Pages - Menu

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

HÀNH TRANG VÀO ĐỜI SAU

Tháng Mười Một gợi nhớ nhiều về sự chết, người chết, và cũng nhắc nhớ sẽ đến phiên mình chết một ngày : xa gần không biết, ở đâu không hay, cách nào không rõ, nên mỗi năm khi tháng cầu cho các linh hồn về, nghe lòng như chùng lại, tim se thắt, xót xa, và cổ họng đắng chát phận buồn con người biết mình phải chết.
Phải chết một ngày vì là con người, bởi đã là người thì phải chết như án lệnh từ đời đời cho cả loài người, và cứ thế, người trước kẻ sau, bất phân mầu da, tiếng nói, tuổi tác, giai cấp, trình độ…, người người nối đuôi nhau, tiếp theo nhau nhận lệnh lên đường đoàn tụ với tổ tiên, ông bà bỏ lại cuộc sống, giã từ trần gian, đi vào cõi chết, mà không thể trì hoãn, gia hạn hay khiếu nại, thắc mắc, cũng không kéo được ai theo mình, hay mang theo được sự gì dù cỏn con, bé bỏng, nhẹ nhõm, ngay cả như hơi thở trước ngưỡng cửa vào thế giới hoàn toàn xa lạ, bí mật, chưa một lần tham quan, khảo sát …
Nhìn người chết vô hồn, bất động, cứng đơ, lạnh lẽo, ai cũng hiểu chết là chấm hết mọi chức vụ, dù người ấy có đang tại chức Giáo Hoàng, Giám Mục chính toà, nguyên thủ quốc gia, chủ tịch, giám đốc ; chết là chấm dứt mọi uy quyền, dù người ấy đang nắm giữ quyền sinh sát toàn thế giới, hay là nhà độc tài hét ra lửa, thở ra khói làm mọi người phải rụng rời, kinh sợ ; chết là kết thúc mọi chiến dịch vận động tìm kiếm  của cải, thành công, vinh quang, huy chương, bằng tưởng thưởng ; là đóng lại mọi ước mơ, kế hoạch, đồ án, chương trình, dù là những kế hoạch kinh thiên động địa, hay những chương trình chuyển núi rời non. Nhưng đồng thời chết cũng là trả hết nợ đời, trút bỏ gánh sầu buồn, tủi nhục của một đời nghèo đói, thất học, không gia thế, địa vị, bị người đời khinh khi, vùi dập, khai thác, bóc lột, lợi dụng ; chết cũng là giã từ những uất nghẹn khi bị người đời chụp mũ oan sai, vu khống hồ đồ, lên án oan uổng, và chết cũng là gửi lại đời những đẳng cấp, số má, bon chen, đấu đá, thị phi, tranh giành.  
Nhưng nếu chết là hết, là dấu chấm hết to đùng làm đứng hình, tắt phim tất cả và thực sự không còn gì sau dấu chấm hết này nữa thì coi như đã xong, đã hoàn tất mọi việc, mọi sự, và không còn gì lấn cấn, vướng víu : người giầu có, uy quyền, khỏe mạnh đã may mắn hưởng một đời hạnh phúc, còn người nghèo khổ, hèn hạ, tật nguyền thì đành chịu đã không may mắn trải qua một đời làm người bất hạnh, để chết rồi người may mắn, kẻ xui xẻo cũng như nhau ở kiếp tro bụi hư vô, không còn là bất cứ sự gì nữa, và cũng chẳng phải bận tâm lo nghĩ nhân qủa, thưởng phạt.
Trái lại, có nhiều dấu hiệu, nhiều điềm lạ, nhiều biến cố cho thấy : chết không hết, xác có tan rữa đấy, nhưng hồn vẫn còn đây. Trong giấc ngủ nửa mơ nửa tỉnh, người thân tuy đã chết nhưng vẫn thênh thang về gặp ; trong lời kinh tưởng nhớ, vẫn thấy gắn bó, gần gũi như ngày xưa những bóng hình đã khuất ; khói nhang quyện hương lòng trước bàn thờ, di ảnh người quá cố vẫn nghe xôn xao, se thắt nỗi  nhung nhớ, niềm tiếc thương… Phải rồi, người chết vẫn sống, vì linh hồn con người bất tử, người chết vẫn còn quanh đây, vì cuộc sống dương thế đã không chỉ toàn là bụi tro, nhưng còn là những thiêng liêng, đời đời, tuyệt đối.
    Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã khẳng định chân lý này :
·      Nếu người ta được cả thế gian, mà mất sự sống đời đời thì nào có ích lợi gì ? (Mt 9,26)
·       Qủa thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, thì các ông không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác và Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống (Mt 22,30-32).
·      Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao (Mt 5,3.12).   
·      Anh em chớ mừng vì qủy thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời (Lc 10,20).
Đức Giêsu nói cho chúng ta, những người biết mình sẽ phải chết, nhưng không biết chết là gì, và chết rồi đi đâu điều này, đó là tất cả mọi người sẽ sống lại sau khi đã chết, có một sự sống vĩnh cửu, không bao giờ bị gián đọan sau sự sống này, có một vương quốc thuộc về Thiên Chúa sau cuộc sống dương thế, có một phần thưởng  lớn lao, có một danh sách ghi tên những người được ở trên trời, và Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa của người sống. 
Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là phải có điều kiện nào để được hưởng những điều Đức Giêsu  vừa kể, sau khi chết. Đây chính là bí mật cứu độ của Thiên Chúa đã được Đức Giêsu mặc khải cho những người bé mọn, vì trong thế giới của những kiêu căng, quyền lực, hưởng thụ, xa hoa, bí mật này dù có được công bố trên mái nhà, người ta cũng không mấy quan tâm, như Đức Giêsu đã nhiều lần lên tiếng : Vậy, tôi phải ví người của thế hệ này với ai ? Họ giống ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói : Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa ; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than. Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : Ông ta bị qủy ám. Con Người đến cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi (Lc 7,31-34). Ai có tai nghe thì nghe (Lc 8,8).
1.   Điều kiện thứ nhất :  tin nhận Thiên Chúa là Tình Yêu không đổi dời, vô cùng và đến cùng :
Như người con thứ hoang đàng trong dụ ngôn Người cha nhân hậu đã có thể đứng dậy, lên đường trở về, vì anh đã tin Cha lúc nào cũng một mực yêu thương : yêu thương khi con ngoan ngoãn, vâng lời, yêu thương cả khi con ngang ngược, bất hiếu đòi chia gia tài khi cha còn sống ; vì anh đã tin tình Cha vô cùng bao la, hải hà, để yêu anh đến tận bước chân cuối cùng ở đường cùng thân tàn ma dại, sau khi đã ăn tiêu hết sạch tiền bạc, và lâm cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ và chỉ dám ao ước lấy cám heo mà nhét cho đầy bụng (x. Lc 15,11-20).
Một khi tin tình yêu Thiên Chúa không đổi dời như tình con người dành cho nhau nay còn mai mất, hôm nay nồng nàn, ngày mai hờ hững, sớm mai sôi nổi, chiều về đã lạnh tạnh, hay khi vui thì đam mê, tha thiết, lúc buồn thì ngao ngán, dửng dưng, con người mới an tâm đi vào đời sau, mới tin tưởng bước vào đời đời, mà không hoang mang, sợ hãi bóng đêm sự chết; có tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, luôn trung tín với tình yêu bao dung dành cho con cái mình, con người mới bình an nhắm mắt, xuôi tay từ bỏ thân xác tro bụi để đi vào lòng Đấng đã tạo dựng nên mình vì yêu thương ; có tín thác ở Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn băng bó, chữa lành, giải thoát và cứu độ ; Đấng không đành bẻ gẫy cây lau bị giập, chẳng nỡ tắt đi tim đèn còn leo lét (Mt 12,20), con người yếu đuối, tội lỗi ở giờ chết mới dám ngước mắt thân thưa trước Thiên Chúa như người con trở về : Lậy Cha, con đã đắc tội với  Trời và với Cha(Lc 15,18).     
2.   Điều kiện thứ hai : yêu thương anh em như chính mình đã được Thiên Chúa yêu thương :
Có một điều không thể chối cãi, đó là ai cũng có khả năng yêu thương, mà không ai có thể tị nạnh : người khác có khả năng yêu thương hơn tôi, hoặc tôi không biết yêu thương, không yêu thương giỏi như người khác. Trái lại, quà tặng đồng đều của Thiên Chúa cho mọi người là khả năng yêu thương, nên bất cứ ai, ở thời nào và ở đâu, trẻ già lớn bé, giầu nghèo, sang hèn, bất kỳ chỗ đứng nào trong gia đình, xã hội cũng đều có khả năng yêu thương như nhau và được Thiên Chúa mời gọi yêu thương như Ngài.
Vì thế, Đức Giêsu đã không đề ra một danh sách những hành trang con người phải mang theo đến trước Nhan Thiên Chúa khi chết, hay những tặng vật con người phải chuẩn bị để biếu xén, mua chuộc Thiên Chúa như con người thường làm đối với người có quyền, có chức, có ảnh hưởng ở thế gian, nhưng Ngài đã chỉ đưa ra một hành trang duy nhất mà con người phải mang theo khi chết, nếu muốn được vào Nước Trời, được sự sống đời đời, đó là Tình Yêu dành cho đồng loại.
Vì tất cả đã nhận đồng đều tình yêu để yêu, nên ai nấy, dù quyền cao chức trọng đến đâu, cũng phải đệ trình Thiên Chúa việc làm yêu thương của mình ; vì tất cả đã nhận cùng một vốn liếng Tình Yêu như nhau, nên không ai, dù thuộc phẩm trật cao cả đến cỡ nào, cũng không được miễn trừ trả lời việc làm sinh sôi nẩy nở nén bạc tình yêu ; vì tất cả đã được đồng đều trao ban tình yêu để yêu như ơn gọi, sứ vụ, nên không ai tránh được câu hỏi về quá trình yêu thương của mình trước Thiên Chúa ; vì tất cả  khi chết đều phải bỏ lại mọi người, mọi sự, mọi vương trượng, mũ mão, quyền lực, tiền của, danh vọng, nên ai cũng sẽ chỉ trơ trọi một mình với Tình Yêu là hành trang duy nhất; vì tất cả đã phải như nhau trở về tro bụi, khi tất cả những gì thuộc vật chất đã tiêu tan, nên ai nấy chỉ còn lại linh hồn thiêng liêng với tình yêu bất tử là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, đời đời.
Như thế, con người hoàn toàn như nhau  trước Toà Thiên Chúa, khi ai cũng như ai : không mang được gì, cho dù cả thế giới là của mình ; không thể mua chuộc, mánh mung, đút lót, vì tất cả những gì đã có đều trở thành hư vô, và ai nấy chỉ còn lại Tình Yêu là hành trang để đi vào cõi hằng sống ; chỉ còn Tình Yêu là gia sản có giá trị, được phép mang theo ; chỉ còn Tình Yêu là thông hành phải xuất trình để được nhận vào Nước Trời ; chỉ còn Tình Yêu là dấu hiệu để được nhận ra là Con Thiên Chúa ; chỉ còn Tình Yêu là gien ADN để được khai sinh trong gia đình Thiên Đàng, và chỉ còn Tình Yêu để được  nghe  chính Đức Giêsu từ Toà vinh quang phán:
Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát,các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu ; các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Và Ta bảo thật : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho ta vậy (Mt 25,34-36.40).   
Qủa thực, niềm an ủi và hy vọng duy nhất của con người biết mình phải chết là sẽ được chết trong Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, như người đầy tớ mắc nợ vua kia mười ngàn yến vàng, bị đòi đến trước mặt Vua, nhưng không có gì để trả, đã sấp mình xuống bái lậy xin Vua rộng lòng hoãn lại kỳ hạn. Vua chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ (Mt 18,27). Tha hết món nợ kếch xù cho anh, Đức Vua chỉ mong anh cũng biết xót thương anh em như vậy. Nhưng rất tiếc cho anh, thay vì tha cho người bạn chỉ mắc nợ một trăm quan tiền, món tiền không là gì so với mười ngàn yến vàng anh vừa được Đức Vua xóa nợ, anh đã mê muội, ích kỷ, ki bo, tàn ác, nhẫn tâm đến độ cứ tống anh bạn mắc nợ kia vào ngục cho đến khi trả xong nợ, dù anh bạn khốn khổ, túng quẫn ấy đã sấp mình xuống và hết lời van xin. Và cái kết không ngờ đã đến với anh, khi Đức Vua biết chuyện đã cho đòi y đến và bảo : Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?. Rồi Đức Vua nổi giận, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho Vua (Mt 18,32-34). Và Đức Giêsu đã kết luận : Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18, 35).      
Lậy Đức Giêsu, Đấng từ bi, nhân hậu, con biết con sẽ chết, nhưng không biết bao giờ chết và chết cách nào. Vì nhiều tội, lắm lầm lỗi, đầy thiếu sót, ngập khuyết điểm, nên con sợ giờ chết, sợ Chúa thịnh nộ từ chối con, không cho con đứng về phiá bên phải của những người lành được chúc phúc vì  họ đã sống một đời yêu thương, thực hành lòng thương xót.
Vì sợ nên con run rẩy sấp mình van xin Chúa thương xót, tha cho con món nợ Tình Yêu khổng lồ mà con biết sẽ không sao trả nổi. Và để được Chúa chạnh lòng thương, tha thứ, con hứa sẽ không độc ác như người đầy tớ không có lòng thương xót trong Tin Mừng mà chính Chúa đã kể, nhưng còn ngày nào được sống trên dương thế này, con sẽ cố gắng thực hiện từng bước Yêu Thương, Tha Thứ trên đường về đời sau.
Xin Chúa thương xót và nhớ đến chúng con trong Nước Chúa, nếu hành trang của chúng con ở giờ chết còn nhẹ tênh, chưa xứng đáng, Chúa nhé !
Jorathe Nắng Tím

DA - KÊU, KẺ ĐI TÌM

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI Thường Niên, Năm C            
Tin Mừng kể về nhiều người giầu : có người thanh niên giầu đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi khi nghe Đức Giêsu đề nghị : Anh chỉ thiếu một điều, là hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời (Mc 10, 21-22) ; có người giầu khi sống thì lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng dửng dưng với người nghèo tên Ladarô mụn nhọn đầy mình, nằm trước cổng nhà ông. Dưới âm phủ, sau khi chết, người giầu này chỉ dám nài xin : Lậy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây, con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !, nhưng Ápraham trả lời : giữa thiên đàng và hoả ngục đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được (x. Lc 16,19-31) ; có người giầu nứt tường nứt vách hớn hở tự nhủ mình : Hồn ta ơi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”. Nhưng Thiên Chúa bảo ông : Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? (Lc 12, 19-20) ; cũng có người giầu tên là Da - Kêu, đứng đầu những người thu thuế, và là người giầu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng lại đông, mà ông ta lại lùn. Ông ta liền chạy tới phiá trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : Này ông Da - Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người (Lc 19,2-6).
Ông Da - Kêu đã không giống những người giầu được kể : ông không sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, như người thanh niên giầu có sau khi nghe lời đề nghị của Đức Giêsu, nhưng ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người vào nhà mình ; ông không phải xuống hoả ngục vì đã không từ tâm thương xót người nghèo mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông như người phú hộ. Trái lại, ông được Đức Giêsu ngước nhìn lên và nói với ông : Này ông Da -Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông, và trong bữa ăn, Đức Giêsu còn nói về ông ta rằng : Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19,5.9-10) ; ông cũng không như người giầu khác bị chê là đồ ngốc, vì không biết nội trong đêm nay, thần chết sẽ đến lấy mạng, nhưng ông đã thưa với Chúa rằng : Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn (Lc 19,8).  
Cũng là người giầu, cũng tham ô, hối lộ, chiếm đoạt tài sản của thiên hạ cách này cách khác như chính ông thú nhận (x. Lc 19,8), nhưng Da- Kêu đã hoàn toàn không rơi vào tình trạng rầu rĩ bỏ đi sau khi gặp Đức Giêsu của người giàu thứ nhất, không rơi xuống hoả ngục để rồi bị lửa thiêu đốt khổ lắm (Lc 16,24) như người giầu thứ hai, cũng không phải bất đắc kỳ tử trong đêm mà không mang theo được xu teng nào của người giầu thứ ba.
Nhưng tại sao, Da -Kêu lại may mắn hơn những người giầu này ?
1.   Vì Da- Kêu muốn tìm biết Đức Giêsu là ai ?
Cả ba người giầu tạm gọi là không may mắn đều đã không muốn tìm biết Đức Giêsu là ai, ngay cả anh thanh niên giầu có, anh đến hỏi Đức Giêsu cách thức để được sự sống đời đời và khẳng định những điều kiện Đức Giêsu đưa ra như : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ (Mc 10,19), anh đều có tất cả, khi trả lời Ngài : Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ (Mc 10,20). Nhưng anh quên một điều : Thiên Chúa cần anh tìm biết Ngài, vì chính Thiên Chúa sẽ đổi mới anh, thánh hoá anh, cứu độ anh, chứ không phải lề luật, nhân đức, bởi Đấng anh phải tìm, chính là Đức Giêsu, con người Thiên Chúa, chứ không đến hỏi thăm Đức Giêsu để tìm một bí quyết, một quy tắc, một phương cách, hay khoe khoang công trạng, nhân đức, vì chỉ một mình Ngài là Đường, Sự Thật, Sự Sống, và Đấng Cứu Độ.
Da - Kêu đã không tìm ai, tìm sự gì ngoài tìm xem cho biết Đức Giêsu là ai (Lc 19,3), vì ông khao khát muốn biết rõ Đấng mà nhiều người đang đổ xô đi theo, đang say mê nghe Ngài giảng dậy, đang nhận được từ Ngài vô số ơn lành hồn xác. Ông được thúc bách đi tìm xem cho biết Ngài là ai, và chính khi đi tìm cho biết Ngài là ai, ông đã bước trên con đường có Ngài đang đi tìm ông. Một hạnh phúc bất ngờ mà ông không thể biết trước, đó là chính Thiên Chúa đi tìm ông, đến gặp ông khi ông vừa lên đường đi tìm Ngài !
2.   Vì Da - Kêu đã hiện thực ước muốn đi tìm Thiên Chúa của mình :
Ước muốn đi tìm để xem cho biết Đức Giêsu là ai, Da - Kêu đã không chỉ ước mơ xuông, ước ao để đó, ước muốn chờ thời, nhưng thực hiện ước muốn đó bằng chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó (Lc 19,4). Với trí thông minh, và tài tính toán, ông biết địa điểm nào Chúa sắp đi qua ; với ý chí sắt đá và nhiệt tình cao độ, ông thoăn thoắt leo nhanh lên cây sung cao, quyết nhìn thấy Ngài.
Ước muốn đi tìm biết Thiên Chúa là ai đã thúc bách ông lên đường khi chạy tới phiá trước. Ông không ngồi lì một chỗ rồi ước mơ, không nằm ở nhà rồi mơ ước, nhưng bỏ bàn thu thuế, bỏ văn phòng làm việc, bỏ bàn nhậu 1,2, 3 Dzô để chạy tới phiá trước. Chạy tới phiá trước diễn tả từ bỏ chỗ đang đứng, ra khỏi nơi đang ở, rời hẳn tháp ngà đang yên ấm để ra xa, ra sâu, ra vùng ngoại biên lạ lẫm, nhiều rủi ro, ra với người khác còn xa lạ, chưa quen biết bên ngoài. Hơn thế nữa, ước muốn ấy còn thôi thúc Da - Kêu hăm hở leo lên cây, nghiã là cố gắng vươn cao, hướng thượng, nâng tâm hồn và cuộc sống lên một tầm cao xứng đáng.
Vâng, Da - Kêu là người giầu tội lỗi, như bao người giầu, người nghèo tội lỗi khác, bởi đâu cứ nghèo là thánh thiện, cứ giầu là tội lỗi. Điểm then chốt ở đây là Đức Giêsu đã gọi : Da - Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông, trong bỡ ngỡ ngợp tràn hạnh phúc của một người tội lỗi được Thiên Chúa đích thân đến gặp trên đường đi tìm Ngài : Đức Giêsu đã dừng lại ngay dưới gốc sung, gọi đúng tên, và ngỏ ý ở lại nhà Da - Kêu, khi ông ẩn mình trên cành sung cao chiêm ngắm Ngài. Và còn ngạc nhiên hơn nữa trong niềm vui òa vỡ khi Đức Giêsu tuyên bố : Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này (Lc 19,9), bởi chính Thiên Chúa là Mục Tử dong duổi đi tìm con chiên bị lạc mất (x. Lc 15,4-7), người cha nhân hậu ra đầu ngõ ngóng bóng con trở về (x. Lc 15,20), Đấng Cứu Độ đến giữa loài người để hiến mạng sống làm giá cứu chuộc mọi người, và mãi mãi Ngài đợi chờ và đích thân đến gặp trong ước muốn và ở những bước đầu của hành trình đi tìm Ngài của những con người tội lỗi là chúng ta, như đã gọi tên, đến nhà, ở lại và chúc phúc cho người giầu Da - Kêu năm xưa ở Giêrikhô.
Jorathe Nắng Tím