Tôi đã cùng bạn nhìn tình yêu dưới nhiều góc cạnh,
nhiều trạng thái, nhiều hoàn cảnh mà mục đích là giới thiệu một Đức Kitô
Tình Yêu. Tất cả những cách nhìn, hướng nhìn trên không mổ xẻ, lột trần,
chặt nhỏ tình yêu; cũng không pha trộn mọi thứ tình để cho ra một thứ tình yêu
kiểu cocktail “hằm bà lằng xí cấu”,
nhưng mục đích chính là để dẫn ta vào thâm cung của tình yêu mầu nhiệm của Thiên
Chúa.
Quả thực, nếu chối bỏ tính mầu nhiệm của tình yêu, vô
tình ta đã mang tình yêu vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu bằng các phương
pháp khoa học. Và tình yêu trong phòng thí nghiệm sẽ không còn những “bối rối,
bồi hồi, xao xuyến, e ấp, thẹn thùng, bâng khuâng, day dứt, nhớ thương, thấp
thỏm, đợi chờ; nó cũng không còn cao tới trời, sâu tận vực thẳm, bàng bạc bao
la…”. Tình yêu ấy, khi bỏ xa vùng trời mầu nhiệm, sẽ trơ lạnh ù lì một khối và
loài người sẽ chẳng khác gì những con chip, robot.
Trước hết, tình yêu mầu nhiệm vì Thiên Chúa là Tình
Yêu và nguyên thủy của tình nhân loại là chính Thiên Chúa. Nơi Ngài có mầu
nhiệm tình yêu, mầu nhiệm này đã được mạc khải qua công trình vào đời, làm
người, yêu người, cứu đời của Đức Kitô, con Thiên Chúa. Công trình ấy là một
mầu nhiệm, một bí tích, một khung trời vượt khỏi tầm nhìn của con người. Khi
nói đến mầu nhiệm Đức Kitô vào đời, làm người, ta cũng chỉ hiểu được phần nào
mối tình phụ tử của Thiên Chúa và nắm bắt phần nào mức độ cao siêu của sứ điệp
yêu thương. Chính các môn đệ thân cận của Đức Kitô cũng chẳng hiểu nhiều, bằng
chứng là các ông đã bỏ chạy, phản bội Ngài trong những ngày cuối đời Ngài. Phải
đợi đến khi Thánh Thần Tình Yêu xuống sưởi ấm, khai mở dần và với ơn của Ngài,
các ông mới xác tín mầu nhiệm yêu thương trong ngày lễ Hiện xuống. Đóng chốt và
được khai sinh từ tình yêu mầu nhiệm này, tình con người cũng là một mầu nhiệm
cao vời khôn ví.
Tình ấy mầu nhiệm ở bản thể. Có ai nhốt được tình yêu
trong lồng, trong lọ bao giờ. Nó ở đâu, hình dáng ra sao, không ai thấy, không
ai biết; chỉ thấy được, biết được qua những biểu hiện của nó. Thấy người mẹ âu
yếm, chăm sóc con, ta bảo người mẹ ấy yêu con. Nhìn các nữ tu tận tụy săn sóc
người phong hủi, siđa, ta nhận ra tình yêu tha nhân nơi các chị. Là một mầu
nhiệm, tình yêu luôn ẩn dấu kín đáo, không dễ nhận diện, nắm bắt.
Tình yêu còn mầu nhiệm ở phạm vi, lãnh vực sinh hoạt.
Nó vượt mọi ranh giới, cao đến trời và yêu chính Thiên Chúa; sang hẳn thế giới
bên kia và thương cả những người đã chết. Nó vượt mọi điều kiện của không gian,
thời gian: yêu tổ tiên sống trước hằng bao nhiêu thế kỷ, thương đàn em chưa có
mặt trong đời, yêu những người ở gần, đối diện; nhưng cũng thương những người
nghìn trùng cách trở. Nó còn mầu nhiệm ở khả năng yêu nhiều đối tượng một lúc,
mà tất cả đều được yêu tha thiết nồng nàn: ta có thể cùng yêu cha mẹ, vợ con,
bạn bè với một khối tình no tròn, một biển tình đầy ắp.
Nhưng mầu nhiệm lớn của tình yêu là khả năng vừa yêu
Chúa vừa yêu người; hay đúng hơn yêu người là yêu Chúa. Đọc Tin Mừng Thánh
Matthêu (25,31-46), ta thấy tình yêu
đã làm ngỡ ngàng những người lành khi họ không biết rằng tình họ dành cho người
khác chính là tình họ dành cho Chúa. Mầu nhiệm của tình yêu đã làm kinh ngạc
những người yêu và họ chỉ hiểu giá trị mầu nhiệm của tình yêu sau khi chết. Có
ai trong họ khi sống đã nhận ra Thiên Chúa trong những người nghèo hèn, bệnh tật,
tù đày, cô quả đâu. Có ai trong họ khi sống đã đo được giá trị của những ly
nước, những tấm mền, chén cơm, những nụ cười cảm thông, những bàn tay chia sẻ
đâu. Hạnh phúc hôm nay của họ là khám phá mầu nhiệm sâu thẳm của tình yêu sau
khi đã yêu; mầu nhiệm ấy lại tiếp tục cuốn hút họ vào cung lòng của chính Đấng
là Tình Yêu.
Tình yêu còn mầu nhiệm ở cường độ sinh hoạt. Cường độ
này không căn cứ, tùy thuộc vào công việc, công trình. Ta có thể làm một việc
rất lớn, rất cả thể với một chút tình cỏn con, thừa thãi; ngược lại ta cũng có
thể làm một việc cỏn con, bé nhỏ không tạo tiếng vang, không gây ồn ào với một
tình yêu vĩ đại. Có thế, những cánh hoa nhỏ mới có cơ hội trở thành biểu chứng
của tình yêu lớn, những ân cần kín đáo, tế nhị mới nên kho tàng ẩn chứa tình
yêu vĩ đại.
Cường độ của tình yêu, nhờ mầu nhiệm đã cho ta khả thể
làm lớn tình yêu trong việc nhỏ. Đức Kitô yêu con người bằng tất cả tình yêu
Thiên Chúa và con người của Ngài. Qua mọi việc làm và hoàn cảnh sống: từ năm
tháng chôn vùi, ẩn dấu ở Bêlem, Nazareth cho đến những ngày rao giảng thành
công, cả đến giờ phút đau đớn, kiệt sức, bất lực trên Thánh giá, Ngài luôn giữ
một cường độ yêu mãnh liệt, thiết tha. Và cường độ ấy đã thúc đẩy Ngài vui lòng
chết cho những người Ngài yêu.
Đi vào tình yêu là chạm mặt mầu nhiệm. Những chạm mặt này có khi cho ta hạnh phúc;
nhưng cũng nhiều lúc làm ta đau khổ. Ta hạnh phúc khi mầu nhiệm cho ta đi lên
để hồn ta bay bổng, chắp cánh; ta khổ đau khi tình yêu dẫn ta xuống thẳm sâu
của mầu nhiệm, ở cõi nhiệm mầu thẳm thẳm, tăm tối này, ta cảm thấy chao đảo,
bàng hoàng, sợ hãi. Nỗi khổ, niềm đau của con người biết yêu là những chạm mặt
kinh khủng với chính mầu nhiệm của tình mình đang yêu; vì mầu nhiệm này chỉ
được khai mở sau đoạn đường hầm đen tối mà tình yêu phải đi qua: không ra khỏi
hầm, không có ánh sáng.
Chính vì thế, khi yêu con người, Đức Kitô đã chọn
chính hành trình mầu nhiệm tình người. Nó phải đi theo chu trình của mầu nhiệm.
Trong chu trình này, bóng tối thử thách luôn chiếm một phần quan trọng, làm nền
và điều kiện cho ánh sáng.
Nhìn vào đời Đức Kitô, ta thấy không ít những đoạn
đường hầm. Trên những đoạn hầm âm u, mù mịt này, Ngài đã không được chính các
môn đệ của mình nhận ra dung mạo sáng láng, không còn được một chút tình của
những người đã hoan hô, ủng hộ, không còn một chút cảm thương kính trọng nơi
những người đã nghe giảng và chịu ơn; cả đến đường dây liên lạc với Trời, mối
tình cha con bất diệt cũng bị cắt
ngang. Trên đoạn trường này, Ngài cô
đơn tột độ, yếu đuối tột độ, bất lực tột độ; nhưng luôn yêu thương tột độ. Ngài
biết và vui lòng chấp nhận đi hết con đường mầu nhiệm của tình yêu. Ngài hiểu
và can trường đi vào đường hầm tăm tối của mầu nhiệm vì Ngài muốn yêu đến cùng,
yêu đến chết, yêu đến tận đáy sâu của mầu nhiệm: chết cho người mình yêu.
Khi chấp nhận đi với Đức Kitô trên đường tình, ta cũng
sẽ phải như Ngài, phải chạm mặt với
mầu nhiệm. Cái khó của tình yêu thật là chỉ thật khi chấp nhận và sống chính
mầu nhiệm này, mầu nhiệm ngay trong ta, nơi người ta yêu, trong những biến cố,
thử thách của tình yêu. Tình yêu thật ấy sẽ không bám ngoài da như bụi, không
mau qua như son phấn, không bề ngoài như đồ trang sức; nhưng sâu thẳm, cao vời,
vượt thời gian, phủ lấp không gian, che kín cả sự chết.
Tin vào mầu nhiệm của tình yêu là tin vào Đấng là Tình
Yêu. Chỉ với và trong niềm tin này, tình yêu ta mới tránh được những phút giây
tuyệt vọng khi khổ đau, mới an bình trước phong ba bão tố, mới thanh thản khi
bị hiểu lầm, vô ơn. Chỉ với niềm tin vào chính Đấng là Tình Yêu, mầu nhiệm của
tình yêu mới có đất sống, mới mang lại cho tình yêu mùa màng sung túc, mới dắt
được hy vọng của tình yêu vào mùa xuân rực rỡ. Không mầu nhiệm, tình yêu không
thể bất diệt, cũng chẳng bao la, sâu thẳm hay vời vợi tuyệt đối. Và hạnh phúc
thật của người dám yêu, biết yêu là dấn thân vào mầu nhiệm này, ở đó họ gặp
được chính Đấng là Tình Yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét