Pages - Menu

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

CHÁY NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS


18 giờ 50 ngày 15 tháng Tư, 2019, tháp chuông nhà thờ Đức Bà Paris bất ngờ bốc cháy trước sự chứng kiến hoảng hốt, bàng hoàng, kể cả đau đớn của hàng triệu người trên toàn thế giới nhờ các phương tiện truyền thông trực tiếp truyền hình cảnh tượng kinh hoàng.
    Kinh thành ánh sáng Paris như sầm tối, sững sờ, bất động, vì bất lực trước cơn đói điên cuồng của ngọn lửa đang hoác to miệng nuốt trửng ngọn tháp cổ kính hơn 850 năm tuổi, di sản qúy báu của thế giới. Cả nước Pháp quặn đau chết lặng trước nhà thờ Đức Bà, biểu tượng của Giáo Hội Công Giáo Pháp, đồng thời là niềm hãnh diện của Paris, trung tâm văn hoá âu châu, điểm hẹn của không biết bao nhiêu con người trên toàn thế giới bất luận mầu da, chính kiến, tôn giáo.
     Được xây dựng dưới thời vua Louis VII, do đức cha Maurice de Sully, giám mục Paris năm 1163. Công trình xây dựng kéo dài đến năm 1345 mới hoàn chỉnh toàn bộ. Từ đó đến nay, Nhà thờ Đức Bà Paris không những đi vào và sống trong tâm hồn nhiều người, mà còn có mặt trong rất nhiều trước tác văn chương, nghệ thuật, điển hình là tác phẩm Thằng Gù nhà thờ Đức Bà của đại văn hào Victor Hugo (1802 - 1885).
     Chiều  thứ hai , nhà thờ cháy. Tôi chỉ biết tin dữ và nhận hình ảnh đám cháy hãi hùng qua người bạn ở Bordeaux, trong khi tôi ở ngay Paris, không xa nhà thờ Đức Bà.
     Không nói thì bạn cũng biết, chúng tôi như những người mất hồn. Đôi mắt dại đi gần như vô hồn, bất động  theo dõi cơn điên của ngọn lửa quái ác đang thiêu rụi từng phần nhà thờ. Chúng tôi nhìn tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đức tổng giám mục Paris Michel Aupetit, bộ trưởng nội vụ, đô trưởng Paris, tất cả cùng một nét lo âu, căng thẳng. Các vị vắn tắt trao đổi, và mắt ngấn lệ không rời ngọn tháp nhà thờ đang quằn quại, vặn mình tức tưởi chết trong khói và lửa, cho đến khi ngọn tháp gẫy đôi và đổ nhào trong tiếng thở dài não nuột tiếc xót, thất vọng của cả nước Pháp, đúng hơn là cả thế giới đang bàng hoàng xúc động, đồng cảm.
     Hơn bốn trăm lính cứu hỏa với tinh thần trách nhiệm cao độ đã giập tắt hoàn toàn ngọn lửa vào 3 giờ 30 sáng ngày 16 tháng 4 năm 2019. Trong hoang tàn của gian cung thánh, Thánh Giá vẫn nguyên vẹn, trang nghiêm ngự trị.
      Biến cố cháy nhà thờ Đức Bà Paris thực là một biến cố rất lớn. Qua biến cố này, người Pháp biểu lộ tinh thần dân tộc và đoàn kết rất cao, người Công Giáo Pháp cũng làm chứng tinh thần hiệp nhất và lòng yêu Giáo Hội một cách đặc biệt. Trong hoang tàn, đổ nát của đám cháy, Thánh Giá yêu thương và hy vọng vẫn rực sáng, và mọi người ở những góc độ khác nhau đều nhìn thấy sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa.
     Sáng nay, thứ tư tuần thánh, tôi theo giòng người thuộc đủ thành phần đến chiêm ngưỡng nhà thờ Đức Bà Paris sau cơn hoả hoạn từ xa, bên bờ sông Seine. Mất đi ngọn tháp duyên dáng, nhà thờ xem ra trống trải, chênh vênh thế nào ấy !  Có lẽ vì quen nhìn tháp chuông mỗi lần  uống càphê  ở quán Notre-Dame đối diện nhà thờ. Từ khung cửa của quán càphê có vị trí thơ mộng này nhìn ra, ngọn tháp nhà thờ Đức Bà lúc nào cũng thướt tha, kiều diễm, nhất là vào những buổi chiều cuối thu, khi những chiếc lá vàng cuối cùng lượn lờ quanh tháp rồi trầm mình xuống giòng sông Seine bắt đầu se lạnh, mang theo nỗi nhớ  mênh mang của người con xa xứ.
     Tâm tư của chúng tôi đến đây hôm nay là buồn và tiếc. Và trong tôi, từ nỗi buồn, nỗi tiếc, vụt lên một tâm tình về một Thiên Chúa vĩnh cửu, không bao giờ dời đổi.
     Nhìn cảnh đổ nát của nhà thờ Đức Bà Paris, tôi nhớ đến bao công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, tinh xảo, cầu kỳ trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Giáo Hội cũng đã sừng sững một thời, và từng là biểu tượng cao qúy, thế mà tất cả vì lý do này lý do khác cũng đã sụp đổ, tàn rụi. Không xa xôi gì, dưới thời chiến tranh thế giới thứ hai, cách đây hơn 60 năm, rất nhiều nhà thờ đã bị bom đạn tàn phá bình địa không còn một hòn đá nào trên hòn đá nào chẳng khác gì đền thờ Giêrusalem đã bị quân đội Babylon tàn phá năm 586 trước công nguyên, được xây lại, nhưng rồi lại bị quân đội Rôma bình địa năm 70 sau công nguyên, đến nay chỉ còn lại bức tường được gọi là bức tường than khóc, nơi mà người Do Thái thường đến cầu nguyện.
    Nhìn đám đông qùy cầu nguyện mà nước mắt lưng tròng khi nhà thờ Đức Bà chìm trong bão lửa đêm thứ Hai 15 tháng Tư mới thấy thương làm sao những ngừơi Do Thái trước cảnh Đền Thờ Giêrusalem bị quân thù tàn phá, vì Đền Thờ Giêrusalem không chỉ là biểu tượng niềm tin của Israel ở Thiên Chúa Giavê, vì Đền Thờ là nơi có Hòm Bia Lề Luật của Giavê Thiên Chúa, mà còn là linh hồn của cả dân tộc. Mãi cho đến bây giờ và đến tận thế, người Do Thái cũng không nguôi ngoai nỗi đau dân tộc này !
    Qủa thực, trải dài lịch sử Dân riêng Thiên Chúa và Giáo Hội của Đức Giêsu, bao nhiêu nơi thờ phượng, từ đền thờ Giêrusalem, và bao nhiêu thánh đường khác, gần nhất, mới nhất là nhà thờ Đức Bà Paris, tất cả đều là công trình con người xây dựng để tôn vinh Thiên Chúa ; tất cả đều có mục đích làm vinh danh Thiên Chúa ; tất cả đều được dùng làm nơi cử hành phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa, và tất cả đều được trân trọng, giữ gìn, bảo quản, nhưng tất cả cách này hay cách khác, ít hay nhiều đều chịu sự tàn phá của thời gian, của thiên tai, của các biến cố, tai nạn. Và như thế, ngay cả những công trình của Chúa, những công trình dành cho Chúa cũng phải chịu chung số phận của đổi thay mà sách Giảng Viên đã viết :
  Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : một thời để chào đời, một thời để lià thế ; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ; một thời để giết chết, một thời để chữa lành ; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ; một thời để than van, một thời để múa nhẩy ; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ; một thời để giữ lại, một thời để vất đi ; một thời để xé rách, một thời để vá khâu ; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà”. (Gv 3,1-8).
     Vì thế sự sụp đổ của các công trình phụng sự Chúa, sự biến dạng, đổi dời của các kiệt tác có mục đích làm vinh danh Chúa cũng nằm trong luật mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời này (Gv 3,1), luật mà bất cứ thụ tạo nào cũng phải chấp nhận ; luật mà bất cứ công trình của thụ tạo nào làm ra cũng phải tuân theo ; luật được áp dụng trên mọi người, mọi sự, mọi việc ở dưới bầu trời này. (Gv 3,1).
     Kinh nghiệm bản thân cũng giúp tôi xác tín chân lý này, khi chứng kiến những thay thế, đổi dời liên tục trong đời sống, khi người mới lên thay người cũ, khi quan điểm mới xóa bỏ quan điểm cũ, khi cơ chế mới thay máu hoàn toàn cơ chế cũ, khi đường lối mới  hủy bỏ không tiếc thương đừơng lối cũ.
     Vâng, chỉ một mình Thiên Chúa là vĩnh cửu và không đổi dời ; chỉ một mình Đức Giêsu hôm qua , hôm nay và mãi  mãi muôn đời vẫn là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người ; chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa là chân lý đời đời ; chỉ Tình yêu Thiên Chúa là núi đá vững chắc đích thực cho ta nương náu ; chỉ một mình Thiên Chúa  là Hy Vọng bất diệt cho ta bước tới ; chỉ Thánh Giá cứu độ của Đức Giêsu bảo đảm hạnh phúc Nước Trời, nên trong mọi hoàn cảnh, khi mọi người, mọi sự, mọi việc đổi dời, thay biến, ta luôn còn Chúa, có Chúa là Đấng không đổi thay, không thất hứa, không chối bỏ ai. Ngài là Tình Yêu vĩnh cửu, Đấng Cứu Độ đời đời, không chịu chi phối bởi luật đổi thay dành cho thụ tạo : Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời (Gv 3,1).
      Những ngày này, chính phủ và Giáo Hội Pháp bận rộn với những gì phải làm sau biến cố hoả hoạn tàn phá một phần nhà thờ Đức Bà Paris. Quyên góp để trùng tu nhà thờ đang được quần chúng sôi nổi ủng hộ, tham gia. Bên cạnh đó là mô hình tháp chuông nào sẽ được chọn : hoặc sao y bản chính, tức làm lại tháp chuông và vòm mái cũ, hoặc tạo một kiến trúc hoàn toàn mới để đánh dấu bước đi của lịch sử.
       Dù gì đi nữa, biến cố nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy cũng đã đánh thức niềm tin của nhiều người, trong đó có tôi, niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, giàu lòng xót thương là chủ của lịch sử con người.

ĐỐI THOẠI BẠO LỰC

Không ai có thể chối cãi tình trạng bạo hành, nghiã là sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề ngày càng trở nên lo ngại trong xã hội hôm nay. Trên mạng xã hội, những vụ đánh ghen tàn nhẫn đến không dám xem, những màn học sinh cấp hai hội đồng bạn cách hung bạo đến nổi da gà, những cảnh chồng xử vợ như kẻ thù, và mới đây một thiếu niên mười sáu tuổi chở cô bồ cùng tuổi trên xe máy đã rút dao đâm chết tại chỗ, ngay đèn xanh đèn đỏ người đàn ông một vợ hai con đã vì an toàn mà nhắc nhở : Cháu vượt đèn đỏ như vậy nguy hiểm lắm !, vì cậu ta đã rồ ga, vượt hai đèn đỏ trước đó.  Và hằng ngày trên khắp các phương tiện truyền thông, chúng ta liên tục chứng kiến những cảnh bạo lực thuộc đủ thể loại, lý do, ở mọi hoàn cảnh, và mọi thành phần xã hội.
    Bạo lực là kết qủa tất yếu của ganh ghét. Ở mỗi người tính ganh ghét luôn tiềm tàng, có mặt, chỉ chờ cơ hội bộc phát, khi không kềm chế được.  Người ta ganh nhau từng chút, như đám gà trống ganh nhau tiếng gáy. Thói đời xưa nay vẫn thế : khinh khi người thua mình và ganh ghét người hơn mình. Tính ganh ghét nằm phục trong tâm hồn mỗi người, và không ngừng thúc đẩy ta triệt hạ đối phương, bởi chỉ khi đối phương bị triệt hạ, ta mới an tâm, hài lòng, mới ăn ngon ngủ yên, không nơm nớp lo sợ, vì không còn kẻ trổi vượt hơn ta, có lực, có quyền, có tiền hơn ta đe dọa. Và để triệt hạ đối tượng ta ganh ghét, không gì hay hơn là sử dụng bạo lực, vì chỉ bạo lực mới là phương tiện lợi hại giúp ta đánh gục đối phương một cách chắc chắn và mau lẹ.
     Vì thế để giải quyết nhanh gọn những khúc mắc trong tương quan, để không mất ăn mất ngủ lâu ngày vì người khác hơn mình, người ta hỏi thăm nơi ở của bạo lực, lân la làm quen, rồi tín nhiệm giao phó chuyện đời mình, và cả đời mình trong tay bạo lực lúc nào không hay.
     Như chúng ta biết,  bạo lực bao trùm sinh hoạt của con người,  từ ý nghĩ, lời nói, việc làm, mà nhà Phật gọi là ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp ; cũng như tín hữu Thiên Chúa giáo khi xét mình luôn ý thức và khiêm tốn nhìn nhận : Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
     Tư tưởng ganh ghét ươm mầm bạo lực, lời nói thâm độc nuôi lớn bạo lực, và hành động bạo lực làm bùng nổ lòng ganh ghét.
1.   Giai đọan ươm mầm bạo lực :
     Ươm mầm bạo lực là khi lòng ganh ghét không được chế ngự, nhưng thả tự do bay lượn trong ý nghĩ, tư tưởng. Người ganh ghét nghĩ đến đối tượng mình ganh ghét, hồi nhớ những chuyện đáng ghét của đối tượng, mường tượng trong đầu nhiều cảnh tượng, nhiều kịch bản, nhiều giả thuyết tiêu cực mà kẻ phải chịu trách nhiệm luôn là đối tượng đang bị lòng ganh ghét chiếu tướng. Tâm trí lúc nào cũng đầy tư tưởng ám muội, xấu xa, gian ác, và tình cảm căm phẫn, hận thù, hướng đến một kết cục : phải đánh đổ đối phương bằng mọi giá.
  Như thế, khi không chế ngự tư tưởng xấu về người khác, chính là đang chăm bẵm cho mầm bạo lực theo lòng ghen ghét lớn lên, mà nghĩ xấu về người khác lại là khuynh hướng mạnh lôi kéo mọi người, bởi là con người, không ai thích người lớn hơn mình, ưa người giỏi hơn mình, ủng hộ người có tài hơn mình, nhưng thường chỉ thích người nhỏ hơn mình, chuộng người kém hơn mình, chơi với ngừơi dưới cơ mình, vì như thế, mình sẽ không bị lép vế, thua cơ, mất thế, nhất là không phải lo sợ, bị đe dọa.
   Từ công đọan thả tự do tình cảm tiêu cực như đố kỵ, ganh ghét, ghen tuông, đến tình trạng tâm tư bị hận thù ám ảnh, bao kín, phủ dầy là quãng đường rất ngắn, với tốc độ cực nhanh, đến nỗi chính đương sự cũng không ngờ khi tâm hồn và trí khôn mình sôi sục ước muốn bạo lực.
2.   Đối thoại bạo lực :
   Một khi ước muốn bạo lực sôi sục trong hồn và trong trí, người ta sẽ không kiểm soát được ngôn từ khi đối thoại để loại trừ những từ ngữ hung hăng, phẫn nộ, những câu nói giận dữ, những mệnh đề phủ nhận người đối thoại, những kiểu nói xóc óc, chướng tai, gai mắt dễ làm tổn thương và làm điên người bị châm chích, đâm thọc và như giọt nước tràn ly, như tia lửa châm ngòi, hành động bạo lực bùng phát mà không có gì ngăn cản,be bờ được.
     Thực vậy, rất ít hành vi bạo lực đã không bị đốt nóng bởi những lời nói bạo lực. Nếu không có những lời cay nghiệt nguyền rủa nhau giữa vợ chồng như Mày chết đi cho rồi ! Tao muốn mày biến khỏi mặt tao ngay lập tức !, thì làm gì có cảnh chồng trở thành vũ phu đánh vợ như diệt kẻ thù, hoặc vợ cắn xé, cào cấu chồng như cọp hung ác xé xác đối thủ vừa thất thế. Nếu không có lời ra tiếng vào, không đổ dầu vào lửa qua câu chuyện làm qùa nặng mùi hiềm khích, thị phi, thì đâu ra nông nỗi vác dao xử đẹp hàng xóm, mang mã tấu thanh toán đối thủ giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt mọi người ; nếu không phỉ báng, lăng nhục cha mẹ người khác thì làm gì có cảnh bị săn lùng, truy sát bởi cả họ hàng, gia tộc người ta ; nếu không xối xả buông lời nguyền rủa  ác độc, thì ai rảnh rỗi mua axít tạt vào mặt mình. Tóm lại, miệng lưỡi là nguyên nhân chính của hầu hết các hành bi bạo lực, gọi tắt là bạo hành :
a.   Bởi miệng lưỡi có khả năng nói mọi sự :
  Sự tốt đẹp và sự xấu xa, sự lành thánh và sự hung dữ, sự thật và sự dối trá, sự cao cả và sự thấp hèn, sự thiện và sự ác, sự bình an và sự bất hoà, sự công chính và sự bất công, sự sống và sự chết, sự khen thưởng và sự trừng phạt, sự thương xót, thứ tha và sự phẫn nộ, báo oán. Miệng lưỡi nói được hết, bộc lộ được hết, diễn tả được hết và cũng thêu dệt được hết.
b.  Bởi miêng lưỡi có khả năng tăng giảm cường độ :
  Người ta có thể nói to hay nhỏ, oang oang hay thì thầm, nói như lệnh vỡ hay thều thào, thỏ thẻ. Âm lượng cỡ nào cũng được thoải mái điều chỉnh theo ý muốn của chủ thể. Muốn che dấu thì nói ít, nói nhỏ ; muốn rêu rao cho bàn dân thiên hạ biết thì sang sảng, oang oang. Âm lượng được điều chỉnh theo nhu cầu, tần sóng phát thanh được mở rộng, thu hẹp tùy ý muốn.
    Miệng lưỡi cũng khéo léo tăng giảm mức quan trọng, trầm trọng, nghiêm trọng hay long trọng tùy ý thích. Muốn hạ đối thủ cho nhanh thì tăng cường độ nghiêm trọng, trầm trọng của kẽ hở, sai sót nơi đối thủ, nhưng cần bợ đỡ, nâng bi ai đó, thì gia  tăng tối đa cường độ long trọng, quan trọng, kính trọng, để đánh bóng đối tượng thuộc phe mình hoặc đang có lợi cho mình. Cũng như cần dìm ai xuống vực sâu thì nặng lời dao to búa lớn để chặt chém, nhưng  cần móc ai lên, thì bốc thơm bằng những lời có cánh.   
      Vì thế miệng lưỡi làm được nhiều điều, nhiều sự mà hậu qủa luôn khó lường, khó đoán. Cứ tưởng chuyện không đến nỗi nào, nhưng thực tế chuyện bé đã bị miệng lưỡi xé ra to ; cứ nghĩ không mấy người biết, rốt cuộc mọi ngừơi đều biết ; cứ hy vọng chuyện đơn giản, nào ngờ nhiêu khê đến bế tắc, vì miệng lưỡi  tự do thêm thắt, tự ý thêu dệt, tự phát diễn dịch, tự động quyết đoán mà không hề quy chiếu vào chính sự thật khách quan.
