Nghĩ đến sự chết, tôi sợ lắm. Tôi sợ chết bởi đã quen
sống, bởi không biết gì về thế giới bên kia, không kinh nghiệm gì về sự chết. Nếu
tình yêu đòi tôi phải chết dài dài, chết hằng ngày vì người tôi yêu, vì hoà mình
vào nỗi đau và cuộc đời bất trắc của những người tôi yêu; vì chấp nhận lên xuống
thăng trầm dâu bể với số phận của những người yêu tôi, vì lấy phận mình, nghiệp
mình, duyên mình để vun trồng cây tình yêu và vui lòng bị cuốn xoáy đến tận cùng
luận lý của tình yêu thì qủa thực không những sự chết làm tôi sợ mà ngay cả sự
sống, cuộc sống cũng làm tôi sợ.
Trước những sòng phẳng nghiệt ngã của tình yêu, tôi thấy
tình yêu mắc mỏ, kiêu sa và “chảnh ”qúa. Nó đòi tôi phải hy sinh không ngừng,
phải phấn đấu không ngơi nghỉ, phải chịu đựng suốt đời. Và hầu như phải kiên nhẫn
chờ đến cây số sau cùng của đời người, tôi mới hiểu tình yêu là gì và giá trị mầu
nhiệm của nó. Như thế, tôi sẽ dong duổi suốt đời trên hành trình mầu nhiệm nếu
tôi chọn yêu thương; nhưng liệu tôi có trung thành đến cùng khi ở vào những bước
ngoặt éo le, những khúc quanh nguy hiểm, những vực thẳm sương mù, những sa mạc
bão táp?
Cái khổ của tôi hôm nay là sợ chết, nhưng lại không chịu
dừng chân. Tuy sợ phải chết dài dài, chết liên lỷ; nhưng tôi lại ham đi đến cùng
luận lý của tình yêu chân thực. Giằng co nơi con người bất toàn, có giới hạn tạo
nên trong tôi niềm lo, nỗi sợ rất mênh mang, nhưng hữu lý. Tôi đã thấy nhiều
người đã đi đến tận cùng luận lý của tình yêu. Họ đã yêu và đã chết cho tình yêu
để hậu thế trong đó có tôi không ngớt ca tụng, ngưỡng mộ họ. Nhưng lòng cảm phục
ấy không mạnh đủ để tôi an tâm dấn thân theo họ. Tôi vẫn mông lung, mơ hồ cảm
thấy còn thiếu một đảm bảo.
Điều ấy rất đúng vì tôi còn băn khoăn cho ngày mai sau
khi đã nhiều lần chết vì tình yêu, tôi còn phân vân về kết qủa công trình “hy
sinh vì yêu” của tôi. Ai sẽ đảm bảo đời tôi sẽ hạnh phúc, sau chuỗi ngày tân khổ,
ai sẽ cho tôi niềm hy vọng “sau cơn mưa, trời lại sang”? Tôi có nhiều vấn đề mới,
lo âu mới trong tôi bao lâu tôi chưa mua được “bảo hiểm sau những lần chết”.
Đức Kitô cũng có những giây phút như tôi, như anh chị
trước khổ đau và những lần chết câm lặng vì tình yêu. Ngài cảm thấy lo sợ khủng
khiếp, cơn lo sợ trước viễn cảnh mù mịt, trước tương lai đen tối trong giờ phút
tột cùng đơn côi. Những lời than âm ỉ nghẹn ngào: “Tâm hồn Thầy xao xuyến lo sợ
quá… Lạy cha, cha có thể cất chén đắng này cho con? Cha có thể lấy đi khỏi con
những giờ phút kinh hoàng sợ hãi này?” (Ga 12,27).
Tâm sự rất “người” ấy Đức Kitô đã sống, đã gồng mình gánh
chịu. Ở vào những khúc ngoặt trên hành trình yêu thương, Ngài cũng hoảng hốt
run rẩy đổ mồ hôi máu như ta, Ngài cũng rùng mình muốn lẩn tránh, muốn buông xuôi,
muốn dừng chân bỏ cuộc. Như con người, Đức Kitô đã chịu khổ và nỗi khỗ lớn nhất
của con người là khổ vì yêu. Khi nghĩ đến những lần chết vì hy sinh cho tình yêu,
cho người mình yêu, Đức Kitô đã liên tưởng đên hình ảnh chôn vùi của hạt luá nằm
trong đất, chết trong đất. Hình ảnh thật buồn, thật nản lòng, thật tang thương.
Còn gì tủi hơn là bị chôn đi. Còn gì nhục hơn là bị vùi xuống. Còn gì đau hơn là
bị nhận chìm. Hạt luá đã chết trong tủi buồn đau thương. Hình ảnh buồn đến từ tâm
sự buồn, Đức Kitô dẫn đến một hình ảnh đẹp tràn đầy hy vọng: “Hạt lúa phải chết
đi mới đem lại muà màng sung túc” (Ga 12,24).
Như thế, niềm hy vọng thực và thành qủa thực chỉ đến từ
những lần chết, những cái chết. Hạt luá không thể trổ sinh những nhánh luá vàng,
óng ả; nếu nó không chấp nhận chịu chôn vùi trong đất, thối ra và chết đi. Sự sống
đã đến từ sự chết. Sự sống đã được phôi thai, tạo hình trong chính cái chết. Sự
sống đã nẩy mầm và khai sinh do sự chết. Ai đã cho hạt luá đã chết ấy khả năng
sinh ra nhiều hạt luá, nhiều nhánh luá? Ai đã gởi gắm trong sự chết của những hạt
luá bé nhỏ tiềm năng của một cánh đồng luá vàng bát ngát?
Hung bạo của sự chết đã trở thành sức mạnh của sự sống
và Đức Kitô đã dùng chính hình ảnh này như một đảm bảo niềm hy vọng hạnh phúc
cho những người đi theo Ngài trên đuờng yêu thương. Đây chính là “bảo hiểm an
toàn” cho đời yêu thương của mỗi người. Niềm hy vọng của hạt luá biết mình sẽ đem
lại muà màng ngay khi bị chôn vùi, tiêu tan. Không niềm hy vọng và bảo đảm này,
cố gắng yêu thương, công trình hy sinh của hạt luá sẽ vô ích, lố bịch. Cũng
trong niềm hy vọng đó, Đức Kitô ngay trong những giờ phút bấn lọan tinh thần, ê
chề thân xác nhất đã can đảm chấp nhận sống cái chết kinh dị, hãi hùng: “Nhưng Lạy
Cha, chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27).
Ngài biết con đường Ngài phài đi, đau lhổ phài gánh chịu
cho tình yêu được trọn vẹn, cho đường tình không đứt quãng, cho ân tình không dở
dang. Niềm hy vọng sống lại luôn có mặt trên đuờng tình Ngài đi, luôn nâng đỡ
thập giá nặng nề trên vai Ngài, luôn khai mở một ngày mai có bình minh nắng ấm:
“Thầy sẽ lên đưòng đi Giêrusalem, ở đó người ta sẽ lên án, đánh đập, khạc nhổ,
khinh mạn và đóng đinh Thầy, nhưng ba ngày sau Thầy sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).
Hy cọng sống lại trở thành bảo hiểm an toàn cho những
lần chết. Hy vọng ấy sẽ không thành ảo vọng vì có “Đức Kitô là Đường, Sự Thật,
Sự Sống” bảo đảm: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta
chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị” (Tm 2,11-12).
Lạy Đức Kitô, Đấng là Tình yêu, là con đường tình bất
tận! Xin cho con nhiệt tâm theo Chúa, dù đưòng tình nhiều oan nghiệt, đắng đót,
chông gai. Chiúa đã không là “đường Tiền, đường Quyền, đường Thế Lực” hay đưòng
nào khác, Chúa chỉ là đường Tình Yêu và trên tuyến đường tình duy nhất này, Chúa
đến với nhân loại, với con.
Ờ mỗi ngã tư đường tình con đi, con đều thấy thập giá,
những cây gỗ cong queo, xấu xí. Có phải những cây gỗ ấy sẽ trổ bông, xanh lá ngày
sống lại? Có phải những chùm lá của thân gỗ khô thô kệch, sần sùi bị nguyền ruả
ấy sẽ rợp bóng cho nhiều cuộc đời lầm lỡ? Ở mỗi ngã tư đường, con vẫn thấy tay
Chúa vẫy đều nhắn nhủ con: “Hãy cố bước từng bước trong yêu thương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét