Nhiều
người tự biện minh cho những hành vi không lương thiện trong việc làm ăn của
mình bằng phương châm “Thương trường là chiến trường”. Và tự cho mình cái quyền
hạ gục đối phương bằng bất cứ phương tiện nào, dù phi nhân, phi đạo đức đến
đâu. Đây là hiện tượng phá hoại tận gốc rễ, nền tảng luân lý, đạo đức, nhưng rất
tiếc, hiện tượng này ngày càng trở nên bình thường và được coi là chuyện tự
nhiên, đương nhiên, không thể làm khác nếu muốn tồn tại, thành công.
Thực
ra, chúng ta không chỉ lo lắng trước tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, cạnh
tranh không lương thiện trong kinh doanh, thương mại, mà còn lo sợ trước tình
trạng cạnh tranh “bá đạo” trong mọi sinh hoạt của đời sống. Do ảnh hưởng chủ
nghiã thực dụng, người ta dễ dàng nghĩ đến chuyện truy diệt những người cùng
buôn bán một mặt hàng, cùng làm một ngành nghề, cùng theo đuổi một chủ trương,
đường hướng, để tiến đến độc quyền thao túng thị trường, độc quyền khống chế
sinh hoạt xã hội. Vì thế, đừng tưởng những người cùng chung một nghề, cùng thực
hiện một công việc luôn biết đoàn kết, tương thân tương trợ, trái lại, chính những
người chung nghề như ta lại tìm cách giết ta bạo tay hơn người khác, những người
cùng đường hướng hoạt động như ta lại là đối thủ nguy hiểm nhất của ta. Và qủa
thực, lòng người qúa khó dò, khó đo !
Thực
tế làm chứng điều này, khi báo chí đăng tin những đại gia dùng mọi thủ đọan đê
hèn đốn hạ nhau, như làm tờ rơi vu khống,
bôi bác, mạ lỵ, hoặc như tiệm phở kia đã bị bà chủ quán phở đối diện gài người bỏ
muối vào nồi phở, bỏ thuốc vào đồ ăn. Kết qủa là khách hàng bị đau bụng, và tất
nhiên nhà hàng mất khách, phải đóng cửa, đồng thời bị truy tố. Cũng vậy, rất
nhiều công ty đã phá sản vì bị công ty đối thủ cạnh tranh bằng gài người ăn cắp
thông tin, gieo tin đồn, gây chia rẽ nội bộ, thúc đẩy, mua chuộc nhân viên chống
đối giám đốc, đình công, bãi thị. Cùng một cách thức, đời sống khu phố, thôn
xóm thường xuyên xáo trộn, mất đoàn kết, vì những
màn hạ uy tín, vùi dập danh dự, đấu đá, tranh chấp giữa hàng xóm láng diềng, do cạnh tranh không lành
mạnh, bằng những phương tiện triệt hạ nhau rất
xấu xa, thô bỉ.
Nhiều
người nghĩ rằng : đã cạnh trạnh thì không cần đạo đức, cũng như đã vào cuộc
chiến “thua được, sống chết”, thì bất cứ vũ khí nào cũng được tự do sử dụng.
Đàng khác, một khi đã gọi là lâm chiến, lâm trận thì không độc ác không được,
không dã man không xong, không tàn bạo không chiến thắng, nên mọi thủ đọan ma
mãnh, mọi mưu kế thâm độc, mọi kế hoạch gian xảo, mọi chiêu trò qủy quyệt đều
coi như được phép, và mọi phương tiện, cách thế dù độc địa, tàn ác đến đâu cũng
không làm người ta rùng mình, nương tay, chùn bước. Và do ý nghĩ duy nhất khi cạnh
tranh là phải chiến thắng, phải thành công, phải hạ cho bằng được đối phương, bởi
đối phương sống, thì ta chết, nên ta muốn sống, bằng mọi giá ta phải tiêu diệt,
đốn gục đối phương.
Như
thế sẽ không còn đạo đức trong cạnh tranh, khi thắng thua là tiêu chí, và hai
bên không thể sống chung dưới một bầu trời, hai đối thủ không thể thở chung một
làn khí, hai kẻ thù không được chiếu sáng chung bởi một mặt trời.
Nhưng tại sao cạnh tranh lại phi đạo đức, và không
lành mạnh ?
Thưa
vì người ta lầm tưởng cạnh tranh là chiến tranh, sai lầm khi đồng hoá cạnh
tranh với chiến tranh, và ảo tưởng khoác cho cạnh tranh áo giáp của chiến
tranh, trang bị cho cạnh tranh vũ khí chiến tranh, và ép sinh hoạt cạnh tranh vốn
bình thường, lành mạnh trở thành cuộc chiến tang thương, đẫm máu.
Thực
vậy, cạnh tranh không là chiến tranh, vì cạnh tranh là cố gắng vươn lên, là phấn
đấu để vươn cao, vươn xa, vượt trội nhờ ý chí, khả năng, nghị lực. Trí thông
minh, óc sáng tạo, tinh thần qủa cảm, hy sinh và việc làm hữu hiệu, có chất lượng
là điều kiện, phương tiện, khí giới để cạnh tranh thành công. Giữa nhiều cửa tiệm
buôn bán, giữa nhiều xí nghiệp sản xuất, giữa nhiều công ty dịch vụ, người ta đều
có quyền và phải nỗ lực cạnh tranh, vì đó là luật tự nhiên, luật xã hội, luật
lao động, khi ai nấy đều muốn sản phẩm của mình tốt hơn sản phẩm của người
khác, dịch vụ của mình làm vui lòng khách hàng hơn dịch vụ của công ty bạn. Có như thế con
người mới tiến bộ, kinh tế mới phát triển, quốc gia mới phú cường.
Khi
hiểu đúng cạnh tranh là cuộc thi đua lành mạnh, nghiã là mọi người đều được kêu
gọi cố gắng để thành công hơn những người khác, xí nghiệp được nhắc nhở sản xuất
sản phẩm có chất lượng hơn các xí nghiệp bạn với tinh thần cầu tiến, và lương
thiện, cạnh tranh sẽ không còn là cuộc chiến tranh tương tàn, khi anh em, bạn
bè, đồng nghiệp tìm cách đánh sụp cơ đồ, sự nghiệp của nhau cách tàn nhẫn, bằng
những thủ đọan đê tiện ; cạnh tranh sẽ không bị xếp vào danh sách cuộc chiến không đội trời chung giữa những người làm
chung một ngành nghề, chủ trương chung một đường lối, khi không ngại xuống tay
làm “tan gia bại sản” của nhau ; cạnh tranh sẽ không cho phép chiến tranh
can thiệp với những chiến thuật, chiến lược tàn bạo, những vũ khí giết người, bởi
chiến tranh không là cạnh tranh, khi chiến tranh đòi máu xương, thì cạnh tranh
cậy nhờ trí tuệ, tìm đến ý chí phấn đấu,
hy sinh và dựa vào tinh thần hăng say làm việc.
Tóm
lại, cạnh tranh là đòi hỏi tốt đẹp, điều kiện cần thiết, và việc làm chính đáng
trong cuộc sống mà ai cũng phải cố gắng thực hiện, nếu muốn thành công hơn người.
Đây là cuộc thi đua, phấn đấu đúng nghiã nhân văn cao qúy, khi đem hết khả
năng, tài trí và nỗ lực của mình để xây dựng tương lai bản thân, và đóng góp
vào sự phát triển của quê hương, đất nước, cũng như hạnh phúc của cả nhân loại. Cạnh tranh khi ấy
sẽ không vẩn đục ý nghĩ thù hận, ganh ghét, không vướng víu thủ đọan phi nhân,
không tanh dơ mùi máu xương bạo lực, không nhơ nhớp những cáo trạng vu khống
gian ác, hồ đồ, chỉ vì muốn diệt cho bằng được đối phương để thành đạt, phải bước lên xác người khác để tiến
thân khi đồng hoá cạnh tranh với chiến tranh và hăng say lao mình vào những cạnh
tranh bất chính, không lành mạnh.
Một
xã hội mà cạnh tranh không lành mạnh, khi người ta lầm tưởng cạnh tranh là chiến
tranh, thi đua là đấu đá, phấn đấu là hạ gục, tiêu diệt, thì diệt vong sẽ là
tai hoạ không thể tránh. Vì thế, để con người sống bình an, xã hội chan hòa hạnh
phúc, chúng ta phải cùng nhau phát huy nền văn hoá cạnh tranh lành mạnh, để đẩy
lui não trạng “thương trường là chiến trường”, não trạng đã làm rạn nứt nền
móng nhân ái, lương thiện của nhiều thế hệ, và hệ lụy của hiện tượng rạn nứt ấy
vẫn còn rất nặng nề trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Ước
mong thế hệ trẻ hôm nay ý thức giá trị và ý nghiã đích thực của văn hoá cạnh
tranh lành mạnh để cuộc sống ngày càng thăng tiến cho hạnh phúc của mọi người.
Jorathe
Nắng Tím