Ai
cũng muốn được người khác phục vụ hơn phục vụ người khác, vì bản tính con người
ích kỷ hơn vị tha, nghĩ cho mình hơn quan tâm đến người, thích được người khác
yêu hơn yêu người khác, mong được mọi người an ủi, cảm thông, hơn thông cảm, ủi
an mọi người.
Vì
thế, để phục vu, người ta phải cố gắng, trong khi để người khác phục vụ thì chẳng
ai phải “lao tâm, lao lực”.
Hơn thế nữa, để phục vụ hữu hiệu, người ta phải học hỏi, luyện tập và hy sinh,
kiên trì, bởi phục vụ không dễ, phục vụ không nhàn hạ, phục vụ không đơn giản,
không chỉ vì người ta không muốn phục vụ, mà còn vì người được phục vụ không luôn
dễ thương, biết điều.
Chúng
ta không muốn phục vụ, vì phục vụ ai là phải quên mình đi một chút, xóa mình đi
một tí, giảm thiểu mình đi một phần, hạ thấp mình xuống một gang tấc để có được
“Khiêm Tốn”
là chià khóa của phục vụ ; bởi để phục vụ người khác, chúng ta không thể từ
toà cao chót vót mà ném mắt nhìn xuống, từ ngai bệ vua chúa, khanh tướng, công
hầu mà lạnh lùng “bố thí”,
hờ hững thi ân, bởi căn tính của phục vụ là thật tình kính trọng và chân tình
thương mến người được phuc vụ.
Bên
cạnh là người được phục vụ không luôn dễ thương, khi nghi ngại, ngờ vực lòng tốt
và thiện chí phục vụ của chính người phục vụ. Họ có thể nghĩ người phục vụ lợi
dụng nghiã cử phục vụ để mưu tìm lợi ích riêng, hay có mưu đồ đen tối ; họ
có thể đặt người đang tận tụy phục vụ họ vào hàng ngũ những người họ phải dè chừng,
đề phòng, giữ khoảng cách an toàn, khi không tin có người tốt đến độ phục vụ người
khác vô vị lợi. Chưa kể nhiều người được phục vụ khó tính, đòi hỏi, chảnh chọe và
ảo tưởng mình “sinh ra để được phục vụ”,
nghĩ mình có quyền bắt người khác phải phục vụ mình, hoặc mơ hồ nghĩ mọi người đều
mong được phục vụ mình, vì mình quan trọng, quyền thế, có ảnh hưởng.
Do
đó, để được gọi là người phục vụ, người ta phải học phục vụ ; để có thể phục
vụ tốt, huấn luyện tâm hồn là việc làm thiết yếu ; để trở thành người có văn
hoá phục vụ, tự đào tạo mỗi ngày là điều kiện không thể thiếu. Và trên tất cả,
phục vụ luôn phải ở trong Niềm Vui và đồng
hành với niềm Hy Vọng :
1.
Phục Vụ
trong Niềm Vui :
Niềm vui là đòi hỏi quan trọng trong phục vụ, vì thiếu
niềm vui, phục vụ trở thành hình phạt, bản án, và phục vụ không còn giá trị của
tình yêu thương, vì mất tính tự nguyện, bởi tiên vàn phục vụ cần yêu thương.
Vì thế, phục vụ ở đâu và thời nào cũng được coi là hành
vi cao qúy, vì phục vụ phát xuất từ trái tim yêu thương, từ lòng kính trọng và
tinh thần vị tha, xây dựng, bởi người ta không phục vụ người mình không yêu kính,
không phục vụ kẻ thù mình tìm tiêu diệt, không phục vụ người mình chán ghét,
xua đuổi, ruồng rẫy.
Chính niềm vui là bảo chứng giá trị tình yêu của phục
vụ ; chính niềm vui chứng thực sự có
mặt và tác động mãnh liệt của tình yêu trong phục vụ, và tuyệt vời hơn cả, chính
niềm vui của phục vụ đem lại hạnh phúc “ngay lúc này và tại đây” cho người được phục vụ.
Như thế, phục vụ làm phấn khởi người phục vụ, và làm hân
hoan người được phục vụ. Cả hai cùng hạnh phúc, vì chung một tình yêu : tình
yêu phục vụ và tình yêu được phục vụ, tình yêu trao ban và tình yêu đón nhận, bởi
với tình yêu, phục vụ không còn là công việc của tương quan phục dịch giữa người
trên và kẻ dưới, giữa ông chủ và đầy tớ, giữa nô lệ và kẻ thống trị ;
trong tình yêu, phục vụ không còn mang tính áp bức, ghì trói, bó buộc, nhưng tình
yêu làm cho người phục vụ và được phục vụ trở thành anh em, thành chi thể của
nhau trong cùng một thân thể khi tương trợ, chia sẻ, nâng đỡ, bổ khuyết, xây dựng,
và giúp nhau hoàn thiện.
Sau cùng, phục vụ trong niềm vui không tạo điều kiện kích
cầu kiêu căng cho cả người phục vụ, cũng như người được phục vụ, và càng không
tạo cớ cho bất cứ người nào trong cuộc rơi vào tự ty mặc cảm, hay tự hạ giá nhân
phẩm mình, bởi tình yêu luôn có sức thăng tiến, nâng cao giá trị của những người
yêu thương phục vụ và được phục vụ vì yêu
thương.
2.
Phục Vụ với niềm Hy Vọng :
Khi phục vụ ai, ta muốn mưu tìm một ngày mai tốt đẹp,
một tương lai tươi sáng cho người ấy ; khi phục vụ người nào, ta mơ ước và
đợi chờ một hạnh phúc, một thay đổi tích cực, một tiến triển như ý cho họ, nên
phục vụ luôn đi đôi với hy vọng, như hy vọng luôn cùng phục vụ sánh vai đồng hành.
Nếu Niềm Vui khi phục vụ cho phép người phục vụ ở lại
trong hoàn cảnh thực tế ở hiện tại của người được phục vụ để cảm thông, sẻ
chia, nâng đỡ, thì Hy Vọng khi phục vụ mở đường cho người phục vụ đi vào ngày
mai với người được phục vụ trên hành trình tương lai.
Qủa thực, không gì cao đẹp, qúy giá hơn con người phục
vụ, vì họ trở thành “bến
đỗ” của người được
phục vụ ở hiện tại, và là “bạn
đường” đồng hành
với người được phục vụ ở tương lai ; không gì cao cả hơn con người vừa đem
được niềm vui cho hiện tại, vừa mở cửa hy vọng vào tương lai cho người khác,
khi hết lòng phục vụ. Họ thực là những con người tuyệt vời, vì cả trong hiện tại
lẫn tương lai, cả hôm nay và ngày mai đều có mặt giữa mọi người để kiến tạo, xây
dựng cuộc đời người khác.
Vâng, người phục vụ là người tuyệt vời, vì trái tim họ
chan chứa tình yêu, tràn đầy tình người ; người phục vụ là người đáng yêu,
vì hơn ai hết, họ đã thể hiện cuộc sống yêu thương qua phục vụ người khác ;
người phục vụ là người đáng kính trọng, vì đã chấp nhận quên mình, xoá mình để
là niềm vui, hy vọng cho tha nhân.
Tóm lại, một nền văn hoá phục vụ không bao giờ làm giảm
giá trị của người phục vụ, nhưng làm cho họ đáng kính trong chính cuộc sống của
họ, và đáng yêu trong hạnh phúc của người khác, bởi khi phục vụ, họ là tác nhân
làm nên sức sống mới, và mang lại Hạnh Phúc cho đồng loại, nhờ phục vụ trong Niềm
Vui và với niềm Hy Vọng.
Ước mong văn hoá phục vụ sẽ “thay da, đổi thịt” xã hội ích kỷ, thực dụng, ở đó, phục vụ bị coi là lạc
hậu, lỗi thời, người phục vụ bị xếp loại “man mát thần kinh”, nhưng kịch cỡm thay, đạo quân đi tìm cơ hội để người
khác phục vụ mình thì ngày càng lố bịch, trơ trẽn, và tăng nhanh như kiến cỏ.
Jorathe Nắng
Tím