Những
năm gần đây, vấn đề cơ chế được mổ xẻ, bàn luận rất nhiều, và Đức Thánh Cha
Phanxicô không ngừng cảnh báo, nhắc nhở về nguy cơ của não trạng cơ chế, cũng như áp lực
nặng nề của cơ chế trong Giáo Hội, và kết luận: não trạng và guồng máy nặng phần
cơ chế ấy đã ảnh hưởng xấu trong việc thi hành sứ vụ thiêng liêng được trao phó
của Giáo Hội.
Đồng
cảm với Đức Thánh Cha, người viết xin chia sẻ một vài suy tư với mục đích góp phần
làm sáng tỏ vấn đế cơ chế từ lâu làm nặng
lòng không ít người tín hữu.
Trước
hết, chúng ta cần xác định: bất cứ sinh hoạt nào gồm những con người, dù ở đâu,
thời nào, lớn hay nhỏ cũng đều cần được
sắp xếp, tổ chức. Nhờ có sắp xếp, tổ chức, con người mới có thể sống chung, làm
việc cùng. Đó là lý do hình thành các thể chế, cơ chế, cơ cấu trong cộng đồng
nhân loại. Vì thế, phủ nhận triệt để cơ chế, hay cực đoan chống báng cơ cấu,
thiết tưởng là một sai lầm nguy hiểm sẽ đưa
nhân loại đến tình trạng hỗn loạn, tiêu diệt lẫn nhau.
Như
thế, vấn đề chúng ta cần chia sẻ chính là làm thế nào để cơ chế ở đúng vị trí,
giữ đúng làn ranh, tôn trọng giới hạn, để không phá rào lấn lướt lộng hành đến
mức con người phải mất chỗ đứng, mất nhân phẩm, mất tự do, mất quyền sống, mất khả
năng tư duy, chọn lựa của mình khi ở trong cơ chế.
Dưới
ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta cùng tìm một chọn lựa xứng hợp đối với cơ chế:
1. Đức
Giêsu đã giữ một khoảng cách cần thiết đối với cơ chế:
Đặc
biệt Tin Mừng Matthêu đã cho chúng ta thấy thái độ khôn ngoan của Đức Giêsu đối
với cơ chế đạo đời thời Ngài.
Thái
độ khôn ngoan với khoảng cách cần thiết được gặp ngay buổi đầu của Tin Mừng ở
Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô dọn đường cho Đức Giêsu, khi “ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa” (Mt 3,1), mà không đến từ một
cơ chế đạo đời nào, hay được giới thiệu bởi một cơ quan, tổ chức nào. Ông cũng
không rao giảng trong hội đường hay trước một đám đông được cơ chế nào đó quy tụ,
kêu gọi, tập họp, nhưng một mình “trong
hoang địa miền Giuđê” rao
giảng “hãy sám hối,
vì Nước Trời đã đến gần”
(Mt 3,2).
Khoảng
cách đối với các cơ chế đạo đời ở Gioan khi ông đến từ hoang địa và rao giảng Nước
Trời trong hoang địa đã nói lên Nước Trời
vượt xa mọi cơ chế, Tin Mừng không thuộc quyền sở hữu của cơ chế, và sứ vụ của
người loan báo “Nước Thiên
Chúa đã đến gần” cũng không
chịu áp lực của cơ chế, khi cơ chế được hiểu như một ràng buộc tạo khó khăn, làm
cản trở, gây phiền nhiễu.
Khoảng
cách cần thiết và thái độ dứt khóat của Gioan Tẩy Giả được biểu lộ khi ông thẳng
thừng nói với những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho
các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vậy?… Đừng tưởng có thể bảo mình
rằng: “Chúng ta đã có tổ
phụ Ápraham. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá
này trở nên con cháu ông Ápraham”
(Mt 3,7.9).
Khi
tự bảo mình: “Chúng ta đã
có tổ phụ Ápraham”, những
người thuộc cơ chế đạo Do Thái này đã tự phụ khi dựa vào vinh dự “dân riêng », cũng như bám chặt vào cơ chế tôn giáo vững chắc của mình, điều
mà Gioan Tẩy Giả kịch liệt lên án, bởi niềm tự hào dân riêng, não trạng cục bộ,
khép kín, và thái độ tự mãn với một cơ chế hoàn hảo là nguyên nhân của kiêu căng,
cứng lòng khiến họ từ chối đón nhận Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Những người thuộc cơ chế và tôn sùng cơ chế ấy đã không còn tự do để mở trí mở
lòng hầu nhận ra Nước Trời đã đến, và Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu đang có mặt ngay
trong nhà họ.
Đức
Giêsu, về phần Ngài, tuy không chống cơ chế đạo đời, nhưng phân định rành rọt biên giới giữa Ngài với cơ chế. Bằng chứng là Ngài nói với những người đã gài
Ngài vào bẫy chống cơ chế chính quyền bảo hộ Rôma: “Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy
trả cho Thiên Chúa” (Lc
20,25), cũng như đã không dựa vào cơ chế đạo để tao uy tín và gây ảnh hưởng cá
nhân. Tuy thế, Ngài đã không ngại thẳng
thắn phê bình những lạm dụng của cơ chế đạo lúc bấy giờ, như thánh sử Mátthêu đã ghi lại chi tiết trong chương 23
khi Đức Giêsu lên tiếng trách móc những kinh sư và Pharisêu, là những người của cơ chế đã sống giả
hình khi dựa vào cơ chế để bóc lột, hà hiếp, khống chế giáo dân cho lợi ích cá
nhân và đạc quyền thái qúa, vô độ của giai
cấp lãnh đạo tôn giáo. Ấn tượng hơn cả là khi đứng trước quan tổng trấn Philatô,
người đại diện của đế quốc thống trị Rôma, Đức Giêsu đã khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế
gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không
để tôi bị nộp cho người Do Thái”
(Ga 18,36). Những sự kiện này đã làm chứng Đức Giêsu luôn giữ một khoảng cách
an toàn cho sứ vụ của Ngài đối với cơ chế đạo cũng như đời.
Giữ
một khoảng cách đối với cơ chế đạo, đời, Đức Giêsu bảo đảm độc lập và tự do
loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa của Ngài, mà không đế thế lực của bất cứ cơ
chế nào ảnh hưởng trên sứ vụ ấy.
2. Chọn
lựa giữ khoảng cách đối với cơ chế của Đức
Giêsu đã làm nản lòng nhiều người:
Một
sự thật không thể chối cãi đó là tính lôi cuốn, hấp dẫn của cơ chế, bởi cơ chế
bảo đảm, cơ chế gìn giữ, cơ chế tung hứng, cơ chế lăng xê, cơ chế tạo cơ hội, cơ
chế cho phương tiện, cơ chế rộng mở đường vinh quang cho những ai thuộc về cơ
chế, hết lòng với cơ chế, chết sống với cơ chế. Vì thế, người ta cầy đào cho kỳ
được để lọt vào cơ chế, làm mọi cách để có chỗ đứng trong guồng máy cơ chế, tìm mọi cơ hội để “lọt mắt xanh” cơ chế, bởi chỉ như thế, ngày mai mới rực rỡ, tương lai mới rạng
ngời, nên nhiều người đã nản lòng khi nghe Đức Giêsu tuyên bố: “Con chồn có hang, chim trời có
tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), khi đến gặp Ngài.
Nhiều
người không muốn đi theo làm môn đệ Đức Giêsu, không phải vì giáo thuyết, cũng
không vì con người của Ngài, nhưng vì Ngài không dựa vào một cơ chế mạnh, cơ chế
vững, cơ chế có thế lực, cũng không chủ trương tạo một cơ chế uy quyền thống trị,
bao phủ, bởi phần đông đều bị thu hút bởi sức mạnh của cơ chế, mà cơ chế luôn
khởi đầu bằng cơ sở chắc chắn, bằng những qủang bá hoành tráng bên ngoài, nhất
là bằng sức mạnh của đội ngũ được điều hành bởi
một guồng máy có hệ thống, phẩm trật, chặt chẽ, khép kín, kỷ cương…
Thực
ra, tâm lý chung của con người luôn muốn mình được an tâm, an thân nhờ thuộc về
một cơ chế vững chắc, an toàn, có khả năng bảo đảm đời sống, dù phải chịu nhiều thiệt thòi khác . Đó là lý do
phần đông chúng ta thích chọn cơ quan có tiếng, xí nghiệp đã lâu đời, trường học nhiều năm uy tín , ngay cả đi tu, ứng sinh cũng
thích xin vào dòng lớn, có ảnh hưởng quốc tế, mà ít ai dám mạo hiểm với những cơ
chế còn non nớt, phôi thai, mới chập chững hoạt động. Thế nên khi đi theo
một con người, một lãnh tụ như Đức Giêsu
không nhà, cũng chẳng có đất đai, cơ sở,
văn phòng, hậu cứ, bản doanh thì thật là một mạo hiểm hứa hẹn nhiều rủi ro. Do đó,
không ít người đã đến gặp Đức Giêsu, nhưng chấp nhận dong duổi nắng mưa, bữa đói
bữa no, không nhà không cửa, không cơ chế hành chánh, không dinh này, toà nọ với
Ngài thì qủa thực chỉ có mười hai tông đồ vì trót xâm mình liều mạng mới dám bỏ
đời mình đi theo.
3.
Chúa Thánh Thần và Cơ
Chế:
Chọn
lựa giữ khoảng cách và thái độ xem ra như độc lập đối với cơ chế đạo đời của Đức
Giêsu dễ bị nhiều người hiểu lầm và chụp mũ cho Ngài là người vô kỷ luật, bất
chấp luật lệ, kỷ cương đạo đời.
Nghĩ
như vậy là sai và chụp cho Ngài chiếc mũ rộng vành bất chấp cơ chế ấy là một bất
công lớn, bởi Ngài không chống lại cơ chế. Bằng chứng là với luật lệ Môsê, tức
cơ chế đạo Do Thái, Ngài đã từng bầy tỏ lòng trân trọng khi nói với các môn đệ ,
vì có người nghĩ Ngài chủ trương hủy bỏ toàn bộ cơ chế đạo Do Thái và luật Môsê:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến
để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng
là để kiện toàn” (Mt
5,17).
Kiện
toàn cơ chế chính là mục đích của Đức Giêsu khi Ngài giữ một khoảng cách cần
thiết đối với cơ chế đạo, bởi trong cơ chế này đang có rất nhiều sai trái cần
phải cắt bỏ, nhiều khiếm khuyết cần bổ sung, nhiều thiếu sót cần bù đắp. Nói tóm
lại, cơ chế phải được đổi mới, thay đổi, làm cho tốt hơn.
Làm
cho tốt hơn cơ chế vì cơ chế không đi đúng điều Thiên Chúa muốn khi lệch hướng
vì ích kỷ; lạc đường vì gian tham, thụ hưởng; kiêu căng, tự mãn vì lãng quên sứ
mạng phục vụ; cứng cỏi, vô cảm vì cạn kiệt
lòng xót thương; tàn nhẫn, sắt máu vì cho mình toàn quyền sinh sát người thấp cổ
bé miệng, không tiếng nói ; bất công, bất chính vì thần tượng, sùng bái “cái tôi”; hung dữ, ác độc vì tự gán cho mình mọi
quyền trên trời dưới đất; phóng túng, “ăn chơi vô độ”
vì tưởng trên mình không còn ai có quyền lớn hơn (x. Mt 23). Đổi mới và kiện toàn
cơ chế, vì cơ chế không còn trung thành với yếu tính và ơn gọi của mình là phục
vụ con người, là điểm tựa để con người phát triển, là bệ phóng cho con người lên
cao tới Thiên Chúa.
Đức
Giêsu đã không chống báng cơ chế, cũng không kêu gọi phá bỏ Lề Luật là chất xi
măng cần thiết cho cơ chế tồn tại, nhưng chống lại cơ chế và lề luật nếu cơ chế,
lề luật đàn áp con người, phủ nhận con người, đè bẹp con người, làm khổ con người,
khi tước đoạt quyền sống làm người và quyền làm con Thiên Chúa của con người,
như Ngài đã nói trước những người Pharisêu là những người bảo vệ cơ chế cách cực
đoan về luật ngày Sabát trong cơ chế đạo Do Thái: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không
phải con người cho ngày sabát”
(Mt 2,27).
Như
thế, cơ chế phải biết đặt mình đúng chỗ là đầy tớ phục vụ hạnh phúc chính đáng
của con người, là phương tiện giúp con người thăng tiến, vươn cao đến Chân Thiện
Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa, nên cơ chế phải luôn ý thức vai trò hướng dẫn và
quyền lãnh đạo của Chúa Thánh Thần trên cơ chế. Đây chính là điểm thiết yếu mà
cơ chế hay bỏ qua, không quan tâm tuân giữ, nên cơ chế đã phản bội sứ mạng của
mình, để trở thành máy chém tàn sát con người, nhà tù giam hãm con người, xiềng
xích khoá chặt con người trong bất hạnh.
Biết
đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cơ chế sẽ như Đức Giêsu ở mọi nơi,
mọi lúc đều có Chúa Thánh Thần hiện diện để không bao giờ đi ngược với Thánh Ý,
như “khi Đức Giêsu chịu
phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí
đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt 3, 16); biết khiêm tốn để Thánh Thần hướng dẫn, cơ chế sẽ
như Đức Giêsu đón nhận sự đồng hành của Thánh Thần để không bao giờ vô ý hay cố
tình dập tắt Thánh Thần trong cơ chế, nhưng được tràn đầy ơn Thánh Thần trong mọi
tình huống, hoàn cảnh, như “Đức
Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu qủy cám dỗ” (Mt 4,1); biết sẵn sàng để Chúa
Thánh Thần sắp xếp, lo liệu và cùng hoạt động như sứ vụ đòi hỏi (x. Mt 4,18-19);
biết ngoan ngùy trông cậy vào Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, bởi Ngài là “Thần Khí sự thật, Người sẽ dẫn
anh em tới sự thật toàn vẹn”
(Ga 16,13)
Tóm
lại, vấn đề then chốt của cơ chế trong Giáo Hội chính là không vượt quyền lãnh đạo,
bảo trợ, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì Giáo Hội, cơ chế hữu hình, đã được
khai sinh khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sở dĩ cơ chế Giáo Hội nhiều đa đoan,
lắm khúc mắc, hay gây bức xúc, phẫn nộ vì cơ chế hay quên mình chỉ là dụng cụ của
Chúa Thánh Thần và phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bởi khi
không có Thánh Thần hướng đạo, cơ chế Giáo Hội sẽ lẫn lộn, lầm tưởng mình là mục
đích, cứu cánh để rồi tha hoá đến mức không còn xứng đáng là bệ phóng cho mọi
người gặp được Thiên Chúa. Và đó chính là thảm kịch của Giáo Hội, khi não trạng
cơ chế cực đoan thống lĩnh, hoành hành.
Thánh
Phaolô đã không ngừng nhắc nhở môn đệ thân tín Timôthê của ngài cũng như các giáo
đoàn tiên khởi của Giáo Hội phải thận trọng với chủ trương sùng bái cơ chế, trở nên “nô lệ mù qúang” của cơ cấu loài người trong Giáo Hội, mà quên
vai trò sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa của Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và
làm cho Giáo Hội được sống và phát triển.
Trong
thư cho Timôthê, thánh tông đồ dân ngoại nhắc bảo ông: Đừng thờ ơ với đặc sủng
của Chúa Thánh Thần (x. 1 Tm 4,14), nhưng hãy biết khơi dậy đặc sủng ấy (2 Tm
1,6) khi thi hành sứ vụ; cũng như với giáo đoàn Thêxalônica, thánh nhân nhắn nhủ:
“Anh em đừng dập tắt Thần
Khí” (1 Tx 5,19). Với ngài,
thờ ơ với đặc sủng, và dập tắt Thần Khí là cám dỗ khi cơ chế thành hình, là cạm
bẫy khi cơ chế vững chắc, là nguy cơ khó lường khi “say nắng” chủ nghiã “cơ
chế trị” và ra sức bảo vệ
với bất cứ giá nào cơ chế loài người, mà không lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần,
không dõi mắt theo ánh sáng của Thánh Thần, không đồng hành với Thánh Thần, không
bước đi trong Thánh Thần, Đấng làm cho cơ chế trở thành khí cụ của Thiên Chúa và
sinh vô vàn hoa trái thiêng liêng ngon ngọt làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích
cho mọi người được cơ chế hướng dẫn, che chở, giữ gìn, nâng đỡ.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét