Có một điều rất lạ là khi mới yêu không ai nghĩ rằng
"yêu là đau khổ", nhưng tất cả sau một lần lạc vào đường tình
đều gạt lệ, thở than "quả thực, yêu là khổ đau".
Như bạn, như mọi người, tôi cũng nghĩ như thế khi chưa
yêu ai, chưa si mê ai.Tôi tưởng tượng tình yêu đẹp, huyền diệu và toàn năng,
vượt xa những "chướng tai gai mắt" mà tôi thấy trong đời
thường, những lời nhăng cuội mà tôi nghe nơi người thường. Vì thế, tình yêu tôi
tìm là một thứ tình phi thường, không dính dáng gì đến đời thường, nơi những người
bình thường. Tình yêu ấy còn là tình huyền diệu, không vớ vẩn với những thực
trạng phũ phàng, những thực tại bi đát, những thực tế não lòng. Tình yêu ấy lại
toàn năng, có nghĩa là với tình trong tim, người tình trong tay, bằng đôi chân
lanh lẹ trên đường tình, tôi có thể làm được tất cả mọi sự.
Đó là "kinh tin kính" về tình yêu của
tôi khi tôi chưa yêu ai. Thời đó, có lẽ nhờ trái tim còn bỏ ngỏ, vòng tay còn
trống vắng, đôi môi còn trong sạch nên tôi hay đại ngôn. Nói gì cũng xác quyết,
suy nghĩ nào cũng cho là chân lý nên những vần thơ, nốt nhạc yêu của tôi cứ
phải nặng trĩu những mỹ từ ở dạng "vô cùng, tuyệt đối". Tôi
muốn yêu người bằng tình yêu thần thánh, tôi muốn người yêu tôi tuyệt vời, tôi
tìm một con đường tình có trải thảm nhung, tôi miệt mài khai vỡ một miền đất
hứa "chảy sữa và mật ong"
cho tình tôi tròn đầy, nở rộ. Và tôi cố thực hiện điều tôi tin...
Nhưng năm tháng trôi qua, nhiều mùa thu đã theo nhau
đổ lá, làm đổ luôn thần tượng và giấc mộng tình yêu trong tôi. Và như chiếc lá
vàng trơ trọi, buồn tủi bên đường, tôi mệt mỏi thấm đòn tình yêu để rồi cũng
như bao người, tôi ngậm ngùi than thở "tình là khổ đau".
Đau khổ trong tình yêu là một đề tài không bao giờ khô
cạn bao lâu con người còn yêu nhau, còn "liều lĩnh" rủ nhau
vào đuờng tình. Quả thực tình yêu luôn đẹp; nếu không nó đã không hấp dẫn được
ai. Tình yêu luôn tuyệt vời; nếu không nó đã không lôi cuốn mọi người mạo hiểm.
Tình yêu luôn toàn năng; nếu không nó đã không cho con người sức mạnh đi tìm.
Nhưng cũng chính vì đẹp, tuyệt vời, toàn năng mà tình yêu đã trở thành nguyên
cớ của khổ đau.
Khi yêu ai, ta muốn tình ta cho họ phải đẹp; nhưng cái
"ta muốn, ta phải" chưa hẳn đã là cái "ta là, ta có". Ta muốn tình ta cho đi là
tình đẹp, nhưng một cách khách quan, tình ta có thực sự đẹp không? Hay tình ấy
chỉ có dáng dấp đẹp chứ "tình thực" thì chưa đẹp hay chẳng đẹp
chút nào. Chưa đẹp hay không đẹp chút nào không phải vì ta không muốn nó đẹp mà
chỉ vì ta chưa có một quan niệm đúng về cái đẹp của tình yêu. Tệ hại hơn, nhiều
khi ta đã hiểu sai cả bản chất của tình yêu; chưa kể cái "ta muốn, ta phải"
ấy lại hết sức co dãn, mềm dẻo, theo hứng, theo nhu cầu của ta nơi đối tượng.
Ta hay chủ quan "giáo điều" muốn tình ta dành cho người yêu
phải thế này, bắt tình ta dành cho người yêu phải thế kia, mà không biết nhiều
khi đối tượng thật của tình ta lại là chính ta và mục đích của những "muốn,
phải" ấy thường mâu thuẫn với chính bản chất của tình yêu. Thế nên, ta
lạc đường tình ngay trong tim ta mà không hay; giết chết yêu thương ngay trong
giấc mộng tình mà không biết.
Vô tình trở thành kẻ lạc đường, ta đâm hoảng sợ, bất
ổn và mặc cảm làm chết tình yêu làm ta nặng lòng, phẫn nộ. Và rồi chính những
tình cảm hoảng hốt, bất an, nặng lòng, phẫn nộ ấy khiến ta đau khổ.
Khi yêu, ta thường có thêm một khuynh hướng nữa là
thần thánh hóa tình người khác cho ta trong khi thực tế, họ chỉ có thể cho ta
"tình người", tình của con người sống trên đất, chết về đất.
Không là thần, họ không thể cho ta tình thánh. Không là tiên, tóc họ không xanh
mãi với thời gian mà sẽ bạc màu cùng sương gió. Không là siêu nhân, tình họ
không thể ra khỏi quy luật của đời người. Khi thần thánh hóa cuộc tình và người
tình, ta đã nhấc bổng người ta yêu ra khỏi thế giới người, khỏi mọi định luật
của không gian, thời gian, xa khỏi mọi nhu cầu của đời sống, cuộc sống. Yêu như
thế là yêu con người bằng một mối tình của thần, thương một người có tình yêu
của thánh, và từ đây, tình yêu của hai người bị thần thánh chiếm cứ nên mất đất
đứng, hụt hẫng trên mặt địa cầu, lơ lửng trên cuộc sống, dật dờ ngoài đời
người, và cho ra đời một loại tình yêu kỳ quặc mất hẳn chất người, tính người
và tình người.
Tôi tưởng tượng ra nỗi khổ của người trong cuộc vì thứ
tình gán ghép, vá víu, vay mượn, vong thân ấy. Họ khổ vì phẫn nộ trước bất toàn
của người tình "thánh", họ đau vì cay cú trước những thăng
trầm trồi sụt, vô thường của mối tình "tiên", họ thất vọng bởi
những yếu đuối rất "người" của đối tượng trót được "phong
thần". Đây chính là khổ đau lớn trong tình yêu, khi tình yêu bị xâm
chiếm bởi tình trạng "mất mát trầm trọng" không thể bù đắp đến
từ ảo tưởng thần thánh hóa này; bởi sau bức màn thần thánh là khuôn mặt thực
của sự từ chối trắng trợn giá trị "nhân bản và đích thực" của
người mình yêu.
Khổ đau trong tình yêu còn đến từ chính tình yêu hiểu
như một sự sống. Sự sống của tình yêu cũng có nhiều nhu cầu giống như những sự
sống khác. Một khi nhu cầu không được đáp ứng thì tình yêu hoặc sẽ phai tàn
hoặc sẽ yếu đi. Đấy là ta chưa nói đến tính tế vi, phức tạp, rất đặc biệt của
sự sống tình yêu.
Kinh nghiệm cho thấy tình yêu như một sự sống, sự sống
này không sống tự mình, không lớn tự mình, không đơm bông kết trái tự mình
nhưng tăng trưởng theo nhịp máu yêu, theo nồng độ thương của những người yêu
nhau. Tình lứa đôi không thể lớn một chiều, nhưng cần cả hai chiều đồng thuận.
Đôi nhân tình không thể yêu nhau bằng tình một chiều vì trước sau tình này cũng
sẽ chết yểu hẩm hiu. Gọi là yêu nhau khi cả hai cùng phải yêu và được yêu. Phân
xẻ tình yêu thành hai thứ "tình cho đi" và "tình
nhận lãnh" và xếp chúng đứng xa nhau, cách biệt nhau là một
cách nhìn nhị nguyên, không đúng cho tình yêu.
Quả thực khi yêu ai, tôi cảm thấy hạnh phúc và niềm
hạnh phúc ấy gắn liền với cả hai khả năng yêu và được yêu trong tôi. Tôi không
thể phân biệt đâu là ranh giới hạnh phúc giữa yêu và được yêu mà chỉ cảm nghiệm
một hạnh phúc tròn đầy khi yêu; bởi trong tình yêu hai khả năng cho đi và nhận
lãnh không rời nhau. Chính vì thế thứ tình một chiều không thể lớn, không thể
xum xuê nẩy nở bởi nó thiếu hẳn một lá phổi để thở, thiếu hẳn một chân để bước
mà đường tình thì biền biệt, dong duổi, lâu dài như đời sống: thiếu phổi, mất
chân e không thể tới đích.
Như thế, tình yêu luôn đòi có đôi, có bạn, có nhóm, có
nhau; nên khi đã yêu tất phải "yêu nhau", không yêu “cái tôi” đơn
độc. Nhưng cũng chính vì phải "có nhau, cùng nhau, yêu nhau"
mà câu chuyện tình trở nên nóng bỏng, nhiêu khê, khổ đau. Vì yêu là yêu nhau
nên tôi bắt đầu phải ra khỏi vũ trụ riêng tư, ra khỏi hành tinh tưởng chừng như
duy nhất là "tôi, đời tôi" để hòa nhập, quyện chặt vào một
"đời khác, người khác". Tình yêu có sức hút hai chiều: tôi hút
người khác và người khác hút tôi. Lực hút càng mạnh, nồng độ yêu càng lớn. Hai
chiều qua lại càng điều hòa, mức hiệp thông, hiệp nhất càng vững chắc, đảm bảo.
Ra khỏi đời mình là một cố gắng lớn bởi ta thường ngại
ngần, do dự; là một từ bỏ có giá trị cao vì thường phải đánh mất một chút
"mình". Không ai muốn bỏ mình, ngay cả bỏ mình vì mình cũng
không mấy ai dám vì sợ mất mát, thua thiệt. Nhưng sự sống của tình yêu lại đòi
của ăn "bỏ mình, quên mình"
này. Không ra khỏi "cái tôi", không vượt thoát được
những ý niệm "của tôi", không xóa mờ được một chút về "hình
ảnh tôi", ta không thể đến với người khác, không đủ hành trang để đi
vào hành trình tha nhân. Cho dù cố gắng thế nào và bằng cách nào đi nữa, đây
vẫn luôn là điều kiện không thể thiếu.
Ra khỏi đời mình vốn là một khai mở cần thiết để
"người ấy" đến được với ta. Nó như chìa khóa cửa lòng và chỉ
qua cửa này, tình yêu mới thực sự đến. Vì thế, để nhận diện đâu là tình yêu
thực, đâu là tình yêu chân chính, ta chỉ việc hỏi xem tình ấy đã đi qua cửa nào:
cửa nhà băng hay cửa kho, cửa quan, cửa quyền hay là cửa ngõ trái tim?
Quả thực tình yêu không dễ nuôi, thức ăn đã khó mà
cách cho ăn còn khó hơn. Vì tình yêu đòi được nuôi dưỡng bởi chính tìnnh của những
người yêu nhau, bởi từng người trong cuộc tình; mà mỗi người tình, mỗi nhân vật
trong chuyện tình, mỗi diễn viên trên tình trường là một hành tinh riêng biệt,
có nhiều khác biệt nên ta không thể có sẵn những phương thức tiền chế như toa
bác sĩ với liều lượng chính xác nuôi tình yêu. Khi yêu ai, ta tìm hiểu về người
ấy. Sở dĩ phải tìm hiểu vì ta không hiểu họ, không thể hiểu hết về họ nếu không
tìm họ; bởi mỗi người là một giá trị, một huyền nhiệm bất khả thay thế, bất khả
hoán chuyển. Đi tìm tha nhân, ta không có ý lột trần đời riêng của họ; cũng
không toan tính đồng hóa khấu trừ họ nhưng "đi" về phía họ để
khoảng cách giữa ta và tha nhân ngắn lại; "tìm" kiếm họ để
giảm những chướng ngại khi đồng hành cho bản tình ca bớt lạc điệu, sai cung. Có
tìm kiếm ta mới thấy đối tượng đáng yêu, đáng quý; có kiếm tìm ta mới trân
trọng người ta thương; bởi tìm kiếm trước hết là một công trình lớn trong cố
gắng ra khỏi "cái tôi bé nhỏ".
Những đòi hỏi trên của tình yêu, từ nhu cầu có nhau,
điều kiện ra khỏi cái tôi an toàn kiên cố, đến cố gắng phải đi tìm, đi với
người khác; rồi thái độ phải nhìn lại mình, kiểm tra mức độ của tình yêu nơi
mình... tất cả đã mang đến nhiều ray rứt, khổ đau cho người trong cuộc.
Viết đến đây, tôi thấy mình lạc đề trầm trọng...
Nhờ lạc đề, tôi thấy mình bé nhỏ, non nớt, dốt nát,
vụng về, ngờ ngệch trong tình yêu. Cũng nhờ lạc đề, tôi nhận ra cái bao la khôn
tả, cái mông lung không biên giới của tình yêu. Tình yêu vĩ đại quá nên không
ai đóng khung được nó. Tình yêu sâu thẳm, diệu vợi quá nên chẳng ai dò thấu,
viết hết được. Cũng nhờ lạc đề mà tôi biết mình sẽ còn mãi khổ đau trong tình
yêu; nhưng dù thế nào, tôi vẫn nhủ thầm, bao lâu còn sống, tôi vẫn cứ muốn yêu
thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét