Pages - Menu

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Hoài Nghi và Đức Tin

     Được sinh ra trong gia đình công giáo, lớn lên trong xứ đạo, và hồn nhiên giữ đạo theo truyền thống đến ngày phải xa nhà, xa xứ, bôn ba, phiêu bạt, tôi đã không có kinh nghiệm về tình trạng giằng co căng thẳng giữa hoài nghi và Đức tin nơi các anh em vô thần mà tôi quen biết, và sự biến đổi kỳ diệu khi anh em chọn theo Đức Giêsu.
    Hoài nghi là tính cách của con người. Vì có lý trí để nhận thức, tư duy và ý chí để chọn lựa, nên bất cứ sự gì, hiện tượng, hay biến cố nào đều được con người đặt thành vấn đề và  truy nguyên, phân định đúng sai, thật giả, giá trị nặng nhẹ. Ngay từ bình minh của loài người, tổ tiên chúng ta đã ngỡ ngàng trước thiên nhiên mà các ngài không hiểu gì về quy luật tuần hoàn. Và trước biến đổi của thời tiết, chuyển vận của hành tinh, vũ trụ, các ngài đã đi từ sừng sốt này sang sửng sốt khác, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia, rồi vất vả vượt qua sợ hãi này đến sợ hãi kia, từ hoang mang này đến hoang mang nọ, do nhiều đe dọa, và vô số nghi nan.
     Do không hiểu, nên sợ hãi, nghi nan, mà tổ tiên chúng ta đã biến sức mạnh thiên nhiên thành những vị thần và suy phục, sùng bái. Đó là cách giải thích nguồn gốc tôn giáo được đa số đồng thuận, tuy không phải là giải thích đúng toàn phần, vì vô tình hay cố ý bỏ quên tôn giáo tính của con người.
    Ngoài những hoài nghi trước thiên nhiên, con người còn cảm thấy áp lực vô hình phải đối mặt với nghi vấn về sự có mặt của mình trong cuộc đời, vận mệnh, ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, lý do hiện hữu của tai ương, đau khổ, cả cái phi lý đến phẫn nộ của sự thật đau lòng thường thấy, đó là người hiền chẳng gặp may, mà kẻ gian ác thì phúc lộc, công danh xếp dài từ cửa, chưa kể chuyện buồn “làm người thì phải chết”, và chuỗi dài hệ quả, mà chẳng người sống nào được biết.
    Phần đông bạn bè vô thần của tôi đã gặp Thiên Chúa trong tình trạng hoài nghi này, sau khi đã vận dụng mọi khả năng để có được giải đáp thỏa đáng. Khi chia sẻ về “duyên lành” và hành trình gặp gỡ Đức Giêsu, các bạn ấy đều chung những cảm nghiệm:
    Cảm nghiệm Thiên Chúa từ rất lâu đã có mặt cách sống động, và can thiệp cách tích cực trong đời sống anh em.
  Cảm nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu là một ơn gọi đặc biệt và độc đáo, riêng tư. Thiên  Chúa không theo quy tắc, quy luật hay quy trình chung, áp dụng cho mọi người, nhưng làm theo sáng kiến bất ngờ và xem ra chỉ dành riêng cho tương quan giữa một mình Ngài và người ấy.
    Cảm nghiệm gặp Đức Giêsu là đích tới đã được Thiên Chúa quan phòng cầm tay dẫn dắt không chỉ từ khi lọt lòng mẹ, mà từ nhiều đời cha ông trước đó. Điều này
có nghĩa việc gia nhập Giáo Hội không được hiểu như hành vi phản bội, chối bỏ quãng đời trước đó với truyền thống gia tộc, giáo dục gia đình, đặc biệt các giá trị nhận được nơi tôn giáo cũ. Trái lại, tất cả đều mang dấu ấn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ nhiệm lạ với Đức Giêsu.
    Nhưng cảm nghiệm gây ấn tượng nhất, đó là những nghi nan, nghi vấn, nghi hoặc, nghi ngờ, nghi ngại có trước đó đã được biến đổi trong Đức tin, với Đức tin và nhờ Đức tin, khi anh em gặp Đức Giêsu.
     Điều này không có nghĩa tất cả hoài nghi phút chốc biến mất, và nhường chỗ cho xác quyết kiên định; càng không thể ảo tưởng gặp gỡ Đức Giêsu là không còn vấn đề, không còn nghi nan, do dự. Trái lại, khi cảm nghiệm hoài nghi được biến đổi thành Đức Tin trong Đức Giêsu, người anh em của chúng ta muốn chia sẻ ơn hiểu biết nhận được một cách kín đáo, nhẹ nhàng từ Chúa Thánh Thần khi tín thác đi theo Đức Giêsu, và phó thác mọi hoài nghi dưới ánh sáng của Tin Mừng. Chính lúc phó thác là khi hoài nghi được Lời Thiên Chúa giải mã; chính lúc ngoan ngoãn lắng nghe Tin Mừng là khi Tin Mừng khai đường mở lối những nghi nan. Đây là kinh nghiệm thiêng liêng mà chỉ người trong cuộc mới cảm được sự phong phú của cuộc biến đổi trong Đức Tin.
     Nhờ được biến đổi, anh em phấn khởi khi thấy những hoài nghi trước đây nay trở thành những nấc thang của cầu thang Đức Tin; những nghi vấn về đời này đời sau trước kia nay làm vững mạnh những bước chân trên đường sống đạo; những nghi hoặc có lúc đã là nguyên nhân của bất mãn, nổi loạn trước đó nay trở thành sức mạnh nội tâm nâng đỡ những bước chân đồng hành với anh em ; những nghi ngại của ngày trước nay biến thành niềm xác tín cho những chọn lựa hy sinh, quên mình khi phục vụ tha nhân.
     Không ai trong anh em đã phủ nhận một biến đổi lạ lùng, một tan biến thiêng liêng như giọt nước được hoà tan trong ly rượu, như giòng suối nhỏ được tan biến vào đại dương. Và trong ơn Thánh Tẩy, anh em cảm nghiệm sự biến đổi siêu nhiên và thiết thực trong Đức Giêsu.
    Như thế, hoài nghi không đẩy ta xa Chúa, nhưng giúp ta tìm kiếm Chúa; không đặt ta đối đầu với Chúa, nhưng đi cùng chiều với Chúa; không ngăn cách ta khỏi Chúa, nhưng đưa ta đến gần Chúa; không cản trở chân ta đi theo Chúa, nhưng thúc đẩy ta theo kịp bước chân Ngài, bởi nghi nan là công đoạn cần thiết của tiến trình tư duy và cho mọi chọn lựa.
    Vì thế, một Đức tin có chiều sâu và trưởng thành phải được tôi luyện trong thử thách, mà hoài nghi là thử thách nặng nề và thách đố rướm máu nhất. Các thánh gọi thử thách này là đêm tối Đức Tin, ở đó các ngài chịu thử thách khi hoài nghi về cả sự hiện hữu và lòng thương xót của Thiên Chúa, là đối tượng của niềm tin qua kinh nghiệm từ hoài nghi đến với Chúa của anh em vô thần hoặc từ các tôn giáo khác, và kinh nghiệm đêm tối hoài nghi của Đức Tin nơi các Thánh là những bạn hữu thân tín, tri âm tri kỷ của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng: hoài nghi không rời bỏ thân phận người, và trong đời sống Đức Tin, cho dù biết Chúa lâu năm, cho dù sống chết với Chúa vẫn không tránh khỏi trăm nỗi hoài nghi.
    Giuđa, môn đệ, sống gần kề và biết rõ Đức Giêsu, cũng đã phản bội Thầy, và tự hủy diệt vì không vượt qua được cơn thử thách của hoài nghi. Khác Giuđa, người trộm lành chịu đóng đinh bên phải Đức Giêsu ở giây phút cuối đời đã vượt qua hoài nghi để tin con người cùng chịu đóng đinh với mình hoàn toàn vô tội và là Con Thiên Chúa. Anh đã nghi nan, nhưng đã dám để hoài nghi được trở thành Đức Tin khi tha thiết khẩn nài: “Lậy Đức Giêsu, khi vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi !” (Lc 23,42).
     Xin Chúa cho chúng con bình an trong hoài nghi và tín thác nơi Chúa mọi hoài nghi trong cuộc đời, để tất cả được trở thành những viên đá góp phần xây dựng niềm tin của chúng con nơi một mình Chúa.

Jorathe Nắng Tím

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 TN, Năm C (Tiệc cưới Cana)


Không phải ngẫu nhiên Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên ở Cana trong khung cảnh tiệc cưới.
Như chúng ta biết, tiệc cưới là cơ hội diễn tả niềm vui của mọi người trước giao ước mới vừa được ký kết giữa hai người nam nữ cho một gia đình mới. Đức Giêsu đã cố ý và tế nhị chọn bầu khí hân hoan, vui mừng của tiệc cưới này để nói lên giao ước giữa Thiên Chúa với con người.
Quả thực, đây là một đám cưới lớn, bằng chứng là “trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” ( Ga 2, 1-2). Phải lớn mới dám mời toàn bộ các môn đệ đi theo Đức Giêsu, vì con số không nhỏ; đàng khác, gia chủ cũng phải giầu và quảng đại, bởi cho đến lúc bấy giờ, chưa mấy người tin Đức Giêsu là ngôn sứ, nói chi đến chuyện tin Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa, nên việc mời Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài thực là một nghĩa cử đáng phục và đặc biệt.
Sự cố hết rượu giữa bữa tiệc có thể cắt nghĩa một phần do gia chủ đã không lường trước con số các môn đệ của Đức Giêsu bất ngờ vượt trội ngoài dự đoán. Nhưng dù gì thì đám cưới cũng rơi vào tình trạng bế tắc vì hết rượu trong đường tơ kẽ tóc. Và nếu không có phép lạ thì hai họ chẳng còn mặt mũi nào nhìn nhau, vì mắc cở với quan khách và mọi người.
Rất may, Đức Maria, mẹ Đức Giêsu đã kịp thời can thiệp để  “sáu chum nước dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước” biến thành rượu ngon (Ga 2,6).
Thật bất ngờ, giữa tiệc và ngay lúc bế tắc vì hết rượu, tân lang lại được tiếng chơi trội hơn thiên hạ, khi người quản tiệc vừa trách nhẹ vừa khen: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước và khi khách ngà ngà thì mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2, 10).
Trong phép lạ, vai trò và sự can thiệp của Đức Maria đã rất quan trọng, bởi nếu không có Đức Maria thì chắc chắn Đức Giêsu đã không làm phép lạ hôm ấy. 
Chúng ta nhận thấy ở Đức Maria những điểm sau:
1.     Đức Maria làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người trong tư cách là Mẹ.
Khi nói với Đức Giêsu : “Họ hết rượu rồi”, Đức Maria đã nói với Đức Giêsu trong tư thế và bằng ngôn từ của người mẹ. Ngài cũng nói với tình yêu và niềm tin tưởng của một người mẹ dành cho con mình. Vì thế, đã không có chút khó khăn hay do dự khi ngài trở xuống gặp gia nhân và tự tin bảo họ : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”( Ga 2, 5).
Nói với gia nhân, Đức Maria cũng giữ cùng thái độ ung dung và cung cách yêu thương của người mẹ, như với Đức Giêsu, vì ngài thực sự là Mẹ của cả hai : mẹ Đức Giêsu và mẹ nhân loại.
             2.     Đức Maria làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người khi làm đầy nỗi thiếu thốn của con người bằng kho tàng vô cùng phong phú của Thiên Chúa:
Đức Maria, từ khi biết không còn rượu đã không nói gì, cũng không kêu ca, xin xỏ gì. Mẹ chỉ trình bầy với Đức Giêsu tình cảnh bế tắc của gia chủ, và tin tưởng ở sự can thiệp của con mình. Đó chính là sự thinh lặng của Đức Tin, sự đằm thắm của Đức Ái và sự dịu dàng của Đức Trông Cậy. Tất cả đều hiện diện nơi Mẹ, và Mẹ đã Hôm nay, trong chúa nhật thứ hai mùa thường niên, ngay sau chúa nhật mừng phép rửa của Đức Giêsu, Giáo Hội đã chọn Tin Mừng tiệc cưới Cana, ở đó vai trò trung gian của Đức Maria nổi bật cách rất đặc biệt. Cũng như Đức Giêsu đã không ngẫu nhiên chọn tiệc cưới ở Cana để làm phép lạ đầu tiên hầu các môn đệ tin Ngài, Giáo Hội cũng không ngẫu nhiên khi chọn trình thuật tiệc cưới Cana, để tuyên xưng vai trò làm Mẹ của Thiên Chúa trung gian giữa Thiên Chúa và loài người của Đức Maria. 
Tóm lại, là Đấng Trung Gian thần thế trước Thiên Chúa, Đức Maria cùng lúc là Đấng Bầu Cử rất nhân hậu của con cái loài người, bởi nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa luôn tỏ lòng thương xót, và loài người được thấy vinh quang lòng thương xót qua ơn cứu độ trong Đức Giêsu, người con Thiên Chúa của Đức Maria, Đấng Trung Gian, Đấng Bầu Cử tuyệt vời .
Đầu năm mới, chúng con xin Mẹ ở với và đồng hành để chỉ dạy chúng con làm tất cả những gì Đức Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ dạy. 
Jorathe Nắng Tím