Ta khó có thể yêu một người nếu biết chắc người ấy sẽ
không bao giờ đáp trả tình ta. Yêu ai là muốn được người ấy yêu lại; bởi tình
yêu đòi như thế và như thế mới gọi là yêu
nhau.
Tình của con người dừng chân ở bến bờ này. Nó khó có
thể đi xa hơn về chân trời vô vị lợi,
không điều kiện. Môi trường sống với những điều kiện, con người sống với
những điều kiện đã điều kiện hóa tình yêu. Yêu ai, ta không thể tránh chờ mong
một điều gì đó nơi họ. “Điều gì đó”
có thể hiểu ngay, thấy liền, nhưng cũng có thể còn ẩn sâu, dấu kín.
Hiểu tình yêu là một cho đi và nhận lại, ta chấp nhận
tính tương đối của tình yêu trong ta. Cái tương đối này khép chặt đời ta, bởi tính
tương đối của không gian, thời gian, trong đó kiếp người có mặt. Nhưng tình yêu
có một năng lực tiềm tàng, mầu nhiệm, gắn với thế giới siêu nhiên, thế giới mà
tình yêu gọi là tuyệt đối. Nhờ thế, tình yêu không chỉ tương đối trong thế giới
người với những điều kiện tương đối mà còn có thể vươn cao, vươn mãi đến Tuyệt Đối, Vô Cùng. Trong Tuyệt Đối, Vô
Cùng này, tình yêu đã làm ngơ ngác thế
giới tương đối vì những khó hiểu của nó.
Là tình yêu, Đức Kitô cũng trở nên khó hiểu với nhiều
người và với chính ta khi Ngài đem tình yêu vượt khỏi hàng rào tương đối với
những điều kiện này nọ. Lên tiếng biện luận cho một tình yêu vô vị lợi, một
tình yêu ngược đời là yêu thương kẻ thù,
làm phúc, thi ân cho kẻ ghét bỏ, vu oan mình, chia sẻ cơm bánh cho người hành
hạ mình, cầu xin phúc lành cho người giết hại mình, Đức Kitô đã không để tình
yêu ẩn núp mãi trong túp lều hạnh phúc, bình thường của nó mà bắt
tình yêu phải ra khỏi “tổ ấm” để mang
hơi ấm đến những tổ còn hoang vắng, quạnh hiu khác.
Công việc này đòi một từ bỏ anh hùng: bỏ tổ ấm an
bình. Rời bỏ tổ ấm an toàn là mất đi tất cả điều kiện cần thiết để tình yêu
được bảo đảm. Ra khỏi nhà trong đêm là một liều lĩnh, nhiều nguy hiểm. Rời hạnh
phúc đang có là đối diện với bất hạnh. Thế mà tình yêu bỗng chốc phải nhổ rễ, bỏ lều mà ra đi trong đêm, về
một chân trời, một địa chỉ không muốn đến, không muốn tìm là kẻ thù.
Kẻ thù là kẻ ta tránh, tránh ta. Tránh vì không yêu, không cần, không
đội trời chung. Ấy thế mà Đức Kitô lại muốn và mời gọi những ai muốn theo Ngài,
muốn yêu như Ngài, phải học yêu kẻ thù,
ở với kẻ thù, gặp gỡ kẻ thù. Cái lý luận của Ngài là: "Nếu các con yêu những người yêu các con,
điều đó chẳng có gì lạ; bởi những người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu các con
làm phúc, thi ân cho những người giúp đỡ các con, điều này cũng chẳng lạ, vì ai
cũng làm được. Ngay việc cho người khác vay mượn, vì biết rằng họ sẽ hoàn trả;
việc đó kẻ tội lỗi cũng thường làm” (Lc 6,32-34). Và Ngài nhấn mạnh: “Phần các con hãy yêu kẻ thù, làm ơn cho họ,
cho họ vay mượn mà không cần hoàn trả” (Lc 6,35).
Đức Kitô đã đặt phần đầu lý luận của mình trên sự khác biệt giữa người
tội lỗi và những người muốn theo Ngài, thuộc về Ngài. Nhấn mạnh sự khác biệt
này, xem ra Đức Kitô muốn xác quyết đây chính là dấu chỉ duy nhất cho phép
người ta phân biệt ai là người thuộc về Ngài. Dấu chỉ ấy quá đặc biệt vì đòi
hỏi quyết liệt một từ bỏ, một dấn thân, một tình yêu lớn. Dấu chỉ ấy không ngập
ngừng chờ “đánh lận con đen”, chờ tráo
bài; nhưng rõ ràng, phân minh, dứt khoát. Sự phân biệt ở đây là sự phân
biệt chính xác, rành mạch, công khai. Không ai nghe mà không hiểu, không ai
nghe mà hiểu lầm, hiểu sai. Từng chi tiết, từng luận lý cho từng đòi hỏi, Đức
Kitô đã đặt ta trước một chọn lựa duy
nhất: Yêu cả kẻ thù nếu muốn theo Ngài.
