Pages - Menu

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

THIÊN CHÚA TRỪNG PHẠT?

 

Những biến động ngày càng đe dọa ở mọi lãnh vực trên thế giới ngày càng đặt chúng ta trước vấn nạn : Thiên Chúa sắp trừng phạt con người?, và nhiều người hốt hoảng lo sợ đi tìm đó đây lời giải thích.

Có giải thích bi quan, tiêu cực, khi trình bầy một viễn ảnh tàn phá tan hoang khi Thiên Chúa thịnh nộ  tiêu diệt loài người : lửa từ trời đổ xuống, nước từ biển dâng lên đốt trụi, cuốn trôi, và loài người hầu như không còn ai sống sót. Cũng có trường phái phò Satan, khi cho rằng : sắp đến thời Thiên Chúa nhường quyền cai trị thế giới cho Satan, vì Ngài chán ngán loài người bất trung, và dùng tay qủy dữ để trừng phạt loài người. Thế giớ sẽ hoàn toàn thuộc quyền ma qủy và kéo dài với muôn ngàn đau thương, khốn khổ vì loài người  đánh mất Thiên Chúa, không còn yêu thương, và ganh ghét, hận thù, bạo lực, chết chóc bao phủ loài người. Nói cách khác, thế giới sẽ trở thành một hoả ngục trần gian dưới quyền thống trị của ma qủy.

Phần chúng ta, người công giáo, lời giải thích phù hợp với đức tin mà chúng ta phải tìm kiếm chính là Lời Thiên Chúa được mặc khải trong Kinh Thánh :

1.   Thiên Chúa  trừng phạt loài ngườ:

Thiên Chúa trừng phạt loài người là sự thật không thể chối cãi. Lịch sử dân Thiên Chúa đã làm chứng điều này, khi dân Chúa cứng đầu, cố tình ngoan cố xúc phạm  đến Ngài, và chống lại giáo huấn, lệnh truyền của Ngài.

Mặc dù “Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, nhưng Ngài cũng là Đấng rất công minh khi phân xử, và lý do khiến Ngài phải phân xử, trừng phạt chính là con người có tất cả khả năng để làm điều thiện hoặc điều ác, cũng như có tự do để chọn điều tốt hay điều xấu. Khả năng thực hiện và tự do chọn lựa vừa là con đường đưa con người lên với Thiên Chúa, vừa là con đường đẩy con người xa khỏi thánh nhan Ngài.

Ngôn sứ Isaia nêu ra những trường hợp khiến Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt : “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng. Khốn thay những kẻ coi mình là khôn ngoan, và cho mình là thông minh, khốn thay những anh hùng tửu lượng, những tay vô địch nghề pha chế rượu nồng, những kẻ vì nhận qùa hối lộ mà tuyên bố kẻ có tội là công chính, và phủ nhận sự công chính của người công chính. Vì thế, như lưỡi lửa thiêu rơm, và cỏ khô tiêu tan trong ngọn lửa, rễ chúng sẽ ra như mục nát, và nụ hoa của chúng sẽ bay lên như tro bụi, vì chúng đã khinh thường luật Đức Chúa các đạo binh” (Is 5,20-24).     

Ngôn sứ còn cực tả cảnh kinh hoàng khi Thiên Chúa thịnh nộ trừng phạt : “Kià, ngày của Đức Chúa đến, ngày khắc nghiệt, ngày của phẫn nộ và lôi đình, ngày làm cho đất tan hoang và tiêu diệt phường tội lỗi, không còn một tên nào ở đó. Qủa vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn toả sáng. Ta sẽ phạt thế giới vì sự gian tà, phạt kẻ dữ vì tội của chúng. Ta sẽ chấm dứt sự kiêu căng của phường ngạo mạn, vẻ tự đắc của quân cường bạo, Ta sẽ hạ xuống” (Is 13,9-11).

Tân Ước cũng không thiếu những đoạn đề cập đến sự trừng phạt của Thiên Chúa, như trong dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, ông chủ vườn nho là Thiên Chúa “sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho” (Mt 21,41) ; dụ ngôn “tiệc cưới” thì nhà vua là Thiên Chúa  lại bảo những người phục dịch : “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22,13) “người khách dự tiệc đã không mặc y phục lễ cưới” (Mt 22,11). Đức Giêsu còn nặng lời hơn với những kẻ đã tru diệt những người công chính : “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia ! Các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục ? Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người : các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác. Như vậy, máu của tất cả những người công chính đã đổ xuống đất, thì cũng đổ xuống các người…” (Mt 23,33-35). Cũng vậy, trong viễn tượng “Cuộc phán xét chung”, Đức Giêsu một lần nữa đã mặc khải Thiên Chúa có thưởng công và đặc biệt có trừng phạt, khi nói với những người bị chúc dữ ở bên trái Ngài : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Qủy và các sứ thần của nó” (Mt 25,41). “Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46). 

2.   Tội chống lại đức ái  làm Thiên Chúa thịnh nộ :

Có một điểm được Cựu Ước đặc biệt  nhấn mạnh, khi đề cập đến hình phạt của Thiên Chúa, đó là tội áp bức đồng loại : “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên những chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đọat quyền lợi người nghèo khó trong dân, để biến bà goá thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi. Các người sẽ làm chi khi đến ngày trừng phạt, khi bão tố từ xa ập tới ? Các người sẽ chạy đến với ai mà xin giúp đỡ ? Các người sẽ để vinh hoa phú qúy nơi đâu ? Chỉ còn việc khom lưng giữa đám tù và ngã gục giữa những người bị giết” (Is 10,1-4).

Riêng Đức Giêsu bằng những lời lẽ rất gay gắt khi kể dụ ngôn “tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót” đã không nhân nhượng lên án tên đầy tớ không có lòng thương xót đối với người bạn đã nợ mình  một trăm quan tiền, nhưng y đã “túm lấy bóp cổ mà bảo : “Trả nợ cho tao!”. Bấy giờ, người bạn sấp mình xuống năn nỉ : “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ” (Mt 18,28-30), mặc dù tên đầy tớ này vừa được ông chủ của y “chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” kếch xù “mười ngàn yến vàng” mà y không có gì trả, khi thấy y sấp mình van xin chủ “rộng lòng hoãn lại” (x. Mt 18,23-27). Và đây là án lệnh Thiên Chúa  giáng trên những ai không có lòng thương xót anh em mình phát xuất từ chính miệng Đức Giêsu : “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, thì đến lượt ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18,32-34). Rồi Đức Giêsu kết luận : “Ấy vậy, Cha anh em trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35), như trong ngày chung thẩm, Thiên Chúa cũng phán xét mỗi người theo công trạng đức ái đã thực hiện cho tha nhân : “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han.” (Mt 25,35-36).

Thực vậy, vì Thiên Chúa đánh giá tình yêu của mỗi người dành cho Ngài qua tình yêu của họ dành cho tha nhân : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), nên tội không có lòng thương xót anh em, không tha thứ anh em trở thành trọng tội làm Thiên Chúa thịnh nộ. Đàng khác, ngoài  yêu thương anh em như biểu hiệu có giá trị tình yêu đối với Thiên Chúa, con người không có cách thể hiện nào khác đẹp lòng Thiên Chúa hơn,  điều mà thánh Gioan Tông Đồ khẳng định : Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Người : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21).   

3.   Điều kỳ diệu vĩ đại cứu loài người khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chính là Lòng Thương Xót :

Nếu lòng thương xót anh em là đòi hỏi phải có ở mỗi người để được Thiên Chúa xót thương tha thứ,  nguôi cơn thịnh nộ và không trừng phạt, thì chính lòng thương xót của Thiên Chúa là điều kỳ diệu vĩ đại vô cùng Thiên Chúa luôn muốn ban cho con người mọi nơi, mọi thời.

Do đó, tất cả đặt trên lòng thương xót, tất cả hệ tại ở tình yêu, tất cả giải quyết bằng yêu mến, bởi “đức ái cao trọng hơn cả” (1 Cr 13,13), nên “trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1 Cr 12,31). Đó là những ơn phát sinh từ đức yêu thương, bởi khi yêu thương, chúng ta được tháp nhập vào chính Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu ; khi yêu thương, chúng ta sống sự sống của chính Thiên Chúa, và tất nhiên, khi yêu thương, chúng ta được thương xót, tha thứ, được hoà giải với Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài.

Tóm lại, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, và muốn chúng ta thương xót anh em mình, như điều kiện để được Thiên Chúa xót thương. Lòng thương xót ở phiá chúng ta đã trở nên bí quyết tuyệt vời để bảo đảm  được Thiên Chúa xót thương như Lời Hứa của Đức Giêsu : “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Về phía Thiên Chúa, lòng thương xót là hồng ân vô cùng kỳ diệu và vĩ đại của Thiên Chúa có tên “Tình Yêu cứu độ” luôn chan chứa tuôn đổ trên những con người yếu đuối, tội lụy nhưng ý thức mình phải “có lòng thương xót để được Thiên Chúa xót thương” tha cho hình phạt lẽ ra phải chịu.       

Xin Chúa cho chúng ta nhận ra điều Chúa muốn, đó là làm Chúa nguôi cơn thịnh nộ bằng nài xin lòng thương xót của Chúa, và thực thi đức ái đối với anh em, để tất cả chúng ta được cùng nhau thân thưa cùng Chúa : “Lậy Chúa, con dâng lời cảm ta : Ngài đã từng thịnh nộ với con, nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Ngài lại ban niềm an ủi” (Is 12,1), vì “tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín Ngài vượt ngàn mây thẳm” (Tv 56,11).

Jorathe Nắng Tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét