Pages - Menu

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Khi Tội Ác Trở Thành Bình Thường

“Bình thường” được hiểu như tình trạng hợp tình, hợp lý, nhất là hợp pháp, hợp luật, hợp lề thói, khuôn khổ. Khi nói em bé sinh ra bình thường, lớn lên đi học bình thường, thi cử bình thường, sinh hoạt bình thường là người ta muốn nói về một cuộc sống đạt chuẩn mực nhân văn, một nếp sống hài hoà, đúng mức, đáp ứng đòi hỏi, quy ước của xã hội, và góp phần làm cho xã hội tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Hiểu như thế, đời sống bình thường được tạo nên bởi những việc bình thường không còn là bình thường kiểu không có gì đáng nói, không có gì đáng kể, không có gì đáng nhớ, không có gì đáng lo, không có gì phải bận tâm, suy nghĩ, nặng lòng. Trái lại, bình thường từ đây mang một giá trị vừa nhân văn vừa đạo đức không thể xem nhẹ, coi thường, và càng không được phép loại bỏ bao lâu con người còn ý thức nghĩa vụ sống xứng đáng nhân phẩm, và tìm đạt hạnh phúc như nhu cầu của đời làm người.
Vì thế, khi con người chấp nhận là bình thường những điều không thể được coi là bình thường đối với quy luật làm người, hoặc biến thành bình thường những việc trái ngược luân lý, đạo đức, lẽ phải thì sự thật bình thường phải được tôn trọng nay sẽ bị hãm hiếp ; sự sống bình thường không thể bị tấn công nay sẽ bị đe dọa ; trật tự, kỷ cương bình thường phải được tuân giữ nay sẽ bị tháo gỡ, và an bình, hạnh phúc bình thường là giá trị mọi người khát khao tìm kiếm nay sẽ bị hủy bỏ, triệt tiêu.
Thực tế đã chứng minh tai họa khủng khiếp cho hôm nay và tai ương khó tránh cho ngày mai, nếu hiện tượng “bình thường hoá” những ý nghĩ, lời nói, việc làm không bao giờ được phép trở nên bình thường trong sinh hoạt xã hội loài người.
Đúng vậy, nếu lương tâm không còn được lên tiếng và được lắng nghe như một đòi hỏi luân lý, nhưng tốt xấu, thiện ác, lành dữ, công tội, tất cả bị trộn lẫn, cào bằng, và các hành vi xấu xa, ác độc, hung dữ, tội lỗi bỗng chốc được coi là bình thường thì quả thực con người đã lạc đường, lạc hướng vì đánh mất ý thức tội lỗi như ánh sáng của ngọn hải đăng cho tầu thuyền cập bến ; nếu chồng vì giận và trả thù vợ đã nhẫn tâm dìm chết hai con thơ dưới biển, rồi lạnh lùng báo tin cho vợ chỗ giấu xác con, cũng như anh lớn chỉ vì vài tấc đất đã biến gia đình em út thành lò sát sinh ngập máu khi trời vừa sáng, thì còn tìm được ở đâu an toàn và hạnh phúc vốn rất bình thường của gia đình ? Nếu những màn “xử đẹp” hung bạo của nhóm nữ sinh cấp hai khi điên cuồng, man rợ kéo tóc, lột xé quần áo, cào nát mặt mũi, đấm đá khắp thân thể một bạn cùng lớp chỉ vì bạn này đã vô ý cười tình với bồ của một bạn trong nhóm, và sự kiện không bình thường ấy lại được hầu hết coi là bình thường, thì ôi thôi, tương lai đất nước sẽ biết đặt vào tay ai ? Nếu đang lái xe trong thành phố, giữa “thanh thiên bạch nhật” mà dây chuyền bị giật, nhẫn cưới bị lột theo cánh tay đứt rời loang máu do hai sát thủ trẻ tuổi, mà đám đông đến nay vẫn coi là chuyện bình thường, không có gì phải ầm ĩ thì quả thực chẳng còn gì để đợi chờ ở thế hệ trẻ của đất nước này.
Nếu em bé không còn được hồn nhiên chạy nhẩy trong sân nhà, vì ba mẹ sợ kẻ gian bắt cóc đem đi bán thận, và người già không còn dám ở nhà một mình, vì sợ lâm cảnh “cướp của giết người”, mà dư luận vẫn bình thản xếp vào chuyện bình thường, thì hỏi sao niềm tin giữa người với người không tuột dốc, băng hoại, và hy vọng một cuộc sống hạnh phúc trong công lý, hoà bình không trở thành ảo tưởng, phù phiếm ? Nếu đi đến đâu hay ở đâu cũng phải đối đầu với thực phẩm độc hại, trái cây chích hoá chất để làm lớn, giữ mầu, thịt cá ươn thối được ngâm trong thuốc tẩy làm tươi, mà dân gian vẫn cho là chuyện bình thường thì than ôi, hỏi sao toàn dân không ung thư, “sơ gan cổ chướng”, yếu đuối, bạc nhược ? Nếu trên dưới, ngang dọc, trong ngoài đều một bài tham ô, hối lộ, một giuộc cửa quyền, bóc lột, một kiểu phe nhóm lợi ích, một chiêu gian dối, lừa lọc, mà mọi người vẫn thấy bình thường, thì hỏi sao lòng người không còn trong, tâm người không còn lành, tay người không còn sạch, mắt người không còn sáng ? Nếu mua gì cũng sợ đồ giả, gặp gỡ ai cũng sợ người gian, làm việc gì cũng sợ bị sa lưới, sập bẫy, mà ai nấy vẫn coi là bình thường, thì hỏi sao càng ngày người ta càng “ăn không ngon, ngủ không yên” ? Và nếu danh bạ toàn thể tội ác đủ loại, đủ cỡ được coi là danh sách kê khai bình thường không còn đủ sức làm giật mình hay đánh thức lương tri, cũng như những hành dộng bạo lực xâm hại con người, làm tổn thương nhân phẩm, sự sống không còn kéo chú ý, thu hút mọi người quan tâm, thì chúng ta không thể nhắm mắt trốn chạy một sự thực phũ phàng, đó là xã hội chúng ta sống đang cận kề vực thẳm bất hạnh, lâm nguy.
Nhưng tại sao tội ác lại có thể được coi là bình thường dễ dàng đến thế ? Tại sao dù biết là tội ác mà nhiều người cũng cứ chấp nhận một cách bình thường đến ngạc nhiên như vậy ?
Người ta dễ dàng coi tội ác là bình thường vì nghĩ tội ác có thể đem lại hạnh phúc khi chỉ sử dụng tội ác như phương tiện, và không gây thiệt hại trực tiếp cho ai. Cũng có thể tội ác được biến thành bình thường khi tội ác được coi là phương án cuối cùng để thoát khỏi đường cùng, khi mức ác của tội tự động được chủ thể giảm bớt, làm nhẹ, mà không quy chiếu vào một nguyên tắc đạo đức, luân lý nào.
Sau cùng, tội ác được coi là chuyện bình thường khi lương tâm bị ích kỷ bịt miệng, trái tim bị “ganh ăn tức ở” bóp chết, chân tay bị tham lam vô đáy, và dục vọng vô độ trói chặt, để con người luân lý bị tê liệt, con người đạo đức bị hủy diệt, con người tử tế bị loại trừ, con người văn hoá, nhân văn bị tẩy chay. Và một xã hội ở đó luân lý, đạo đức không có mặt, người tử tế, có văn hoá, nhân văn không còn chỗ đứng, ảnh hưởng, thì tội ác đương nhiên được coi là bình thường và nghiễm nhiên chiếm cứ mọi sinh hoạt đời thường, để xã hội loài người trở thành một chiến trường tang thương, một thương trường độc ác, một tình trường dối trá, phản bội dọn đường cho bước chân bất thường của hỏa ngục trong thế giới loài người bất hạnh, đáng thương.
 Ước mong mỗi người sẽ giật mình tỉnh thức để không quên : tội ác sẽ mãi là tội ác và trái của tội ác sẽ ngàn đời đắng đót, độc hại, để cùng nhau chặn đứng bước chân tai họa, hủy diệt của tội ác bằng từ chối coi tội ác là chuyện bình thường trong sinh hoạt đời thường.
Jorathe Nắng Tím