Một bầu khí vui mừng, phấn khởi bao trùm Giáo Hội, không
chỉ Giáo Hội chiến thắng trên trời với các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm
nay, mà cả Giáo Hội lữ hành là chúng ta, và Giáo Hội thanh luyện với những người
đã đi trước chúng ta đang chờ được Thiên Chúa cho diện kiến Ngài trong Vương Quốc
Nước Trời, khi tất cả đều hiệp lời tung hô : “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng
ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” và “xin kính dâng Thiên
Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự,
uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (Kh 7,10.12).
Hình ảnh thiên đàng mà sách Khải Huyền mô tả cho chúng
ta thấy các thánh không phải là một đám đông “nịnh thần” vây quanh một ông vua
lạnh lùng, quyền uy, nhưng các thánh là những vị có một tương quan thân thiết,
chí tình với Thiên Chúa : “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn
thử thách lớn lao” với Con Thiên Chúa ; “họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình
trong máu Con Chiên” (Kh 7,14), là Đức
Giêsu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
Như thế họ không xa lạ gì với Ngôi Lời Thiên Chúa, vì đã
cùng trải qua cơn thử thách lớn lao với Đức Giêsu, và được tắm gội, thanh tẩy
trong chính Máu Ngài, “vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa
họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,17).
Từ hình ảnh đến ngôn từ đều cho chúng ta thấy hạnh phúc
làm con Thiên Chúa của các thánh khi các ngài “không còn phải đói, phải khát,
không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa”, nhưng được “Thiên
Chúa lau sạch nước mắt” (Kh 16-17) và được ở trong vòng tay ấm áp yêu thương của
Thiên Chúa là người cha nhân hậu. Như thế, ở thiên đàng, các thánh không phải lấm
lét, sợ hãi như những thần dân khốn nạn bị trị run rẩy trước uy nhan đức vua
nghiêm khắc, hay thịnh nộ, nhưng các ngài hưởng hạnh phúc của những đứa con được
cưng chiều, bởi như thánh Gioan khẳng định : Thiên Chúa yêu chúng ta “đến
nỗi cho chúng ta là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1
Ga 3,1), nên “chúng ta biết rằng khi Đức Giêsu xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống
như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2).
Thực vậy, thiên đàng là đích tới của hành trình đi
theo Đức Giêsu tiến về hạnh phúc đích thực. Hành trình ấy đã được Đức Giêsu công
bố trong Hiến Chương Nước Trời mà người
môn đệ Đức Giêsu phải sống nếu muốn hạnh phúc với Ngài trong nhà của Thiên Chúa,
Cha Ngài.
Đó là hạnh phúc của những con người bé nhỏ, nghèo khó,
hiền lành, khiêm nhường ; hạnh phúc của những tâm hồn sầu khổ vì yêu thương ;
hạnh phúc của những trái tim chịu rạn nứt vì đi tìm công lý, xây dựng hoà bình ;
hạnh phúc của những cõi lòng tan nát vì
xót thương đồng loại và dấn thân quên mình, bỏ mình vì anh em ; hạnh phúc
của những cuộc đời chịu đủ mọi sỉ vả, bách hại, vu khống, thiệt thòi, mất mát vì
Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x. Mt 5,3-11).
Trong nước mắt hôm nay của ngưòi lữ hành trên hành trình
vất vả, có thể chúng ta chưa biết “chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày
tỏ” (1 Ga 3,2), nhưng với đôi mắt đức tin, và tâm hồn trong sạch, hồn nhiên, tín
thác, Thiên Chúa đã cho chúng ta được “lờ mờ” thấy Ngài để vui mừng hớn hở khi
tin vào phần thưởng lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta ở trên trời (x.Mt
5,12), nơi đó đã có mặt đông đảo các thánh tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú bác, cô
dì, anh chị, bạn hữu của chúng ta.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét