Con cái nghe cha mẹ nói về tiền, thấy cha mẹ cầm tiền,
tiêu tiền. Còn qúa nhỏ để có thể biết tiền là gì và giá trị của tiền, nhưng em
đã mang máng hiểu: mọi người cần có tiền. Và từ đó, em muốn tìm xem đâu là mãnh
lực của tiền.
Em bé nhận ra nhiều sự thật về tiền ngay khi 4, 5 tuổi:
1.
Tiền có mặt khắp
nơi: Tiền không còn là mầu nhiệm hay điều cấm kỵ, nhưng tiền gần gũi, quen thuộc. Ở nhà với mẹ, em thấy mẹ móc túi lấy
tiền cho ba, cho anh chị. Đi chơi với ba, em thấy ba lấy tiền trả taxi. Vào
siêu thị với chị, em thấy chị trả tiền khi mua quần áo. Tiền ở khắp nơi và chỗ mua
bán nào người lớn cũng phải dùng đến tiền.
Ý niệm về tiền len lỏi vào trong em qua tính “toàn năng và hiện diện khắp nơi”
của nó.
2.
Em nhận ra: bất
cứ thứ gì cũng có giá và hầu như mọi thứ đều được mua bằng tiền.
Em bé biết tiền qua người lớn và chỉ có thể nhận định
về tiền đến mức này. Bằng chứng là đi chợ
với mẹ, em đòi đủ thứ, muốn đủ thứ vì tưởng rằng em muốn mua gì cũng được. Nếu
mẹ nói với em không có tiền, em sẽ tỉnh bơ đề nghị mẹ đút thẻ vào máy rút tiền tự động để lấy tiền. Em
làm như cứ cần tiền là đút cạc vào máy và tiền sẽ nhẩy ra vô tận.
Bình thường trước 5 tuổi, em bé không biết tiền là gì. Em coi tiền như đồ chơi và không
mấy quan tâm. Từ 6 đến 8 tuổi, em quan sát ích dụng của tiền và ý niệm về tiền
bắt đầu nhen nhúm, thành hình trong em.
Trên 8 tuổi, em biết tiền cần thiết và muốn có tiền riêng. Đây là giai đoạn
quan trọng cha mẹ cần giáo dục con về giá trị của tiền và thái độ phải có đối với
tiền.
Để tránh hai thái cực đều mang lại hậu qủa tai hại, đó
là qúa say mê tiền đến ki cóp, thu gom bần tiện và phung phí, không biết tiết
kiệm, cha mẹ phải khôn khéo cắt nghiã
cho con những câu hỏi về tiền như: Tiền
từ đâu có? Tiền để làm gì? Tiền có mua được tất cả không?
a. Tiền từ đâu
có?: Em bé thấy mẹ đút cạc vào
máy và lập tức tiền chạy ra, thế là em nghĩ: muốn có tiền chỉ việc đút cạc vào
máy. Em không có ý niệm về nhà băng, máy rút tiền tự động và nhất là không biết: để có tiền, cha mẹ đã phải đổ mồ hôi
làm việc cực nhọc. Em cần được giải thích: tiền từ việc làm của cha mẹ. Hiểu được
như vậy, em sẽ biết trọng giá trị của đồng tiền, vì biết tiền là lương bổng của những ngày làm việc vất vả. Từ
ý thức giá trị tiền là hoa trái của lao động, em sẽ tập thói quen không coi thường tiền bạc và sau này khi lớn lên sẽ
không bừa bãi, phung phí tiền bạc.
b. Có tiền để làm gì? Một cách cụ thể, hãy cắt nghiã cho em: cần có tiền
thuê nhà, tiền điện nước, tiền đi chợ mua đồ ăn, tiền sắm sửa đồ đạc, tiền
may quần áo, tiền đi học, tiền đi xe, tiền
cho em ăn quà, tiền cho em nhổ răng, tiền
giúp người nghèo, tiền góp qũy bác ái, từ
thiện… Nói tóm lại, cần có tiền để giải quyết những nhu cầu của đời sống hàng ngày và bảo đảm an sinh, hạnh phúc của gia đình, cũng như để chia sẻ với
những người thiếu thốn. Tuy còn bé, nhưng
con cái rất tò mò muốn biết tiền để làm gì, và tại sao phải đi làm kiếm
tiền? Cha mẹ cần thong thả cắt nghiã cho
con, và nhờ thế, con sẽ biết cảm thông hơn với cha mẹ bằng cách không đòi hỏi tiền bạc cách vô lý.
c. Tiền có mua được tất cả không? Vì thấy mọi chuyện đều
cần có tiền, mọi nhu cầu đều cần tiền để giải quyết, em bé sẽ lầm tưởng: chỉ cần
có tiền sẽ mua được tất cả, như con trai một đại gia kia trong phim “Cầu vồng
tình yêu” đã thẳng thừng tuyên bố: “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua
được bằng “rất nhiều tiền”.” Như thế, chẳng có gì mà tiền không mua được.
Đây là nguy hiểm hơn cả nguy hiểm khi con cái ngay từ nhỏ đã bị ám ảnh bởi
mãnh lực tưởng như tuyệt đối của tiền. Bị ám ảnh bởi sức mạnh vô song của tiền,
con cái khi lớn lên sẽ chỉ biết tiền, ngoài ra không biết gì nữa kể cả lương
tâm, đạo đức.
Nhận định sai lầm về giá trị của tiền sẽ làm con cái trở nên nô lệ của
tiền và cuộc đời sau này của chúng sẽ chỉ là cuộc chạy đua với đồng tiền và cuộc
sống sẽ chỉ là những bon chen, tranh
giành với người khác để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền...Và thế giới sẽ biến
thành bãi chiến trường, sàn đấu giữa những con người đã chọn tiền làm lẽ sống.
Nhận diện sai về tiền cũng làm
con cái dễ mù quáng trước tiền và sẵn sàng bán rẻ danh dự, phẩm cách vì tiền.
Biết bao người trẻ đang lao vào cơn lốc kinh hoàng của đồng tiền và số phận của
họ đã không hạnh thông, may mắn vì cái bạc của tiền.
Con
cái chúng ta cần được giáo dục về giá trị “tương đối” của tiền ngay từ bé và phải
được dậy cách xử dụng tiền ngay khi còn ở với cha mẹ. Cha mẹ có thể tập cho con
dùng tiền bằng cách:
a.
Cho con một chút
tiền bỏ túi khi con lên 9, 10 tuổi. Không cho nhiều, nhưng với chút tiền này,
em sẽ tập xử dụng đồng tiền, tiết kiệm tiền với mục đích trở thành nguời chủ khôn ngoan của đồng tiền sau này. Với chút tiền
bỏ túi, em có tự do mua cho mình những gì em thích và có phương tiện giúp đỡ người khác. Tập cho con dùng tiền một cách
chính đáng là bổn phận của cha mẹ khôn
ngoan biết nhìn trước tương lai của con khi con sẽ một mình với gia đình riêng,
đời sống riêng, sinh hoạt riêng; ở đó tiền đóng một vai trò quan trọng.
Khi con xin tiền bỏ túi là lúc con bắt đầu muốn có trách nhiệm trên đời
mình. Vì thế, cha mẹ đừng từ chối lời xin chính đáng này để con có cơ hội tập sống
có trách nhiệm trên chính đời mình.
b.
Đừng sợ phải nói
“không” với con cái khi không thể thoả mản những đòi hỏi vật chất của chúng.
Thí dụ: khi em bé cứ đòi mua hết đồ chơi này đến đồ chơi khác, cha mẹ nên bình tĩnh và ôn tồn nói với con: Ba không đủ tiền để mua tất cả
những thứ này cho con; vì thế mình phải chọn lựa cái gì con thích nhất. Từ chối không có nghiã là không còn thương
yêu; cũng như chấp thuận chưa hẳn là dấu chứng của tình yêu. Cha mẹ đừng quên: những
nụ hôn âu yếm, những lời khích lệ, động viên đem lại cho con niềm vui được yêu
thương nhiều hơn cho tiền, mua đồ chơi.
c.
Có thể tập cho
con biết: đồng tiền do mồ hôi khó nhọc bằng cách đề nghị con thỉnh thoảng, nhất
là trong kỳ nghỉ hè làm những việc không
thuộc sinh hoạt thường ngày của gia đình và trả cho con chút tiền lương tượng
trưng như phụ ba mẹ dọn nhà kho, cắt cỏ
ngoài vườn…
d.
Tôn trọng quyền
xử dụng tiền bỏ túi của con, vì thuộc quyền sở hữu chính đáng của chúng. Nếu
cha mẹ không tôn trọng, cha mẹ đã không giúp con trưởng thành trong ý thức tự
trách nhiệm trên những gì thuộc về chúng.
Tóm lại, tiền bạc là phương tiện cần thiết trong sinh
hoạt đời sống con người. Là phương tiện trao đổi để đáp ứng nhu cầu vật chất
nên ai cũng cần tiền để sống. Em bé cần được giáo dục về tiền để khi lớn, em sẽ
không ngỡ ngàng, vụng về khi phải tự mình xử dụng tiền. Vì tính bề ngoài “toàn
năng”, tiền làm sáng danh phận, tương lai nhưng cũng có thể làm lu mờ nhiều thứ, từ mắt đến lương
tâm; tiền tạo dựng cơ nghiệp, vị thế xã hội, nhưng cũng sẵn sàng làm sụp đổ nhiều
sự, từ con người, gia đình đến đất nước;
tiền cho con người sống hạnh phúc, xứng hợp nhân vị, nhưng cũng làm chết nhiều
cuộc đời bất kể cuộc đời của người nghèo, người giầu, người cô thế, người có chức tước, phẩm hàm.Tiền có thể là tôi tớ
trung tín, nhưng cũng có thể tiếm vị để lên ngôi “ông chủ tàn ác”. Tự bản chất,
tiền không xấu, không tốt; xấu tốt là do người xử dụng tiền.
Giáo dục tuổi thơ không loại trừ giáo dục về tiền để
em bé ý thức về khả năng xây dựng cũng như mãnh lực tàn phá của tiền. Ý thức
đúng đắn về tiền sẽ giúp em lớn lên trong lương thiện trước tiền bạc và khôn
ngoan trong cách xử dụng. Ngày nay, lương tâm nhân loại không còn trong sáng và
phán đoán của nhiều người không còn lành
mạnh trước đồng tiền. Người ta không còn cảm thấy “lương tâm cắn rứt” khi chiếm
đoạt tiền bạc của người khác, thâm lạm công qũy, tham ô, lừa đảo. Tiền đã ở đỉnh
cao của thang giá trị cuộc đời và người ta chỉ còn mê man tìm kiếm, bốc hốt,
tôn thờ. Tiền trở thành thượng đế toàn năng và trí thông minh của con người thời
đại chỉ đến được mức coi đồng tiền là tất cả vì logic thực dụng của họ là tất cả đều mua được bằng tiền.
Khi thế giới rơi vào thảm trạng tôn thờ tiền bạc thì
con người tức khắc xuống cấp làm nô lệ của đồng tiền. Và theo bạn, thế giới con
người sẽ đi vể đâu và con người sẽ hạnh phúc hay bất hạnh khi tiền là tất cả và
tất cả sẽ không là gì, nếu không có tiền, kể cả tình nghiã ?
Hỏi tức là trả lời và tương lai của con chúng ta là
bài toán mà chúng ta phải tìm lời giải ngay từ hôm nay, tại nơi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét