Pages - Menu

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

TÔN VINH MẸ LA VANG, NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM

Suy niệm 2 : ĐỨC MARIA TIN VÀO LỜI HỨA CỦA THIÊN CHÚA
Hành động tin luôn hướng đến tương lai, vì tin là hy vọng ở những gì chưa có, chưa thể hiện trong hiện tại. Bởi thế, bất cứ niềm tin nào cũng cậy dựa vào Lời Hứa của một người, một Đấng mà mình yêu mến, tín nhiệm.
Chính vì đức tin đòi gắn bó vào Lời Hứa, vào một điều mới chỉ được hứa sẽ có, được tiên báo sẽ thực hiện, nhưng trong thực tế thì chưa có, thực sự thì chưa xẩy ra, vì chưa có gì thành tựu, thành sự, thành hình, mà tin không dễ, đức tin không luôn mang mầu hồng, và niềm tin không an nhàn, thoải mái. Cũng chính vì đức tin đòi bám chặt vào Lời Thiên Chúa hứa, mà nhiều người không tin, hay tin mà vẫn nghi ngờ, dè dặt, tin mà vẫn thập thò chân trong chân ngoài, tính toán trước sau, so đo hơn thiệt.
Và không chỉ đức tin siêu nhiên đòi gắn bó với Lời Hứa, ngay trong đời sống hằng ngày, đòi hỏi này cũng không thể thiếu, nếu để được gọi là niềm tin. Nhìn hai người yêu nhau, thành hôn với nhau, họ đã chẳng dựa trên lời hứa chung thủy của nhau đó sao ? Ở thời điểm hiện tại, và khởi điểm của hành trình hôn nhân, họ có biết ngày mai ra sao, tương lai thế nào đâu, nhưng vì tin vào lời hứa trung thành, lời hứa yêu thương và tín nhiệm nhau, họ đã dấn thân để nên vợ nên chồng cho đến hết cuộc đời, và bao lâu còn tin vào lời hứa của nhau, bấy lâu họ còn hạnh phúc, nhưng nếu không may đến một lúc không còn tin vào lời hứa nữa, họ sẽ không thể tiếp tục đồng hành với nhau trên đường tình. Đây chính là nguyên nhân của hầu hết các gia đình đổ vỡ, và lý do làm đứt gánh giữa đường tình.
Như thế, sẽ không có niềm tin, nếu không có lời hứa, cũng như không có đức tin, nếu không gắn chặt đời mình vào Lời Hứa của Thiên Chúa.
Đức Maria, Mẹ chúng ta là người có đức tin vững mạnh vào Lời Thiên Chúa hứa, và vì tin, Mẹ được tuyên dương là người đầy ơn phúc, như bà chị họ Êlisabét đã lên tiếng khen Mẹ : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).    
Nhưng đức tin của Đức Maria không là “đức tin” bồng bột của cảm xúc, “đức tin” hời hợt của cảm tính, như chỉ tin khi thành đạt, thịnh vượng, và hết tin khi sa cơ, thất thế, hoặc tin khi “ăn nên làm ra”, nhưng không tin khi gian nan, thử thách. Trái lại, đức tin ở Đức Maria là đức tin của người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, nghiã là không có gì thuộc quyền sở hữu của Mẹ từ tư tưởng, lời nói, việc làm ; không có gì là của riêng Mẹ từ quá khứ, hiện tại, tương lai ; không còn gì ở trong quyền quản lý của mẹ từ vinh dự, tài năng, nhân đức đến gian truân, khốn khó, đau khổ, sự sống và sự chết.
Vì thế tất cả cuộc đời Mẹ là tin ở Lời Thiên Chúa hứa, tất cả con người Mẹ là lời “Xin Vâng, đây là nữ tỳ của Chúa”, tất cả sinh hoạt cuộc sống Mẹ là “xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói” (Lc 1, 38), để không có gì lọt ra khỏi Thánh Ý Chúa, không có gì ra ngoài vùng phủ sóng của Lời Hứa, không có gì vượt khỏi chương trình cứu độ của Đức Giêsu, Con Mẹ. Nhờ thế mà đức tin của Mẹ trọn vẹn và tuyệt đối.
Đức Tin của Đức Maria còn là đức tin được đổ móng trên truyền thống đức tin của cha ông và của dân tộc Israel như Mẹ đã tuyên xưng trong kinh Tán Tụng : “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54-55).
Khi tuyên xưng điều này, Mẹ  khẳng định : đức tin của Mẹ không trơ trọi một mình, không biệt lập một góc, không chơ vơ, cô độc, nhưng là đức tin của cả Dân Chúa, đức tin của toàn thể gia đình những người tin vào Lời Hứa, đức tin của truyền thống và lịch sử lâu dài nơi cộng đoàn những ai tôn thờ Thiên Chúa. Đức tin ấy vững chắc vì được không ngừng củng cố, nâng đỡ bởi cộng đoàn đức tin, được lớn lên trong tình yêu của cộng đoàn những người tin, được ăn rễ sâu nhờ được cộng đoàn đức tin bảo vệ, gìn giữ. 
Tin Mừng Luca đã ghi lại rất chi tiết đức tin luôn gắn bó với cộng đoàn Dân Chúa của Đức Mẹ, như “khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22-23), cũng như “hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2,41-42).
Sau cùng đức tin vào Lời Hứa của Đức Mẹ còn được nuôi dưỡng bằng đời sống kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, để hiểu được ý muốn cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Thánh sử Luca đã kể lại cách tài tình nỗi lo lắng của Đức Maria và thánh Giuse khi Đức Giêsu bị lạc mất ba ngày ở Giêrusalem qua lời đối đáp giữa Đức Mẹ và Đức Giêsu : “Khi thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dậy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi…, hai ông bà sửng sốt”, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” Người đáp : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2, 46.48-49). Tuy không hiểu lời Đức Giêu, con mình vừa nói, nhưng “mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 2, 51).
Ghi nhớ tất cả trong lòng” là gìn giữ những Lời của Đức Giêsu, con mình nói ; là suy niệm trong thinh lặng của tâm hồn, cầu nguyện trong tĩnh lặng của trái tim với Lời Hứa của Thiên Chúa để khám phá ý định cứu độ của Ngài. Nhờ thế, Đức Maria bén nhậy và tinh tế nhận ra điều Thiên Chúa muốn, việc Thiên Chúa muốn thực hiện, nhất là nắm bắt được giờ cứu độ của Thiên Chúa, như ở Cana, qua phép lạ cho nước hoá thành rượu ngon, nhờ sự can thiệp của Mẹ.
Ở tiệc cưới Cana, Đức Giêsu lúc đầu xem ra không muốn chấp thuận lời đề nghị của Đức Mẹ khi trả lời : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4), nhưng tâm hồn cầu nguyện tràn đầy đức tin của Đức Maria rất bén nhậy với ý muốn thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã thúc bách Mẹ không ngần ngại nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Mẹ đã đi trước và làm gương cho người đàn bà ngoại đạo xứ Canaan kiên nhẫn nài xin Đức Giêsu chữa con gái bà “bị qủy ám khổ sở lắm” (Mt 15,22), nhưng “Người không nói một lời” (Mt 2,23). Khi các môn đệ lại gần xin với Người rằng : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi !”. Người đáp : “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Bà ấy liền đến bái lậy mà thưa Người rằng : “Lậy Ngài, xin cứu giúp tôi !” Người đáp : “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu đáp : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy». Từ giờ đó, con gái bà được khỏi”  (Mt 15,23-28).   
Và chúng ta có thể quả quyết : đứng trước niềm tin vững vàng và lời cầu khẩn tha thiết của Đức Maria, Đức Giêsu thấy đã đến giờ “bày tỏ vinh quang của Người”, để “các môn đệ tin vào Người” (Ga 2, 11), và sáu chum nước lã đã biến thành sáu chum rượu ngon (x. Ga 2,6-10).
Như thế, tin Thiên Chúa chính là tin vào Lời Hứa của Ngài : Lời Chúa hứa yêu thương và cứu độ, Lời Chúa hứa “từ đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50), Lời Hứa “ơn cứu độ đã dành sẵn cho muôn dân : Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel, Dân Ngài” (Lc 2,30-32), Lời Hứa “sẽ được gấp bội và được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” cho những ai bỏ mọi sự mà đi theo Chúa (Mt 19,29).
Bên cạnh là Lời Hứa Nước Trời cho những ai nghèo khó, hiền lành ; người đau khổ, sầu buồn vì yêu thương sẽ được Thiên Chúa ủi an ; ai khát khao trở nên người công chính sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng, toại nguyện ; kẻ có lòng xót thương anh em sẽ được Thiên Chúa thương xót, thứ tha ; người có tâm hồn trong sạch sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa ; người  xây dựng hoà bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa ; còn ai bị vu khống, xỉ vả vì Nước Trời, bị bách hại vì sống công chính sẽ được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp và phần thưởng lớn lao trên trời (x. Mt 5,3-12), và ở ngày chung thẩm, khi Thiên Chúa ngự đến, Ngài sẽ nhận vào Vương Quốc của Ngài những ai yêu mến, và phục vụ anh em bé nhỏ, đau bệnh, yếu đuối, nghèo hèn, thất học, di cư, bị bạc đãi, bỏ rơi, đàn áp trong cuộc đời, như Lời Chúa đã hứa (x. Mt 25, 31-46).
Tôn vinh Mẹ La Vang, Nữ Vương phù hộ các giáo hữu Việt Nam, chúng con nài xin Mẹ giúp chúng con dám tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa, nhất là ở thời đại tiêu thụ, thực dụng mà cái gì cũng phải thấy ngay, có ngay, “ăn tươi nuốt sống” liền, và với Mẹ, chúng con học “thuộc về Chúa” mỗi ngày hơn, gắn bó hơn với Giáo Hội, cụ thể là giáo xứ, giáo phận là Gia Đình của những người tin, và noi gương Mẹ sống đời nội tâm cầu nguyện, để vững tâm tin vào Lời Chúa hứa.  
Jorathe Nắng Tím