Không cần cắt nghiã dài dòng, cũng chẳng cần ngọn nguồn
lý giải, mọi người đều hiểu thế nào là trung thực, chân chất và thế nào là xảo
trá, lưu manh ; thế nào là lòng ngay, tâm sáng, và thế nào là “lòng
lang dạ thú” ; thế nào là tâm tốt, tâm lành, và thế nào là ác
tâm, dã tâm. Hai chữ lương thiện bao gồm hầu như tất cả tinh hoa của con người,
cao qúy của nhân cách, tốt đẹp của nhân phẩm. Hai chữ lương thiện nói lên giá
trị tuyệt vời ở một con người, đức tính sáng ngời của một cuộc đời, và nét đẹp không bao giờ
tàn phai, héo úa của một đời người đáng sống.
Vì thế, lương thiện không là một đức tính nhỏ, phụ thuộc,
như một phụ tùng có cũng được, không có cũng không sao, nhưng là đức tính quyết
định, vì lương thiện là nền tảng của đời sống làm người, nguyên tắc căn bản của
luật sống, rường cột của sinh hoạt luân lý, đạo đức. Thiếu lương thiện, người
ta không thể sống xứng đáng đời làm người ; không lương thiện, tất cả sinh
hoạt của đời sống sẽ trở thành phi nhân, phi đạo đức, và người ta không thể thực
hiện bất cứ hành vi nhân nghiã, lý tưởng nhân đạo, đường lối nhân ái nào.
Bởi lương thiện đòi tuyệt đối tôn trọng sự thật của bản
thân, nên người không lương thiện sẽ kiêu căng, tự cao tự đại, huyênh hoang thổi
phồng những điều tốt đẹp họ không có, và ém nhẹm, giấu diếm, ngụy trang những
điều xấu ở họ ; bởi lương thiện là công bình và khách quan nhìn nhận sự thật
của người khác, nên thiếu lương thiện, người ta sẽ không nhận điều hay việc tốt
của người, mà chỉ xâm xoi nhìn những thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm, mảng tối
cuộc đời của người cùng sống. Kết qủa là sự thật sẽ thay đổi theo cảm tính và
nhiệt độ ích kỷ, gian ác của người thiếu lương thiện và sẽ chẳng có sự thật nào
tồn tại, vì không được tôn trọng và nhìn nhận cách khách quan, công bình.
Bởi lương thiện là tuyệt đối tôn trọng quyền sống và mọi
quyền lợi khác của con người, nên sự sống, đời sống của người khác sẽ chỉ được
coi như phương tiện phục vụ tham vọng bất chính và đòi hỏi thuộc bản năng của
người thiếu lương thiện ; bởi lương thiện đòi mọi người “không
làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình”,
nên khi làm ngược lại đòi hỏi của lương thiện, người ta xâm phạm, làm tổn
thương trầm trọng đồng loại bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức ; bởi
lương thiện là dấu ấn của người có trí sáng
nhân đạo, có tâm lành nhân ái, nên khi ánh sáng lương thiện lịm tắt, sẽ
không chỉ nhân bản, nhân văn, nhân ái, nhân đạo tắt theo, mà cả nhân loại phải
chìm trong biển khổ.
Dìm nhau trong biển khổ khi thiếu lương thiện trong lời
nói, để trắng trợn tố cáo oan uổng, trân tráo làm chứng gian, hồ đồ tung tin đồn
thất thiệt, ngang ngược thêu dệt những chuyện tầy trời nhằm hạ danh dự, uy tín
của người khác ; làm chìm cuộc đời
hạnh phúc của nhau trong biển khổ nhục nhằn, khi không chút lương thiện
trong ý nghĩ đen tối, nhơ bẩn, bất công, và mưu đồ, thủ đọan đốn gục hiện tại
bình an của người khác ; nhận chìm tương lai của nhau trong biển chết, khi
bất cần lương thiện, bất chấp tiếng nói của lương tri, và nhẫn tâm thực hiện những
hành động phi nhân, hành vi dã thú trên sự sống con người, mà không chút áy
náy, hối hận.
Tóm lại, khi không còn lương thiện, người ta sẽ tư duy
như người không lý trí, phát ngôn như người không trái tim, và hành động như
người không nhân tính, bởi một lý do duy nhất : đã làm người thì phải có
lòng nhân, như bản vị của nhân tính, phải có lòng tốt như căn bản của loài người,
phải trung thực như nền tảng của tương giao nhân vị, mà chúng ta gọi tắt là “tính
bản thiện”, hay bản chất lương thiện.
Thực vậy, nếu các đức tính nhân văn, kể cả nhiều nhân đức
siêu nhiên lệ thuộc tính lương thiện, thì lương thiện đòi phải có nền tảng công
bằng, bởi không công bằng, lương thiện thiếu chân đứng, bệ phóng xa hơn trong
sinh hoạt.
Công bằng là ý
thức luân lý, là đòi hỏi căn bản của đạo đức. Ngay cả người có lòng bác ái, vị
tha, xả thân cho đời cũng phải quy chiếu mọi sinh hoạt trên công bằng, và quan
tâm để công bằng không bị bỏ quên, bởi có khi yêu người “xa
lạ” thái quá, mà bỏ quên bổn phận công bằng phải yêu thương
gia đình, con cái; có khi đêm ngày vất vả ngược xuôi chạy việc cho “bàn
dân thiên hạ”, mà quên nghiã vụ công bằng phải săn sóc, phụng dưỡng
cha mẹ già bệnh tật ; có khi vui vẻ đổ hết tiền vào công việc từ thiện ở tận
Phi Châu xa tít tắp, nhưng lại sao lãng công bằng với gia đình, khi bực bội, gắt
gỏng vì chuyện đóng học phí cho con, đi mua máy sưởi vì đông về, đàn con co
dúm, run rẩy vì lạnh.
Vì thế, thiếu công bằng, lương thiện không tồn tại được
lâu, vì bước đi của lương thiện chuyệch choạc, chênh vênh, chếnh choáng, khập
khiễng, mất thăng bằng. Phải nhận định và đánh giá mọi ý nghĩ, lời nói, việc
làm trên nền tảng công bằng, thì lương thiện mới vững chắc và tiến xa hơn.
Nhưng tại sao lương thiện phải tiến xa hơn, và phải tiến
đến đâu ?
Thưa vì lương thiện là bản chất của con người, như cha
ông ta vẫn nói : “Nhân chi sơ, tính bản thiện” -
con người sinh ra đều tốt lành. Điều này nói lên ảnh hưởng xấu của môi trường sống,
cũng như sức mạnh cám dỗ làm điều xấu ở mỗi người, như ngài Phaolô, vị thánh lớn
của Thiên Chúa giáo đã viết : “Sự thiện tôi muốn
thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”
(Rm 7,19).
Do đó, để lương thiện không bị sóng thần sự dữ và sự xấu
trong cuộc sống tấn công, khi lương thiện
chỉ ở mức “vừa phải, đúng mức” khi đặt trên
nền tảng công bằng là “không làm cho người khác điều mình không muốn người khác
làm cho mình”, lương thiện sẽ tự nguyện đi xa hơn, lên cao hơn bằng
thêm một chân nữa là Bác Ái bên cạnh chân Công Bằng, khi “làm
cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình”.
Đứng trên một chân Công Bằng, chúng ta chỉ “lương thiện” nửa
phần, khi không làm điều ác, điều xấu cho người khác, nhưng lương thiện không
chỉ là “không vi phạm, không làm tổn thương, không gây thiệt hại”,
mà còn là “làm điều tốt, xây dựng đẹp hơn, làm cho hạnh phúc hơn”.
Nếu Công Bằng dừng lại ở ranh giới luật lệ, quy tắc bình thường để đảm bảo trật
tự của sinh hoạt đời thường, thì Bác Ái
tiến xa hơn, đi vào chính con người,
khi chia sẻ, đồng hành với con người, để lương thiện được thi hành hết chức năng
và bản chất của nó.
Vâng, một nền văn hoá lương thiện chính là nền văn hoá Công
Bằng và Bác Ái. Có công bằng, con người sống với nhau mà không sợ bị ăn hiếp, bắt
nạt, bóc lột, lạm dụng, đàn áp, cáo gian, vu khống, kết án oan uổng ; có
bác ái, con người không những không còn sợ, nhưng bình an, hạnh phúc vì được cảm
thông, chia sẻ, yêu thương, bao bọc, nâng đỡ, dắt dìu. Có lương thiện trong các
tương quan, người không còn là lang sói, dã thú của nhau, nhưng liên đới là niềm
vui, liên quan nỗi phấn khởi, liên hệ ngập ủi an, liên lạc nguồn hạnh phúc.
Ước mong nền văn hoá lương thiện ngày càng nẩy mầm, lớn
lên, lan toả trên quê hương chúng ta, nơi mà người lương thiện bị coi là lạc hậu,
“thần
kinh” ; nơi mà nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt bị coi là “không
bình thường, có vấn đề” ; nơi mà không ai còn dám có sáng kiến và can đảm
làm việc thiện, vì bị nghi ngờ là “có ý đồ, âm mưu” ;
nơi mà cứu một em bé ba tuổi, nhem nhuốc, một mình hoảng loạn, khóc thét giữa
đường phố, tưởng bị lạc cha mẹ, nào ngờ em chỉ là “cò
mồi, bẫy nhử” để cha mẹ em làm tiền người lương thiện bị chụp
mũ : bắt cóc trẻ em ; nơi mà cá thịt đã thối rữa chỉ trong mấy phút
trở thành tươi ngon nhờ ngâm trong hóa chất độc hại, hoặc chỉ cần vài giọt “thần
kỳ” là đã có ly càphê thơm ngon; nơi mà không có gì thật,
từ hạt gạo đến viên thuốc, từ cơm áo qua ngày đến tình yêu đời đời, vĩnh cửu ;
nơi mà ai cũng sợ “tai bay vạ gió” không phải do
thiên nhiên, nhưng từ những con người không lương thiện ; nơi mà ngay
trong gia đình, hàng xóm láng diềng bên cạnh, đồng nghiệp trong văn phòng đối
diện, bạn học ngồi hàng ghế trước sau, tất cả đều có thể bất chợt trở thành người
không lương thiện, vì không còn mấy người
giữ được ý thức công bằng, và bác ái trước cám dỗ của danh vọng, quyền
thế, tiền bạc.
Tuy nhiên, bên cạnh những mảng tối của bức tranh quê
hương đó, vẫn còn nhiều mảng sáng hy vọng, Bạn ạ ! Và ngay hôm nay, cũng
trên quê hương yêu dấu này, chúng ta tiếp tục hân hoan chen vai, sát cánh lên
đường xây dựng “Đất Người” Lương Thiện.
Jorathe Nắng Tím