Suy Niệm THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Có
nhiều con đường, nhiều thứ đường, nhiều tên đường khác nhau nói lên những ý tứ
khác nhau về mục đích của đường: có con đường tơ lụa, con đường lưỡi bò, con
đường thống nhất Bắc Nam, con đường Xuyên Á, con đường hữu nghị Trung - Việt…
Thời Đức Giêsu, đế quốc Rôma xây dựng rất nhiều đường trên các thuộc địa, và muốn
tất cả các con đường ấy đều dẫn về Rôma, trung tâm chính trị của đế quốc. Vì thế
mới có câu: Đường nào cũng về Rôma.
Nhưng điều quan trọng mà đế quốc Rôma nhắm khi cho làm các con đường chằng chịt
khắp nơi đó chính là muốn thực hiện một đế chế bình yên, một nền hoà bình của Rôma:
Pax Romana.
Đức
Giêsu cũng mở đường. Ngài mở một con đường duy nhất nhưng có nhiều tên gọi:
“Đường Thương Khó”, “đường Thánh Giá”, “Đường Hẹp”, và con đường này luôn dẫn đến
Bình An của Ngài.
Như
thế, con người từ bao đời đã thi nhau mở nhiều con đường, và người ta quảng cáo
rầm rộ những con đường họ làm, mục đích để nhiều người đi, nhưng kết qủa mang lại
cho người đi thì khác nhau, và khó thẩm định.
Riêng con đường
của Đức Giêsu thì rất rõ.
Con
đường ấy hẹp, chứ không thênh thang, nên đòi phải bỏ nhiều thứ lắm mới vào lọt,
có khi phải bỏ cả mạng sống (x. Mt 10,37-39); con đường ấy vất vả lắm, vì
không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người, lo cho người, không thụ hưởng, mà phải
quên mình phục vụ anh em (x.Mt 20,25-28);
con đường ấy gian truân, nhiều biến cố bất ngờ lắm, vì phải “đi qua bên kia” lo
cho người đi đường mới bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết (x.
Lc 10,29-37), và con đường ấy thực sự không hấp dẫn, lôi cuốn nhiều người, nên rất
nhiều người đã đến rồi bỏ đi, như người thanh niên giầu có (x. Mt 19,22) ), như
nhiều môn đệ đã đi theo một thời gian rồi lặng lẽ rút lui (x.Ga 6,66).
Con
đường ấy là con đường đau khổ, trên đó người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa quyết
tâm đi đến cùng như ý muốn của Thiên Chúa, và cũng vì trung tín đi đến cùng, mà
chịu hành hạ đến nỗi “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người
ta nữa” (Is 52,14), “bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm
mùi bệnh tật” (Is 53,3) “bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu
ca ; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người
chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu” (Is 53,7-8),
“bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh… bị chôn cất giữa bọn ác ôn” (Is 53, 8-9). Vì là
con đường đau khổ, nên đường vắng người đi ; vì tang thương, nên đường không
sầm uất, náo nhiệt.
Con
đường ấy là con đường Thánh Giá, con đường có đám đông chế diễu, khạc nhổ (x.
Mt 27,30-31); con đường có đông người đi theo không phải để bênh vực, nâng
đỡ, nhưng để thách thức, nhục mạ: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, có thể xây lại
đền thờ nội trong ba ngày, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Mt 27,39);
con đường cô đơn, không một người dám đưa vai chia sớt gánh nặng ngoại trừ một
người làng Kyrênê, tên là Simon bị quân lính bắt vác đỡ một đọan đường, vì chúng
thấy Đức Giêsu đã kiệt sức, không còn tự mình vác nổi thập tự (x. Mt 27,32). Vì
là đường Thánh Giá nặng nề, ê chề, nhục nhã, nên rất ít người muốn đi, và đường
lên Gôngôtha rất đìu hiu, vắng vẻ.
Nhưng
con đường của Đức Giêsu cũng là con đường vinh quang, vì “người tôi trung của
Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng” như sấm ngôn
của ngôn sứ Isai về Ngài (Is 52,13). Con đường ấy sẽ dẫn nhân loại đến “nguồn
ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp khi cần” (Dt 4,16), “nguồn ơn cứu
độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9), bởi Đức Giêsu là “Thượng
Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời” (Dt 4,14), và lời Ngài luôn “được Thiên
Chúa nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Dt 5,7).
Chính
Đức Giêsu đã mở ra con đường dẫn đến Thiên Chúa, con đường cho nhân loại được sống
đời đời trong vinh quang của Thiên Chúa, bởi con đường Ngài mở ra là chính Ngài.
Nói cách khác, chính Ngài là Đường, và ở nơi Ngài, chúng ta có Thiên Chúa, gặp được
Thiên Chúa (x. Ga 14,6).
Là
con đường Thiên Chúa, con đường đưa con người đến Thiên Chúa, đến Nguồn Sống là
Thiên Chúa, Đức Giêsu đi với con người đến cùng, như yêu con người đến cùng (x.
Ga 13,1).
Đi
đến cùng những “nghèo khó, sầu khổ, bị sỉ vả, bách hại, vu khống đủ điều xấu xa”
của những người bé nhỏ, hiền lành, công chính, có lòng xót thương (x. Mt
5,1-12); đi đến cùng những đau đớn thân xác, khi “mang lấy các tật nguyền và gánh lấy các bệnh họan của ta”
(Mt 8,17); đi đến cùng những cám dỗ, thử thách của lữ khách trên đường vạn
dặm nhiều thách đố (x. Mt 4,1-11); đi đến cùng những yếu đuối của tội nhân
(x. Ga 8,2-11); Ngài còn chấp nhận đi đến cùng số phận nghiệt ngã, đắng đót
nhất của con người là đi vào sự chết như mọi người, khi tự mình vác thánh giá đến
nơi hành hình, bị đóng đinh, và phó linh hồn trong tay Chúa Cha khi gục đầu tắt
thở (x. Mt 27,45-50).
Ngài
còn đi đến cùng với con người, khi để hai ông Giuse quê Arimathia và Nicôđêmô
lo liệu chôn cất mình. Điều này nói lên khao khát cháy bỏng của Đức Giêsu muốn đi đến cùng với con người vào mọi nơi, ở
mọi hoàn cảnh, trong bất cứ tình huống, tình trạng nào, vì Ngài là tình yêu vô
cùng và đến cùng, tình yêu luôn sẵn sàng chết cho người mình yêu.
Thứ
Sáu tuần thánh với đường Thánh Giá tuy rất nhọc nhằn, nhục nhã nhưng là đường
Thiên Chúa đã chọn để đi vào vinh quang Phục Sinh. Nhưng chúng ta không chỉ đi
theo Ngài trên đường Thánh Giá với Thánh Giá Ngài đang vác, mà còn kéo Ngài đi với
chúng ta vào con đường Thánh Giá có Thánh Giá trĩu nặng trên đôi vai chúng ta.
Thực
vậy, nếu Đức Giêsu đã xuống thuyền với các môn đệ và nói với các ông: “Chúng
ta sang bờ bên kia đi !”… “Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào
thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4,35.37), Ngài cũng sẽ không ngần ngại đi
vào sóng gió của cuộc đời chúng ta, vào bão tố của cuộc sống gia đình, vào thử
thách cam go của người muốn sống tử tế, lương thiện giữa một xã hội đầy gian
tham, bất công, bất chính. Nếu Đức Giêsu đã truyền cho biển “Im đi, câm đi !,
và gió liền tắt, biển lặng như tờ” khi các môn đệ hốt hoảng, sợ hãi đánh thức
Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi !” (Mc 4,38-39), Ngài cũng
sẽ làm cho sóng gió cuộc đời chúng ta phải im tiếng, và giông bão cuộc sống chúng
ta phải câm lặng.
Vâng,
con đường Đức Giêsu là Đường Hẹp, đường Thánh Giá, đường Từ Bỏ, đường Khổ Đau, nhưng là đường mở ra vinh quang, đường
dẫn đến nguồn sống, đưòng mang lại Bình An. Chỉ trên con đường Giêsu này, chúng
ta mới đi được vào buổi sáng Phục Sinh, có Đức Giêsu sống lại đứng giữa và nói
với chúng ta: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét