Suy
Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 Mùa Chay, Năm A
Khát
đáng sợ hơn đói, vì đói vài ngày vẫn là chuyện nhỏ, nhưng khát ba ngày giữa mùa
hè nóng bức sẽ là chuyện lớn, phát sinh thành lớn chuyện.
Khi
khát, người ta tìm nước ở ao hồ, sông rạch. Thôn quê Việt Nam không lạ lẫm gì với
giếng nước ở giữa làng, ở đó bà con hằng ngày lũ lượt đến kín nước về uống, tắm
giặt.
Ngày
ấy, trên đường rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu phải băng qua Samari là vùng đất
thù nghịch đối với người Do Thái, đến một thành có tên là Xykha, “ở đấy có giếng
của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc ấy
khoảng mười hai giờ trưa” (Ga 4,6).
Thánh
sử Gioan đã rất chi tiết khi ghi rõ : Đức Giêsu đến bờ giếng vào “mười hai
giờ trưa”, cái giờ nắng gắt chói chan, mà ai đã có lần đi viếng Đất Thánh đều
phải sợ.
Lúc
bấy giờ, “có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy :
Chị cho tôi xin chút nước uống !” (Ga 4,7). Và chị ấy đã cho Đức Giêsu nước
uống, bằng chứng là chị đã ngạc nhiên hỏi Đức Giêsu : “Ông là người Do Thái, mà lại
xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao ?” (Ga 4,9).
Nhưng
chỉ sau một cuộc đối thoại ngắn, ở đó, Đức Giêsu nói với chị về nước hằng sống,
mà Ngài sẽ ban cho, khi qủa quyết : “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ
khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem
lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14), thì người cho trở thành người xin, khi chị nói
với Đức Giêsu : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát,
và khỏi phải đến đây lấy nước nữa” (Ga 4,15).
Đến lúc này thì bên bờ giếng Giacóp hôm ấy, dưới cái
nắng trưa làm khát cổ, cháy da, có hai người khát nước xin nhau nước uống :
1. Đức
Giêsu khát niềm tin của người phụ nữ Samari :
Gặp
gỡ và ngỏ lời xin nước uống, Đức Giêsu đã đi vào đối thoại thân tình với người
phụ nữ lận đận, vất vả trong đường tình duyên, gia đình, vì chị “đã năm đời chồng,
và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18), để rồi khơi
dậy trong chị ánh sáng sự thật, sự thật của đời chị, bởi niềm tin Thiên Chúa phải
khởi đi từ sự thật của chính mình. Nói cách khác, người ta không thể tin Thiên
Chúa, không thể đi vào tình yêu của Thiên Chúa, nếu không thật với chính mình,
không dám nhìn nhận sự thật về mình, không can đảm đối diện với những gì “mình
là, mình có”, bởi sự thật của “cái tôi” là nền tảng của niềm tin ở Thiên Chúa,
nên sẽ không có niềm tin đích thực ở Thiên Chúa, bao lâu còn giấu diếm, che đậy
sự thật của “cái tôi” ; sẽ không thể tin Chúa, nếu không dám tin mình, khi
chấp nhận toàn bộ sự thật của mình, dù sư thật ấy có đen đúa, xơ xác, tiều tụy
đến đâu.
Người
phụ nữ đã thật với chính mình, để có thể nhận ra mình cần nước hằng sống, cần
thứ nước của Đức Giêsu, mà “ai uống, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14). Nhờ
nhận ra sự thật của mình, mà chị đã nhận ra : Đức Giêsu “thật là một ngôn
sứ” (Ga 4,19), là “Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô” (x. Ga 4,25-26), và vấn nạn từ
lâu làm trăn trở tâm hồn chị về Thiên Chúa đã được Đức Giêsu tháo gỡ : “Này
chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải
trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ
những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”
(Ga 4,21.23).
Đức
Giêsu khát niềm tin, và Ngài đã nhận được nước uống của niềm tin nơi người phụ
nữ Samari bên bờ giếng, khi “có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức
Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã
làm” (Ga 4,39).
2.
Người phụ nữ Samari
khát tình yêu đích thực :
Câu
chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp thật thân
tình, dễ thương, và đầy tin tưởng giữa
hai người. Nhờ bầu khí thân thiện, ân tình và tương kính này, mà người phụ nữ với
nhiều mặc cảm vì tình duyên và đời vợ chồng trắc trở mới có thể trút bỏ tâm sự
thầm kín, và thao thức, khắc khoải với Đức Giêsu, người đàn ông Do Thái đã dám
xin nước chị là người phụ nữ Samari bị coi là thù nghịch.
Khi
chia sẻ, tâm sự với Đức Giêsu về nỗi trống vắng của tâm hồn, không chỉ là trống
vắng tình yêu, hạnh phúc, mà còn là trống vắng của niềm tin, trống vắng lý tưởng
sống, trống vắng lẽ sống, người phụ nữ Samari đã gặp được Đấng làm cho chị khỏi
khát nữa, khi ban cho chị nước hằng sống là Ân Huệ của Thiên Chúa, khi nói với
chị : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với
chi : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho
chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Và chị ấy đã xin và đã nhận được Tình Yêu, Hạnh
Phúc, và Bình An của Đấng Cứu Thế, khi chị tin vào lời Đức Giêsu nói với chị :
“Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,26), và khi chị “để vò
nước lại, vào thành và nói với người ta : Đến mà xem : có một người
đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô
sao ?” (Ga 4,29).
Vâng,
người phụ nữ Samari đã khát tình yêu, và chị đã gặp được Tình Yêu đích thực, đời
đời là chính Thiên Chúa ở Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm bước chân thứ nhất đến với
chị, và mở lời đầu tiên “xin chị nước uống”, vì yêu chị và không muốn chị phải
khát nữa, bởi chỉ Tình Yêu Thiên Chúa mới làm “đã khát” cơn khát tình yêu trong
chị ; chỉ Tình Yêu Đức Giêsu mới cho chị Nước Hằng Sống để trái tim chị từ
nay không bao giờ phải khát nữa.
Qủa
thực, như dân Do Thái xưa trong cơn khát giữa sa mạc nắng cháy đã nghi ngờ tình
thương của Đức Chúa Giavê và bị qửơ trách : “Các ngươi chớ cứng lòng như tại
Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thử thách
Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 94,8-9), chúng ta trong cơn khát ơn sủng,
cũng có thể rơi vào những cám đỗ đủ loại dẫn đến nguy cơ đánh mất sự sống đời đời.
Và
Mùa Chay chính là cơ hội làm sống lại tinh thần và sức sống của Bí Tích Rửa Tội,
ở đó chúng ta nhận được nguồn sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ một điều kiện
Thiên Chúa đòi để được nhận Nước Hằng Sống, để không còn phải khát và “chết vì
khát”, đó là sống thật với chính mình và với Thiên Chúa. Đây là chià khóa mở cửa
tâm hồn, cởi trói trái tim để “Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng
ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét