“Kinh hoàng lại ập
xuống trên tôi, niềm hy vọng của tôi tiêu tan như gió thoảng, ơn cứu thoát của tôi biến mất tựa mây bay. Và giờ đây mạng sống
tôi tàn lụi, những ngày khốn khổ vây bọc lấy tôi. Ban đêm xương cốt tôi đau như
bị chọc thủng, các vết thương nhức nhối khôn nguôi. Người nắm lấy áo tôi thật
chặt, siết vào tôi như cổ áo dài. Người quăng tôi vào đống bùn nhơ, khiến tôi
trở nên như tro như buị”(G 30,15-19).
Đó là tình trạng của ông Gióp trong tận cùng của đau đớn,
khổ sở, sau khi Satan xin phép Thiên Chúa Giavê được thử thách ông, người có tiếng
là “vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G 2,3), với
lý luận rất “con người ”: “Da đổi da! Tất
cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình.
Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” (G 2,5).
Hình ảnh của ông Gióp trong Cựu Ước là hình ảnh của rất
nhiều người đang bị lây nhiễm. Họ đau đớn vì đại dịch, khốn khổ vì virút, mất tất
cả vì Corona, bị xa lánh vì Covid, mặc dù họ chẳng làm điều gì gian ác. Bên cạnh
họ là gia đình, thân quyến, tất cả đều chịu chung số phận hẩm hiu.
Nhưng không chỉ một số người đã tử vong, hay bị lây
nhiễm chịu thử thách, mà cả thế giới, nhiều dân tộc đang cùng chia sẻ cơn thử
thách rất nặng nề, mà hậu qủa của đại dịch mang lại thật khó lường: người bệnh
thì nằm cô đơn, người chết thì cô độc ra mộ phần hoặc vào nhà hoả táng, không
thân nhân quây quần, không bạn bè đưa tiễn;
người sống thì mất việc, lo sợ hiện tại đầy đe dọa, ngán ngẩm tương lai không
hy vọng; đám trẻ không đến trường sắp nổi khùng vì không gian ngột ngạt trong các
chung cư chật hẹp; thiếu niên, thiếu nữ bị cấm ra đường bắt đầu cuồng chân, nổi
loạn, và nhiều anh chị đã rơi vào tình trạng trầm cảm, stress nặng; kinh tế gia
đình tuột dốc vì chi nhiều cho kho lương thực phải tích trữ, mà thu vào thì không
thấy; nhiều nhà tù phải thả tù nhân, vì sợ lây nhiễm, nhưng không thể lo cho đời
sống của những người tù được tạm thời tự do này, nên nhiều người đã bất đắc dĩ
rơi vào “trộm cắp, cướp của giết người” để tự giải quyết nhu cầu sống, vì không
ai lo cho họ, và chính họ không muốn làm phiền thân nhân, gia đình; cơ quan và nhân viên y tế thì bên bờ cạn kiệt nghị lực
tinh thần, và sức khỏe thể lý phần vì tận lực phục vụ liên tục, không nghỉ ngơi,
bồi dưỡng, phần vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của nhiều người không chấp hành
nghiêm túc quy định y tế để cùng họ ngăn chặn nạn dịch lây lan, làm tăng số bệnh
nhân, đưa đến tình trạng qúa tải trong các bệnh viện và thiếu thốn trầm trọng dụng
cụ y tế để phục vụ bệnh nhân. Nói chung, không ai thấy mình ở ngoài cuộc chiến
sinh tử với Covid-19, không người nào cảm thấy an tâm, an ổn khi chung quanh đầy
những con người đang rên xiết, ngao ngán, chán chường trước nguy cơ của đại dịch.
Như Satan đã lý luận: “Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng
sống mình” (G 1,4), con người, bất kể ai, và cứ sự thường khi sự sống của bản
thân bị đe dọa, sẽ dễ dàng đánh đổi tất cả những gì mình có để giữ lại sự sống:
đánh đổi tự do để bảo toàn sự sống, đánh đổi danh dự để còn được sống, đánh đổi
của cải để không mất sự sống, đánh đổi bạn hữu để bảo toàn sự sống, đánh đổi
gia đình, quê hương để không ai chiếm mất sự sống, đánh đổi mọi người để sự sống
riêng mình được bảo đảm, và sau cùng đánh đổi cả lương tâm, tình yêu, đức tin,
Thiên Chúa để mạng sống mình không hề hấn, bị tổn thương.
Thực vậy, vì sự sống bản thân, mạng sống của riêng mình
rất qúy giá, vì chỉ sống một lần, chỉ một mạng sống, một kiếp sống, nên mất là
hết, bị chiếm đọat là không bao giờ tìm lại được, bị tiêu diệt thì chẳng hy vọng
gì có lại lần hai, nên khi sự sống bị đe dọa, người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả
để giữ lại nó, thí bỏ tất cả để bảo toàn cho kỳ được, như Satan đã kết luận,
khi xin phép Thiên Chúa Giavê thử thách ông Gióp, tôi tớ trung tín của Thiên Chúa:
“Ngài cứ thử giơ giơ tay đánh vào xương
vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” (G 1, 5).
“Nguyền rủa Thiên Chúa thẳng mặt” thì chẳng còn ân
nghiã gì với Thiên Chúa, chẳng còn kính nể, thương yêu, biết ơn gì Thiên Chúa.
Nói cách khác, “nguyền rủa Thiên Chúa thẳng mặt” là chính thức phản bội, công
khai lên án, mặc nhiên chối bỏ, ngang nhiên phủ nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng,
yêu thương và gìn giữ, chăm sóc mình.
Trong Kinh Thánh không thiếu tình trạng “thay mặt đổi
lòng” đối với Thiên Chúa khi bị thử thách. Chính dân riêng được tuyển chọn cũng
nhiều lần làm như thế, khi rơi vào thử thách.
Vì thế, nếu có những tâm hồn như Gióp, hay Đavít đã xưng
tụng: “Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con... là khiên mộc, là
Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 17,3), và tuyệt đối tin tưởng:
“Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông, cứu
tôi thoát khỏi đối phương tàn bạo và kẻ thù mạnh thế hơn tôi” (Tv 17,17-18), thì
cũng không thiếu những người nặng lời lên án Thiên Chúa là “phỗng đá vô cảm, thần
hủy diệt ác ôn, kẻ truy diệt loài người để thoả cơn say “khát máu”.
Không như Gióp, dù biết rất rõ: “Con kêu lên Ngài, nhưng
Ngài không đáp, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm. Ngài đối xử với
con tàn nhẫn, giương cánh tay mạnh mẽ đánh phạt con. Ngài nâng con lên, cho cỡi
mây đạp gió, làm con tan chảy trong giông tố bão bùng. Qủa thật, con biết Ngài
bắt con quay về cõi chết, về nhà hội ngộ của tất cả nhân sinh” (G 30, 20-23),
nhưng vẫn một niềm trung tín, tin tưởng và cầu xin: “Lậy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con, cứu độ con, bởi vì Ngài nhân
hậu” (Tv 6,5).
Vâng, ai đã một lần rơi vào hoàn cảnh sự sống bản thân
bị nghiêm trọng đe dọa, mạng sống riêng mình không còn có thể trông cậy vào ai,
sẽ hiểu rõ sức lôi kéo mãnh liệt của cơn cám dỗ phản bội, đánh đổi. Chẳng thế mà
nhiều người khi chưa rơi vào thử thách đã rất to tiếng, mạnh miệng tuyên bố
trung thành, tuyên ngôn này nọ, như tông đồ trưởng Phêrô đã hùng hồn tuyên xưng
đức tin : “Bỏ Thầy thì chúng con biết
theo ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng
con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga
6,68-69), nhưng sự tình hoàn toàn đổi khác, khi chối Thầy, phản bội đồng đội,
khai báo toàn bộ kế họach, chỉ điểm từng thành viên, báo cáo từng chi tiết vụ
việc, hầu lập công chuộc tội, mong cứu mạng sống mình, mong một mình thoát chết,
mong sinh mạng được bảo toàn.
Covid-19 tuy không tra hỏi ai, bắt giam người nào, nhưng
không vì thế mà tình yêu và lòng tin tưởng
phó thác của chúng ta ở Thiên Chúa không bị đe dọa, thử thách, bởi khi rơi vào
bế tắc, lọt vào đường cùng, lạc vào tử lộ, chúng ta dễ nghi ngờ tình yêu của
Thiên Chúa, nghi vấn sự có mặt và hoạt động
nhân hậu, quan phòng của Ngài, nghi ngại đi theo Ngài, nghi nan sứ mệnh
của người Kitô hữu, nghi hoặc vai trò dẫn dắt, giáo huấn của Giáo Hội, tệ nhất
là nghi kị chính anh em mình, vì ích kỷ và bảo vệ bằng bất cứ giá nào mạng sống
riêng mình.
Là người thuộc về Đức Giêsu, chi thể của Thân Thể mầu
nhiệm là Giáo Hội, chúng ta cần ý thức: thử thách của riêng mình, hay thử thách
chung của toàn thế giới như trường hợp đại dịch Covid-19, không bao giờ được trở
thành lý do đánh đổi những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta chỉ vì muốn giữ mạng
sống riêng mình, bởi mạng sống tuy rất qúy giá, nhưng mạng sống nằm trong tay
Thiên Chúa, vì là quà tặng của Thiên Chúa, nên người nhận quà tặng là mạng sống
ấy luôn có nghiã vụ biết ơn Đấng đã ban sự sống như quà tặng. Lòng biết ơn ấy đòi
con người đặt sự sống trong tay Chúa, đặt mạng sống mình trong tình thương quan
phòng của Chúa, vì xác tín : “không ai
trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình.
Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống,
dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8),
Với niềm xác tín “thuộc
về Chuá, dù sống, dù chết”, “chúng
ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu
đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là
người trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không
phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ
Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5).
Cùng với Giáo Hội, và Hiệp Hội các Nữ Bề Trên Tổng Quyền
trên thế giới đang kêu gọi mọi người dành Chúa Nhật 22.03.2020 để cử hành ngày “Liên Đới Cầu Nguyện cho những người bị
thương tổn vì dịch Covid 19”, chúng ta nài xin xin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, là núi đá cho chúng con trú ẩn, là
Đấng Cứu Độ chúng con thương nhận “bấy
nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa và bao tiếng lòng thầm thĩ mong được thấu đến
Ngài” (Tv 18,15) trước hiểm nguy, thử thách của đại dịch.
Jorathe Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét