NHÀ TRUYỀN GIÁO TRƯỚC
THẤT BẠI
Không
ai sống mà không nếm mùi thất bại, không ai hoạt động mà tránh khỏi những ngày
u ám, những đêm buồn rười rượi vì công không thành, danh không toại, và chẳng mấy
người dám vỗ ngực xưng tên: đời tôi không bao giờ thất bại.
Nhà
truyền giáo là người, nên cùng chung số phận “có thành công, có thất bại” ấy; nhà truyền giáo là người hoạt động,
nên hiểu thế nào là nhiêu khê của công việc, ê chề của chương trình bị đình trệ,
dở dang, cay đắng của công trình bị phá hủy, sụp đổ. Không những thế, nhà truyền
giáo là người của công chúng, người của
cộng đoàn, người thuộc về đám đông, nên còn thấm thiá hơn nhiều người khác gánh
nặng nề, và chén đắng khó uống của những lần thất bại, ở đó thiên hạ nhao nhao
phê bình, chỉ trích, đối phương hả hê và lợi dụng lên án, vùi giập. Đó là chưa
kể sứ vụ của nhà truyền giáo không luôn dễ, vì là công việc của Thiên Chúa nhưng
được thực hiện qua con người, và với con người có tự do.
Đọc
Tin Mừng, chúng ta thấy không chỉ con người thất bại, các môn đệ thất bại, mà cả
Thiên Chúa cũng thất bại.
Thiên Chúa thất
bại khi công trình tạo dựng con người vì yêu thương đã bị chính con người phá đổ.
Một thất bại lớn cho Thiên Chúa khi Ađam và Evà đã không tin rằng Ngài thương yêu
ông bà, nên đã bất tuân lệnh Ngài và ăn trái cấm; một thất bại đáng buồn cho
Thiên Chúa, khi ông bà nguyên tổ đã sử dụng tự do và quyền tự quyết của mình để
làm theo lời dụ dỗ của Thần Dữ chống lại lệnh Thiên Chúa; một thất bại chua cay
cho Thiên Chúa khi thấy con mình phải trở nên nghèo nàn, sợ hãi, lẩn trốn, vì xấu
hổ sau khi phạm tội bất trung; một thất bại nặng nề cho Thiên Chúa khi con người
không ở lại với Thiên Chúa trong địa đàng và không theo chương trình đã được Ngài
đã sắp đặt từ đời đời cho hạnh phúc viên mãn của con người, là con cái với quyền
thừa kế (x. St 3).
Vì
thất bại với hai người đầu tiên của nhân loại, Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa
mới xuống thế làm người để chuộc lại hậu qủa của thất bại khởi đầu lịch sử nhân
loại. Nhưng chính công trình cứu chuộc của
Đức Giêsu với hơn ba mươi năm ở thế gian cũng không tránh khỏi những thất bại.
Đức
Giêsu thất bại trong việc đào tạo các môn đệ, bằng chứng những ngày cuối đời,
Nhóm Mười Hai thân tín, rường cột đã bỏ rơi Ngài: người thì phản bội, người thì
chối “không biết ông ấy là ai”, những người khác thì “cao bay xa chạy”, lo thủ
thân, bảo toàn tính mạng. Ngài thất bại đối với thần quyền, thế quyền, vì cả
hai đã “hợp đồng, cộng tác” để tiêu diệt Ngài, và các thượng tế, kỳ mục, và nhóm
Pharisêu đã thành công khi đưa đẩy Philatô ký án tử hình đóng đinh Ngài. Ngài
thất bại với quần chúng, vì không giữ được họ đi đến cùng và bảo vệ Ngài những
ngày lâm nạn, nhưng tất cả đều quay lưng, trở mặt. Ngài thất bại khi giáo lý của
Ngài không lôi cuốn được bao nhiêu người, và hoàn toàn thất bại khi chịu đóng đinh,
chôn trong huyệt sâu, mộ tối…
Vâng,
nếu công trình của Thiên Chúa còn thất bại
vì tôn trọng tự do của con người, nếu Đức Giêsu còn thất bại vì con người, dù sứ
vụ của Ngài là yêu thương và cứu chuộc họ, thì những người thuộc về Thiên Chúa,
môn đệ Đức Giêsu làm sao tránh khỏi thất bại khi thi hành sứ vụ được trao?
Tin
Mừng kể lại nhiều thất bại của các môn đệ:
1.
Các
môn đệ thất bại vì hiểu lầm đường lối, ý muốn của Đức Giêsu khi đi theo Ngài:
Tuy
đáp lại lời mời gọi “Hãy theo tôi” của Đức Giêsu một cách dứt khoát, triệt để
ngay phút đầu gặp gỡ Ngài (x. Mt 4,20), nhưng không mấy người trong nhóm đã hiểu
rõ ý muốn và đường lối đích thực của Đức Giêsu.
Đó
là lý do của nhiều ảo tưởng chính trị, quyền lực, chức tước khi “đầu quân” theo
Đức Giêsu đã nhen nhúm trong các ông, như hai anh em con ông Dêbêđê đã xin trước
hai chỗ quan trọng nhất trong vương quốc tương lai của Đức Giêsu mà các ông hoàn
toàn lầm tưởng (x. Mt 20,20-23).
Đó
là chưa nói đến não trạng quan chức theo tinh thần thế tục mà các môn đệ hằng đeo
đuổi cho đến khi Đức Giêsu thẳng thắn nói với các ông: “Anh em biết: thủ lãnh các
dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai qủan
dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải
làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”
(Mt 20, 25-27). Cũng như người thanh niên giầu có đã lầm tưởng tiền bạc không cản
trở việc trở nên hoàn thiện, khi đến xin theo Đức Giêsu, và anh đã thất bại “buồn
rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).
Tưởng
cũng nên nhắc lại thất bại của Phêrô, Giuđa, khi hai ông một chối Thầy, một bán
Thầy những ngày cuối đời của Đức Giêsu. Sở dĩ hai ông thất bại khi phản bội Thầy,
một phần vì các ông không hiểu đường lối của Thầy mình. Bằng chứng là Giuđa đã
nuôi mộng phục quốc, đánh đuổi quân Rôma khi theo Đức Giêsu, và Phêrô đến giờ
chót vẫn một mực can ngăn Đức Giêsu đi vào đường Thương Khó, để rồi bị qưở trách:
“Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải
là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mt 17,23).
Nhà
truyền giáo cũng sẽ không hơn các môn đệ, và một số thất bại trên đường truyền
giáo cũng phát xuất từ tình trạng chưa
hiểu hay hiểu lầm ý muốn và đường lối của Thiên Chúa khi đi theo Ngài. Chỉ một việc chọn công trình làm vinh danh
Chúa thay vì chọn Chúa thôi cũng đã làm nhà truyền giáo rơi vào nguy cơ thất bại,
bởi có những lúc, nhà truyền giáo hụt hẫng, thất vọng vì không làm được những gì
mình khao khát, mơ ước thực hiện trong đời làm môn đệ của mình cho vinh danh Chúa,
để rồi tự ty nghĩ rằng mình đã thất bại nặng nề khi đầu tư lầm đời mình, đi sai
đường khi theo Chúa, chỉ vì không làm được việc mình muốn làm để vinh danh Chúa.
Thất
bại này rất tang thương, và nguy hiểm vì là thất bại rất tàn phá, thất bại của
nội tâm, thất bại trong đáy sâu tâm hồn, thất bại của chọn lựa lẽ sống, và tất
cả đều là hậu qủa của hiểu lầm, hiểu sai ơn gọi của mình là chọn Chúa, chọn một mình Chúa thôi, mà
không nghĩ gì đến việc phải làm, công tác được trao, chức vụ được ủy thác, bởi
những hoạt động ấy, việc ấy, chức tước, vai trò ấy không là đối tượng của chọn
lựa ở người được chọn, không là đối tượng của đời truyền giáo.
2.
Các môn đệ thất bại vì
bị thế gian ghen ghét, kiếm chuyện, phá đám, khi thi hành sứ vụ:
Không
phải đến đâu, gặp ai, người môn đệ của Đức Giêsu cũng được niềm nở, ân cần đón
tiếp và chăm chú lắng nghe giảng dậy. Bằng chứng là Đức Giêsu đã cảnh báo các môn
đệ khi sai các ông đi truyền giáo về rủi ro bị người ta từ chối không mời vào
nhà, hay khinh khi, bạc đãi: “Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em,
thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại”, và Ngài không
quên nhắc các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữabầy sói. Vậy
anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,14.16).
Tuy
được cảnh báo, nhưng thế gian ngày đêm săn lùng, phá hoại, nên người môn đệ khó
tránh khỏi thất bại, vì có lúc sao lãng thiếu khôn ngoan như rắn, hoặc chưa đủ đơn
sơ như bồ câu.
Người
môn đệ còn thất bại dưới con mắt người đời, vì bảo vệ sự thật giữa thế gian đầy
xảo trá, gian dối; bảo vệ công lý trong một xã hội đầy bất công; tranh đấu cho
văn minh sự sống giữa một thế giới bạo lực, phò Thần Chết, như Gioan Tẩy Giả đã
bị chém đầu, mất mạng vì đã can đảm lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê khi ông cướp
vợ của anh trai mình (x. Mt 14,3-12).
3.
Các
môn đệ thất bại vì yếu đuối:
Là
người, ai cũng yếu đuối. Chính yếu đuối làm chúng ta nhiều phen thất bại. Phêrô
yêu mến Chúa, nên mới tuyên xưng đức tin một cách hùng hồn: “Thầy là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và thề thốt: “Dầu có phải chết với Thầy,
con cũng không chối Thầy”, nhưng rồi ông đã chối, mặc dù đã được Đức Giêsu cảnh
báo: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”
(Mt 26,34-35).
Và
không chỉ một mình Phêrô, mà “tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (Mt
26,35), và tất cả đã cùng chạy trốn, bỏ
rơi Thầy, trừ Gioan.
Các
môn đệ đã thất bại vì yếu đuối, như thánh Phaolô đã viết về cảm nghiệm yếu đuối
của chính mình: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện
tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm” (Rm
7,19). Chính vì sự thiện muốn mà không được làm, mà người môn đệ đã rơi vào thất
bại.
4.
Các môn đệ thất bại vì
thiếu đức tin:
Tin
Mừng Máccô kể: một người trong đám đông có đứa con bị qủy ám đã chạy lại nói với
Đức Giêsu: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy
để họ trừ tên qủy đó, nhưng các ông không làm nổi”, và Đức Giêsu đã than thở
về tình trạng đức tin yếu kém của các môn đệ: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu
tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người
cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9,18-19). Và khi chỉ còn lại Thầy trò với nhau, các môn
đệ hỏi riêng Ngài: “Tại sao chúng con không trừ nổi tên qủy ấy?” Người đáp: “Giống
qủy ấy, chỉ cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,28-29).
Chẳng
thế mà nhiều lần các môn đệ đã xin Đức Giêsu thêm đức tin cho các ông, và dậy các
ông cầu nguyện (x. Lc 17,5 ; 11,2-4).
5.
Thất
bại của các môn đệ là do ý muốn của Thiên Chúa:
Không
phải tất cả thất bại của người môn đệ, nhà truyền giáo đều do con người, nhưng
thất bại còn do ý muốn của Thiên Chúa.
Khi
Ladarô, em của hai cô Mácta và Maria đau nặng, hai cô đã cho người khẩn báo Đức
Giêsu để xin Ngài về chữa cho ông em, nhưng hai cô đã hoàn toàn thất bại, khi Đức
Giêsu đã không về khi Ladarô còn sống, mặc dù Ngài có thể về, như Tin Mừng
Gioan đã ghi rõ: “Đức Giêsu qúy mến cô Mácta, cùng hai người em cô là cô Maria
và anh Ladarô. Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại
thêm hai ngày tại nơi đang ở” (Ga 11,5-6).
Sự
chậm trễ của Đức Giêsu chắc hẳn là thất
bại lớn đối với hai chị em Mácta, Maria là những môn đệ thân tín của Ngài,
nên “khi vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người” và phụng phịu “bắt
đền”: “Nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết” (Ga 11,21). Nhưng không ai
biết được ý của Đức Giêsu là không đến khi Ladarô còn sống, nhưng chỉ đến Bêtania,
khi Ladarô đã chết để gọi ông sống lại sau bốn ngày trong mồ. Ý muốn này Đức Giêsu
đã tỏ ra cho các môn đệ đi cùng Ngài, khi nói với các ông: “Ladarô đã chết. Thầy
mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11,15).
Như
thế, thất bại của chị em cô Mácta, Maria
lại là thành công của Đức Giêsu, khi Ngài làm cho “nhiều kẻ tin vào Người”
sau khi cho Ladarô sống lại, như Tin Mừng đã qủa quyết (Ga 11,45).
Tin
Mừng Gioan còn làm nổi bật ý muốn của Thiên Chúa trong thất bại của các môn đệ:
Tuy là những ngư phủ lành nghề, thế mà cả đêm, các ông đã “không bắt được gì cả”
(Ga 21,3). Trước thất bại nghề nghiệp của các ông, Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra,
và bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”,
và các ông đã đánh được mẻ cá “khủng”, đầy những cá (Ga 21,6). Như thế thất bại “không bắt được gì sau một đêm dài vất
vả lưới cá của các môn đệ đã nằm trong thánh ý của Thiên Chúa, khi Ngài muốn tỏ
cho các ông biết: Vâng lời Thầy, các ông sẽ gặt nhiều kết qủa.
Công
Vụ các Tông Đồ còn cho chúng ta thấy thánh ý của Thiên Chúa trong những thất bại
của con người, như trường hợp Saolô, được đổi tên thành Phaolô sau này, ngã ngựa
trên đường đi Đamát bắt bớ người có đạo. Và chúng ta nhận ra thánh ý này qua đối
thoại trong một thị kiến giữa Thiên Chúa và ông Khanania, người môn đệ của Chúa
ở Đamát được Chúa trao phó nhiệm vụ săn sóc và chữa lành đôi mắt mới bị mù của
Saolô:
Khanania
thưa với Chúa: “Lậy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều
ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được
các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa
phán với ông: “Cứ đi, vì người ấy là lợi
khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và
con cái Ítraen. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ
người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9,13-16).
Vâng,
là môn đệ Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ không tránh được những thất bại do nhiều
nguyên nhân, mà một số nguyên nhân chính đã được trình bầy ở trên.
Vấn đề của nhà
truyền giáo không phải thành công hay thất bại, cho bằng thái độ được chọn trước thành công, thất bại.
Bởi nếu cuộc đời nhà truyền giáo đã được tận hiến cho Đức Giêsu chịu đóng đinh
và sống lại trong sứ vụ làm chứng, thì sẽ không có gì làm nhà truyền giáo chao đảo,
thất vọng, mất tinh thần, cũng không có gì làm cớ cho nhà truyền giáo tự đắc,
kiêu căng, vì nếu Chúa muốn, nếu là chương trình của Chúa thì công trình nào của
nhà truyền giáo đã hoàn thành, đang thi công hay sẽ thực hiện thình lình bị “vỡ
toang, dẹp bỏ, thay thế”, nhà truyền
giáo cũng vẫn bình an nhìn thất bại, mà ai cũng thấy được đó bằng đôi mắt phó thác, tin yêu, đôi mắt
của người đầy tớ hèn mọn chỉ biết làm điều Chủ muốn, chỉ biết cố gắng hết sức mình,
chỉ biết cống hiến tất cả khả năng với ước
mơ duy nhất chu toàn bổn phận để làm vui
lòng Chủ.
Cũng
với đôi mắt phó thác, tin yêu, nhà truyền giáo sẽ khiêm tốn đón nhận thất bại
như hồng ân của Thánh Ý, khi thất bại
vì mình, đến từ mình, do mình thiếu sót, thiếu khôn ngoan, vội vã, bồng bột, hăng
say, liều lĩnh, kể cả háo thắng, háo danh. Vấn
đề là trước thất bại, nhà truyền giáo nhận ra mình yếu đuối, để dựa vào sức mạnh
của Chúa và vượt qua thất bại.
Trên
đường truyền giáo, thánh Phaolô đã cảm nghiệm yếu đuối của mình trước thất bại,
vì hơn ai hết, thánh tông đồ dân ngoại đã nhiều phen khốn đốn tang thương vì thất
bại đủ kiểu, đủ cách do người đời ganh ghét cũng có, mà do anh em trong nhà cũng
có, như có lần Ngài viết cho giáo đoàn Côrinthô: “Tôi còn hơn họ nữa! Hơn
nhiều vì công khó, hơn nhiều vì tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết.
Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một
lần bị ném đá; ba lần bị đắm tầu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi
còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông,
nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm
ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh
em” (2 Cr 11,23-26).
Tất
cả đều là thất bại hoặc khả thể, rủi ro đưa đến thất bại duới mắt người đời mà
thánh Phaolô đã gánh chịu, và thánh nhân kết luận: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2
Cr 11,30).
Như
thánh Phaolô, nhà truyền giáo không chỉ
có quyền tự hào về những yếu đuối của mình trong thành qủa truyền giáo mà còn “phải”
tự hào mình yếu đuối trong cả những thất bại, để như ngài, chúng ta vượt
qua thất bại vì tin vào lời Đức Giêsu: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh
của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự
hào, vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr
12,9-10).
Trên
đường truyền giáo, người môn đệ Đức Giêsu sẽ không tránh khỏi những thất bại:
thất bại trong tương quan với Bề Trên, với anh em, với đồng đạo, đồng bào, dân
ngoại, thất bại nội tâm không ai biết, thất bại bên ngoài ai cũng hay, thất bại
trong công trình công khai, sừng sững, lồ lộ, thất bại thiêng liêng, tinh thần
từng ngày gặm nhấm. Thế nên trong mọi thất bại, trước mọi thất thế, nhà truyền
giáo cần đôi mắt tín thác và đơn sơ
để nhận ra Thiên Chúa đã làm gì sau khi thất bại vì nguyên tổ phản bội, Đức Giêsu
đã phản ứng thế nào trước những thất bại, các thánh Tông Đồ đã xử sự làm sao
khi không thành công?
Thiên Chúa đã tiếp
tục yêu thương và lên kế hoạch cứu chuộc loài người; Đức Giêsu đã yêu
thương đến cùng và tha thứ cho tất cả; các tông đồ đã “hết lòng yêu mến anh em”
(2 Cr 2,4), dù tim có se thắt, nước mắt có chan hoà, tâm can có quay quắt, xót
xa vì thất bại đủ kiểu, do đủ người.
Vâng,
chỉ có Đức Ái giúp nhà truyền giáo vượt qua thất bại; chỉ có lòng mến là thuẫn
đỡ bảo vệ nhà truyền giáo khi rơi vào khủng hoảng “làm gì cũng không thành công”;
chỉ Tình Yêu Đức Giêsu là sức mạnh thúc bách nhà truyền giáo tiếp tục hành trình
yêu thương sau những lần gục ngã vì thất bại; chỉ lòng yêu mến anh em biến thất
bại của nhà truyền giáo thành lễ tế hy sinh đẹp lòng Chúa; chỉ lòng xót thương,
bao dung đem lại bình an sâu lắng khi nhà
truyền giáo thất bại, vì chỉ “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), bởi trong bất cứ thất bại nào
cũng có tác nhân làm nên thất bại, trước bất cứ thất bại nào, người ta cũng tìm
cho kỳ được tên tội đồ, và “con vật tế thần” cần thiết, nhất là bất cứ thất bại
nào cũng làm khổ đau, nhục nhằn, buồn giận,
thất vọng.
Vì
thế, đức mến rất cần thiết để vượt qua những đố kị, nghi ngờ, đổ tội, vu khống,
lên án, hận thù, bạo lực khi chúng ta thất bại; đức mến không thể thiếu để nâng
chúng ta đứng dậy, khi chúng ta ngã lòng, giận hờn, căm phẫn, trách mình, thù
người khi thất bại; đức mến không thể vắng mặt khi chúng ta thu mình trong cô đơn,
khép mình trong sầu buồn khi thất bại, bởi duy đức mến trong Đức Giêsu, chúng
ta, những nhà truyền giáo mới Vui Mừng
khi thất bại vì có niềm hy vọng, mới kiên nhẫn Chịu Đựng mọi tủi nhục
khi thất bại vì có Đức Giêsu chịu đóng đinh đồng hành, mới chuyên cần Cầu Nguyện
khi thất bại, vì tin sức mạnh và ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng
sai chúng ta đi loan báo, làm chứng Tin
Mừng cứu độ.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét