Lướt qua đề tài, bạn đã bắt gặp cặp đôi Mẹ - Con được
người viết cố ý làm nổi bật, nổi bật đến độ mất sự hiện diện của “Vợ” cho cặp
đôi Vợ - Chồng. Người chồng thực sự chơ vơ, trơ trọi khi người mẹ say mê con.
Qủa thực, khi sinh con, người mẹ dường như chỉ còn biết
đến con. Bao nhiêu suy nghĩ, nỗ lực, ước mơ của bà đều đổ về con, hướng đến
con, tụ ở con. Con trở thành lực hút duy nhất và bà chẳng còn khả năng nhìn người
nào quan trọng hơn con, qúy hơn con, cần hơn con. Không biết đã có bao nhiêu
ông chồng, hay đúng hơn là tất cả các ông chồng đã trở thành nạn nhân của tình
trạng tâm lý này khi vợ mình sinh con. Đang là nhân vật số một, các ông bỗng
rơi tỏm xuống hàng thứ mấy không biết khi đứa con xuất hiện. Vợ các ông không
còn hăng say, nồng nàn, mướt mát, nhưng bỗng dưng nhợt nhạt, mệt mỏi, có khi
chán ngán, không muốn gần các ông. Chuyện gì các ông đề nghị lúc này cũng không
được hồ hởi đón nhận. Việc gì các ông làm cũng bị phu nhân lắc đầu ngoai ngoải
phê bình. Đề nghị nào các ông đưa ra cũng bị vợ bai bải chối. Làm như sự ra dời của đứa con đã
truất phế chỗ đứng vốn luôn vững chắc và ưu tiên của chồng đối với vợ.
Khoa tâm lý gia đình đã khẳng định: một trong những khủng
hoảng dễ xẩy đến cho hạnh phúc vợ chồng là khi người vợ sinh con. Bởi trong thời
kỳ này, người vợ không còn quan tâm đến chồng, mà dồn “hết sức lực, hết linh hồn,
hết tình cảm, hết trí khôn” cho con.
Không chỉ quan hệ sinh lý sút giảm mà
ngay cả trong sinh hoạt bình thường, thường ngày, người vợ cũng không còn tỏ ra
đậm đà, tha thiết với chồng.
Người ta có thể thông cảm với nàng, vì nàng mệt mỏi
sau khi sinh con và phải ngày đêm lo cho con bú mớm. Cũng có thể nàng chưa hoàn
hồn sau “lần đi biển, vượt cạn một mình”. Khoa tâm lý ghi nhận thêm một vài
nguyên nhân khác:
1. Độc quyền,
sở hữu con:
Người vợ lơ là với chồng, sau khi
sinh con và trong thơì gian nuôi con nhỏ là vì muốn độc quyền sở hữu con: Có những
bà mẹ không muốn chồng hôn con, vì sợ hơi chồng làm con ngạt; không cho chồng
ngủ gần con, vì sợ tiếng ngáy của chồng làm con thức giấc và nhất là độc quyền
lo cho con… Thực ra, đó chỉ là cái cớ bên ngoài, nguyên nhân chính và sâu sa là
tham vọng độc quyền sở hữu con của các
bà mẹ. Các bà tự tuyên dương công trạng đã sinh con, sau những tháng dài mang thai vất
vả, nặng nề. Các bà dành vinh dự làm Mẹ và coi vinh dự đó lớn hơn, cao qúy hơn
vinh dự làm cha của chồng. Và tự nhiên như “người ở hành tinh khác”, các bà tự
cho mình độc quyền sở hữu con. Con từ nay thuộc về bà, không chỉ một nửa, nhưng
trăm phần trăm. Con sẽ do bà quản lý “tất tần tật” từ A dến Z; nghiã là mọi sự
liên quan đến con phải do bà quyết định, phê chuẩn, kiểm soát. Chồng chỉ là người
đóng vai phụ, không hơn không kém “người để sai vặt”.
Hầu hết đàn bà đều bị khuynh hướng độc quyền, sở hữu khống chế. Có những
trường hợp các bà đã không muốn nhìn mặt
chồng, vì sợ độc quyền trên con bị san sẻ. Một cách vô thức và do bị tham vọng
độc quyền thúc đẩy, các bà có thể đi đến tình trạng xua đuổi chồng khỏi nhà, vì
không chịu được sự có mặt của chồng mà các bà nghĩ: sẽ có một lúc, khi sơ ý,
con của các bà sẽ bị chồng lấy khỏi tay bà. Trường hợp tâm bệnh này tuy hiếm,
nhưng không phải không gặp đã đẩy người mẹ đến những hành động điên cuồng rất
nguy hiểm. Ở Pháp đã có một vài trường hợp người vợ đâm chồng chì vì hoang tưởng nghĩ chồng sẽ bắt
con.
2. Người vợ biến
chồng thành đối thủ:
Trong khi sinh con đã không thiếu những người vợ, vì đau quá đã xối xả
chửi rủa chồng. Bà chửi rủa vì vô thức
trong bà đã cho bà biết: chính chồng bà làm bà có thai và bà phải đang một mình
đau đẻ. Ý thức thì phân minh, rành rẽ thông báo: chuyện sinh con
là việc chung của hai người; nhưng vô thức lại xử ép ông chồng và đổ hết tội
làm đau bà cho ông, nên bà không tiếc lời trách mắng ông khi đau đẻ. Cũng thế, vô thức cho bà ý nghĩ:
chồng là đối thủ khi bà có con. Và đối thủ có tên là “Chồng” đang ở gần bà, nên
bà phải đẩy ra xa; có thể ẵm bế con bà, nên bà phải khôn ngoan, thận trọng đề
phòng; có quyền ân ái với bà, nên bà phải tìm mọi cách ngăn cản và ra sức chối
từ. Ở bà, vô thức có sức mạnh đáng kể; bởi chính bà khi ý thức “hoàn hồn” cũng
không hiểu tại sao đã ghét chồng như thù địch ?
3. Người vợ không cần chồng vi đã có con:
Trước khi có con, người vợ thường ngoan ngùy nương theo chồng, nghe chồng,
chiều chồng, vì vợ thực sự cần chồng khi thấy rời chồng ra sẽ chẳng còn ai ở với
mình, theo mình. Nhưng khi có con và coi con như sở hữu, người vợ thấy mình
không còn đơn độc, nhưng đã có đồng minh và hơn một đồng minh, bà có “con của
bà”. Vô thức lại một lần nữa xúi bà không cần chồng, vì bên cạnh bà đã có con.
Con trở thành tất cả, có thể bảo đảm tất cả cho bà và là chính điều bà từng
ước mơ, chờ đợi. Chồng bà hôm nay không còn chỗ đứng cấn thiết trong đời bà, vì chỗ đứng ấy đã được con bà
chiếm đóng.
Không cần chồng khi có con, đó là cám dỗ thường xuyên của những người vợ
trong thời sinh nở, nuôi con thơ. Cám dỗ từ vô thức, nhưng có sức phá vỡ tương
quan vợ chồng trong đời thường. Với các nhà tâm lý, tình trạng bất cần chồng là
nguyên nhân xa và thầm kín của nhiều đổ vỡ hôn nhân.
Nêu lên cơn cám dỗ “ Mẹ say mê con bỏ quên chồng” để thấy tâm lý người mẹ khi sinh con rất phức tạp.
Tính phức tạp làm cho đời sống vợ chồng
ít nhiều trở nên nặng nề, căng thẳng và nạn nhân là cả hai người. Chồng, vì bị
vợ “hắt hủi” sẽ dễ mang mặc cảm tội lỗi vì đã gây nên đau đớn, vất vả cho vợ và
mặc cảm tự ty: bị truất quyền, xuống cấp, “mất cửa”. Vợ, vì “thừa thắng xông
lên” sẽ mệt nhoài, hao mòn vì những kế
sách đương đầu phải liên tục tìm kiếm. Cả hai cùng mệt vì những điều hoàn toàn
vô lý do vô thức giật giây, xúi bẩy.
Chính vì thề, chuẩn bị một tâm lý trưởng thành là điều rất cần thiết cho
đời hôn nhân và nhất là cho đời làm cha mẹ. Thiếu quân bình tâm lý, do thiếu kiến
thức căn bản về tâm lý, cha mẹ sẽ rơi vào những bất đồng, mâu thuẫn rất vô
duyên mà cả hai khi chuyện đã xong sẽ bỡ ngỡ tiếc nuối vì đã không biết tại sao
mình đã hành động, cư xử như vậy. Kinh nghiệm của nhiều gia đình đã làm chứng
điều này. Đó cũng là những nhắc nhở để tránh một thảm trạng khi vợ quên vai trò
làm vợ đối với chồng mà chỉ còn nghĩ mình là mẹ của con. Nguy cơ của hôn nhân
là khi hai người không nhận ra chỗ đứng của người phối ngẫu trong đời mình,
cũng như từ chối vai trò của mình trong cuộc đời người phối ngẫu. Đó là tình trạng
hai lần đánh mất: đánh mất mình và đánh mất người thuộc về mình, đánh mất mình
trong người mình yêu và đánh mất người yêu trong chính mình.
Được cảnh báo để không sập bẫy, cũng như học kinh nghiệm máu xương của
người khác để không phải đổ máu, phơi xương
mình. Ước mong các bà mẹ yêu con nhưng không say con như người say nắng
chẳng còn nhìn thấy gì ngoài nắng; qúy con nhưng đừng hủy bỏ những tương quan
khác cũng cần thiết như tình nghiã vợ chồng; cần con nhưng không độc quyền sở hữu
con như một chiếc nhẫn kim cương, hột xoàn; vì làm mẹ, trên hết và trước hết,
chính là sinh ra cho chồng, mang vào gia đình, đưa vào thế giới một người
con là quà tặng vĩ đại nhất của Hạnh
Phúc Tình Yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét