Đặc
điểm chung của các thánh Tông Đồ là “chịu đựng đau khổ” khi “làm công việc
của người loan báo Tin Mừng”, điều mà thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại đã khuyên
nhủ Timôthê, môn đệ của mình (2 Tm 4,5).
Thánh
Tông Đồ dân ngoại khuyên nhủ như vậy, vì ngài đã có nhiều kinh nghiệm đau thương với những người đã gây nhiều khốn
khổ cho ngài, những người ngoài mặt thì thơn thớt nói cười, nhưng lòng dạ thì
mưu mô, hiểm độc, kể cả bạn hữu cũng chẳng có ai bênh vực, nâng đỡ, nhưng dửng
dưng bỏ mặc ngài trong cơn khốn quẫn, cơ cực (x. 2 Tm 4,14.16).
Cùng
với thánh Phaolô, Tông Đồ trưởng Phêrô cũng lấy những kinh nghiệm “chịu đau khổ
vì danh Đức Giêsu” của riêng mình mà khuyên nhủ các tín hữu: “Anh em đang bị lửa
thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh
em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy
nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng đươc vui mừng hoan hỷ” (1P
4,12-13).
Thực
vậy, cuộc đời tông đồ của hai thánh Phêrô, Phaolô là cuộc thương khó nối dài của
“Đức Giêsu chịu đóng đinh” mà các ngài yêu mến, tôn thờ, phụng sự. Chính Đức
Giêsu chịu đóng đinh là lẽ sống, gương mẫu và cùng đích của đời tông đồ khởi đi
từ ngày các ngài “lập tức bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người” (Mt 4,22),
cho đến giây phút cuối đời, người thì bị chém đầu, người thì chịu đóng đinh ngược
tại Rôma, nơi hai vị loan báo Tin Mừng, với tâm tình khiêm tốn của người tôi tớ
trung tín đã đi đến cùng đường và chu toàn bổn phận được ông chủ trao phó, như
chia sẻ của thánh tông đồ Phaolô với môn đệ Timôthê của ngài: “Còn tôi, tôi sắp
phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi
đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn
đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày đó,
và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người
xuất hiện” (2 Tm 4,6-8).
Như
thế, đời tông đồ cũng như đời những người đi theo Đức Giêsu là đời chịu đau khổ.
Nói cách khác, lịch sử Giáo Hội là lịch sử được viết bằng máu và nước mắt của
những người đi theo Đức Giêsu chịu đóng đinh, như Đức Giêsu đã báo trước:
1. Giáo
Hội là mục tiêu chống phá của thế gian, ma qủy:
Nếu
trước mặt Đức Maria và thánh Giuse, dịp dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa cụ
già Simêon đã tiên báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều
người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống
báng…” (Lc 2,34), thì Đức Giêsu, khi lập Giáo Hội cũng đã báo trước cho các tông đồ: “Phêrô, con là Đá,
trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không
thắng nổi” (Mt 16,18).
Đức
Giêsu đã không ngần ngại cho các Tông Đồ biết: Hội Thánh của Ngài sẽ là một Hội
Thánh luôn bị quyền lực của Thần Dữ tức Satan và toàn thể bè lũ tìm cách chống
phá, tiêu diệt, một Hội Thánh sẽ không bao giờ được yên, nhưng không ngừng bị ma qủy gây hấn, tìm mọi cách
làm suy yếu, sụp đổ.
Chúng
chống phá bằng tạo “thù trong, giặc ngoài”, gây chia rẽ nội bộ, đồng thời làm
bùng cháy, sôi sục lòng ganh ghét, căm
phẫn từ bên ngoài để phá hoại tình yêu hiệp nhất, hiệp thông trong
Hội Thánh, để các chi thể của Thân Thể không còn yêu thương, nhưng ghen tương,
đố kị, đấu đá, tranh giành, tiêu diệt lẫn nhau, và biến tập thể những người đi
theo Đức Giêsu thoái hoá thành một đoàn lũ
những nguời dị hợm, đáng kinh tởm, và kẻ thù đáng ghét của mọi người.
2.
Người của Hội Thánh bị
truy lùng, bách hại:
Sách Công Vụ Các Tông Đồ đã kể lại những gian
truân, thử thách, truy lùng, bắt bớ, tra tấn mà các thánh Tông Đồ, cũng như
giáo hữu buổi đầu của Giáo Hội phải gánh chịu khi rao giảng Đức Giêsu chịu
đóng đinh, và lịch sử với chiều dài hơn hai ngàn năm của Giáo Hội đã là bằng chứng
hùng hồn về “đường lối trước sau như một” của ma qủy và những người iđ
theo chúng: “chống phá Giáo Hội và truy diệt người của Giáo Hội đến cùng”.
Điều
này Đức Giêsu cũng đã báo trước, khi nói với Nhóm Mười Hai: “Nếu thế gian ghét
anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ
cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em
mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15, 18.20-21), nên ở
đâu và thời nào, người môn đệ của Đức Giêsu cũng bị “thế gian” bới móc, vu khống
đủ điều, gây khó dễ trăm nỗi, và tìm mọi cách hãm hại, lên án, tiêu diệt, tuy mỗi
thời mỗi cách, mỗi nơi mỗi kiểu.
Vâng,
hơn ai hết, hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, tiên phong và rường cột của Giáo
Hội đã suốt đời gắn bó với Đức Giêsu chịu đóng đinh, suốt đời thông phần đau khổ
của thập giá Đức Giêsu, suốt đời “chịu thương chịu khó” để Đức Giêsu chịu đóng
đinh được rao giảng, suốt đời yêu mến, phục vụ Giáo Hội là Hiền Thê yêu dấu của
Đức Giêsu mà không quyền lực tử thần nào có thể thắng nổi, để dù hoàn cảnh truyền giáo không luôn thuận lợi, vì
“sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục
vọng của mình… Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những
chuyện hoang đường” (2 Tm 4,3-4), các ngài vẫn “chịu đựng đau khổ”, kiên trì rao giảng, phục
vụ Giáo Hội; dù bị mọi người đối xử tàn ác, bạc bẽo, kể cả bị người thân, bạn hữu
phản bội, bỏ rơi, các ngài vẫn tin tưởng và thầm nhủ “có Chúa đứng bên cạnh,
Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và
tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,17); dù bị đe dọa, truy
lùng, bắt bớ, giam cầm, hành hạ, các ngài vẫn tràn đầy niềm hy vọng được “Chúa cứu thoát khỏi nanh vuốt sư tử… và
mọi hành vi hiểm độc” của ác nhân (2 Tm 4,18), như thánh Tông Đồ trưởng Phêrô
đã hạnh phúc thốt lên khi được thiên sứ dắt ra khỏi ngục trong đêm trước
ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ
của Người đến, và Người đã cứu thoát tôi khỏi vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân
Do Thái mong muốn tôi phải chịu” (Cv 12,11).
Mừng
kính hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô, chúng ta hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Hội,
cho Đức Thánh Cha, và các Đấng Bản Quyền địa phương. Xin Chúa, qua lời cầu bầu
của hai thánh Tông Đồ, rường cột của Giáo Hội ban cho các Đấng Bậc trong Giáo Hội
tinh thần “chịu đựng đau khổ” vì “Đức Giêsu chịu đóng đinh”, bởi chỉ Thánh Giá
trên đó Đức Giêsu dâng mình làm Của Lễ mới chiếu toả ánh sáng Tình yêu, Sự Sống
và ban ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, vì chính Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng
sáng lập Giáo Hội đã chọn Thánh Giá để cứu chuộc loài người, và môn đệ của
Ngài, để được trở nên khí cụ của ơn Cứu Độ trong tay Thiên Chúa cũng phải “đồng
hình đồng dạng” với Đức Giêsu chịu đóng đinh, bởi đó là Thánh Ý của Ngài: “Ai
không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc
14,27).
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét