Suy
Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII : Mừng Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Luca
21,5-19)
Mỗi lần mừng kính các
thánh Tử Đạo, chúng ta thường có chung hình ảnh về một Giáo Hội của Đức Giêsu bị
tấn công từ các lực lượng bên ngoài, bị bách hại bởi những người không thuộc
hàng ngũ Kitô hữu. Cảnh tượng nhà thờ, hoặc cả xóm đạo bị bao vây, rồi bị đốt
cháy cùng với hằng trăm tín hữu ở thời cấm đạo tại Việt Nam, rồi những vu oan,
cáo vạ, chỉ điểm từ phiá những người ngoài công giáo thù ghét người Kitô hữu
hăng say trong các chiến dịch truy lùng, vây bắt, hành hình các thừa sai, người có đạo và triệt để ủng hộ, tiếp
tay với chính sách cấm đạo Công Giáo của triều đình các vua nhà Nguyễn. Hình ảnh
ấy vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Theo nhật báo “Le Monde” ngày 12 tháng 1 năm 2018 : trong
năm 2017 có đến 3000 tín hữu Kitô giáo bị thảm sát vì đức tin, nhật báo “Le Parisien” ngày 16 tháng 1 năm 2019 tổng kết con số
4300 Kitô hữu bị giết chết cũng vì đức tin trong năm 2018.
Bài Tin Mừng Luca được
chọn cho Chúa Nhật XXXIII, cũng là ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam đặt
ra cho chúng ta một hình ảnh khác, bên cạnh hình ảnh vừa kể về một Giáo Hội bị
cấm cách, tiêu diệt từ bên ngoài. Đó là hình ảnh tử đạo do chính bàn tay của
anh em trong nhà, và thách đố không kém cam go làm chứng nhân của Đức Giêsu giữa
anh em, ngay trong lòng Mẹ Giáo Hội.
1.
Trước hết là thách đố đức tin trước
những lạm dụng của cơ chế :
Như dân Do Thái ngày
xưa đã đặt hết niềm tin vào sự trường tồn của Đền Thờ Giêrusalem, ngôi Đền Thờ
không chỉ là nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa, mà còn là biểu hiệu niềm tin của toàn
dân vào Thiên Chúa Giavê, đồng thời là niềm kiêu hãnh, vinh dự của Israel, dân
tộc được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài. Giêrusalem trong lòng
tín hữu Do Thái là giá trị thiêng liêng không thể sụp đổ, là thành quách được
Thiên Chúa Giavê gìn giữ, che chở mà không thế lực nào có thể lay chuyển được,
và mọi người đều chung một tâm tình cầu nguyện khi hướng về Giêrusalem : “Lậy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết
bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền
vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn
hở reo mừng” (Tv 84,2-3)
Nhưng rồi Giêrsalem đã hai
lần bị tàn phá, lần thứ nhất bởi Nabuchodonosor năm 587 trước công nguyên, và lần
thứ hai do Titus năm 70 sau công nguyên, như lời tiên báo của Đức Giêsu trong
Tin Mừng Luca hôm nay : “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị
tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6), “nhân có mấy người nói về Đền Thờ được
trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng” (Lc 21,5).
Qủa thực, Đền Thờ là một
công trình vĩ đại và kiên cố được xây dựng lần thứ nhất thời vua Salomon thế kỷ
X trước Công Nguyên, bị phá hủy, và được khởi công xây dựng lại sau thời lưu đầy
năm 536, và hoàn thành năm 515 trước Chúa Giáng Sinh, được trang hoàng bằng những
gì qúy báu, hiếm hoi, đắt tiền nhất được đem về hoặc dâng cúng từ khắp nơi. Vì
thế khi nghe Đền Thờ sẽ bị phá hủy tan tành và công trình kiến trúc nguy nga, đồ
sộ và kiên cố kia sẽ chỉ còn là đống gạch vụn, “không tảng đá nào trên tảng đá nào”, thì bất kỳ người tín hữu Do Thái nào cũng
đều cảm thấy xót dạ, đau lòng khôn tả. Bên cạnh tình cảm tiếc nuối đó là niềm
lo sợ và nỗi nghi nan cũng không kém làm nặng lòng.
Đền Thờ Giêrusalem là
hình ảnh của cơ chế “quá khổ” của Giáo Hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô
đang cố gắng vượt qua và thoát ra, bởi cơ chế mà Giáo Hội đi tìm cho mình dọc
suốt lịch sử dài lâu đã không còn là cơ chế
nhằm phục vụ, và loan báo Tin Mừng như ý muốn thưở ban đầu của Đức
Giêsu ; bởi cơ chế ngày càng nặng nề, chằng chịt, rối rắm, phức tạp làm
thui chột ý chí, và chất nặng hành trang Ra Khơi với Đức Giêsu của người môn đệ ;
bởi cơ chế ngày càng tạo ra nhiều căng
thẳng nội bộ, khi sản sinh những bất đồng, bất công chỉ vì cơ cấu đã lấn át
tinh thần đơn sơ, bé nhỏ, nghèo khó, khiêm tốn, buông bỏ của Tin Mừng ; bởi
cơ chế đã làm dung mạo nhân hậu, bao dung, giầu lòng thương xót của Đức Giêsu bị
lu mờ, méo mó, lệch lạc do sức lôi cuốn vũ bão của cơ chế quyền lực.
Vấn đề đang xẩy ra cho
Giáo Hội hôm nay, đó là đứng trước đòi hỏi phải đơn giản hoá những phức tạp của
cơ chế chằng chéo, và giảm bớt uy lực của cơ chế đang lấn át tinh thần Bát Phúc
một cách đáng sợ, thì nhiều người trong Giáo Hội, kể cả những Đấng Bậc ở hàng
cao cấp đã bằng mọi giá bảo vệ cơ cấu nặng nề, khép kín, tự vệ này. Từ đó đưa đến
nguy cơ chia rẽ trầm trọng giữa các thành phần Dân Chúa và gây nhiều hoang
mang, ảnh hưởng xấu trên đời sống đức tin của đông đảo tín hữu.
Họ là những người đã
đơn sơ đồng hoá đức tin với cơ chế Giáo Hội, nên khi cơ chế thay đổi, cơ chế bị
thay thế, hay khi cơ chế rạn nứt, xiêu vẹo thì không tin nữa, bởi đức tin đã bị
điều kiện hoá bởi cơ chế từ lúc nào không hay ; họ là những người đã ngây
thơ nghĩ rằng : cơ chế bảo vệ sự tồn tại của Đức Giêsu, cơ chế cho phép
Thiên Chúa có mặt, nên khi đổi mới cơ chế, cải thiện cơ chế, hoặc hủy bỏ một
hay nhiều phần của cơ chế, họ nghĩ ngay đến việc Đức Giêsu bị cắt xén, giảm thiểu
và Thiên Chúa không còn cơ hội cứu độ. Điển hình là những nhóm ly khai khỏi
Giáo Hội sau Công Đồng Vaticanô II, khi Công Đồng đã mạnh dạn đổi mới không chỉ
đổi mới cơ chế, mà cả cách nghĩ, lối nhìn của Giáo Hội về thế giới, về con người,
về các tôn giáo khác, nhất là đã khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót, lầm lỗi,
kể cả tội của mình đã làm tổn thương nhiều người trong suốt chiều dài lịch sử.
Phản ứng của nhóm người
này là bằng mọi giá bảo vệ cơ chế, không khác những người Pharisêu và Luật Sĩ
trong Do Thái giáo đã nhiều lần tẩy chay, lên án Đức Giêsu khi Ngài đụng chạm đến
cơ chế, lề luật. Cũng chính vì phải bảo vệ cơ chế, lề luật, trước lời kêu gọi đổi
mới, cải cách, cải thiện, mà Đức Giêsu đã trở thành đối thủ số một, kẻ thù nguy
hiểm mà họ phải tiêu diệt cho bằng được. Và khi say mê bảo vệ cơ chế, họ đã
quên bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, mà cơ chế chỉ là phương tiện giúp đạt mục
tiêu của tôn giáo. Một cách nào đó, chúng ta có thể diễn tả chọn lựa của nhóm
người này khi nói : cơ chế còn, Thiên Chúa còn ; cơ chế mất, Thiên
Chúa mất.
Nhóm thứ hai gồm những
nạn nhân của cơ chế. Họ là những tín hữu chịu nhiều thiệt thòi vì những lạm dụng
của cơ chế, nạn nhân đáng thương của hiểm hoạ giáo sĩ trị và chính họ là những
người dễ bi đẩy đến tình trạng bất mãn, chống lại Giáo Hội, và tự ý ly khai, từ
bỏ hàng ngũ tín hữu khi cơ chế không biết thắng lại những lạm dụng. Trong thực
tế, con số này ngày càng đông, và Giáo Hội ngày càng gặp khó khăn trước làn
sóng bỏ đạo gia tăng không ngừng, vì bất mãn với cơ chế hơn là có vấn đề với Đức
Giêsu.
Do đó, thái độ bảo vệ
cơ chế đến độ quá khích, cực đoan, cũng như thái độ bất mãn, muốn hủy bỏ hết cơ
chế, cả hai đều đưa đến cơn cám dỗ, cũng như thách đố đức tin gay go đối với
người tín hữu muốn đi theo Đức Giêsu. Họ bị cám dỗ và bị đặt trước thách đố hoặc
bỏ Đức Giêsu, vì cơ chế hữu hình của Giáo Hội bị lung lay, có nguy cơ rạn nứt,
sụp đổ, hoặc tách rời Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội, vì không còn có thể chịu đựng
lâu hơn những lạm dụng của cơ chế Giáo Hội. Hậu qủa là cả hai sẽ cùng làm tổn
thương Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu ; cả hai sẽ cùng phân chia Thân Thể
mầu nhiệm ra nhiều phần ; cả hai sẽ cùng xé tấm áo không đường may của Đức
Giêsu, phá bỏ công trình Hiệp Nhất của Đức
Giêsu và đưa đến hậu qủa hoàn toàn bất lợi cho công cuộc loan báo Tin Mừng Cứu
Độ.
Nhìn vào những biến cố
trong những ngày gần đây của Giáo Hội toàn cầu, chúng ta không thể không lo lắng
cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, không thể không lo sợ trước những đe doạ ly
khai, không thể không đặt mình trước thách đố mà không ít người tín hữu phải đối
diện, đó là cám dỗ tách Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội, bỏ Giáo Hội và chỉ giữ lại
Đức Giêsu, chống phá Giáo Hội và tiếp tục đi với Đức Giêsu.
Như thế, cuộc tử đạo của
người tín hữu của thời đại hôm nay không chỉ từ bên ngoài, từ đối phương có “căn cước” xa lạ, khác biệt, nhưng ở ngay trong
lòng Giáo Hội, ngay cơ chế mà Giáo Hội cần giữ, để có mặt trong thế giới. Cuộc
tử đạo ấy không kém phần cam go, vì là cuộc tử đạo âm thầm, nội tâm ;
không thiếu căng thẳng, rướm máu, vì là cuộc chiến trường kỳ, liên lỷ. Trong cuộc
chiến này, chứng nhân sẽ là người chấp nhận mọi đau khổ trong lòng Giáo Hội, do
chính những người của Giáo Hội để giành phần thắng cho Đức Giêsu và Giáo Hội của
Ngài trước cám dỗ loại trừ Giáo Hội ra khỏi Đức Giêsu. Chứng nhân đức tin, đức
ái sẽ kiên trì ở lại với Đức Giêsu trong Giáo Hội bằng từ chối tính toán theo
kiẻu con người, khi tưự nguyện “đóng đinh tính xác thịt”, nghiã là đóng đinh những luận lý bình
thường, những nhận xét bình thường, những suy nghĩ bình thường trước những bất
thường, kể cả tầm thường của những “con người cơ chế” không bình thường trong Giáo Hội đang gây sóng
gió và làm suy yếu đời sống của Giáo Hội.
Nếu để ý quan sát,
chúng ta sẽ phải giật mình trước hiện tượng người trẻ không còn hào hứng, hăng
say đón nhận chân lý : Đức Giêsu và Giáo Hội là một Thân Thể (Cl 1,24), vì
Đức Giêsu yêu Giáo Hội như Hiền Thê và hiến mình cho Giáo Hội (Ep 5,25), chỉ vì
những con người của cơ chế Giáo Hội đã không làm chứng Giáo Hội thực sự là Hiền
Thê đáng yêu, và dễ thương của Đức Giêsu giầu lòng thương xót, do thái độ và những
việc làm không mấy đáng yêu, không dễ thương và quá khác biệt với Đấng Phu Quân
nhân hậu của mình.
2.
Thách
đố của Đức Ái trước những mâu thuẫn, chia rẽ trong Giáo Hội :
Đây là thách đố rất lớn,
và hậu qủa khó lường, nếu chúng ta không tỉnh thức để tinh tế nhận ra. Trong
Tin Mừng Luca, Đức Giêsu sau khi cảnh báo thảm cảnh “người ta sẽ ra tay bắt và ngược đãi anh
em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa
quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21,12), và
nhiều hiện tượng như “chiến tranh, loạn
lạc, động đất, ôn dịch, đói kém nhiều nơi” (x. Lc 21,9-11) đã căn dặn hai điều đều thuộc
phạm vi trong nhà, giữa anh em : “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều
người mạo danh Thầy đến nói rằng : “Chính ta đây », và “Thời kỳ đã đến gần ; anh em chớ có
theo họ” (Lc 21,8), và “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em,
bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em” (Lc 21,16).
Như thế, tử đạo không
đâu xa, mà ngay trong gia đình, gia tộc, ở giữa cộng đoàn ; tử đạo không
là biến cố do bên ngoài, nhưng từ bên trong, ở sẵn trong nội bộ, nội vi, nội cấm.
Và anh em trở thành kẻ bách hại và nạn nhân của nhau, bởi cơn bách hại ấy xẩy
ra ngay trong nhà, vì thiếu hiệp nhất, yêu thương.
Cơn bách hại xẩy ra
ngay trong nhà, khi người này tố giác người kia là tiên tri giả, là mạo danh
ngôn sứ ; hoặc làm cho những anh em khác không còn nhận ra ai giả, ai thật,
mặc dù cả hai đều ở chung một nhà, chung một Giáo Hội. Chỉ đơn cử một sự việc tuy
rất nhỏ, nhưng gây hậu qủa khôn lường, như giữa vị tiền nhiệm và vị kế nhiệm
không nhất trí, không thống nhất, tệ hơn nữa là không hiệp nhất, khi cùng một sự
việc, cùng một tình trạng, cùng một đối tượng, mà hai vị hành xử hoàn toàn khác
nhau trong khoảng thời gian không xa nhau. Giáo dân chắc chắn sẽ không khỏi
hoang mang, nghi ngờ khi vị tiền nhiệm thì ủng hộ, cổ võ, vị kế nhiệm thì quyết
tâm phá đổ, tẩy chay.
Trong những trường hơp
tương tự, ai có thể cấm người tín hữu đặt ra câu hỏi : trong hai vị, ai giả,
ai thật, ai đúng, ai sai, ai hành xử vì Giáo Hội, ai ra tay vì lợi ích nhóm, hay
ghen tuông, và từ đó, mầm mống chia rẽ giữa con cái trong Giáo Hội phát sinh sẽ
dẫn đến tình trạng mất dần niềm tin ở những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.
Cũng thế, khi nói đến
ngôn sứ giả, người ta khó có thể mường tượng một người hoàn toàn ở ngoài Giáo Hội,
hay không biết gì về Giáo Hội lại có thể lừa phỉnh, khi mạo danh làm ngôn sứ, bởi
thường chỉ có kẻ đã ở trong, đã nắm bắt khá đầy đủ mới có thể “làm hàng nhái, mạo danh” để lừa bịp.
Qủa thực, tình trạng
ganh ghét, đố kị, bon chen, tranh giành giữa con cái trong Giáo Hội là một sự
thật mà chúng ta phải can đảm và lương thiện nhìn nhận, không phải để “vạch áo cho người xem lưng”, lên án nhau hay bôi bác Giáo Hội,
nhưng để thận trọng trong tư tưởng, lời nói, việc làm sao cho đức ái phải được
xếp hàng đầu trên thang giá trị, và ưu tiên bậc nhất của tiêu chuẩn chọn lựa.
Chúng ta luôn có nhiều
và rất nhiều lý do để biện minh cho việc làm thiếu đức ái của mình, nào là bảo
vệ sự thánh thiêng, gìn giữ truyền thống, bảo tồn giá trị, vì lợi ích chung,
nhưng thực tế không thiếu những trường hợp mục tiêu này chỉ được dùng như bình phong, chiêu bài, “bánh vẽ”, mà ở đó, điều đáng tiếc đã xẩy ra khi ích lợi nhân bản cũng như thiêng liêng của những
con người cụ thể, sống động, nhưng nhỏ bé, không thần thế lại bị hy sinh cách tàn nhẫn, bất công.
Tóm lại, trước làn sóng
“tuyên xưng yêu mến
Đức Giêsu, nhưng từ bỏ Giáo Hội” ngày càng dâng cao, lan rộng, và những mâu thuẫn, đối
kháng trong nội bộ Giáo Hội ngày càng căng thẳng có nguy cơ đưa đến ly giáo một
lần nữa, chúng ta có lý do để nhìn vào nhà mình, thay vì chỉ nhìn ra ngoài để
tìm “kẻ thù cấm cách,
kẻ dữ chống phá, kẻ ác tiêu diệt Giáo Hội”. Tuy không xưng danh, gọi tên là đối thủ của nhau,
vì làm gì có đối kháng, kình chống giữa
các chi thể của cùng một Thân Thể (1 Cr
12,12-13), nhưng không vì thế mà quên nhận diện những thiếu sót, khuyết điểm, lầm
lỗi đã biến mình thành kẻ bách hại anh em mình, và biến anh em mình thành nạn
nhân, người chịu chết vì đạo dưới bàn tay thiếu yêu thương của mình.
Nhận diện tình trạng cần
báo động, chúng ta cũng cần hiểu rõ : sẽ không tránh được những bất công,
bất chính trong Giáo Hội, vì Giáo Hội là tập thể những con người bất toàn, tội
lỗi đi theo Đức Giêsu, nên sẽ có những bất đồng, bất mãn giữa những con người
thuộc về Giáo Hội. Đây chính là thách đố lớn lao, bởi vì không chịu đựng được
nhau, người ta sẽ bỏ nhau, và bỏ Giáo Hội ; bởi không hiệp thông, hiệp nhất
được với nhau, con cái trong nhà sẽ “chia đàn xẻ nghé”, bỏ cha mẹ, gia đình, biến nhau thành đối
thủ ; bởi không có bác ái, huynh đệ, tập thể nào rồi cũng phải tan hàng,
rã đám ; bởi không mang lấy huy hiệu Yêu Thương là dấu chỉ duy nhất để mọi
người nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Giêsu (Ga 13,35), chúng ta dễ lệch hướng,
lầm đường khi tách Giáo Hội khỏi Đức Giêsu, chiêu bài ăn khách và thời thượng.
Bị cám dỗ bởi chiêu bài
ăn khách và thời thượng này, chúng ta sẽ chẳng khác những anh hùng tử đạo đã bị
ép bước qua Thánh Giá, khi chúng ta trung thành, bởi từ chối Giáo Hội, nguyền rủa
Giáo Hội, lên án Giáo Hội và ly khai khỏi Giáo Hội là từ chối, nguyền rủa, lên
án, và tự tách mình ra khỏi Đức Giêsu ; là không chân nhận Đức Giêsu là Đấng
Cứu Độ, bởi chính Ngài đã khẳng định Giáo Hội là mầu nhiệm cứu độ, là Hiền Thê
yêu dấu, là Thân Thể mà Ngài là Đầu.
Vì thế, tử đạo mỗi ngày
trong lòng Giáo Hội bởi chính anh em mình là điều không thể tránh, khi ở giữa lằn
ranh của những con người yếu đuối, tội lụy, bất xứng trong Giáo Hội và đòi hỏi
phải yêu mến và phục vụ cả Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, vì Giáo Hội và Đức
Giêsu là một. Đây cũng là cảm nghiệm thiêng liêng của các thánh, và của phần
đông những tâm hồn tận hiến : các vị đã trải qua không ít những những đêm
tối đức tin, những trưa nắng sa mạc đức ái do chính Bề Trên và anh em mình, và
sự thánh thiện của các vị đã làm vinh danh Thiên Chúa, và mang lại lợi ích cho
Giáo Hội bằng đời sống xoá mình tử đạo, và kiên trì ở lại với Đức Giêsu trong Hội Thánh là Thân Thể mầu nhiệm của
Ngài.
Lậy Đức Giêsu, Đấng đã
lập và chọn Giáo Hội làm Hiền Thê yêu dấu, và hiến mình vì Giáo Hội, xin cho
chúng con nhận ra bổn phận “làm chứng” đầu tiên và quan trọng của người Kitô hữu là sống
chết với Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, dù không thiếu những hoàn cảnh bị hiểu
lầm, bị lãng quên, chịu thiệt thòi và đau khổ do chính Mẹ Giáo Hội. Và ngay
trong lòng Mẹ Giáo Hội, luôn dậy lên những cơn cám dỗ phản chứng, và thách đố
làm chứng niềm tin và tình yêu đối với Đức
Giêsu và Giáo Hội. Và như Chúa biết, làm Chứng Nhân hay Tử Đạo ở thời đại mới sẽ
không chỉ là chịu chém ngoài pháp trường hay bị đấu tố trước đình làng, nhưng
còn là âm thầm, câm lặng tử đạo hằng ngày, làm chứng hằng giờ trong chính ngôi
nhà Giáo Hội, ở giữa anh em mình Tình Yêu kiên định cho Chúa và Giáo Hội, mà
không chút nghi ngờ lời hứa của Chúa năm xưa với các thánh Tông Đồ : “Trên tảng đá này, Thầy xây Giáo Hội của
Thầy, và qủy hỏa nguc sẽ không làm gì nổi” (Mt 16,18).
Jorathe Nắng Tím