Tôi
được may mắn theo đoàn từ thiện của nhà thờ Đức Bà Sàigòn dong duổi nhiều ngày
trong các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, trại phong
cùi thuộc các tỉnh Kontum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Bù Đăng. Chuyến đi kéo dài 4
ngày, nhưng vô cùng tất bật, vội vã, chạy đua với thời gian vì đường xa và lịch
làm việc, thăm viếng đầy kín... Ngày nào cũng về đến chỗ nghỉ đêm sau hai mươi hai giờ và ngày mới luôn bắt đầu
từ sáu giờ.
Có
những trại mồ côi do các sơ; cũng có những mái ấm do tư nhân tự quản nhưng đối
tượng đều là những em bé bị bỏ rơi, nghèo, đau bệnh, hoặc người già neo đơn, túng
quẫn, không con cái phụng dưỡng, những bệnh nhân phong cùi bị cô lập.
Đến
bất cứ nơi nào, đoàn đều nấu ăn phục vụ tại chỗ và tặng những món quà cần thiết, ích dụng như gạo, nước mắm, mì
gói, đường, chăn mền, xà bông, thuốc uống và mỗi người một phong thư tiền tiêu
vặt. Để có tiền thực hiện những chuyến đi từ thiện, ít là hai lần một năm, các thành
viên tự nguyện thay nhau làm công tác giữ xe suốt năm ở nhà thờ Đức Bà và tự trả
chi phí di chuyển, ăn ở của mỗi chuyến đi từ thiện.
Hình
ảnh chị Tư Hạnh, chú Luân, chị Dung, Quỳnh, Thiện, Mai, Trinh, Hảo ... đã ở
trong tôi như những bông hồng Yêu Thương đang làm đẹp những cuộc đời sấu xố.
Và
cuối cùng thì tôi cũng tìm được thầy Ngọc và lều cỏ của thầy ẩn kín mình sau những lùm cây tràm. Thầy về Củ Chi đã mười
năm với những người em trai, em gái ở
vào thời kỳ cuối của căn bệnh Siđa thời đại. Anh chị em “mang án tử Sida “ về
đây với thầy như trở về mái nhà Mẹ những ngày cuối đời khi không còn ai thương
xót và không còn hy vọng kéo dài hơn sự sống...
Một
người tốt bụng cho thầy xử dụng miếng đất bỏ hoang giữa cánh đồng sình lầy. Thầy
đào ao nuôi cá và lấy đất làm nền cho dẫy nhà dựng bằng tre, lợp bằng lá dừa nước.
Giữa hai dẫy lều cỏ là nhà nguyện cũng nghèo nàn, đơn sơ; ở đó có Chuá và hài cốt,
di ảnh của mấy chục anh chị em trong số hơn 100 đã qua đời tại đây nhưng không
có thân nhân.
Ghé
thăm lần đầu, Lều Cỏ có hơn hai chục anh chị em ; nhưng chỉ một tuần sau, chỉ
còn gặp lại mười sáu, vì bốn người đã ra đi. Thầy Ngọc “sống với và sống như”
những người bệnh này, có nghiã là thầy chia sẻ hết mình và hết tình sinh hoạt
cũng như điều kiện sống của mọi người: không có gì riêng tư, không đặc quyền đặc
lợi; cũng chõng tre, lều cỏ và cùng chế độ ăn uống.
Là
người anh, thầy bao bọc, nâng đỡ từng đứa em bệnh tật. Là người cha, thầy yêu
thương, săn sóc, chăm nom từng mảnh đời con cái. Nhìn thầy lúi cúi chất củi, thổi
bếp đun ấm nước, nồi cơm cho cả nhà, tôi đã không nghĩ là cảnh thực. Tâm hồn thầy
quảng đại và sức chịu đựng, hy sinh của thầy lớn quá đã làm tôi bàng hoàng,
chóng mặt. Không xin tiền bạc của ai, cũng không ồn ào quảng cáo, thầy âm thầm ủ
ấp những mảnh đời rách nát đã : không chỉ nuôi nấng, bảo bọc, chữa trị mà còn yêu thương, săn sóc, ủi an và chuẩn bị
bước đi bình an vào cõi Vĩnh Hằng cho từng người anh em bất hạnh không còn được
xã hội chấp nhận, yêu thương.
Hình
ảnh thầy Ngọc khoẻ mạnh, yêu đời, yêu người, khiêm tốn, tế nhị đang thay tã cho
anh Hải mấy ngày trước khi chết, rồi liền sau đó ôm đàn guitare hát cho mọi người
vui đã ở trong tôi như bông hồng thắm đỏ hy sinh để thế giới hôm nay vẫn còn dám tin vào Tình Người.
Tôi
đã đi thăm nhiều cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo ở Đồng Nai, Cao Đài ở miền Đông
và Hoà Hảo ở miền Tây; nhiều trung tâm của Nhà Nước thuộc Bộ Thương Binh Xã Hội.
Ở đâu cũng là những hình ảnh đẹp, rất đẹp
của Tình Người; ở đâu cũng sáng lên những tấm gương Bác Ái, Yêu Thương, Nhân Đạo.
Tôi chiêm ngưỡng và cảm phục những nụ cười hiền hậu, nhân từ, cảm thông của những
Ni Cô, Nữ Tu, Y Tá bên những thân phận tật nguyền “sống đời thực vật”.Tôi trân
qúy tinh thần phục vụ, tính nhẫn nại, chịu đựng của những người làm từ thiện ở
các trung tâm như Mai Hoà, Thiên Ân, Trảng
Bàng, Cần Thơ... Và chắc chắn hình ảnh của
họ cũng đẹp như vườn hồng rực rỡ đang trả lại cho nhân loại niềm vui được yêu
thương và cứu sống.
Buổi
chiều Sàigòn tháng mười một, trời mưa như trút nước, sau 3 giờ tìm kiếm,
Dung,Quỳnh, Lam và tôi cũng đến được lớp học “tự phát, từ thiện “ của thầy Cường ở
Bình Chánh. Lớp học là một gian nhà rộng của một gia đình khá giả cho mượn. Học
trò hơn năm mươi em, gồm sáu lớp từ lớp một đến lớp sáu. Chỉ một mình thầy loay
hoay: hết đọc chính tả cho dăm em lớp
Năm, lại kiểm tra bài tập toán cho mấy em lớp Ba, rồi bất chợt cao giọng đe nẹt đám học trò rảnh
rang đang rổn rang “tám”. Và tôi chưa thấy một lớp đọc đa năng, đa dạng, đa
trình độ như lớp học của thầy. Đúng là lớp học dành cho những “học sinh không có
lớp”.
Bọn
trẻ không được đến lớp vì nhiều ký do: có đứa không có khai sinh, có đứa không
hộ khẩu, phần đông không tiền đóng học phí. Thương bọn trẻ thất học không vì
ngu dốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ ; thầy gom về hết và dậy từ mười năm nay. Thầy khoe: “ Học
trò của tôi đã có em đã lên đại học rồi đó ” . Nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc nở
tươi trên khuôn mặt đen sạm mang nét vất vả của thầy. Thú thực tôi rất vui khi
thấy thầy đã vui với công việc từ thiện “xóa dốt”, nhưng tôi không thể hiểu thầy
sinh sống thế nào khi sáng chiều vật lộn với lũ trẻ “thất học” mà không nhận được một đồng thù lao từ bất cứ cơ
quan, tổ chức nào. Hình ảnh gầy guộc, hom hem nhưng tận tụy của thầy thắp sáng
trong tôi ngọn nến hồng trước bóng tối của đêm đen hèn nhát, ỷ lại, chủ hoà, lười
biếng.
Và
tôi dừng chân ở Mái Ấm Têrêxa của chị Dung. Chị Dung vừa lo cho bệnh nhân ung
bướu vừa chăm nom một đám trẻ có khó khăn gia đình trong bốn mái ấm là những
căn nhà riêng của chị. Say mê phục vụ bệnh
nhân ung bướu đến độ ngày nào không vào bệnh viện từ bốn giờ sáng để tận tay cho
người bệnh một chén cháo lót lòng là ngày đó chị nóng ruột, khó chịu như chưa
chu toàn một bổn phận phải làm, một trách nhiệm được trao.
Nấu,
phân phát cháo cho bệnh nhân xong là chị xông xáo đi tìm bệnh nhân nghèo để
giúp đỡ, nếu cần chị đưa về Mái Ấm cho trú ngụ miễn phí, nếu không có tiền thuê
nhà trọ trong thời gian chờ được khám hoặc nhập viện. Hai mái ấm dành cho bệnh
nhân lúc nào cũng có người và chị yêu thương, chia sẻ với họ tất cả những gì chị
có. Cái lạ là chị không xin ai tiền nhưng khi người nghèo cần giúp đỡ, chị luôn
có thể đáp ứng. Buổi chiều của chị là giờ dành cho đám trẻ bụi đời, không có điều
kiện học thêm. Là một nhà giáo, chị có kinh nghiệm sư phạm và đám trẻ nhờ thế
mà lễ phép và ở lớp có điểm cao hơn.
Hình ảnh của chị Dung không mệt mỏi vì người bệnh và trẻ em đường phố
cũng có một chỗ quan trọng trong tôi như nụ hồng rất xinh vừa hé mở đem cho giới
trẻ hôm nay một ước mơ phục vụ.
Sau
cùng là chị Đức, chị Hường, chị Hạnh, chị Tuyền, chị Oanh, chị Thảo, anh Tường,
anh Tuấn, anh Đại, anh Nhâm, chị Vinh, anh Tiếu, anh Nghiệp, anh Kính, anh
Quang, anh Ngọc, chị Tú, anh Mạnh, anh Thiện, anh Viên, các cháu Trang,
Bi, Thông, Mỹ, Quang, Hạnh, Trâm và nhiều người khác, những bàn tay tiếp sức
kín đáo cho các công việc từ thiện. Tiền tuyến mạnh là nhờ hậu phương vững.
Chính nhờ những “mạnh thường quân“ quảng đại, âm thầm và trung thành mà nhiều
cơ sở, công tác từ thiện được thực hiện tốt đẹp.
Hình
ảnh của họ trong tôi là một cánh đồng rực rỡ hoa hồng làm ngây ngất tình yêu và
làm tươi trẻ tuổi xuân trong trái tim mọi người.
Những hình ảnh trên là những hình ảnh tiêu biểu
của vô số những hoạt động từ thiện đang nở rộ ở Việt Nam hôm nay. Từ những hoạt
động nhân đạo của các tôn giáo, tư nhân, những trung tâm Từ thiện, Mái Ấm được chính phủ
trợ cấp một phần, phần lớn được các Hội trong nước, ngoài nước tài trợ đến những
sáng kiến rất bé nhỏ, âm thầm, đơn sơ, không được tài trợ bởi bất cứ tổ chức đạo,
đời nào của một người bình thường, không
giầu có như thầy Ngọc, chị Dung.. đều đang nói lên một hoàn cảnh rất cấp bách ở
Việt Nam. Đó là tình trạng nghèo.
Nghèo
mang nhiều khuôn mặt: nghèo lương thực, nghèo sức khoẻ, nghèo kiến thức, nghèo
tình cảm, nghèo tương lai, nghèo mơ ước, nghèo đạo đức, nghèo lý tưởng. Nhưng
nghèo nào cũng là thiếu thốn, túng quẫn. Nghèo nào cũng khổ. Nghèo nào cũng cần
được giúp đỡ để thoát nghèo. Làm từ thiện là xoá đói, giảm nghèo, là làm cho
người nghèo bớt nghèo hơn... cho dù người nghèo đó nghèo kiểu gì. Dám nhận diện
và đối diện với cảnh nghèo của người anh em là bước chân thứ nhất cho phép hành trình từ thiện được thực
hiện. Kế tiếp là bước chân quyết định dấn thân đồng hành để dắt người anh em ra
khỏi cảnh nghèo. Thiết tưởng làm từ thiện chính là lên đường cùng đi với ngừơi
nghèo để tương lai của người nghèo có một con đường sáng và hạnh phúc hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét