Tin
mừng Gioan 20, 19-27 kể rất rõ : Đức Giêsu sống lại đã hiện ra cho các môn
đệ với thân mình đầy các vết thương tử nạn : tay chân với dấu đinh còn rịn
máu và cạnh sườn sâu hoắm bởi lưỡi đòng đâm thâu qua, đặc biệt, Ngài đã nói với
Tôma, người môn đệ đã tuyên bố : “Nếu tôi không thấy dấu
đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh
sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25), khi Ngài
trở lại gặp toàn thể Nhóm Mười Một, tám ngày sau lần hiện ra thứ nhất không có
mặt Tôma : “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay
Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”,
sau khi chúc Bình An cho các ông (Ga 20,27).
Hiện
ra với thương tích của khổ hình thánh giá, Đức Giêsu đã gây ngạc nhiên cho các
môn đệ. Các ông ngỡ ngàng vì không thể ngờ Đức Giêsu, Thầy mình, với quyền năng
Thiên Chúa đã tự sống lại từ cõi chết mà nay vẫn phải mang nguyên vẹn thương
tích của cuộc khổ nạn trên thân xác phục sinh, mà đáng lẽ những thương tích ấy
như dấu vết của thất bại ê chề, và chết chóc tang thương phải biến hết đi.
Sự
kiện còn giữ lại trên mình những thương tích còn hằn sâu trên da thịt sau khi sống
lại đặt ra cho các môn đệ Đức Giêsu một vấn đề : có thực Thầy là Thiên
Chúa và đã sống lại hay chỉ là ma như Tin Mừng Luca kể lại : Đức Giêsu đứng
giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em”
Các ông kinh hồn bạt viá, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói : “Sao
lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? Nhìn chân tay Thầy
coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh
em thấy Thầy có đây ?” (Lc 24,36-39).
Các
ông không tin và hoảng hốt khi cho là ma, vì trong đầu các ông một Thiên Chúa
không thể sống lại với thân xác con người đầy dấu ấn của nhục nhã, đau thương,
chết chóc như vậy. Nghĩ là ma, vì những thương tích của thập giá hãi hùng, theo
ý các ông, không còn được phép tồn tại trên thân thể sống lại của Con Người đã
tự xưng là Thiên Chúa.
Mang
đầy đủ thương tích của thập giá khi hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu còn làm
các ông hoài nghi, như Tin Mừng Mátthêu đã tường thuật : “Khi
thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt
28,17). Hoài nghi Thầy mình đã sống lại đã đành, nhưng còn hoài nghi Thầy mình
là người của Thiên Chúa sai đến, bởi nếu là người của Thiên Chúa, là Con Thiên
Chúa thì đã chẳng sống lại với thân xác mang dấu ấn của thất bại, và hình phạt
của tội nhân bị kết án tử hình.
Đàng
khác, các ông hoài nghi thiên tính của Đức Giêsu, vì nếu Ngài thực là Thiên
Chúa thì thân xác phục sinh của Ngài phải sáng láng, toàn mỹ, không còn dấu vết
của khổ hình, không còn dấu tích của roi đòn tra tấn, không còn dấu chỉ của con
người có giới hạn, không còn dấu chứng của bạo lực bất công, nhất là không còn
dấu hiệu của một con người Thiên Chúacòn phải tiếp tục đau khổ, và yếu đuối.
Hiện
ra sau khi sống lại với các môn đệ trong hình hài của con người đầy vết thương
còn rướm máu, bằng chứng là môn đệ Tôma đã được chính Đức Giêsu mời thọc bàn
tay vào vết thương ở cạnh sườn còn mở toang, sâu hoắm (Ga 20,27), Đức Giêsu đã
làm các môn đệ của Ngài ngao ngán thất vọng, và không tin. Thánh sử Máccô đã
ghi lại rất chi tiết và sống động : “Người tỏ mình ra cho
Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông đã không tin
và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau
khi Người sống lại” (Mc 16,14).
Thực
vậy, các môn đệ đã không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và đã tự mình sống lại từ
cõi chết, nên chuyện các ông quên những lời Ngài báo trước về cái chết và sống lại của Ngài
đãđược các ông để ngoài tai, không những vì không muốn nghe, mà còn vì các ông
muốn Đức Giêsu, nếu phải chết và sống lại, thì phải sống lại theo kiểu của một
Thiên Chúa, nghiã là Ngài phải ngự giá uy nghi, sáng láng, oai phong lẫm liệt, có
triều thần thiên quốc quây quần thờ lậy, hay ít nhất cũng phải hoành tráng như
lần biến hình trên núi Tabo trước mặt Phêrô, Giacôbê, Gioan, khi “dung
nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh
sáng”
(Mt 17,1-2). Nhưng hôm nay, khi Ngài hiện ra, các ông bàng hoàng, bỡ ngỡ nhận
ra Ngài, tuy sống lại từ cõi chết với quyền năng của Thiên Chúa, mà sao vẫn
nhem nhuốc hình hài con người, và nhớp nhúa máu me các vết thương của khổ hình
thánh giá.
Hình
ảnh hiện ra sau khi sống lại của Đức Giêsu đã làm các ông choáng, vì tận thâm
tâm, không ai trong các ông muốn nhớ lại
cảnh Con Người vác thánh giá dưới những trận mưa roi của lính gác, miệng liên hồi
la ó tục tĩu hối thúc phạm nhân đi nhanh hơn đến nơi thi hành án tử ;
không người nào muốn nhìn lại cảnh “Thiên Chúa làm người” chịu đóng đinh trần truồng ô nhục trước những
diễu cợt, khinh mạn của bàn dân thiên hạ ; không môn đệ nào muốn nghe kể lại
con đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình và đóng đinh của Thầy.
Điều
các ông môn đệ muốn và chờ đợi ở Đức Giêsu Phục Sinh là một Thiên Chúa trăm phần
trăm, không dính dáng đến con người nhếch nhác, tang thương, đau khổ để trước hết
tỏ cho các chức sắc đạo đời Do Thái và quan quân Rôma là những người đã dính
máu Con Thiên Chúa biết họ đã sai lầm, sau đó là hình phạt tương xứng với tội
đã lên án và đóng đinh Thiên Chúa cho từng người.
Tắt
một lời, ước mong Phục Sinh nếu có nơi các môn đệ sẽ là niềm mong ước Thầy sống
lại trong hình hài, dung mạo, và quyền năng xét xử, luận phạt của Thiên Chúa
oai hùng, dũng mạnh ; đồng thời, Ngài sẽ thực hiện quyền thống trị muôn
dân muôn nước trên lãnh thổ, địa lý hữu hình, và tất nhiên các môn đệ sẽ là những
người cùng thống trị muôn dân với Ngài. Đó là hình ảnh Đức Giêsu Phục Sinh có
trong đầu các môn đệ, khi các ông nghe kháo láo “Thầy
đã sống lại”, bởi não trạng làm quan lớn cai trị trong
vương quốc của Thầy mà hai anh em, con ông Dêbêđê đã có lần bộc lộ và gây tranh
cãi nẩy lửa giữa các môn đệ đã không dễ được gột rửa trong tâm trí các ông,
nhưng vẫn âm ỉ, tiềm tàng và nay có cơ hội bùng phát, khi Đức Giêsu sống lại (Mt
20,20-23).
Tin
Mừng kể lại Đức Giêsu đã sống lại và hiện ra với rất nhiều người. Riêng với
Nhóm Mười Một, Ngài đã hiện ra với hình hài con người còn nguyên vẹn thương
tích của khổ hình thánh giá. Sự kiện này không phải ngẫu nhên hay không mang một
ý nghĩa, trái lại, tất cả nằm trong ý muốn của Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đã muốn
nói với Nhóm Mười Một và với tất cả những người tin và đi theo Ngài :
1.
Ngài
là “Thiên Chúa làm người” và tiếp tục ở với con người cho đến tận thế, vì tên
Ngài là “EMMANUEL, Thiên Chúa ở
với chúng ta”.
Thiên
Chúa làm người là Đức Giêsu đã không từ bỏ con người sau khi sống lại từ cõi chết,
nhưng quyết định ở lại đến cùng với con người, đến tận cùng của thời gian, đến cùng tận mọi ngõ
ngách đường đời. Chính vì thế, sự sống lại của Đức Giêsu không chấm dứt hay cắt
đứt sự có mặt của “Thiên Chúa làm người và ở giữa con người”
trong dòng lịch sử vẫn đều trôi từng ngày của con người cho đến giây phút cuối
cùng của lịch sử ấy.
Khi
hiện ra với thân xác đầy vết thương của cuộc tử nạn, Đức Giêsu khẳng định Ngài
là Thiên Chúa làm người đã chết, và sống lại bằng quyền năng của Thiên Chúa, để
tiếp tục có mặt trong thế giới với hình hài, dung mạo của Thiên Chúa làm người
đã chịu khổ hình, chết đóng đinh và sống lại với nguyên vẹn thân xác của thập
giá cứu độ.
Đã
không có gì khác biệt giữa Đức Giêsu Phục Sinh và Đức Giêsu dong duổi trên đường
truyền giáo, bởi chỉ có một Đức Giêsu, nếu có khác biệt thì đó chính là những
thương tích thánh giá trên thân thể của Ngài, như dấu ấn của tình yêu đến cùng
và hiến lễ tình yêu toàn thiêu, khi “Thiên Chúa làm người”
hiến mạng sống cho nhân loại mình yêu.
Với
thân xác phục sinh còn nguyên vẹn thương tích tử nạn, Đức Giêsu cho chúng ta biết
Ngài vẫn là “Thiên Chúa làm người” để
cứu độ người có tội ; Ngài vẫn là “Thiên
Chúa làm người” giàu lòng xót thương, vì thương xót mà
thân xác phủ kín lỗ đinh, lưỡi đòng và vô số vết roi hằn sâu da thịt ; Ngài vẫn
là “Thiên
Chúa làm người” để cảm thương, chia sẻ những đau khổ của
con người, khi giữ những vết thương rướm máu nhục nhằn của người nghèo đói trên
đôi tay, những loang lổ bất công của người bị áp bức, bóc lột ở bàn chân, và những
lở loét bất hạnh của đời người bên cạnh sườn bị đâm thủng trên thân xác chịu
đóng đinh.
Tất
cả điều này được minh chứng hùng hồn và được bảo đảm vững chắc qua lời hứa của Đức
Giêsu khi hiện ra với các môn đệ tại Galilê sau khi sống lại : “Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
2.
Hiện
ra với thân xác đầy thương tích tử nạn, Đức Giêsu muốn sai các môn đệ đi rao giảng
một “Thiên Chúa làm người” chịu đóng đinh :
Các
Tin Mừng đều ghi lại sứ mệnh được “sai đi và làm cho muôn
dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19) mà Đức
Giêsu trao phó cho Nhóm Mười Một trong bối cảnh Ngài hiện ra sau khi sống lại với
thân xác đầy thương tích tử nạn.
Qua
đó, Ngài muốn các ông chỉ loan báo một mình Ngài là “Đức
Kitô chịu đóng đinh”, vì chỉ Đức Kitô chịu đóng đinh mới đáng được loan báo, bởi duy nhất một mình “Ngài
đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”
(Pl 2,8), nên đã được Chúa Cha tôn vinh,
như thánh Phaolô đã qủa quyết : “Thiên Chúa đã siêu tôn
Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa
nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải
bái qùy, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức
Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11). Trong thư gửi giáo đoàn
Côrintô, thánh tông đồ dân ngoại còn nhấn mạnh : “Trong
khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ
khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà
người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”
(1Cr 1,22-23).
Sống
lại và hiện ra với thân xác còn nguyên thương tích và sai đi làm chứng về mình
(Lc 24,48), Đức Giêsu muốn các môn đệ làm chứng về mầu nhiệm thánh giá, mầu nhiệm
của Thiên Chúa làm người đã chết cho con người để cứu chuộc con người.
Như
thế, nội dung của rao giảng, cũng như chứng cứ, chứng từ đáng tin cậy mà các
môn đệ phải làm chứng chính là Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại với thân
xác bầm tím, đầy những thương tích của khổ hình thánh giá cứu độ.
Và
qủa thực, sẽ không có lời chứng nào có giá trị sinh ơn cứu sống ngoài lời chứng
về Đức Giêsu đã chết và đã sống lại mình đầy thương tích ; cũng sẽ không
có tông đồ, thừa sai, nhà truyền giáo nếu Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người
chịu đóng đinh không được loan báo.
3.
Đức
Giêsu Phục Sinh hiện ra với thương tích tử nạn muốn nói với các môn đệ của Ngài :
“Hãy mang lấy thương tích của thánh giá, khi được sai đi” :
a. Ngài
muốn các ông mang lấy thương tích của thánh giá, nghĩa là chia sẻ khổ đau với
Ngài, để có thể cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ, và chung phần vinh
quang với Ngài, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ người con thiêng liêng Timôthê: “Nếu
ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,11-12).
b. Ngài
muốn các môn đệ đi đến muôn dân với tất cả thân phận bất toàn của con người,
nghĩa là đến với anh em như “mình là”,
không giả hình, diêm dúa hoá trang, không giấu giếm che đậy thiếu sót, bất toàn.
Đến với mọi người bằng tấm chân tình, bằng sự thật của con người mỏng dòn mang
trong mình bình sành qúy giá là Tin Mừng. Đến với người khác trong tâm tình và
tư thế của người anh em cũng đau khổ như họ, cũng chịu thử thách như họ, cũng bị
cám dỗ, và sa ngã như họ ; cũng nặng lòng ghen tuông, đố kỵ, nhỏ nhen, ích
kỷ như họ ; cũng mình đầy thương tích của yếu đuối, lỗi lầm như họ và chỉ
dám đặt hết hy vọng ở Đức Kitô chịu đóng đinh, với lời hứa của Ngài : “Ơn
Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9).
Như thế, người môn đệ Đức Giêsu vừa mang
thương tích của thánh giá để “nhận lấy vào thân cho đủ
mức những cực hình còn thiếu nơi Đức Kitô cho lợi ích của Thân Thể Người là Hội
Thánh”
(Cl 1,24), và trở nên “đồng hình đồng dạng”
với Thầy hầu góp phần cứu rỗi chính mình và anh em, vừa mang lấy thương tích của
tội lỗi, sai phạm của chính mình để không kiêu căng ảo tưởng mình là thánh thiện, hoàn hảo, không cao ngạo khinh dể,
chối từ anh em, nhưng biết cảm thương người anh em yếu đuối, biết ân cần đỡ dậy
người chị em ngã qụy dưới gánh nặng của cám dỗ, biết chia sẻ thiếu sót, khiếm
khuyết của mọi người, bởi chính mình cũng yếu đuối, tội lụy, thân xác mình cũng
phủ đầy những dấu vết của sai phạm, dầy kín những dấu chứng của phản bội, vô ơn,
chằng chịt đan dệt vô số dấu tích của thiếu sót, lỗi lầm.
Mang
trong mình thương tích của yếu đuối, người môn đệ sẽ không ngã lòng khi gục ngã
trên đường rao giảng Tin Mừng, bởi ý thức thân phận hèn yếu, dòn mỏng và hồng
ân được sai đi như tôi tớ bất xứng và vô ích sẽ cho người môn đệ có lòng khiêm
tốn sức mạnh của Đức Kitô Phục Sinh để đứng lên, bắt đầu lại. Mang trong mình
thương tích của đau khổ do bất công và bạo lực trong cuộc sống, người môn đệ sẽ
không vô cảm trước khổ đau của người nghèo bị áp bức, bấn loạn của người bị trấn
lột, và tủi buồn của người bị vu khống, hàm oan. Sau cùng, nhờ mang trong mình
thương tích của người có tội cần được xót thương, người môn đệ sẽ biết thương
xót mọi người, vì biết : cả người được sai đi rao giảng, và người được rao
giảng đều là những con người bất toàn, bất xứng, mình đầy thương tích tội lỗi,
bất xứng, bất toàn và luôn cần Lòng Thương Xót của Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh
giầu lòng thương xót chữa lành.
Xin
cho chúng con đức tin để can đảm và mau mắn lên đường với Đức Giêsu sống lại
mình đầy thương tích, để loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh, bằng chính con người
được mang thương tích Thánh Giá cứu độ của Đức Giêsu và thương tích tội lỗi, yếu
đuối của riêng mình.
Jorathe
Nắng Tím