Pages - Menu

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Mở Cửa Tâm Hồn

Trái tim, tâm hồn là đề tài được nhắc đến nhiều trong Mùa Chay. Các bài đọc Cựu Ước, nhất là của tiên tri Giêrêmia đã không ngừng kêu gọi làm mới con tim, thay đổi tâm hồn. Những trái tim ngỗ nghịch, bội phản, chống lại Thiên Chúa được ví như bụi gai trên đất khô cằn cỗi. Những tâm hồn chai đá, nguội lạnh, dửng dưng trước mời gọi của Thiên Chúa được gọi là vùng đất hoang, tiêu điều. Những quả tim khinh mạn, kiêu căng được coi là quả tim bệnh hoạn, chai đá. Tất cả hình ảnh bụi gai, hoang địa, đất khô cằn cỗi, chai đá, bệnh hoạn đều muốn dẫn đến một hệ quả: không sinh hoa kết trái vì không có sự sống; không hạnh phúc, mạnh khoẻ vì thiếu vắng niềm vui. Đối lại là tâm hồn đặt hy vọng ở Chúa, họ như cây trồng bên nước, không sợ nắng hạn, nhưng rễ ăn sâu trong suối mát, hoa lá xum xuê, trái thơm nặng cành (Gr 17,5-10).

Tin Mừng thánh Luca kể lại câu chuyện người phú hộ và người ăn mày tên Lazarô: Ông ăn mày nằm ngoài thềm nhà ông phú hộ, mình đầy mụn nhọt. Ông đói lắm, nên ao ước được ăn chút cơm thừa canh cặn nhưng không ai cho, chỉ có mấy chú chó chắc cũng đói lân la đến liếm các mụn nhọt. Rồi cả hai cùng chết. Ông ăn mày được về Trời, còn phú hộ xuống hoả ngục. Ở hoả ngục khổ sở quá, người phú hộ chợt nhớ ra có Lazarô là người ăn mày quen biết đang ở trên Trời, nên nài xin tổ phụ Ápraham nhắn với Lazarô nhỏ cho ông chút nước cho đỡ nóng nảy. Nhưng rất tiếc, vực thẳm giữa Thiên Đàng và Hoả ngục quá sâu và quá xa, nên không ai tới ai được… (Lc 16,19-26).

Đức Kitô không chống người giàu, không ghét người có của; bằng chứng là Ngài đến dự tiệc ở nhà người giàu và suốt ba năm dong duổi truyền giáo, chắc chắn Ngài và các môn đệ đã được nhiều gia đình có của rộng lòng giúp đỡ tài chánh. Đọc Tông Đồ Công Vụ, ta cũng thấy sự đóng góp tích cực của người giàu đã nâng đỡ hữu hiệu các tông đồ trong công cuộc truyền giáo. Dọc theo lịch sử Giáo Hội và quanh chúng ta hôm nay, biết bao gia đình giàu có đã tiếp tay xây dựng Giáo Hội, giúp đỡ các nhà truyền giáo. Như thế, một cách chính xác Đức Kitô không bao giờ lên án, miệt thị người giàu hay chủ trương san bằng giai cấp. Khi nói đến sự giàu có của cải, Ngài nhắm đến trái tim hơn là “địa vị, giai cấp người giàu” của họ.

Trái tim người phú hộ đã biến ông thành người nghèo, khốn khổ, mặc dù ông giàu kếch xù. Trái tim đóng kín đã giam hãm đời ông trong pháo đài của cải và tiếp tục giam ông trong hỏa ngục khổ sở. Trái tim không mở cửa đã khép cửa Thiên Đàng và đẩy ông vào vùng đất chết cằn cỗi. Trái tim không để đường ra lối vào đã cô lập ông trong vực thẳm ở đó mọi người đều quá xa và không ai đến được với ông. Và trái tim bị khoá kỹ nhiều vòng đã làm đời ông bị kết án.


Đức Kitô lên án trái tim đóng kín cửa của người phú hộ, lên án thái độ dửng dưng, vô cảm của trái tim trước đói khổ của người ăn mày trước cửa. Ngài không chấp nhận đời sống “bàng quan, đứng bên lề” của ông phú hộ khi ông chỉ biết hưởng riêng mình mà không chia sẻ, đoái hoài đến những mảnh đời rách nát, te tua chung quanh. Người nghèo không xa, nằm ngay trước hiên nhà nhưng với ông những người này đều xa lạ, không nằm trong vùng trách nhiệm của ông. Thái độ ích kỷ, vô trách nhiệm trước tha nhân trong cơn túng quẫn chính là hành động khép kín cửa lòng, đóng chặt trái tim, che kín hai mắt, bịt chặt hai tai, chân tay xếp lại. Ông phú hộ không muốn thấy cảnh nghèo, nghe tiếng khóc rên rỉ vì đói, không muốn chạnh lòng trước những mụn nhọt lở loét đau đớn trên thân xác gầy gò của người ăn mày tội nghiệp. Ông cần cứng rắn, nghiêm khắc, lạnh lùng, sắt đá hơn với mọi người và với chính trái tim mình để không phải tra tay vào ổ khoá, mở cửa ra. Nhiều lúc trái tim ông cũng thập thò rung động, nhưng ông kịp thời dập tắt ngay những nhen nhúm tình cảm. Điều ông muốn là cửa lòng luôn được đóng chặt, khép kín, vì ông nghĩ: chỉ như thế, đời sống mới an toàn, của cải mới không sút giảm, cơ nghiệp mới không bị thất thoát. Ông đóng cửa lòng để không ai đến được với ông và ông cũng chẳng còn bận tâm đến ai. Khép kín cửa lòng, ông sẽ được thảnh thơi một mình, không ai quấy rầy, không ai xin xỏ, không ai làm phiền. Đóng cửa lòng đã trở thành thượng sách và ông sống đời khép kín cửa như thế cho đến ngày ông chết, ngày Thiên Đàng cũng đóng cửa với ông, như ông đã đóng cửa với mọi người.


Đức Kitô muốn làm nổi bật trong câu chuyện này chọn lựa của ông như câu trả lời chính xác cho vận mệnh đời đời của ông. Chọn thái độ khép cửa lòng với tha nhân là chọn cánh cửa Thiên Đàng khép kín ở giờ chết. Tha nhân là câu trả lời mà con người hay thắc mắc: Chết rồi, tôi đi đâu, Thiên Đàng hay Hoả ngục? Nếu tha nhân có chỗ trong tim tôi, Thiên Đàng cũng ở đó trong tim tôi. Nếu tha nhân ở trong tâm hồn tôi, Thiên Đàng cũng tìm đến tâm hồn tôi cư ngụ. Tha nhân khi sống là Thiên Đàng lúc chết. Tha nhân hôm nay là Thiên Đàng mai sau. Tôi đón tha nhân trong cuộc sống, Thiên Đàng đón tôi sau cuộc sống. Tôi dọn chỗ cho tha nhân trong nhà tôi hôm nay, Thiên Đàng có chỗ dành riêng cho tôi ngày mai. Thiên Đàng và Tha nhân song hành. Tha nhân là chìa khoá của Thiên Đàng. Thiên Đàng là hoa thơm trái ngọt của hạt giống tha nhân trên mảnh đất đời tôi. Tin Mừng Mátthêu đã chứng thực chân lý này khi trình bày quang cảnh ngày phán xét với người lành một bên, kẻ dữ một bên, ở đó tha nhân đã là đáp số chính xác cho phần thưởng Thiên Đàng hay hình phạt hoả ngục của mỗi người (Mt 25,31-46).

Trở lại chuyện ông phú hộ xin chút nước cho đỡ khát từ hoả ngục, ta nhận ra người giàu dễ bị mù loà vì của cải và trái tim dễ bị khép lại. Sở dĩ họ dễ dàng bị mù loà là vì của cải nhiều quá làm họ choáng mắt; hào quang của cải chói quá làm mắt họ lu mờ; sức hút của của cải mạnh quá làm họ bị thôi miên lạc hồn. Nhưng mù lòa chưa đáng sợ, cái đáng sợ nhất là thái độ đóng chặt cửa lòng, khép kín trái tim đã biến người giàu thành cao ngạo khi nghĩ mình không thiếu gì, không cần gì, không đợi gì. Rơi vào tình trạng này, họ đang tự chôn mình ngay trên phần đất của nhà mình, ngay trong cuộc đời mình, mà không biết đất ấy, cuộc đời ấy chỉ là hư vô, tro bụi. Nguy cơ của người giàu khi đóng chặt cửa lòng là họ không đến được gần Chúa, không để Chúa đi vào tâm hồn vì chỉ mình Ngài biết rõ tâm hồn mỗi người và là nguồn sống của mọi tâm hồn. Đóng chặt cửa lòng, họ sẽ không đón được cái nhìn yêu thương, tín nhiệm, âu yếm của người cha luôn muốn chữa lành, vực dậy, thăng tiến đời con mình. Khi đóng cửa lòng, họ đã mất cơ hội vô cùng lớn cho Tình thương xót của Chúa biến đổi trái tim cứng cỏi, cằn cỗi, khô chồi của họ thành trái tim màu mỡ yêu thương, phì nhiêu ơn phúc. Đóng cửa lòng, tâm hồn họ mãi nghèo nàn, khô cháy, hoang vu, hứa hẹn một cái chết đời đời bất hạnh.

Mùa Chay về, Chúa gọi con mở lòng cho đi. Lại thêm một lời mời gọi mới. Chắc chắn con phải đồng ý đáp trả lời mời gọi của Chúa thôi… Nhưng như người thanh niên giàu có, con hơi ngần ngại, bởi con còn nhiều chuyện phải làm, nhiều nhu cầu phải đáp ứng, nhiều việc phải giải quyết lắm. Chúa cho con khất đến sáng mai sẽ trả lời Chúa được không?

Đêm nay con sẽ suy nghĩ chín chắn… để biết đâu là ý con, đâu là ý Chúa. Xin Chúa giúp con nhận ra điều này và cho con đủ yêu thương để quyết định cho đi một cách đơn sơ, không rắc rối, cầu kỳ. Và câu trả lời “đồng ý” của con chắc sẽ mạnh dạn, dễ thương, vui vẻ hơn, Chúa nhỉ...

Mùa Chay - Mùa Nhìn Lên Chúa

Thời gian là phương thuốc làm quên và chữa lành các vết thương lòng. Thời gian cũng là cơ hội để an bình nội tâm được tái lập sau những bấn loạn, chao đảo. Nhưng thời gian cũng là đe dọa, thử thách bởi thời gian có bóng tối, mây mù, chông gai, cạm bẫy và thách đố của thời gian.

Khi đem con trai duy nhất lên núi để giết làm của lễ dâng Thiên Chúa như Chúa truyền, Ápraham đã sống bóng tối của hiện tại. Bóng tối đã che khuất hy vọng của lời hứa được làm tổ phụ một dân riêng đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển. Mây mù đã cuốn đi tương lai một dòng dõi được chúc phúc. Đêm đen đang thử thách hiện tại của ông và ông đau đớn trói ghì con lại, rồi đứt ruột vung dao sát tế con. Hiện tại của Ápraham thực sự kinh hoàng bởi thử thách khủng khiếp của Giavê Thiên Chúa. Hiện tại ấy gây hoang mang, mất ăn mất ngủ, nát tan cõi lòng. Hiện tại đáng sợ. Hiện tại của thứ sáu tuần thánh khi tất cả đều đổ vỡ, tiêu tan đối với các tông đồ: Thầy bị bắt, đóng đinh, anh em tứ tán mỗi người một phía vì sợ người Do Thái lùng bắt, cơ đồ nước Trời tan như mây khói, hy vọng được ngồi bên trái, bên phải vinh quang trong vương quốc chỉ còn là hoang đường, ảo tưởng. Đúng là hiện tại thê lương, buồn thảm. Đường Emmau cũng nặng nề một hiện tại bi thảm: Thầy đã chết ba ngày và chôn trong mồ, không còn tí ti hy vọng gì nữa. Mọi tia nắng hiện tại đều tắt ngúm để lại trong lòng người đau một nỗi khổ lo âu, hụt hẫng (Lc 24,21). Ngay cả Tôma mang tiếng là người cứng đầu, khó tin khi ông thẳng thừng tuyên bố: “Nếu tay tôi không được thọc vào vết thương cạnh sườn Thầy thì tôi không tin” (Ga 20,25) cũng chỉ là cách diễn tả nỗi ê chề thất vọng của ông trước hiện tại.

Như Ápraham, các tông đồ, hiện tại của mỗi người cũng không thiếu những cơn mây dày đặc, đan kín. Hiện tại với nỗi lo cơm áo, với thiếu thốn vật chất, với bấn loạn tinh thần. Hiện tại chất chồng niềm đau, nỗi buồn, hiện tại không lối thoát, hiện tại buồn tênh, hiu quạnh…

Nếu hiện tại kéo mây nặng nề, thì tương lai hứa hẹn giông bão. Nếu hiện tại thử thách thì tương lai đe dọa. Cả hiện tại, tương lai đều là thời gian và cả hai đều làm con người sợ hãi. Khi ngước mặt cầu xin Chúa Cha trong vườn cây Dầu trước khi bị bắt: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén đắng này cho con”, Đức Kitô đã toát mồ hôi máu trước tương lai mịt mùng đe doạ. Thời gian đã làm Ngài sợ. Tương lai đang làm Ngài rùng mình, ngao ngán. Cũng như hai môn đệ, con của ông bà Giêbêđê lo mánh mung để được ngồi bên trái, bên phải khi nghe Đức Kitô hỏi lại: “Nhưng liệu chúng con có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22) đã khựng lại. Hai ông khựng lại vì chợt ý thức tương lai là một đe doạ.

Trước tương lai, không ai nắm chắc mình sẽ ra sao, ngày mai của mình thế nào… Vì là một ẩn số, nên tương lai làm con người sợ và cẩn thận dò dẫm, không dám vội vã bước vào, không dám liều mình gieo bước. Tương lai như cánh rừng rậm, nguy hiểm, như người vượt biển trước đại dương mênh mông, không bờ bến. Tương lai im lặng, tương lai hững hờ, tương lai đen tối hay tương lai mời gọi, tương lai rực rỡ, tương lai hứa hẹn. Tất cả đều là tương lai với nhiều ẩn số và con người vẫn thấp thỏm, lo lắng vì tương lai.

Tuy hiện tại khổ đau vì thử thách, tương lai nhức nhối vì đe doạ, nhưng vẫn chưa bằng quá khứ dằn vặt, nghiền nát vì tiếc nuối, lỡ làng. Người ta đau khổ nhiều vì sống nhiều với quá khứ hơn sống với hiện tại. Chính quá khứ làm con người già đi vì quá khứ không chỉ lấy đi quỹ thời gian cuộc đời, nhưng còn mãi mãi dai dẳng làm quay quắt tâm hồn vì những gì đã không làm hay không làm được trong quá khứ. Quá khứ đã không chỉ là quá khứ như quãng thời gian đã trôi qua, nhưng quá khứ còn lẩn quẩn ở hiện tại để đục khoét trái tim tiếc nuối, cày xới tâm hồn lưu luyến một thời. Khổ đau của con người đến từ quá khứ nhiều hơn hiện tại, tương lai và phần lớn những căn bệnh tinh thần đều do việc làm của quá khứ và thái độ quá gắn bó với những gì đã qua.

Đã có bao nhiêu thời gian trong hiện tại, ta ngồi một mình sầu buồn tiếc nuối quá khứ: tiếc đã không học làm bác sĩ, tiếc đã không lấy người ấy, tiếc đã không nghe lời cha mẹ chăm chỉ học, tiếc đã nghe lời bạn bỏ nhà đi hoang, tiếc đã đầu tư cho việc này, tiếc đã không chớp cơ hội tiến thân kia, tiếc đã không đủ khôn ngoan, tiếc đã háo danh, liều lĩnh, tiếc đã không trung thành, tiếc vì quá ngây thơ. Tiếc nuối một việc đã qua, tiếc xót những chuyện không còn có thể làm lại được, ta tự dằn vặt mình, trách móc mình, nguyền rủa mình, lên án mình, hành hạ mình và nguy hiểm nhất là không còn trân trọng, tin vào mình. Không thương mình và tin mình, ta sẽ không thương và dám tin tưởng ai, nói chi đến Chúa là Đấng ta không nhìn thấy được. Cái mình trở nên đáng ghét, đáng khinh vì mình bất lực, bất tài đã để quá khứ trở thành một chuỗi tiếc nuối, lỡ làng. Quá khứ trong đầu hiện tại đặc kín những lỡ làng đắng cay, lỡ làng chua chát, lỡ làng xót xa, lỡ làng thê thảm đến độ ta nhìn quá khứ đời mình chỉ còn là dòng chảy thất bại, những trang giấy lem luốc, những giòng chữ ghiêng ngả, xiêu vẹo mà trên đó ta đã gạch chéo một đường với hai chữ “đời bỏ”. Cái khốn khổ quậy nát tinh thần là cái “đời ta bỏ” lại không chịu bỏ ta. Nó cứ đeo đuổi, trêu ghẹo, nhắc nhớ. Nó cứ loanh quanh, lẩn quẩn, khiêu khích, quấy động. Quá khứ không buông tha tâm hồn hiện tại. Quá khứ không cho trái tim hiện tại ngơi nghỉ. Quá khứ càng không trấn an, trợ lực bước chân hiện tại. Nhưng quá khứ đã như oan hồn không siêu thoát cứ quay về đêm ngày đòi nợ, khóc lóc, ăn vạ.

Mùa Chay trở về với bước chân trở về của quá khứ, Đức Kitô nhắn gửi lòng ta một tâm sự: “Hãy nhìn lên Thầy thay vì nhìn quá khứ lỡ làng, thất bại, thiếu sót, tội lụy của con”. Như người trộm lành bị đóng đinh cùng Ngài trên núi Sọ, gần giờ chết khi tội lỗi của quá khứ đổ về, thay vì nhìn vào quá khứ với đủ thứ tiếc nuối và ngập tràn tội lỗi, anh đã ngước nhìn Đức Kitô - Thiên Chúa cũng đang chịu đóng đinh như anh và chân thành khẩn khoản: “Lạy Ngài, xin nhớ đến tôi trong nước Ngài”. Ánh mắt anh ngấn lệ hy vọng khi bắt gặp ánh mắt đầy xót thương của Đức Kitô và niềm hy vọng ấy đã thành hiện thực: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng Ta trên trời” (Lc 23,42-43). Nhìn lên Chúa trong những quay quắt về quá khứ lỡ làng, không như ý là ký thác quá khứ bất toàn, bất trung, bất lực trong Tình yêu toàn năng, toàn thiện của Thiên Chúa. Nhìn lên Chúa trong cơn tiếc nuối tháng ngày qua hoang đàng là để Chúa biến đổi quá khứ nhơ nhớp thành nước mắt trong sạch đang thành tâm chiêm ngắm Tình Yêu thương xót. Nhìn lên Chúa trong nỗi buồn phí phạm cuộc đời dài đã qua là lời cầu thánh thiện nài xin ơn tha thứ. Bắt chước người trộm lành, dù đã hoang phí cả cuộc đời, dù trơ trẽn với quá khứ tội đồ, dù bị án tử vì thành tích bất hảo vẫn cứ dán mắt cậy trông vào Đức Kitô chịu đóng đinh với niềm hy vọng được thứ tha. Anh đã không thất vọng vì đã ngước mắt nhìn Đấng là niềm Hy Vọng. Anh đã không bị bỏ rơi, hắt hủi vì đã ngước mắt trông lên Đấng là nguồn ủi an, cứu chữa. Anh đã không bỏ mất cuộc đời nhưng được sống đời đời vì đã ngước mắt chiêm ngắm Đấng là Sự Sống. Anh đã không thất bại dù quá khứ chỉ toàn thất bại vì đã ngước mắt tin tưởng Đấng đã chiến thắng tội lỗi. Anh đã không mất gì của cuộc đời, dù đời anh chẳng còn gì để mất vì đã ngước mắt nài xin Đấng là nguồn ơn Cứu Độ. Như người trộm lành, ta có vòng tay bao dung của Chúa ôm trọn quá khứ cuộc đời khi biết nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh.

Mùa Chay đến với những bước chân đang đi trong hiện tại. Đức Kitô rảo bước đồng hành và nhắn gửi mỗi người một tâm sự: “Con đừng nhìn vào con và đừng nhìn xuống chân con, nhưng hãy nhìn vào mắt Thầy và bước đi, đừng sợ”.

Tin Mừng Mátthêu kể lại: “Các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia. Khi thuyền đã ra giữa biển thì sóng gió nổi lên dữ dội làm thuyền chao đảo, sóng sánh nước. Đến khoảng canh tư, Đức Kitô đi trên mặt biển đến cùng các ông. Thấy Ngài đi trên mặt biển, họ sợ hãi la lên: “Ma kìa…” Nhưng Đức Kitô trấn an và bảo họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô lên tiếng: “Thưa Thầy, nếu thật là Thầy, xin cho con đi trên biển mà đến với Thầy”. Đức Kitô bảo: “Lại đây”. Ông Phêrô liền bỏ thuyền đi trên nước mà đến với Chúa. Song thấy gió thổi mạnh, ông sợ hãi quá và thấy mình chìm xuống, liền hốt hoảng kêu lên: “Thầy ơi, cứu con với!” Đức Kitô liền đưa tay nắm lấy ông (Mt 14,22-30).

Phêrô đã nghe lời Chúa và bước trên nước. Khi nhìn vào Chúa và nghe lời Ngài, ông đã bước đi bình an dù sóng biển đang hồi dữ dội; nhưng khi không nhìn Chúa nữa, mà quay ra nhìn gió thổi, ông đã hoảng sợ và chìm nghỉm trong nước. Nhìn Chúa thì bình an bước đi, nhìn gió thì hốt hoảng chìm xuống. Hai cái nhìn, hai đối tượng khác nhau: một bên là Chúa, một bên là gió biển. Hai ánh mắt gắn vào hai thực tại khác nhau: một bên là Đấng chủ tạo, một bên là vật thụ tạo. Hai cái nhìn, hai đối tượng đem đến hai kết quả hoàn toàn trái ngược: bình an và hốt hoảng, bước đi và chìm xuống. Phêrô chỉ lơ đãng không nhìn Chúa một giây là lập tức có chuyện chẳng lành. Phêrô chỉ sơ sẩy ra khỏi tầm nhìn của Chúa một tích tắc là chìm nghỉm. Nhìn Chúa con đường sẽ bình an, bước chân sẽ vững chãi. Nhìn Chúa tâm hồn sẽ thư thái, hiện tại sẽ tưng bừng. Phêrô đã nhìn Chúa để không bị chìm nghỉm trên biển cũng như đã nhìn Chúa để nhận được lòng xót thương, tha thứ sau khi ông chối Chúa. Ánh mắt của Đức Kitô - Thiên Chúa có sức đánh động tâm hồn, truyền ban sinh lực, ban ơn cứu rỗi. Nhìn lên Chúa là nhìn thấy và nhận được tình yêu thương xót. Nhìn lên Chúa là tìm gặp nguồn ủi an, hạnh phúc khi hành trình hiện tại vất vả vì nắng hạn, gió mưa, bão táp. Đức Kitô đã âu yếm nhìn nhiều người và bất cứ ai nhìn lên Ngài đều nhận được từ Ngài niềm vui cứu độ.

Cuộc sống lệ thuộc thời gian và thời gian là của Chúa, nên quá khứ có lỡ làng, nhiều lầm lỗi, thay vì nhìn lại, ta hãy nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh để xin Ngài lấy máu rửa sạch; nếu hiện tại buồn, nhiều thử thách, thay vì nhìn vào, ta hãy nhìn lên Đức Kitô trên thánh giá để xin đôi tay Ngài đang giang rộng ôm trọn tháng ngày hôm nay; nếu tương lai bấp bênh, nhiều đe dọa, thay vì nhìn ngó, ta hãy nhìn lên Đức Kitô chết treo trên núi Sọ để xin tình Ngài trải kín bước chân ngày mai. Nhìn lên Chúa trong mọi thử thách, đe doạ; nhìn lên Chúa mọi lúc vui buồn, sướng khổ; nhìn lên Chúa trong mọi cảnh huống, tình trạng, tâm tư là bước đi trong an bình, hy vọng, dưới bóng mát của Tình yêu xót thương, bên Chúa là gia nghiệp, hạnh phúc đời đời.



Ước gì Mùa Chay cho ta những giờ thinh lặng nhìn lên Chúa để tâm hồn và cuộc đời ta được đôi mắt thánh, nhân từ, bao dung yêu thương, biến đổi như dân Do Thái ngày xưa trong sa mạc đã ngước nhìn lên Rắn đồng, hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh để được cứu chữa (Ds 21,9).