c.    Bởi miệng lưỡi có sức lan tỏa rộng lớn :
    Hầu hết người ta thông tin cho nhau qua miệng lưỡi, vì nói dễ, và nhanh hơn viết rất nhiều. Người ta nói dễ dàng, dễ dàng nói vì nghĩ rằng có thể  quanh co chối khi cần, vì lời nói bay đi, không để lại dấu vết, nhưng chữ viết là dấu tích, chứng từ nên ai cũng ngại. Nói lại không đòi hỏi nhiều cố gắng và khả năng, vì trừ những người câm, ai cũng nói được, tuy có người  lưu loát, thuyết phục, người khác chậm chạp, ít khéo miệng hơn. Ngoài ra, nói cũng là một nhu cầu xã hội, nên số người thích nói, ham nói, mê nói luôn chiếm đa số, và làn sóng dư luận cũng được tạo nên do đám đông đa số này.
     Chúng ta đang ở thời cực thịnh của công nghệ thông tin, ở đó, chỉ cần một giây là tin nóng được chuyền từ cực đông sang cực tây, từ cực bắc xuống cực nam qua rất nhiều phương tiện  truyền thông tinh xảo. Nhà thờ Đức Bà Paris, chiều tối ngày 15 tháng 4 năm 2019 vừa bốc cháy chưa đầy năm phút thì thông tấn các nước đã xôn xao loan tin và ngay sau đó cảnh tượng kinh hoàng của ngọn lửa hừng hực, điên cuồng tàn phá công trình kiến trúc hơn 850 năm, được trực tiếp truyền hình đã làm se dạ thắt lòng nhiều người.
    Thông tin cực nhanh giúp con người gần lại nhau hơn, chia sẻ, tương trợ nhau dễ dàng và hữu hiệu hơn, nhưng đồng thời cũng làm khổ nhau hơn, hành hạ nhau dã man, tàn nhẫn hơn, nếu lòng ganh ghét không được chế ngự và miệng lưỡi ác độc không được kềm chế.  
      Tóm lại, tất cả các hành vi bạo lực đều xuất phát từ lòng ganh ghét, và được nuôi lớn qua nhiều giai đọan, nhất là giai đọan làm lớn, làm rộng, đào sâu, đốt nóng  lòng ganh ghét bằng lời nói không tốt đẹp, bằng ngôn từ tàn phá, bằng ngôn ngữ lọai trừ, tiêu diệt.
     Ngăn cản bạo lực, giảm bớt bạo hành vì thế sẽ cần đến hàng loạt cố gắng để lời nói được kiểm soát, ngôn từ được chọn lựa, nhất là tránh né những từ ngữ làm tổn thương, xúc phạm, hạ thấp giá trị của người chung quanh. Đây là công trình lớn vì xã hội có phát triển hay không là do con người trong xã hội ấy có sống chung và cộng tác được với nhau hay không ; là công trình quan trọng mang tính nhân văn cao, vì con người chỉ hạnh phúc, an bình khi trao đổi chân thành, đối thoại chân tình  được với nhau. Thiếu điều kiện này, xã hội loài người sẽ mất hết tình ngừơi, sẽ giảm thiểu tính người, và con người sẽ biến  thành hoả ngục của nhau.
      Một điểm cần lưu ý cuối cùng là chúng ta đã vô tình tạo cơ hội cho bạo lực cưỡng chiếm  đất sống của con người, cày xới đất lành bình an, khi chỉ coi bạo hành là bạo lực, mà bỏ quên sức tàn phá phi nhân của bạo lực trong ngôn từ, sức công phá khủng khiếp của  miệng lưỡi bạo lực.
       Thiết tưởng để gìn giữ bình an và hạnh phúc của đời sống chung luôn cần cảm thông, cũng là tôn trọng sự thật, công lý và quyền sống của người khác, chúng ta cần học kềm chế lòng ganh ghét, tị hiềm và thận trọng kiểm soát miệng lưỡi bạo lực trong mọi  tình huống, công việc.
    Jorathe Nắng Tím