Pages - Menu

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

BỔN PHẬN YÊU THƯƠNG CỦA CHA MẸ


Bổn phận lớn nhất, quan trọng nhất bao trùm các bổn phận khác và không một bổn phận nào có thể thay thế, đó là bổn phận yêu thương con cái của cha mẹ. Nếu không cần đến tình yêu cha mẹ thì Thượng Đế đã chẳng cần nhờ vợ chồng tiếp tay tạo dựng con người; bởi Ngài có thể dựng con người từ những hòn đá, cục sỏi. Nhưng vì cần tình yêu bảo bọc, âu yếm, Ngài đã cậy đến tình yêu cha mẹ để em bé được an toàn, ấm áp, no nê. Nếu tình yêu không là nhu cầu tối cần thiết mang tính sống còn cho em bé, thì tình mẹ, tình cha sẽ thừa thãi, vì cần chi người mẹ vất vả mang thai và người cha tần tảo lo sữa uống, cơm ăn áo mặc?
Dường như không ai không cảm nhận tình yêu người mẹ dành cho con khi bà mang nặng đẻ đau, nuôi con từng ngày cho đến khi con trưởng thành, khôn lớn. Không ai quên được hình ảnh cha mình với những nét nhăn lo âu cho hiện tại của con trên trán và ưu tư đợi chờ tương lai xa xôi của con trong ánh mắt đăm chiêu. Tình cha cho con cao như núi, tình mẹ thương con dạt dào như biển bao la. Và đó là sự thật không thể chối cãi.
Sự thật những người mẹ suốt đời không biết đến một thú vui, một ngày nghỉ, một tuần lễ đi hè vì mải mê lo cho con, hết đứa này đến đứa khác. Sự thật về những người cha suốt đời bận rộn vì đàn con hết đứa này đến đứa kia “mè nheo”, đòi hỏi. Sự thật về những người cha, người mẹ chỉ nhận về mình hy sinh, thiệt thòi vì hạnh phúc của con cái. Sự thật về những tấm lòng làm cha làm mẹ hiến dâng hết đời mình cho con, lại tiếp tục dâng hiến chút đời còn lại cho cháu chắt.  
Nhưng cũng có những sự thật vì quá yêu con mà cha mẹ làm hỏng con, quá thương con mà giết tương lai đời con, quá chiều chuộng con mà ngăn cản con trưởng thành, quá âu yếm con mà biến con thành ấu trĩ, bạc nhược, quá bảo bọc con mà biến con thành những thân “tầm gửi” tầm thường vì không bao giờ đứng nổi một mình. Đây là những sự thật thưòng gặp và rất có thể rơi vào chính ta, nếu ta không cẩn thận đề phòng.
1.   Thần tượng con vì quá yêu con:
Hiện tượng thần tượng con cái là hiện tượng gặp được nhan nhản trong nhiều gia đình. Cha mẹ thần tượng con từ dáng đi kiểu đứng, từ mái tóc, làn môi đến lời ăn tiếng nói, việc học, việc làm. Con cái tự nhiên nhẩy vọt lên làm “Thần”, và cha mẹ tự động bảo nhau xây bệ để đặt “Tượng” con. Thần tượng ai là suy tôn người ấy, mà ranh giới của “suy tôn” - “thờ phượng” không xa nhau  bao nhiêu; vì thế người ta rất thường lẫn lộn, vượt ranh, lấn làn.

Thần tượng con là lấy con ra khỏi đời thường, cất đi cuộc sống làm người bình thường, thường ngày của con, nhưng đặt con ở một đẳng cấp cao vời, vượt khỏi đời sống làm người bình thường. Đứa con của đời sống bỗng trở nên Thiên Tử, con Trời, con Phật, con Thánh ở một thế giới khác, trong khi thực tế cả cha mẹ và con cái đều không thể vuợt khỏi ranh giới đời người. Tình trạng giằng co giữa đời và thánh, người và Thần, thực và hư sẽ xé đôi con người đứa con và đẩy con xuống hố sâu ảo tưởng về mình. Ảo tưởng về mình là không còn nhận ra sự thật về mình để phải sống những hình ảnh vay mượn, bị gán ghép, và luôn luôn ảo do mình và người khác tạo ra. Hậu qủa không thể tránh của cuộc sống ảo này sẽ là tình trạng trầm cảm, mê loạn vì đánh mất chính mình.
Ta thấy khắp nơi những cảnh lố bịch khi thần tượng con cái như say mê ca ngợi, bốc bổng con cái trước mặt con và người khác, hay “nổ” chát chuá vào mặt người khác về thành qủa luôn luôn tuyệt vời, tuyệt đỉnh, tuyệt chiêu, “tuyệt cú mèo “của con mình mà không chút ngượng ngùng hay nể nang người đối diện. Có những cuộc nói chuyện đang “đối thoại” biến thành “độc thoại” với chỉ một đề tài về những kỳ công của con cái mình… Có những bà mẹ say mê hàng giờ “thuyết trình” không mỏi mệt, sùi cả bọt mép, khàn cả giọng, trắng giã cả mắt về cô con gái mà nghe xong, người ta có cảm tưởng vừa ở cung trăng với chị Hằng rớt xuống. Chẳng biết con gái của bà thế nào, nhưng nghe mẹ mà đoán ra con, thấy mẹ mà hình dung ra con, nên những điều bà trông chờ cho con gái đã chẳng bao giờ thành sự thật.

Thần tượng con sẽ không mang lại lợi ích cho con, vì con sẽ không nhận ra sự thật về mình. Nói cách khác, khi thần tượng con cái, cha mẹ đã đẩy con mình vào một thế giới của gian dối, ở đó, tất cả những gì cha mẹ gán ghép, áp đặt, ca ngợi, nổ về con đều là biạ đặt, vay mượn, kéo căng, nối dài, cường điệu, thổi phồng đến mức tối đa. Sống như thế là sống ảo, sống không thực. Và không thực là vi trùng độc hại tàn phá tuổi thơ nhanh chóng và hiệu qủa nhất.

Thần tượng con mình còn đẩy chúng vào thế đứng cô độc vì bị cô lập giữa cuộc đời, bởi mọi người. Vì quen nghe những chúc tụng, lời khen có cánh của cha mẹ, em bé sẽ không còn nhận ra chân mình còn đạp đất mà tưởng chỉ còn đầu chạm trời. Ở dưới đất, bên cạnh những con nguời phàm mà ứng xử phách lối hay tưng tửng lạc điệu  như người cõi trên thì hỏi làm sao được sống yên ổn, an bình, vui vẻ với người chung quanh?
Sau cùng, thần tượng con sẽ làm hại chúng vì biến chúng sớm trở thành những đứa con kiêu căng, tự mãn, thiếu tôn trọng người khác, lập dị, phức tạp, không quân bình trong đời sống.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là chính cha mẹ khi thần tượng con cái đã không đặt con cái như đối tượng yêu thương; ngược lại, một cách vô thức đã biến con mình thành phương tiện để phục vụ chính tham vọng của mình. Các nhà phân tâm đồng ý với nhau: khi thần tượng con cái, cha mẹ đã phóng trên con cái ước mơ lâu ngày bị ức chế của chính mình và dùng con như phương tiện để thoả mãn các ẩn ức đó. Như thế, cha mẹ đã  thần tượng con cái là vì mình, vì muốn thoả mãn tính ích kỷ tìm hư danh của mình hơn là vì yêu  thương con.
  
2.   Nhượng bộ con vì quá yêu con:
Bổn phận yêu thương đòi cha mẹ giáo dục con nên những con người trưởng thành. Trưởng thành là mục tiêu của giáo dục. Nhưng trưởng thành là gì?
Khi vào đời, đứa trẻ còn non nớt, nên cần thời gian dài chung sống với người chung quanh để học trưởng thành. Trưởng thành hệ tại ở khả năng độc lập bản thân; nghiã là tự quản được đời mình, tự trách nhiệm trên sinh hoạt của mình, chấp nhận được chính mình từ trong lắng đọng sâu thẳm của nội tâm, không chán ngán cuộc sống bằng cách lẩn trốn trong những quan hệ không ý nghiã. Trưởng thành còn là khả năng tự nhận ra giá trị của mình và đánh giá thực tại chung quanh. Người trưỏng thành truy tìm sự thật bằng quy chiếu vào tha nhân. Truy tìm sự thật, phát huy sự thật để thật với chính mình và với người. Nhờ sự thật, người trưởng thành chọn lựa chính xác và nhờ chọn lựa chính xác, họ trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội.

Như thế, có những điều cha mẹ không thể cho phép con làm khi con chưa đủ trưởng thành, vì không thể nhận ra  tốt - xấu, lợi - hại mà chỉ cha mẹ mới đủ khả năng và quyền hạn chỉ bảo, quyết định. Chẳng hạn, có nhiều cha mẹ đại gia đã để con cái thả cửa phí phạm tiền bạc mà không hề giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền. Không cần biết đồng tiền đó từ đâu ra, nhưng nhượng bộ con đến độ không dám ngăn cản con trong những lạm dụng quá đáng đã đặt cha mẹ vào vị trí những nô lệ thay vì là cha mẹ, nhà giáo dục.
Cũng có một số trường hợp nhượng bộ con vì mặc cảm tội lỗi, mặc cảm bỏ bê, thiếu trách nhiệm với con. Tất cả đã đưa đến những hậu qủa khó lường: sự sa đoạ, không thể lớn lên, trưởng thành của con cái.
Cách chung, cha mẹ vì quá yêu con, sợ con buồn nên dễ dàng nhượng bộ con trong những điều con không nên làm, không được phép làm. Không thiếu những cha mẹ đã nuông chiều con mà nhượng bộ con đến độ không để con phải cố gắng bao giờ. Những nhượng bộ phản giáo dục này sẽ đè nặng trên đời con và không cho chúng đạt tới tình trạng trưởng thành cần thiết trong đời sống.

3.   Bảo bọc con, ghìm giữ con thái quá vì yêu con:
Tất cả những “thái quá, bất cập” đều nên tránh trong giáo dục. Buông lỏng và không lo lắng, chăm nom con cũng như trói chặt con trong vòng vây của “tình yêu bảo bọc”, cả hai đều nguy hiểm vì một bên làm con lạc lõng, mất hướng, một bên làm con ngộp thở, không sống đời mình. Những bà mẹ quá thương con đã không muốn cắt giây nhau gắn con với bụng mình. Những người mẹ “độc quyền sở hữu” này muốn biến con thành phó bản, hình chụp của chính bà và thường bực bội khó chịu khi con yêu người khác và bị người khác ảnh hưởng. Có những bà mẹ “giam cầm” con trai suốt đời dưới trướng chở che toàn năng, toàn diện của mình và không để con trai sống đời mình, cũng không được có bất cứ sáng kiến, chọn lựa riêng tư nào, ngoài những gì từ mẹ. Ngay cả đời sống lứa đôi riêng tư, kín đáo giữa vợ chồng, bà cũng tìm mọi cách can thiệp, chen vào giữa vì sợ mất con, sợ con không còn yêu bà khi có vợ ở bên. Thảm họa mẹ chồng - con dâu phần lớn xuất phát từ tâm lý lệch lạc và vô thức sở hữu, độc quyền của bà mẹ trên con trai mà trong bất cứ một tác phẩm tâm lý gia đình nào, các tác giả đều đặc biệt lưu ý và đề cập.  
Như thế, yêu con mà giam hãm đời con là giết con ngay khi con chưa sống. Hãy nhìn chim trời. Khi còn bé, chim cha chim mẹ rất thương yêu, chăm sóc, âu yếm chim con; nhưng khi chim con lớn, đủ lông đủ cánh và trưởng thành, chúng được chim mẹ chim cha dắt vào đời, giúp tung cánh bay trong trời rộng. Chim mẹ chim cha đã không giữ mãi chim con dưới cánh “nhỏ bé, có gìới hạn” của mình, nhưng chuẩn bị cho chim con làm đời mình và vào đời trong bao la vô tận của đất trời. Nhờ thế, chim con mới được ríu rít bay trong trời rộng, và hân hoan đi làm cuộc đời riêng ở những phương xa có tình yêu, hạnh phúc.

Yêu con là bổn phận thiêng liêng, cao cả. Yêu con hơn cả yêu mình là lẽ sống của mẹ cha. Nhưng yêu không đúng cách, yêu không đúng chuẩn mực, tình yêu “thái quá, bất cập” sẽ phản tác dụng để thay vì xây dựng sẽ phá hoại đời sống con, thay vì đồng hành sẽ phân rẽ, thay vì đạt mục đích trường thành sẽ mãi mãi ghim con trong ấu trĩ, lệ thuộc.
Tình yêu có đường đi, nguyên tắc và kỷ luật của nó. Và cha mẹ cũng không thể tự mình ra khỏi những nguyên tắc, kỷ luật, đường đi của tình yêu.
Ước mong con cái Bạn sẽ được tình yêu của Bạn bao phủ nhưng không phủ kỹ đến độ ngộp thở, không bao kín đến độ  làm mắt con mù lòa không thấy được đường đi của đời mình. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét