Pages - Menu

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

TÔN VINH MẸ LA VANG, NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM



Suy Niệm 6 : ĐỨC MARIA ĐỒNG HÀNH VỚI GIÁO HỘI
Đức Maria không chỉ là ái nữ yêu dấu của Chúa Cha, Mẹ của Đức Giêsu, Bạn của Chúa Thánh Thần, Mẹ còn là Mẹ Giáo Hội, nên luôn có mặt, đồng hành với Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh, tình huống thăng trầm của Giáo Hội ở mọi nơi, mọi thời.
1.   Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, vì là Mẹ Đức Giêsu :
Lời Hứa cứu độ của Thiên Chúa sau khi tổ tông phạm tội, khi tuyên án Rắn độc là Thần Dữ : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đạp giập đầu mi, và mi sẽ cắn gót chân người” (St 3,15), mà ngôn sứ Isaia đã loan báo cho Israel : “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, tên Nguời là Emmanuel” (Is 7,14) đã được thực hiện tại Bêlem khi Đức Maria hạ sinh Đức Giêsu, “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7).
Là Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đức Maria cũng là Mẹ của Giáo Hội do Đức Giêsu đã lập nên, vì hơn ai hết, Mẹ có Chúa Giêsu, cưu mang và sinh ra Đức Giêsu, mà Giáo Hội là hiền thê yêu dấu của Đức Giêsu, Con Mẹ, nên không lẽ nào Mẹ không yêu Giáo Hội và không hiến mình vì Giáo Hội như tình yêu của Đức Giêsu, Con Mẹ dành cho Giáo Hội, tình yêu mà thánh Phaolô đã diễn tả rất tuyệt vời khi răn dậy gia đình sống đạo : “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 25-27).
Qủa thực, ngay từ những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội, Đức Maria đã được tôn kính như Mẹ của các tín hữu, tức Mẹ của các chi thể thuộc Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, đặc biệt sau này có thánh Augustinô và Grignon de Montfort là những vị đã nhiệt thành cổ súy lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ các tín hữu, và công đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế “Ánh Sáng muôn dân - Lumen Gentium” đã long trọng công bố vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm Cứu Độ, như Mẹ của các tín hữu, Mẹ của Giáo Hội.
Thực vậy, là Mẹ Đức Giêsu, tức Mẹ Thiên Chúa như công đồng Ephêsô năm 431 đã tuyên tín, Đức Maria đương nhiên là Mẹ Giáo Hội, vì Giáo Hội là Đức Giêsu. Cũng vì thế, Đức Maria yêu Giáo Hội như yêu Đức Giêsu, và như Đức Giêsu yêu Giáo Hội, vì Giáo Hội và Đức Giêsu là một, cả hai gắn bó thiết thân đến nỗi không gì có thể ngăn cách, phân ly, và “mầu nhiệm này thật cao cả !” (Ep 5,32) như thanh Phaolô đã hạnh phúc thốt lên.
2.   Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, vì là Mẹ các Tông Đồ :
Tuy Tin Mừng không nói nhiều về sự có mặt như một người Mẹ của Đức Maria giữa Nhóm Mười Hai, nhưng ngữ cảnh của Tin Mừng cho phép chúng ta nhận ra vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với các tông đồ.
Trước hết ở tiệc cưới Cana : đây là phép lạ đầu tiên Đức Giêsu đã làm do sự can thiệp trực tiếp của Đức Maria để “bầy tỏ vinh quang  của Người” và “các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu, Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2,1).
Thánh sử Gioan đã cố ý đặt Đức Maria hàng đầu, sau đó mới đến Đức Giêsu, và sau cùng là các môn đệ, để nói lên vai trò quan trọng làm Mẹ Đức Giêsu và Mẹ các môn đệ của Đức Maria trong lần ra mắt đông đủ này. Sở dĩ lần ra mắt này được coi là đông đủ và quan trọng, vì được đánh dấu bằng phép lạ đầu tiên, không những để các môn đệ tin, mà còn cho nhiều người khác tin Đức Giêsu, Con Đức Maria là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa thật, Đấng được Thiên Chúa sai đến trong thế gian. 
Tin Mừng còn ghi thêm : “Sau đó, Người cùng thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày” (Ga 2,12).
Tiệc cưới Cana đã trở thành điểm nhấn quan trọng của hành trình truyền giáo, vì từ bây giờ : các môn đệ mới thực sự tin Đức Giêsu là Đấng phải đến, sau khi tận mắt thấy phép lạ Ngài làm cho nước hóa thành rượu ngon.
Tiếp đến là những năm tháng trên hành trình rao giảng, tuy Tin Mừng  không ghi thêm một lần nào Đức Maria có mặt giữa các tông đồ, nhưng không quên nhắc đến sự có mặt của Mẹ giữa đám đông đi nghe Đức Giêsu rao giảng (x. Lc 8,19-21). Điều này làm chứng Đức Maria không rời xa Con mình và Nhóm Mười Hai, vì khó có thể quan niệm : một người mẹ yêu con tha thiết như Đức Maria lại không đi theo con từng bước trên đường truyền giáo, và không quán xuyến lo toan, chăm sóc các môn đệ của con mình.  
Nhưng ấn tượng hơn cả là dưới chân Thánh Giá buổi chiều tử nạn, ở giờ hấp hối, “khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).
Và “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27) ; và cũng kể từ giờ đó, Đức Maria chính thức là Mẹ các tông đồ, là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của những người tin theo Đức Giêsu, Con của Mẹ, mà sách Tông Đồ Công Vụ đã  làm nổi bật vai trò Mẹ Giáo Hội khi ghi lại quang cảnh Nhóm Mười Hai cùng Đức Maria cầu nguyện, sau khi Đức Giêsu về trời : “Trở về nhà, các công lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa, con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu…” (Cv 1,12-14).  
3.   Đức Maria đồng hành với Giáo Hội, vì là Bạn của Chúa Thánh Thần :
Đức Maria là Bạn của Chúa Thánh Thần, vì Mẹ đã hợp tác mật thiết và hiệu qủa với Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Cứu Độ của Đức Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần đã “ở với” và cùng hoạt động với Đức Maria, như Tin Mừng Luca khẳng định qua trình thuật Truyền Tin, khi Đức Maria bối rối và thắc mắc hỏi sứ thần về việc thụ thai : “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,34-35).
Do đó, Đức Maria luôn vâng phục Chúa Thánh Thần và cùng với Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội theo “di chúc” của Đức Giêsu, mà thánh Gioan tông đồ đã ghi lại rất chi tiết :
Trước khi Đức Giêsu lên đường chịu khổ hình và chịu chết, Đức Giêsu đã nói với các tông đồ : “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14).  
Vì là Bạn của Chúa Thánh Thần, nên nếu vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội, thì Đức Maria trong tư cách Bạn của Chúa Thánh Thần cũng không ngừng phù hộ các giáo hữu, như lịch sử Giáo Hội đã chứng minh : suốt dòng lịch sử, Mẹ đã không ngừng phù hộ các tín hữu như ngày xưa trên dương thế Mẹ đã can thiệp, bầu chữa cho những ai lâm cơn khốn khó, hoạn nạn, như ở tiệc cưới Cana, khi Mẹ đích thân xin Đức Giêsu thương tình cứu đôi tân hôn và gia đình hai họ ra khỏi bế tắc, khi  hết rượu giữa tiệc.  
Nếu Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa Giáo Hội đến sự thật toàn vẹn, tức làm chứng về Đức Giêsu (x. Ga 15,26), và là “Đấng sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26), thì Đức Maria, ở cương vị Bạn chí thiết của Chúa Thánh Thần cũng không ngừng đến với loài người qua những lần hiện ra để làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa, và nhắc nhớ mọi người những gì Đức Giêsu đã dạy, như ở Lộ Đức, năm 1858 với cô Berdanette Soubirous,  Mẹ đã hiện ra để chứng thực tín điều đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, mà Giáo Hội mới tuyên tín ngày 8/12/1854, bốn năm trước đó, bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX, cũng như vào năm 1830, Mẹ đã hiện ra với sơ Catherine Labouré tại Paris và dạy sơ cầu nguyện : “Ôi Maria không mắc tội truyền từ lòng mẹ, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến xin Mẹ cứu giúp, độ trì”.
Và nếu Chúa Thánh Thần sẽ nói lại cho Giáo Hội tất cả những gì Người nghe và “loan báo cho biết những điều sẽ xẩy ra” (Ga 16,14), thì Đức Maria, ở vị thế Bạn của Chúa Thánh Thần cũng báo trước cho con cái loài người những điều sẽ xảy đến để tránh cho con cái cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những lần hiện ra ở Fatima năm 1917, Đức Maria đã cảnh báo loài người đang xúc phạm nặng nề Thiên Chúa, hình phạt của Thiên Chúa có thể đổ trên nhân loại, và để cứu thế giới khỏi hình phạt, Mẹ đã đề nghị mọi người thực thi ba điều Mẹ mong đợi : Cải thiện đời sống, đền tạ trái tim Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi.  
Nếu Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và làm cho Giáo Hội luôn hiệp nhất, thì Đức Maria, ngay từ buổi chiều dưới chân Thánh Giá đã được Đức Giêsu trao phó thánh Gioan, đại diện của Giáo Hội Đức Giêsu, cho Đức Mẹ coi sóc, và Mẹ đã luôn ở với Giáo Hội, như đã ở giữa và cầu nguyện với Nhóm Mười Hai (x. Cv 1,12-14).
Nếu Chúa Thánh Thần không bao giờ rời bỏ Giáo Hội, nhưng có mặt với Giáo Hội cho đến tận thế để hướng dẫn, ban sức sống, và thánh hoá Giáo Hội, thì Đức Maria cũng đồng hành với con cái Giáo Hội cho đến ngày sau cùng của thời gian, khi hiện ra với không ít các cộng đoàn tín hữu trong cơn ngặt nghèo, thử thách của đức tin để an ủi, chỉ bảo, nâng đỡ, ban ơn.
Khi Giáo Hội bị bách hại, Mẹ hiện đến bảo vệ, chở che giáo hữu trên đường trốn tránh, bị truy lùng, như tại La Vang, năm 1798, cao điểm của cuộc bách hại người công giáo dưới thời vua Tây Sơn - Cảnh Thịnh, Đức Maria đã hiện ra an ủi, nâng đỡ giáo dân bị bách hại vì Đức Tin và hứa sẽ ban mọi ơn lành hồn xác cho những ai  chạy đến La Vang cầu khấn Mẹ.       
4.   Đức Maria đồng hành với Giáo Hội, vì Mẹ là người Kitô hữu đầu tiên và lý tưởng :
Lý do nền tảng sau cùng giải thích sự hiện diện yêu thương và gắn bó đồng hành của Đức Maria với Giáo Hội, và các tín hữu, đó là vị thế người tín hữu đầu tiên và lý tưởng của Mẹ.
Người tín hữu đầu tiên, vì Mẹ là người thứ nhất trong nhân loại đã có Đức Giêsu, khi mang thai Đức Giêsu, do quyền phép Chúa Thánh Thần. Là Kitô hữu, tức là người có Đức Kitô, và Mẹ đích thực là người đầu tiên có Đức Kitô ngay trong cung lòng mình.
Người tín hữu lý tưởng, vì không ai yêu Đức Giêsu hơn Mẹ, không ai hiểu Đức Giêsu hơn Mẹ, không ai tin Đức Giêsu hơn Mẹ, không ai đi theo Đức Giêsu đến cuối đường như Mẹ, không ai sống chết với Đức Giêsu đến cùng như Mẹ, không ai thuộc về Đức Giêsu trọn vẹn hơn Mẹ, không ai cộng tác với Đức Giêsu triệt để hơn Mẹ, không ai làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn Mẹ, và không ai có phúc hơn Mẹ, như lời chúc mừng của bà chị họ Êlisabét khi Mẹ đến thăm bà : “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ !” (Lc 1,42).
Vì thế, Đức Maria không bỏ quên bất cứ người tín hữu nào, vì Mẹ là người tín hữu số một : số một đứng đầu, số một lý tưởng, số một tuyệt vời trong đức tin, đức ái, đức trông cậy.
Lạy Mẹ Maria, đã có lúc, ngay trong lòng Giáo Hội đã nổi lên phong trào muốn hạ thấp vị thế, vai trò và giảm thiểu sự can thiệp của Mẹ trong Nhiệm Cuộc cứu độ. Những người công giáo này một cách nào đó đã tìm cách hạ bệ Mẹ, loại bỏ Mẹ ra ngoài lề, cô lập Mẹ khỏi sinh hoạt Hội Thánh, cấm vận không cho Mẹ tham dự vào đời sống các tín hữu, bằng những lý luận và dẫn chứng thuần thế tục, mà quên ý muốn đời đời của Thiên Chúa khi chọn Mẹ là mẹ của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, như anh em Tin Lành đã chủ trương và ly khai, cải cách.
Tôn vinh Mẹ hôm nay, chúng con muốn thưa với Mẹ : “Mẹ ơi, chúng con yêu mến Mẹ, xin Mẹ đồng hành với Giáo Hội, với các tín hữu luôn cần đến Mẹ là chúng con, bởi Mẹ là người có phúc hơn mọi phụ nữ” không chỉ vì “đã cưu mang và cho Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa bú” (x. Lc 11,27-28), mà còn đầy ơn phúcnghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21), đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa (x. Lc 1,45), là những điều người tín hữu chúng con phải sống và thực hiện. Amen.
Jorathe Nắng Tím    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét