúa cũng chẳng phải kiên nhẫn đợi chờ quyết định tự do của con người như đã luôn mời gọi và cho con người toàn quyền chọn lựa và trả lời : có hay không, chấp thuận hay từ chối, đi theo hay rời bỏ, trung thành hay phản bội. Và sẽ mãi mãi đến tận cùng thời gian, và với từng người bất luận ở đâu, Thiên Chúa cũng vẫn một lòng thương xót và trân trọng đón nhận mọi cố gắng, đóng góp, cộng tác của con người trong công cuộc cứu độ con người của Ngài, mặc dù Ngài là Thiên Chúa toàn năng.
Đây chính là nét tuyệt vời của mầu nhiệm Nhập Thể, vì Thiên Chúa không chỉ đến cứu con người, mà còn cho con người được cộng tác với Thiên Chúa vào nhiệm cuộc cứu chính mình và cứu anh em mình cùng với Thiên Chúa, với điều kiện con người phải ở trong Thiên Chúa, bởi chỉ trong Thiên Chúa, mỗi người  mới được là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu ; trong Thiên Chúa, mỗi người được sống chính sự sống của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã xác tín : Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20) ; trong Thiên Chúa, sự yếu đuối của con người được trở nên sức mạnh, như thánh tông đồ dân ngoại qủa quyết : Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. (2 Cr 12,9) ; trong Thiên Chúa, mỗi người  là cành nho gắn liền với cây nho để sinh nhiều hoa trái (Ga 15,4) ; trong Thiên Chúa để anh em không còn là tôi tớ. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,15).
Được biết tất cả những gì Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người nghe được nơi Chúa Cha, và được mời gọi làm việc với Ngài, đó là vinh dự lớn lao và hạnh phúc khôn tả Đức Giêsu dành cho những ai yêu mến và tự nguyện cộng tác với Ngài. Những cộng sự viên của Đức Giêsu trong mầu nhiệm cứu độ trước hết là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21), những người sống tinh thần Bát Phúc : nghèo khó, hiền lành, khiêm nhường, chịu thiệt thòi, sầu khổ, bị bách hại vì danh Thiên Chúa, có tâm hồn trong sạch, khát khao điều công chính, biết chạnh lòng thương xót, và ra sức kiến tạo hoà bình (x. Mt 5,3-11). Họ còn là những người chấp nhận bỏ mọi sự, và xóa mình, vác thập giá đi theo Đức Giêsu (x.Mt 16,24), những người kiên tâm chịu đựng và cùng chết với Đức Giêsu. (2Tm 2,12), những người vui mừng được chịu đau khổ vì anh em mình như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Colôxê : Những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1, 24).
Vâng, Giáng Sinh về, Thiên Chúa dẫn chúng ta đi vào Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngài, trong đó, chúng ta được cảm nghiệm và sống Tình Yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho con người, và vinh dự, hạnh phúc của con người được chia sẻ, chung phần, cộng tác với Thiên Chúa với cương vị con cái, anh em, bạn hữu của Ngài trong nhiệm cuộc cứu độ.
Xin EMMANUEL – Thiên Chúa ở cùng chúng ta mở lòng, để mỗi người khiêm tốn nhận ra thân phận yếu đuối, giới hạn của mình trước vô hạn, vô cùng, vô biên của Thiên Chúa, đồng thời đón nhận hồng ân được kêu gọi trở nên những cộng sự viên trung tín, những khí cụ ngoan ngùy, dễ thương trong tay Thiên Chúa toàn năng, Đấng yêu thương và trân trọng con người, dù phận người lúc nào và ở đâu cũng luôn nhỏ bé, mỏng dòn, dễ vỡ, tội lụy.
Jorathe Nắng Tím