Tuy thế, Đức Kitô vẫn tôn trọng những tương đối của con người. Ngài
không nhấc bổng ta ra khỏi thế giới người với những điều kiện của nó. Ngài biết
khi yêu, ta phải đợi chờ một điều gì, nuôi một hy vọng nào đó. Hiểu được những
thắc mắc rất người của ta, Đức Kitô
trấn an “tình yêu kẻ thù” của ta bằng
đứng ra đảm bảo phần mà kẻ thù không làm được cho ta, không trả được cho ta.
Nhận trả cho ta phần mà kẻ thù phải trả, Đức Kitô xác quyết rằng từ nay “con nợ tình yêu” của ta chính là Thiên
Chúa. Chính Ngài sẽ trả cho ta bội hậu
những gì ta đã làm cho những người không yêu, không giúp, không chia sẻ với ta
(Lc 6,35).
Có Thiên Chúa là con nợ, ta nắm chắc không bị lừa, bị quỵt bởi Thiên
Chúa không lừa dối ai vì Ngài là Sự Thật. Không những trấn an những việc làm
của tình yêu ta, Đức Kitô còn nhân loại
hơn khi khích lệ những cố gắng yêu thương vô vị lợi của ta bằng cho ta thấy
trước Thiên Chúa sẽ nhiều lần quảng đại hơn lòng ta, và Ngài sẽ ban lại cho ta
trăm phần hơn những gì ta đã cho đi. Những thúng, những hũ, những gánh tình yêu
mà ta đã dành cho tha nhân, nhất là khi ta cho những kẻ ghét ta, sẽ được đong
lại trĩu nặng, tràn đầy, chan chứa từ tay Thiên Chúa toàn năng (Lc 6,38).
Đến đây ta hiểu rằng, tình ta cho kẻ thù, ơn phúc ta làm cho kẻ thù,
không là công cốc, vô ích; nhưng đặt
ta trở thành chủ nợ tình yêu của Thiên Chúa và Ngài là con nợ của ta. Nhận làm con nợ của ta, Thiên Chúa muốn trở thành
con người, không chỉ là những người đáng yêu, đáng trọng; mà còn là cả những
người dễ ghét, đáng khinh, những kẻ thù của ta; chỉ vì yêu thương họ. Trả nợ
thay ai, bán thân cứu ai là vì yêu họ nhiều, yêu nồng nàn, tha thiết. Yêu cả kẻ
thù ta, Thiên Chúa trả cho ta tất cả những gì họ không thể trả vì hận thù còn
trong họ. Yêu họ như yêu ta, Ngài chấp nhận trở thành con nợ của cả hai: ta và
kẻ thù ta. Con nợ Thiên Chúa Tình Yêu ấy đã là nhịp cầu giao hoà, con chiên
gánh tội, lễ vật hy sinh cho mùa xuân mới được nở rộ trong ta, trong kẻ thù ta.
Và như thế, ta sẽ không còn lý do để tiếp tục oán ghét kẻ thù và kẻ thù cũng
phải chấm dứt khiêu khích, chống đối ta khi nhận ra có Đức Kitô hiện diện.
Tình của Đức Kitô nhiệm lạ ở chỗ nó biến kẻ thù thành người thương, biến
đối phương thành bè bạn. Giơ má cho kẻ thù vả, cởi áo cho kẻ thù tức là buông
vũ khí đầu hàng, xuôi tay thua cuộc, ô nhục rút lui. Nhưng rút lui, đầu hàng,
thua cuộc vì yêu họ, vì hạnh phúc của họ, lại chính là chiến thắng, thành công
vì đã khai sinh một Tình Yêu mới trong một tâm hồn mới, một cuộc đời mới.
Nhìn lại tình ta, sao còn tương đối quá. Nó chưa chịu vươn cao, chưa khắc
khoải với tình Tuyệt Đối. Nó vẫn còn biên cương, ranh giới, vẫn còn bị bao
quanh bởi pháo đài kiên cố. Người khác vẫn còn “khác”; kẻ thù vẫn oán thù. Ta
nhắm mắt để không thấy Đức Kitô đã thương ta như thương người khác, yêu ta cũng
như yêu kẻ thù ta. Ta giả vờ điên để khỏi nặng lòng, khó nghĩ khi Đức Kitô gánh
lấy món nợ của kẻ thù, đứng ra bảo lãnh cho kẻ thù, với hy vọng được thấy ta
tha thứ và giao hòa với họ.
Lạy Đức Kitô, con cố yêu như Chúa dù tim con rướm máu khi phải yêu kẻ
thù, thương người vu oan, làm phúc cho kẻ ghét con. Chúa biết tình con tương
đối và cửa lòng con chật hẹp, xin ban cho con tình yêu của Chúa để trái tim con
không vô tâm khép kín, viện cớ không còn giờ, còn chỗ trước những đòi hỏi cấp
bách của người khác quanh con, trong số họ, không ít đã được con điểm mặt, điểm
danh là “kẻ thù” của mình để rồi mất hẳn khả năng "cho không biếu không",
một thứ khả năng chỉ có trong tình yêu ở độ đam mê thần thánh. Không còn khả
năng "cho".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét