Pages - Menu

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (2)


        Đức Tin = Giao Ước Tình yêu  giữa Con Người với Thiên Chúa
Bất cứ tương quan nào cũng đưa đến khế ước, giao ước, dù là tương quan nhất thời : tương quan vợ - chồng có giao ước hôn nhân, người bán kẻ mua có khế ước thương mại, giám đốc - công nhân có hợp đồng lao động, xã hội đen và người được bảo kê cũng  có giao kèo làm ăn, mặc dù  phi pháp, ngay cả với kẻ thù đang giao chiến, một hoà ước ngưng chiến, một hiệp ước đình chiến vẫn có thể được thực hiện.
Tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng không ra ngoài quy luật này.
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước với nguyên tổ: Con người sống hạnh phúc trong địa đàng của Thiên Chúa, và toàn quyền trên mọi thụ tạo khác, với điều kiện tuân phục Ngài, và ngày nào con người không tuân phục Thiên Chúa nữa, ngày ấy chắc chắn con người phải chết (x. St 2,15-17). Giao ước ấy đã không được ông bà nguyên tổ tôn trọng, khi ông bà bất tuân lệnh Thiên Chúa rủ nhau ăn trái của cây Thiên Chúa cấm (x. St 3).
Khi lập lại trật tự mới của thế giới, Thiên Chúa chọn ông Noê “ban phúc lành cho ông và các con ông” (St 9,1), và lập Giao Ước với ông và dòng dõi ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi sau này: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tầu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn hng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa.” (St 9,9-11). 
Để chuẩn bị cho Đức Giêsu xuống thế làm người và cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa đã tuyển chọn Israel làm dân riêng của Ngài, giữa một xã hội còn đang mải mê với ngẫu thần, đa thần, và Ápraham là người được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ dân riêng ấy với lời chúc phúc: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,1-3). Nhưng quan trọng hơn chính là Giao Ước Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài, khi Thiên Chúa phán với Ápraham: “Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Ápram ữa, nhưng là Ápraham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi. Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng… Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi” (St 17,4-11).
Những năm tháng trong sa mạc sau khi rời bỏ xứ Ai cập nơi dân đã sống đời nô lệ, Thiên Chúa đã hứa với Môsê, lãnh tụ của dân: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,5-6). Và tại núi Xinai, Thiên Chúa đã ban Mười Điều Răn cho dân như giao ước của Ngài (x. Xh 20,1-17).
Nếu suốt dòng lịch sử ba ngàn năm trước khi Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Ngài: Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa của sự sống và dân Ngài hãy “bước đi trước mặt Ngài và sống hoàn hảo” (St 17,1), với giao ước: Ngài là Thiên Chúa của họ và họ là dân cûa Ngài, thì đến thời Tân Ước, với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, một Giao Ước Mới được ký bằng chính máu của Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa.
Nếu giao ước với Israel đặt trên tương quan Thiên Chúa với dân của Ngài, và Lề Luật được coi như bảo chứng của giao ước ấy, thì Giao Ước Mới được đặt trên tương quan Cha - Con giữa Thiên Chúa và con người. Giao Ước Mới ấy được thiết lập bởi chính Đức Giêsu và chính con người Đức Giêsu trở thành bảo chứng cho Giao Ước ấy, khi lấy chính Máu mình mà ký kết giao ước với nhân loại, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài trước khi lên đường chịu khổ hình và chịu chết: Trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28).
Thánh Phaolô đã quảng diễn Giao Ước Mới của Đức Giêsu như sau: Bởi vậy, Đức Giêsu, “Người là trung gian của một Giao Ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Cha đã hứa” (Dt 9,15).
Giao Ước Mới này không được ký kết bằng việc “lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn sách Luật cũng như trên toàn dân và nói: “Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ”, như Môsê đã làm, khi công bố cho dân Mười Điều Răn (Dt 9,19-20), nhưng Đức Giêsu đã “xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình…” (Dt 9,26). “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” (Dt 7,27).
Vì là Giao Ước được bảo đảm bởi máu của Thiên Chúa là Đức Giêsu, nên Giáo Ước Mới  tốt đẹp hơn, với những lời hứa tốt đẹp hơn giao ước cũ: “Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần tìm giao ước thứ hai để thay thế” (Dt 8,7), nên “khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi” (Dt 8,13).
Nếu đức tin là tương quan giữa Thiên Chúa và con người, thì tương quan này được thể hiện qua Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người nơi Đức Giêsu, khi Ngài hiến thân, đổ máu để trở nên bảo chứng đời đời của Giao Ước Mới. Theo Giao Ước Mới này, chúng ta được Đức Giêsu chuộc hết mọi tội lỗi, để trở nên con cái Thiên Chúa, và được hưởng gia nghiệp đời đời của Thiên Chúa.
Như thế, đức tin của chúng ta được bảo đảm bởi Đức Giêsu, khi Ngài hiến mình chịu chết để thiết lập Giao Ước Mới giữa chúng ta và Thiên Chúa, để khi tin Thiên Chúa, chúng ta sẽ tuyên xưng:
a.   Tôi tin Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa duy nhất và toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.
b.   Tôi tin Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa yêu thương tôi và mọi người. Ngài là Cha chúng tôi trên trời và chúng tôi là con cái Ngài.
c.    Tôi tin Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cứu độ tôi và muôn người. Ngài đã chết cho chúng tôi được sống.
d.   Tôi tin Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là Đấng sẽ lại đến trong vinh quang để chúng tôi được ở trong nhà Ngài và hưởng gia nghiệp Ngài hứa ban.
Về phiá Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài yêu thương con ngưòi vô cùng và đến cùng, nên toàn bộ Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người đều là Tình Yêu: tình yêu phát sinh từ Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu tạo dựng, tình yêu cứu chuộc, tình yêu cha con, tình yêu hạnh phúc. Ngoài tình yêu, không có điều khoản nào khác, vì Thiên Chúa giầu lòng thương xót “sẽ dung thứ những điều gian ác…, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm” (Dt 8, 12).      
Về phần con người, Giao Ước Mới của Tình Yêu cũng chỉ đòi hỏi con người phải yêu thương: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39). Chỗ khác, Đức Giêsu còn nhấn mnh: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Như thế, đức tin là tin vào Đức Giêsu, Đấng đã hiến mình để lập nên Giao Ước Mới là Tình Yêu giữa Thiên Chúa và con người, và Giao Ước Mới có nội dung là “yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình”, nên Tin trở thành Yêu Mến, sống đức tin là sống đức mến, thực hành đức tin là thực hành đức ái. Tin và Yêu trở nên một, Tin là Yêu và Yêu là Tin, như thánh Gicôbê tông đồ đã qủa quyết: “Đức tin không có hành động thì qủa là đức tin chết” (Gc 2,17), và hành động của đức tin, chính là đức ái, như ngài giải thích: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14-16). Ngài còn nhấn mạnh : nếu chỉ tin thôi, thì ma qủy cũng làm được: “Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ” (Gc 2,19).
Như thế, đức ái cho chúng ta trở thành những người tin thực sự, tin vững vàng, tin chắc chắn, tin “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” vào Đức Giêsu Thiên Chúa, khi chúng ta thực thi Giao Ước Mới giữa chúng ta và Thiên Chúa, mà nội dung chỉ là “Mến Chúa Yêu người”.
Vâng, người trẻ hôm nay thường đi loanh quanh bên lề những vấn đề của đức tin, nên chóng mỏi mệt, khi chưa nhận ra những mấu chốt quan trọng trong đức tin. Những mấu chốt đó là: Tương quan giữa con người với Thiên Chúa được hiện thực qua Giao Ước Tình Yêu giữa Thiên Chúa với con người nhờ Máu của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Giao Ước ấy là đức tin được thể hiện bằng hành động của đức ái: mến Chúa yêu người. Bởi chỉ có đức tin, khi tin vào Lời Hứa của Giao Ước Mới, Giao Ước tình yêu cứu độ của Đức Giêsu ký kết vời loài người bằng chính Máu và mạng sống của Ngài, chúng ta mới được trở lại địa vị làm con cái Thiên Chúa và được thừa hưởng gia nghiệp của Thiên Chúa, Cha mình.
Thực vậy, khi nhận ra những mấu chốt quan trọng khi sống đức tin, người trẻ sẽ không ngạc nhiên khi Thiên Chúa nhận mình là Tình Yêu, Tin Mừng là tin nhân loại được Thiên Chúa yêu thương cứu độ, Hiến Chương Nước Trời là hiến pháp của vương quốc Tình Yêu cho những người được chúc phúc vì yêu thương, Kinh Nguyện của người tín hữu là tâm tình yêu mến của con cái đối với Cha trên trời, Lẽ Sống, Luật Sống của người môn đệ là “yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con”, cả đến Tiêu Chuẩn đánh giá hành trình đức tin của mỗi người ở ngày chung thẩm cũng không ra ngoài Tình Yêu.
Và qủa thực, trong Đức Giêsu tất cả là Tình Yêu, tất cả được cưu mang, sinh ra, nuôi lớn, trưởng thành trong tình yêu, tất cả được tình yêu thúc bách, nâng đỡ, bảo vệ, tất cả lề luật, định chế, quy tắc đều quy chiếu vào tình yêu, nên bất cứ tư tưởng, lời nói, việc làm nào của người có đức tin vào Đức Giêsu, tức đã chấp nhận sống Giao Ước Mới với Thiên Chúa chống lại tình yêu, không phù hợp với tình yêu đều là hành động vi phạm Giao Ước Mới, hành động nghịch lại đức tin.
Có nhiều người trẻ bỡ ngỡ khi khám phá Thiên Chúa là Tình Yêu, con đường Đức Giêsu đi và những ai muốn đi theo Ngài là đường Tình Yêu, giáo lý, giáo luật của Giáo Hội Ngài cũng không ra ngoài qũy đạo Tình Yêu. Người trẻ bỡ ngỡ và sửng sốt là phải, bởi từ bấy lâu, người trẻ chỉ để tâm đến những gì phụ thuộc, những thành qủa  hoành tráng bên ngoài, mà quên không tìm gặp gỡ chính Đức Giêsu như Nathanaen đã được Philípphê nhắc bảo “Cứ đến mà xem!”. Vì  đã đến xem, Nathanaen đã thấy và đã thảng thốt tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” (Ga 1,46.49). Người trẻ cũng có thói quen vội vã quyết đoán, mà không dành  thời gian lắng nghe chính Đức Giêsu như cô Maria quê làng Bêtania đã luôn chọn phần tốt nhất khi “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dậy” (Lc 10,39).
Thực vậy, đức tin là đáp trả hoàn toàn tự do của mỗi người trước mời gọi của Đức Giêsu, như Ngài đã kêu gọi nhiều người, nhưng không bắt buộc, khống chế ai phải đi theo; là lựa chọn của từng cá nhân, mà người khác, cũng như Giáo Hội không thể áp đặt, chọn thay; là Giao Ước mà mỗi người được mời gọi thực hiện với Đức Giêsu với ý thức trách nhiệm, bởi đức tin Kitô là tin vào một Con Người Thiên Chúa, một Nhân Vật sống động, một Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, sống như con người ở giữa loài người, và đức tin ấy không bao giờ là một ý niệm, một lý thuyết, một kiến thức vô cảm, lạnh lùng. Vì thế, đức tin đòi người tin dấn thân, thúc bách người tin nhập cuộc, réo gọi người tin lên đường, bởi không có đức tin chết, không có đức tin lười biếng, ù lì, không có đức tin buông xuôi, thất vọng, nhưng chỉ có đức tin sống động với hành động “lập tức bỏ thuyền, bỏ chài lưới, bỏ cha mẹ mà đi theo Người” (x. Mt 4,21-22), chỉ có đức tin “Thầy ở đâu thì xin cho con được ở đó với Thầy”, dù “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).
Xin Đức Giêsu cho người trẻ tâm hồn cao thượng và quảng đại để qủa cảm lội ngược “dòng đời” vật chất, thực dụng, hưởng thụ để “đến mà xem Thiên Chúa dịu ngọt dường bao!”.
Jorathe Nắng Tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét