Pages - Menu

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

CHÁY NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS


18 giờ 50 ngày 15 tháng Tư, 2019, tháp chuông nhà thờ Đức Bà Paris bất ngờ bốc cháy trước sự chứng kiến hoảng hốt, bàng hoàng, kể cả đau đớn của hàng triệu người trên toàn thế giới nhờ các phương tiện truyền thông trực tiếp truyền hình cảnh tượng kinh hoàng.
    Kinh thành ánh sáng Paris như sầm tối, sững sờ, bất động, vì bất lực trước cơn đói điên cuồng của ngọn lửa đang hoác to miệng nuốt trửng ngọn tháp cổ kính hơn 850 năm tuổi, di sản qúy báu của thế giới. Cả nước Pháp quặn đau chết lặng trước nhà thờ Đức Bà, biểu tượng của Giáo Hội Công Giáo Pháp, đồng thời là niềm hãnh diện của Paris, trung tâm văn hoá âu châu, điểm hẹn của không biết bao nhiêu con người trên toàn thế giới bất luận mầu da, chính kiến, tôn giáo.
     Được xây dựng dưới thời vua Louis VII, do đức cha Maurice de Sully, giám mục Paris năm 1163. Công trình xây dựng kéo dài đến năm 1345 mới hoàn chỉnh toàn bộ. Từ đó đến nay, Nhà thờ Đức Bà Paris không những đi vào và sống trong tâm hồn nhiều người, mà còn có mặt trong rất nhiều trước tác văn chương, nghệ thuật, điển hình là tác phẩm Thằng Gù nhà thờ Đức Bà của đại văn hào Victor Hugo (1802 - 1885).
     Chiều  thứ hai , nhà thờ cháy. Tôi chỉ biết tin dữ và nhận hình ảnh đám cháy hãi hùng qua người bạn ở Bordeaux, trong khi tôi ở ngay Paris, không xa nhà thờ Đức Bà.
     Không nói thì bạn cũng biết, chúng tôi như những người mất hồn. Đôi mắt dại đi gần như vô hồn, bất động  theo dõi cơn điên của ngọn lửa quái ác đang thiêu rụi từng phần nhà thờ. Chúng tôi nhìn tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đức tổng giám mục Paris Michel Aupetit, bộ trưởng nội vụ, đô trưởng Paris, tất cả cùng một nét lo âu, căng thẳng. Các vị vắn tắt trao đổi, và mắt ngấn lệ không rời ngọn tháp nhà thờ đang quằn quại, vặn mình tức tưởi chết trong khói và lửa, cho đến khi ngọn tháp gẫy đôi và đổ nhào trong tiếng thở dài não nuột tiếc xót, thất vọng của cả nước Pháp, đúng hơn là cả thế giới đang bàng hoàng xúc động, đồng cảm.
     Hơn bốn trăm lính cứu hỏa với tinh thần trách nhiệm cao độ đã giập tắt hoàn toàn ngọn lửa vào 3 giờ 30 sáng ngày 16 tháng 4 năm 2019. Trong hoang tàn của gian cung thánh, Thánh Giá vẫn nguyên vẹn, trang nghiêm ngự trị.
      Biến cố cháy nhà thờ Đức Bà Paris thực là một biến cố rất lớn. Qua biến cố này, người Pháp biểu lộ tinh thần dân tộc và đoàn kết rất cao, người Công Giáo Pháp cũng làm chứng tinh thần hiệp nhất và lòng yêu Giáo Hội một cách đặc biệt. Trong hoang tàn, đổ nát của đám cháy, Thánh Giá yêu thương và hy vọng vẫn rực sáng, và mọi người ở những góc độ khác nhau đều nhìn thấy sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa.
     Sáng nay, thứ tư tuần thánh, tôi theo giòng người thuộc đủ thành phần đến chiêm ngưỡng nhà thờ Đức Bà Paris sau cơn hoả hoạn từ xa, bên bờ sông Seine. Mất đi ngọn tháp duyên dáng, nhà thờ xem ra trống trải, chênh vênh thế nào ấy !  Có lẽ vì quen nhìn tháp chuông mỗi lần  uống càphê  ở quán Notre-Dame đối diện nhà thờ. Từ khung cửa của quán càphê có vị trí thơ mộng này nhìn ra, ngọn tháp nhà thờ Đức Bà lúc nào cũng thướt tha, kiều diễm, nhất là vào những buổi chiều cuối thu, khi những chiếc lá vàng cuối cùng lượn lờ quanh tháp rồi trầm mình xuống giòng sông Seine bắt đầu se lạnh, mang theo nỗi nhớ  mênh mang của người con xa xứ.
     Tâm tư của chúng tôi đến đây hôm nay là buồn và tiếc. Và trong tôi, từ nỗi buồn, nỗi tiếc, vụt lên một tâm tình về một Thiên Chúa vĩnh cửu, không bao giờ dời đổi.
     Nhìn cảnh đổ nát của nhà thờ Đức Bà Paris, tôi nhớ đến bao công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, tinh xảo, cầu kỳ trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Giáo Hội cũng đã sừng sững một thời, và từng là biểu tượng cao qúy, thế mà tất cả vì lý do này lý do khác cũng đã sụp đổ, tàn rụi. Không xa xôi gì, dưới thời chiến tranh thế giới thứ hai, cách đây hơn 60 năm, rất nhiều nhà thờ đã bị bom đạn tàn phá bình địa không còn một hòn đá nào trên hòn đá nào chẳng khác gì đền thờ Giêrusalem đã bị quân đội Babylon tàn phá năm 586 trước công nguyên, được xây lại, nhưng rồi lại bị quân đội Rôma bình địa năm 70 sau công nguyên, đến nay chỉ còn lại bức tường được gọi là bức tường than khóc, nơi mà người Do Thái thường đến cầu nguyện.
    Nhìn đám đông qùy cầu nguyện mà nước mắt lưng tròng khi nhà thờ Đức Bà chìm trong bão lửa đêm thứ Hai 15 tháng Tư mới thấy thương làm sao những ngừơi Do Thái trước cảnh Đền Thờ Giêrusalem bị quân thù tàn phá, vì Đền Thờ Giêrusalem không chỉ là biểu tượng niềm tin của Israel ở Thiên Chúa Giavê, vì Đền Thờ là nơi có Hòm Bia Lề Luật của Giavê Thiên Chúa, mà còn là linh hồn của cả dân tộc. Mãi cho đến bây giờ và đến tận thế, người Do Thái cũng không nguôi ngoai nỗi đau dân tộc này !
    Qủa thực, trải dài lịch sử Dân riêng Thiên Chúa và Giáo Hội của Đức Giêsu, bao nhiêu nơi thờ phượng, từ đền thờ Giêrusalem, và bao nhiêu thánh đường khác, gần nhất, mới nhất là nhà thờ Đức Bà Paris, tất cả đều là công trình con người xây dựng để tôn vinh Thiên Chúa ; tất cả đều có mục đích làm vinh danh Thiên Chúa ; tất cả đều được dùng làm nơi cử hành phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa, và tất cả đều được trân trọng, giữ gìn, bảo quản, nhưng tất cả cách này hay cách khác, ít hay nhiều đều chịu sự tàn phá của thời gian, của thiên tai, của các biến cố, tai nạn. Và như thế, ngay cả những công trình của Chúa, những công trình dành cho Chúa cũng phải chịu chung số phận của đổi thay mà sách Giảng Viên đã viết :
  Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : một thời để chào đời, một thời để lià thế ; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ; một thời để giết chết, một thời để chữa lành ; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ; một thời để than van, một thời để múa nhẩy ; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ; một thời để giữ lại, một thời để vất đi ; một thời để xé rách, một thời để vá khâu ; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà”. (Gv 3,1-8).
     Vì thế sự sụp đổ của các công trình phụng sự Chúa, sự biến dạng, đổi dời của các kiệt tác có mục đích làm vinh danh Chúa cũng nằm trong luật mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời này (Gv 3,1), luật mà bất cứ thụ tạo nào cũng phải chấp nhận ; luật mà bất cứ công trình của thụ tạo nào làm ra cũng phải tuân theo ; luật được áp dụng trên mọi người, mọi sự, mọi việc ở dưới bầu trời này. (Gv 3,1).
     Kinh nghiệm bản thân cũng giúp tôi xác tín chân lý này, khi chứng kiến những thay thế, đổi dời liên tục trong đời sống, khi người mới lên thay người cũ, khi quan điểm mới xóa bỏ quan điểm cũ, khi cơ chế mới thay máu hoàn toàn cơ chế cũ, khi đường lối mới  hủy bỏ không tiếc thương đừơng lối cũ.
     Vâng, chỉ một mình Thiên Chúa là vĩnh cửu và không đổi dời ; chỉ một mình Đức Giêsu hôm qua , hôm nay và mãi  mãi muôn đời vẫn là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người ; chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa là chân lý đời đời ; chỉ Tình yêu Thiên Chúa là núi đá vững chắc đích thực cho ta nương náu ; chỉ một mình Thiên Chúa  là Hy Vọng bất diệt cho ta bước tới ; chỉ Thánh Giá cứu độ của Đức Giêsu bảo đảm hạnh phúc Nước Trời, nên trong mọi hoàn cảnh, khi mọi người, mọi sự, mọi việc đổi dời, thay biến, ta luôn còn Chúa, có Chúa là Đấng không đổi thay, không thất hứa, không chối bỏ ai. Ngài là Tình Yêu vĩnh cửu, Đấng Cứu Độ đời đời, không chịu chi phối bởi luật đổi thay dành cho thụ tạo : Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời (Gv 3,1).
      Những ngày này, chính phủ và Giáo Hội Pháp bận rộn với những gì phải làm sau biến cố hoả hoạn tàn phá một phần nhà thờ Đức Bà Paris. Quyên góp để trùng tu nhà thờ đang được quần chúng sôi nổi ủng hộ, tham gia. Bên cạnh đó là mô hình tháp chuông nào sẽ được chọn : hoặc sao y bản chính, tức làm lại tháp chuông và vòm mái cũ, hoặc tạo một kiến trúc hoàn toàn mới để đánh dấu bước đi của lịch sử.
       Dù gì đi nữa, biến cố nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy cũng đã đánh thức niềm tin của nhiều người, trong đó có tôi, niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, giàu lòng xót thương là chủ của lịch sử con người.