Viết về con cái ở bất cứ tuổi nào, người ta cũng cảm
thấy có một điều gì không ổn: không ổn vì những khẳng quyết không hẳn sẽ là định
lý, quy luật; không ổn vì những “vô thường” có thể làm thay đổi mọi dự đoán, phỏng
định; không ổn vì xác xuất thành công - thất bại trồi sụt, lên xuống theo từng
thời vụ. Vì lý do này mà câu hỏi khó nghe “con là nợ hay phúc?” ít nhiều đã một
lần làm cha mẹ chùng lòng suy nghĩ.
Có những đứa con ngoan ngoãn, thông minh mang lại vinh
dự cho gia đình và không làm cha mẹ phải qúa lo âu, vất vả. Nhưng cũng không
thiếu những cha mẹ phải khốn đốn, ô nhục vì con. Hình ảnh những người mẹ lặn lội
thăm nuôi con bị giam trong các trại
giáo huấn trẻ vị thành niên, những người cha
nét mặt chai sạn, sầu buồn, thất vọng nhìn con trước “vành móng ngựa” ở
toà án; rồi những cảnh con đâm cha, giết mẹ, con chiếm đất, chiếm nhà… Tất cả
đã đặt cha mẹ trước nỗi buồn man mác khi nghĩ đến tương lai của con mình.
Nhiều người mẹ tay ôm con thơ mà lòng dạ đã xa xôi về
một ngày con không còn ngoan hiền, vâng lời mẹ. Ẵm bé trên tay mà tâm tư cha đã
thoáng buồn khi nghĩ ngày mai khi con lớn không biết có còn diễm phúc chuyện
trò với con… Và bất chợt ý nghĩ con sẽ hết là con, nhưng sẽ là nợ cha mẹ phải
trả…
Trả cho Trời, cho người, cho con hay cho ai khác thì
không biết, nhưng ý tưởng con là nợ đã là ý tưởng thường gặp trong các gia
đình. Trước những gánh nặng bổn phận và khả năng có giới hạn, cha mẹ dường như
muốn đầu hàng, đảo ngũ khỏi đời làm mẹ cha vì không còn cam nổi những đắng cay
do con cái mang lại.Những cuộc đầu hàng sớm là phá thai, bỏ con, bán con. Những
cuộc tháo lui trễ là từ con, xa lánh con.
Trước những cha mẹ coi con là nợ, chúng ta chỉ biết cảm
thông và tìm cách nâng đỡ, vì có thể tình cảnh đó cũng có thể xẩy đến với ta
khi con cái hoang đàng, sa đoạ đến mức không còn chịu nổi. Cảm thông những người
cha không còn quyền làm cha trên con mình khi con ngang ngược, bất hiếu. Nâng đỡ
những người mẹ không còn được là mẹ trong đời của những đứa con quên cội nguồn. Ở vào hoàn cảnh đau thương của những cha mẹ bất
hạnh, ta mới thấm thiá khổ đau của đời làm cha làm mẹ.
Khi đề cập đến chuyện: con có thể là nợ, món nợ cha mẹ
đã vay từ thưở nào, có khi từ nhiều kiếp trước nhưng nay phải trả, chúng ta muốn
căn dặn nhau một điều: đó là không nên qúa kỳ vọng ở con, cũng đừng quá trông cậy
ở con. Không quá kỳ vọng cũng như không qúa bám víu vào con, cha mẹ sẽ tránh
cho mình những thất vọng vô ích làm khổ chính mình. Sinh con, nuôi con, dậy con
như bổn phận cũng có thể được hiểu là trả cho đời một món nợ thiêng liêng. Vấn đề là cha mẹ
sẽ trả món “nợ đời” ấy với thái độ nào? Thái độ hằn học, bất đắc dĩ hay thái độ
vui vẻ, lương thiện, công bằng ?
Thực ra, coi con cái là món nợ là điều không cha mẹ
nào muốn, và khi bất đắc dĩ phải nghĩ điều này, cha mẹ biết mình đã chọn điều
“chẳng muốn và cũng chẳng nên chọn”; nhưng vì bị gài vào thế “chẳng đặng đừng”
nên đành phải liều nghĩ một cách rất tiêu cực như thế để tâm hồn được phần nào
nguôi ngoai trước những căng thẳng, nặng nề tưởng không gì có thể cất nhẹ được.
Tư tưởng của nhà Phật về nợ cũng đóng góp làm vơi đi phần nào sầu khổ trong tâm
hồn những cha mẹ không còn chút niềm vui và hy vọng ở con cái.
Nhưng chúng ta không dừng ở đây, không đầu hàng định mệnh
cách qúa dễ dàng nhưng với niềm tin vào ơn gọi làm người của con cái, tin vào ơn
gọi được cộng tác với Trời trong công trình cho loài người sinh sôi nẩy nở, chúng
ta nhìn con cái với đôi mắt của tình yêu
tích cực, tình yêu hy sinh, tình yêu hồi
sinh để con cái sẽ không là món nợ, nhưng là ơn phúc.
Với đôi mắt tình yêu tích cực, con cái sẽ là cây phúc
được trồng trên đất lành, đất tốt của
tình yêu cha mẹ. Với đôi mắt của tình yêu hy sinh, con cái sẽ là nguồn phúc chảy
trong trái tim và cuộc đời cha mẹ. Với đôi mắt của tình yêu hồi sinh, cha mẹ
cho con cái ơn phúc được yêu thương, cứu chữa. Bởi thế nào đi nữa, “duyên phận”
giữa cha mẹ và con cái là duyên Trời định, nên vĩnh viễn không thể tách rời.
Cây phúc, nguồn phúc, hạnh phúc ấy không tự nhiên mà
có, không bỗng nhiên hiện diện, cũng không sinh sản, lớn lên như cây cỏ trong thiên
nhiên; nhưng đòi được tình yêu cưu mang, hy sinh nuôi dưỡng, kiên nhẫn giáo dục.
Cây phúc vì thế sẽ chết non, héo tàn khi tình yêu không là nước tưới hằng ngày,
không là khí trời cho cây tươi tốt; nguồn phúc ấy cũng sẽ khô cạn nếu hy sinh
không như nước từ trái tim cha mẹ đổ về; và hạnh phúc được hồi sinh nơi con cái
cũng sẽ bất hạnh chết rũ nếu bóng con
không còn được tình mẹ cha dõi bước.
Tình mẹ cha là tình của biển cả vì chỉ biển cả mới hiểu
phần nào cái bao la của tình cha mẹ. Tình ấy bao la vì tình ấy không tính toán,
so đo, không kèo nài trả giá. Tình ấy bao la vì tình ấy không bị giới hạn bởi bất
cứ một thứ biên giới nào; đến ngay cả sự chết cũng bất lực và phải dừng lại trước
tình vĩnh cửu và toàn năng ấy. Cũng vì bao la, vĩ đại mà tình mẹ cha mang hết tội lụy, yếu đuối, thiếu sót, lỗi lầm, dại dột,
ngu ngơ, khờ khạo của đời con; bởi chỉ
có đại dương của tình cha mẹ mới dám đón những rủi ro, xác xuất trồi sụt bất
thường của tình yêu nơi con cái mình và cũng chỉ trong liều lĩnh hy sinh, gan
lì chịu đựng, tình mẹ cha mới thực là tình tuyệt vời, thiên thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét