Pages - Menu

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (5)

Suy Niệm 5 : TÂM HỒN CỞI MỞ, TẦM NHÌN XA RỘNG
Đã là người được sai đi, nhà truyền giáo không thể là người hẹp hòi trong tư duy, cục bộ trong đường lối, nhỏ mọn trong chọn lựa, bởi người hẹp hòi tư duy không dám đi trên hành trình xa; người cục bộ, co cụm chỉ loanh quanh, luẩn quẩn với những ngõ nhỏ, lối mòn, làm sao dám lên đường mạo hiểm ; người chi li, nhỏ mọn, tính toán vặt vãnh chẳng bao giờ dám chọn cho mình tương lai mạo hiểm, và đường xa vạn dặm.  
Nhưng Đức Giêsu chỉ gọi và chọn những con người có tâm hồn cởi mở, khi muốn họ cởi bỏ tất cả, trước khi đi theo Ngài, bởi “cởi bỏ bên ngoài” là dấu chỉ của “cởi mở bên trong”. Cởi bỏ cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp cũ (x. Mt 4,22) ; cởi bỏ “vàng bạc, tiền giắt lưng, bao bị, áo sống, giầy dép, gậy chống đi” (x.Mt 10,9-10) để có thể cởi mở cõi lòng, cởi mở trái tim, cởi mở trí óc, cởi mở bàn tay, cởi mở cuộc đời trên đường truyền giáo, vì thiếu tâm hồn cởi mở của nhà truyền giáo, Tin Mừng không đến được tâm hồn người khác, thiếu cởi mở của trái tim người môn đệ Đức Giêsu, sứ điệp Cứu Độ không đi được vào lòng ai, thiếu tinh thần cởi mở của người “nhân danh Thiên Chúa mà đến”, người được sai đi tự ý đóng đường đến gặp Đức Giêsu của mọi người.
Cũng vậy, Đức Giêsu không muốn những người được chọn và sai đi mang não trạng hẹp hòi, khép kín, cục bộ, kỳ thị, vì đó là dấu chỉ của kiêu căng, ích kỷ, bởi Tin Mừng được loan báo cho hết mọi người, Hạnh Phúc và Sự Sống đời đời được ban cho toàn thể nhân loại, và Thiên Chúa là Cha nhân hậu của mọi người, không loại trừ ai, không bỏ sót người nào.
Vì thế, một tầm nhìn xa rộng là đòi hỏi của Đức Giêsu ở các môn đệ Ngài, là điều kiện để truyền giáo mang lại hoa trái, là ơn sủng của Thánh Thần tình yêu, Đấng “mở lòng, mở trí” những người đi theo Đức Giêsu đem Tin Mừng cứu độ đến muôn dân.
1.   Có được tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng khi nhà truyền giáo xác tín : Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ hết mọi người :
Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ : ý định từ đời đời của Chúa Cha là cứu chuộc hết mọi người, và không muốn một ai phải hư mất. Và ý muốn thánh thiện, thương xót ấy được Thiên Chúa thực hiện bằng mở ra tất cả mọi con đường, ngõ ngách có thể mở để bất luận ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm gặp được Thiên Chúa.
Vì thế, sứ mệnh của nhà truyền giáo không là “đoán” người này sẽ được cứu rỗi, “nhắm” người kia sẽ bị luận phạt, “cho người này lên thiên đàng, dí người kia  xuống hoả ngục”, nhưng nhà truyền giáo hoạt động với duy nhất một xác tín : tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và một quyết tâm : xin được là khí cụ trong tay Thiên Chúa để chuyển tải ơn cứu rỗi đến tất cả mọi người.
Nhiệm vụ của nhà truyền giáo như thế là làm cho mọi người nhận được hạt giống Tin Mừng, và tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất, nghiã là làm tất cả mọi việc, mọi cách để Tin Mừng được gieo vào tâm hồn mọi người với một niềm hy vọng : sớm muộn hạt giống Tin Mừng cũng sẽ nẩy mầm và lớn lên, xum xuê trong tâm hồn mọi người.
Có những hạt nẩy mầm ngay, nhưng cũng có những hạt nẩy mầm rất lâu sau, nhiều năm sau, có khi “người được gieo” sắp chết, hạt giống mới chịu nẩy mầm trong lòng họ. Nhưng nẩy mầm sớm hay muộn không là việc của người gieo, bởi đó là việc của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã qủa quyết : “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).     
Nhưng tại sao cần phải xác tín : Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu chuộc mọi người ?
Bởi khi lên đường truyền giáo, nhà truyền giáo sẽ gặp đủ thứ người, đủ hạng người : có những người sẵn sàng đón nghe Tin Mừng, vì họ đang khao khát, nhưng cũng có những người dửng dưng, không muốn nghe, và những người ra mặt kịch liệt chống đối, ngăn cấm việc rao giảng, làm chứng Tin Mừng, vì không thiện cảm với nhà truyền giáo và dị ứng với danh thánh Đức Giêsu.
Do đo, nhà truyền giáo sẽ cùng lúc chạm mặt với người ủng hộ và người chống phá, nhóm đi theo và nhóm đối nghịch, nên thiếu niềm xác tín : tình yêu Thiên Chúa bao phủ tất cả mọi người, như mưa nắng trên cả người lành, kẻ dữ (x. Mt 5,45), thiếu tâm hồn cởi mở của Đức Ái, để nhìn “rất xa và rất rộng” đến tận chân trời ở đó “lúa chín vàng cả cánh đồng bao la” (x. Mt 9,37), thì nhà truyền giáo không thể đến với muôn dân, gặp gỡ mọi người, và rao giảng Tin Mừng cho cả người ủng hộ cũng như kẻ chống phá, như Đức Giêsu đã loan báo Sứ Điệp Cứu Độ cho những người hiền lành chăm chú lắng nghe Ngài bên triền núi Bát Phúc, và cả những người Pharisêu kiêu căng, cứng lòng, hay phản bác, bắt bẻ Ngài.
Và như thế, Tin Mừng mới là của mọi người, dành cho hết mọi người, không kỳ thị, phân biệt, loại trừ, và nhà truyền giáo mới thực hiện trọn vẹn sứ mạng truyền giáo là loan báo và làm chứng Đức Giêsu cho muôn dân, như bài sai của Ngài : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19).
2.   Có được tâm hồn cởi mở  và tầm nhìn xa rộng, khi nhà truyền giáo tin tưởng ở ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần :
Xác tín Tình Yêu và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa không bỏ quên, loại trừ ai chưa đủ, nhà truyền giáo còn phải có tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng được Thánh Thần ban tặng, để tin tưởng ở ơn đổi mới của Ngài trên mọi người, dù họ là ai, và tội lỗi đến đâu.
Bởi Chúa Thánh Thần sẽ dẫn loài người tới “sự thật toàn vẹn”, nghiã là Ngài sẽ làm cho hoàn hảo những gì Đức Giêsu đã khởi sự và thành hình, khi hướng dẫn nhân loại trên đường chân lý và tình yêu, bằng nhắc lại những gì Đức Giêsu đã giảng dậy. Nhờ thế mà nhân loại được ơn Ngài đổi mới, được bước đi dưới ánh sáng của Ngài là Thánh Thần tình yêu.
Nói cách khác, với ân sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ đi đến cùng sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu đã trao phó, và quang cảnh ngày mùa “rộn rã tiếng ca, lòng tràn đầy hân hoan, tay ôm bó lúa vàng” phải là ánh nến hy vọng không thể tắt trong trái tim nhà truyền giáo trên đường loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh.          
Với tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng, nhà truyền giáo nhờ ơn Chúa Thánh Thần, sẽ không nhìn những anh em thuộc các giáo hội Chính Thống, Tin Lành như những tên “phản đạo, đào ngũ”, nhưng tâm hồn cởi mở “Đại Kết” sẽ giúp nhận ra con đường Hiệp Nhất mà tất cả cùng phải đi. “Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng Thân Thể Đức Kitô cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Ep 4,12-13). 
Với tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng trong Đức Tin, Đức Ái và Đức Trông Cậy, nhà truyền giáo sẽ đến với anh em trong cùng một đức tin Kitô, để chân thành trao đổi và nài xin Chúa Thánh Thần đổi mới trái tim mỗi người, để tất cả gặp gỡ nhau, và tiến dần về Hiệp Nhất trong niềm tin ở Đức Giêsu, bằng sống theo Tin Mừng của Ngài, bởi tinh thần, cũng như phương thức đại kết tốt nhất chính là sống Tin mừng của Đức Giêsu.
Như thế, nhà truyền giáo có tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng dưới tác động của Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ khinh mạn, hay lên án những anh em Tin Lành, Chính Thống, nhưng luôn tự nhủ : tất cả chúng ta là những người lữ hành cùng đi với nhau, nên chúng ta cần có nhau trên hành trình đi tìm Thiên Chúa. Và để luôn có nhau, chúng ta cần tìm “cho nhau và với nhau” Ơn Bình An từ dung mạo nhân hậu của Thiên Chúa duy nhất, và từ đó, chúng ta có thể học được ở nhau rất nhiều “điều hay lẽ phải”, không chỉ để hiểu biết nhau hơn, mà còn để đón nhận quà tặng qúy báu của Chúa Thánh Thần muốn ban cho chúng ta qua những người anh em đang đồng hành. Và từng bước, Chúa Thánh Thần sẽ hiệp nhất tất cả chúng ta khi dẫn dắt chúng ta tiến về Chân Lý trọn vẹn và Sự Thiện hoàn hảo.    
Với tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng được Chúa Thánh Thần kích hoạt, nhà truyền giáo không coi thường người anh em Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo và anh em các tôn giáo khác, để Thánh Giá mà Đức Giêsu đã dùng để cứu chuộc loài người, khi giao hoà con người với Thiên Chúa không bao giờ được phép biến thành khí giới của ganh ghét, hận thù, bạo lực ; không bao giờ đoàn lũ những người đi theo Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” được cho phép mình biến thái thành những con nguời cuồng tín, gian ác, hiếu chiến, khát máu đồng loại ; không bao giờ cuộc chiến chống lại “cái tôi” kiêu căng, ích kỷ, xảo trá, tham lam làm tổn thương đồng loại được phép biến thành “thánh chiến” làm đổ máu anh em. Trái lại, nhà truyền giáo luôn nhận ra những giá trị Thiên Chúa đặt để trong các tôn giáo, những giá trị mà chính Đức Giêsu đã kiện toàn, và làm cho viên mãn sau đó, khi Ngài đến. Cũng như Lề Luật Môsê là giá trị Thiên Chúa ban cho dân Israel đã được hoàn hảo và kiện toàn bởi Đức Giêsu bằng Giới Luật mới của Ngài từ thời Tân Ước.    
Vâng, cũng với tâm hồn cởi mở, và tầm nhìn xa rộng nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhà truyền giáo không cô lập, tẩy chay, hay miệt thị những người  “không có đạo”, vì tin vào ơn Cứu Độ luôn mở ra cho mọi người, khi nhìn vào thái độ trân qúy, và tâm tình đặc biệt trìu mến, yêu thương của Đức Giêsu dành cho những người ngoại đạo trong Tin Mừng.
Tóm lại, nhà truyền giáo thiếu tâm hồn cởi mở sẽ trầm trọng xuống cấp, và biến thành người qủang cáo, tiếp thị vô duyên, thô kệch, khi trái tim đóng cửa, nụ cười không tươi, mắt môi không long lanh, “biết nói”. Quảng cáo như thế thì chẳng bao lâu công ty, xí nghiệp sẽ phải đăng “cáo phó” phá sản ; cũng như truyền giáo kiểu “độc đoán, độc tôn, độc thọai” thì chẳng khác gì người gieo giống nhắm mắt gieo hạt “xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” hay “trên sỏi đá... nắng lên, hạt liền bị cháy, chết khô” (Mc 4,4-5).
Nhà truyền giáo thiếu tầm nhìn xa rộng khi chỉ nhìn mình, thấy mình, chỉ nhìn “tôi”, thấy những cái “thuộc về tôi” như nhà tôi, dân tôi, đạo tôi, xứ tôi, đoàn thể tôi, giáo phận tôi, mà không thấy ai, thấy gì khác, sẽ khác chi “mười người mù đi xem voi” cãi nhau chí chóe, vì người nào cũng cho voi của mình như mình “thấy”.
Qủa thực, tinh thần cởi mở và tầm nhìn xa rộng không thể thiếu ở nhà truyền giáo, vì truyền giáo là “ra sâu, ra xa”, xuôi đến tận chân trời, góc biển, nên tâm hồn khép kín, nhỏ mọn  làm sao mở buồm  bung cánh ? Vì truyền giáo là chuyến đi mạo hiểm, đến vùng trời xa đến miền đất lạ, nên thiếu tầm nhìn xa rộng, làm sao nhà truyền giáo có thể dẫn mọi người  về Đất Hứa? Vì truyền giáo là loan báo Tin Mừng cho người mới gặp, cho dân tộc chưa quen, nên thiếu cởi mở, lại cục bộ, kỳ thị, chi li, làm sao nhà truyền giáo vượt được tường cao ngờ vực, hàng  rào nghi ngại và hầm hố thị phi ?
Và như Nhóm Mười Hai, nhà truyền giáo phải từng ngày  học biết cởi mở và tập nhìn xa rộng trên đường loan báo Tin Mừng, với bài học lạc quan, cởi mở của Đức Giêsu : “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40), và đón nhận như chià khóa mở lòng mình, mở lòng người, mở Nước Thiên Chúa cho chúng ta và mọi người.  
Jorathe Nắng Tím   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét