Pages - Menu

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT 3/12

Ngày Thế Giới Người Khuyết Tật năm nay, người viết muốn được chia sẻ với Bạn về thái độ của những người bình thường, khỏe mạnh trước những anh chị em không may mắn vì khuyết tật. Đây cũng là dịp nhìn lại chính mình, với những sai sót đã làm tổn thương không ít những anh chị em thiếu may mắn, qua thái độ thiếu trân trọng, không cảm thông và cái nhìn đôi khi diễu cợt, coi thường.
Không biết từ đâu và do nguyên nhân nào, một số không ít người trong đời thường có cái nhìn không mấy khác nhau về người khuyết tật : người khuyết tật bị nhìn như một thành phần thấp kém, một đám người xấu số, có khi như những người đã gây nhiều tội ác và đang phải đền trả. Chẳng thế mà đối với người khuyết tật, người ta dễ có thái độ khinh bỉ, xa lánh, ngao ngán, bực bội và thi thoảng mới chút ít thương hại, tội nghiệp. Xa lánh, khinh bỉ vì cho rằng  khuyết tật là do đã gây  nghiệp ác đâu đó ; ngao ngán, bực bội vì khuyết tật không có ích cho ai, nhưng suốt đời là gánh nặng của gia đình, xã hội ; riêng người có lòng tốt thì chép miệng thương hại, tội nghiệp khi nghĩ khuyết tật như thân phận hẩm hiu, số kiếp bị đọa đầy.
Não trạng tiêu cực về người khuyết tật trên đã đưa đến thái độ thiếu tôn trọng, cảm thông đã đành ; não trạng ấy còn làm cho cái nhìn của người khỏe mạnh, bình thường dễ trở nên tàn ác, phi nhân, làm tổn thương trầm trọng người khuyết tật. Viết điều này, bạn đọc có thể trách người viết đã vơ đũa cả nắm, khi bỏ quên những trái tim nhân ái suốt đời cống hiến cho hạnh phúc của người khuyết tật.
Đúng, bạn có lý, vì có thật những trái tim nhân ái trong những con người bằng xương bằng thịt ngày đêm tận tụy, hy sinh, quên mình trong các bệnh viện, trung tâm khuyết tật ; những tình yêu trên cả tuyệt vời đã được dâng hiến trọn vẹn cho anh chị em tật nguyền, bất hạnh ; những tâm hồn cao thượng dám nhìn thấy Mầu Nhiệm con người ở người anh em, chị em bại liệt, nằm ngồi xe lăn, ú ớ nửa tỉnh nửa mê, quờ quạng nửa sống nửa chết ; những tấm lòng quảng đại ngời sáng không ngại nhận làm người thân của mình người anh em khuyết tật, mà giá trị và ý nghiã đích thực của những bất hạnh trên thân xác của cuộc sống hôm nay sẽ chỉ có thể nắm bắt được ở một thế giới vĩnh hằng nào đó, phía sau thế giới này.
Nhưng khi viết lên nỗi đau của người khoẻ mạnh, bình thường gây ra cho đồng loại khuyết tật vì não trạng, và qua thái độ tiêu cực, người viết muốn nhìn thẳng vào nguy cơ của một ngày mai không còn mấy người cảm thông, yêu mến, tôn trọng và dám hy sinh phục vụ người khuyết tật, khi hôm nay, trong xã hội cực kỳ thực dụng và ích kỷ này, trẻ em trên đường đến trường không còn biết kính trọng người khuyết tật, nhưng sẵn sàng xô lấn, làm té người què cụt để dành lối đi ; ở đèn xanh đẻn đỏ, không còn người trẻ dám đưa tay dắt cụ già mù loà qua đường vì thẹn thùng, mắc cở với bạn bè ; trên xe buýt, người trẻ cũng đã đánh mất khả năng đứng dậy nhường chỗ cho người già tàn tật, người mẹ ẵm em bé bại não ; ngoài đường phố, một đám thiếu nhi vô tâm đang nhởn nhơ trêu ghẹo, chọc phá em bé tàn tật ngồi xe lăn. Đó là chưa kể những diễu cợt, khôi hài độc ác, dã man lấy đề tài từ tật nguyền khốn khổ, từ hình hài dị dạng của người khuyết tật đang co quắp, ngơ ngác, đờ đẫn rất đáng thương trước mặt đám trẻ không được giáo dục. Và ngay trong gia đình, người khuyết tật cũng thường xuyên bị anh chị em coi thường, bỏ quên, giấu diếm, vì sự có mặt, hay xuất hiện của thành viên xấu số này chỉ tăng thêm phần xỉ nhục cho người nhà trước bạn bè, bà con, khách khứa.       
Nếu não trạng xem người khuyết tật là người đáng bỏ đi, như nhà độc tài phát xít Hitler đã tìm cách tiêu diệt sạch sẽ những người khuyết tật để làm nhẹ gánh nặng của Đức Quốc Xã, nếu tuổi trẻ hôm nay trên quê hương chúng ta mất dần khả năng tôn trọng người khuyết tật, khi không còn coi họ là những con người có đầy đủ giá trị và quyền làm người như bất cứ con người nào nữa, thì tương lai của những  người khuyết tật sẽ đi về đâu, và số phận của họ sẽ ra sao ?
Vì thế, chúng ta có bổn phận ưu tư, nếu không muốn nói là lo lắng, và đặt vấn đề thái độ phải có đối với người khuyết tật một cách đứng đắn, và nghiêm chỉnh.
Để có thái độ đúng đắn, nghiã là thái độ tôn trọng, thân thiện, chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ đối với anh chị em khuyết tật, thiết tưởng chúng ta phải :
1.   Ý thức về giới hạn  con người của mình :
Ý thức giới hạn của con người, tức biết mình là một hữu thể luôn có giới hạn, không những bởi không gian, thời gian, mà còn bị giới hạn bởi vô số những nhân tố khác, và tình trạng khuyết tật là điển hình, khi không chỉ khuyết tật do gien di truyền, do tai hoạ thiên nhiên, mà còn do tai nạn tự mình hoặc người khác gây ra,  hoặc do lòng ganh ghét và hành vi bạo lực, do cẩu thả, vô trách nhiệm của người đáng lẽ phải nuôi nấng, chăm nom, cứu chữa… Vì thế, không ai có thể nắm chắc suốt đời sẽ không gặp tai họa, và chẳng ai dám nắm chăc tương lai an bình, thịnh vượng của mình như bàn tay nắm chặt. 
Nhờ ý thức mình có giới hạn, nghiã là bất cứ lúc nào, ở đâu, ai cũng có thể từ người bình thường, khỏe mạnh thành người khuyết tật, không bình thường, chúng ta sẽ có thái độ và cái nhìn nhân bản, nhân văn hơn đối với anh chị em khuyết tật. Và qua họ, qua thân xác tật nguyền, và cuộc sống vất vả, khó khăn, không ngừng  phải chiến đấu để vượt qua của họ, chúng ta nhận ra giới hạn của chính mình, giới hạn của con người và giới hạn của đời người ở mọi người để không rơi vào thái độ vô cảm, vô tâm làm tổn thương người kém may mắn.
2.   Ý thức tính dễ bị tổn thương :
Con người có trí khôn để tư duy, nhưng cũng có trái tim để rung cảm. Vì rung cảm, nên  dễ bị tổn thương. Biết mình là con người nhạy cảm vì khao khát yêu và được yêu, nên chúng ta sẽ biết mình phải làm gì trước người khác cũng nhạy cảm, và dễ bị tổn thương như ta.
Một nền giáo dục tình cảm luôn được coi là cần thiết đối với thế hệ tương lai của một dân tộc, bởi nhờ nền giáo dục tình cảm đúng mức, người trẻ hôm nay sẽ không là những người lớn vô cảm, vô nhân đạo ở ngày mai, khi lạnh lùng và không chút ngượng ngùng làm tổn thương những người yếu kém, bất hạnh hơn mình, như những em học sinh hôm nay vì không chút ý thức về tính dễ bị tổn thương đang cười đuà, diễu cợt cách lố bịch, và vô văn hoá  trên tật nguyền của  những bạn khuyết tật cùng trang lứa.
Thực vậy, chỉ với ý thức tính dễ bị tổn thương của con người, chúng ta mới có thể hiểu nỗi đau bị tổn thương của người khuyết tật, và hết sức tránh những thái độ vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm làm anh chị em khuyết tật bị trầm trọng tổn thương .
3.   Ý thức con người là một mầu nhiệm :
Nhiều người cũng đã cố gắng cắt nghiã con người và đời sống con người như một trò chơi ngẫu nhiên, nghiã là không có gì linh thiêng, mầu nhiệm nơi con người, nhưng tất cả cố gắng của họ đều đã thất bại, bởi chỉ đứng trước cái chết và đau khổ thôi, người ta đã thấy mình bất lực trước những gì vượt quá hiểu biết của con người, mà chúng ta gọi là mầu nhiệm.
Vì con người có hồn, với sinh hoạt thiêng liêng, đây là chân lý không ai có thể chối cãi, nếu lương thiện với chính mình, và không bị áp lực khách quan, nên trước những bất toàn, khiếm khuyết, như tình trạng khuyết tật, người ta phải chân nhận giới hạn hiểu biết của mình trước mầu nhiệm của con người, mầu nhiệm mà mỗi người đang nắm giữ và được mời gọi trân qúy, tôn trọng.
Bởi có trân qúy mầu nhiệm con người, chúng ta mới có thể vượt qua những khiếm khuyết của thân xác, những thiếu sót của tinh thần, những yếu đuối của thân phận ; có tôn trọng con người là một mầu nhiệm, chúng ta mới có thể đón nhận với chia sẻ, cảm thông của tình người những khuyết điểm, khuyết tật trên thân xác và tinh thần của anh chị em ; mới có thể yêu thương họ với niềm hy vọng ở  mầu nhiệm sẽ được mặc khải sau này ; mới hết lòng hy sinh cho họ với niềm tin sẽ được cùng họ chia sẻ hạnh phúc khi mầu nhiệm khổ đau, mầu nhiệm của cuộc sống tật nguyền, mầu nhiệm của yếu đuối, thất bại, cùng với mầu nhiệm của sự chết được toả sáng trong ý nghĩa và giá trị tuyệt vời khi mọi sự được thực sự hoàn tất.
Đang khi chia sẻ với Bạn, người viết chợt nhớ câu chuyện trong Kinh Thánh của Kitô giáo liên quan đến mầu nhiệm khổ đau của con người : Hôm ấy, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thưở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người : Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ? Đức Giêsu trả lời : Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta (Ga 9, 1-3).
Trả lời như thế, Đức Giêsu đã khẳng định : khuyết tật mù loà từ thưở mới sinh của người mù này hoàn toàn không do tội lỗi, sai phạm, nghiệp chướng của ai. Và nếu không do tội lỗi, ác nghiệp, thì chỉ có thể là một mầu nhiệm mà con người sẽ hiểu được sau này, khi ra khỏi thế giới thực nghiệm cân - đo - đong - đếm. Ở đây, Đức Giêsu dùng kiểu nói : để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta để nói lên giá trị tuyệt vời và ý nghiã thánh thiêng của mầu nhiệm con người, chứ không như một số người cố tình cắt nghĩa : Thiên Chúa thật ác độc đã tìm vinh quang của mình trên đau khổ, bất hạnh của loài người do mình dựng nên.
Với những chia sẻ chân thành nhân Ngày Thế Gìới Người Khuyết Tật, người viết xin được kính gửi đến tất cả các Bạn khuyết tật lòng trân qúy và yêu mến. Rất trân qúy các Bạn, vì các Bạn cho chúng tôi thấy giới hạn của phận làm người, và biên giới của khả năng trong cuộc sống. Rất yêu mến các Bạn, vì chính các Bạn đang đem lại muà xuân cho nhân loại bằng làm chứng Mầu Nhiệm Con Người qua tháng ngày khuyết tật nhiều thử thách, đau đớn, vất vả, nhục nhằn.
Jorathe Nắng Tím