Thế giới càng văn minh, người ta càng thích vẽ : nghệ thuật trang điểm là vẽ cho đẹp mắt mũi, môi miệng ; nghệ thuật xâm mình là vẽ đủ thứ mình thích, mình ước mơ trên da thịt ; nghệ thuật hóa trang là vẽ thế nào cho thiên hạ không còn nhận ra mình. Và càng ngày người ta càng say mê vẽ vời trên mình, để rồi quen tay tô vẽ đủ thứ hình ảnh, mầu sắc trên người khác.
Nếu
vẽ trên mình nhằm mục đích che dấu những vết nhăn, vết nứt, vết nhám, vết lồi lõm
trên thân thể, thì vẽ trên người khác lại thường có khuynh hướng làm xấu đi những
nét đẹp sẵn có trên thân xác tha nhân ; nếu vẽ trên mặt mũi mình với ước
muốn làm đẹp mình hơn, thì vẽ trên mặt thiên hạ lại mang ý đồ “bôi tro trát trấu”,
làm xấu đi dung nhan vốn không đến nỗi của người chung quanh ; nếu vẽ mình
với sắc mầu rực rỡ, tươi thắm, thì vẽ người khác luôn được dùng gam mầu tối đen,
ảm đạm, khô héo, tàn úa ; nếu bút mầu dùng để vẽ mình nhẹ như tơ, mềm như
nhung, thì cây cọ dùng để vẽ mặt người lại
ngắn dài tua tủa những gai nhọn như bàn chông sắt ; nếu hình ảnh được
dùng để vẽ mình thơ mộng, quyến rũ, thì
khi vẽ người sẽ biến thành thô kệch, bỉ ổi, xấu xa, kinh dị ; nếu nét vẽ thanh tao,
trang nhã được dành để vẽ mình, thì bợm trợm, lưu manh, gian ác, bần tiện, điếm
đàng sẽ được dành để vẽ người.
Qủa
thực, chúng ta không còn nhiều may mắn để biết được sự thật trong xã hội ngập
tràn gian dối này : không biết người khác thật, giả đã dành, nhưng không
biết cả mặt mình, thân xác mình, lịch sử đời mình đã bị thiên hạ vẽ vời ra sao, tô vẽ
như thế nào…, nên có khi mình “dốt đặc cán mai”, khờ khạo như cục đất khi cần lại
được thiên hạ vẽ thành tên phù thủy quyền năng, gian ngoa, thủ đọan ; có
khi chỉ biết dăm ba chữ để kiếm cơm qua ngày, nhưng bất chợt được thiên hạ cần đến
đã cho vào sổ phong thần, khi vẽ nên một nhân vật cực kỳ đáng ngại, một siêu lừa đảo thượng thặng, vô đối…
Vì
thế, sống trong một xã hội mà ai cũng nhăm nhăm cây cọ với thùng sơn, và lấy làm
thích thú, hả dạ khi bôi được lên mặt người khác, lên cuộc đời người chung
quanh những hình ảnh “rác rưới” dơ bẩn mình muốn, và những ước muốn thấp hèn của
bản năng ích kỷ, thì qủa thực chúng ta đang phải sống một cuộc sống không được
bình yên, trong một thế giới loài người mất dần “nhân tính”.
Mất
dần nhân tính vì người ta không còn lương tri khi tự cho phép mình lấy đi dung
mạo “con người” của người khác, bằng biến họ thành dị nhân, ma quái, ác qủy dưới
cây cọ phóng đại gian dối ; mất dần nhân tính vì người ta không còn lương
tâm, khi cho mình cái quyền đúc tạc, vẽ vời, tạo khuôn, tạo hình cuộc đời người
khác, bằng bôi trét nham nhở, trắng trợn bóp méo hình ảnh “con người” của tha
nhân ; mất dần nhân tính vì người ta không còn lương thiện để ngượng ngùng
khi thêm răng nanh, sừng nhọn, móng vuốt trên con người của người khác ; và
đến một lúc nhân tính sẽ không còn khi người ta làm tất cả công việc họa hình,
tô vẽ người khác với ý đồ làm nhục, vu khống, chụp mũ, hãm hại, tiêu diệt người
khác, cho thoả cơn say ích kỷ hại nhân.
Trước
tình trạng đáng ghê tởm “vẽ người” ngày càng rôm rả, ăn khách, được mùa, chúng
ta phải làm gì?
Thưa
chúng ta chẳng cần quan tâm, vì những hình ảnh xấu xa người khác vẽ lên ta cũng
chỉ là đống rác bẩn thỉu của chính con người họ, mà những gì là cặn bã, rác rưới
tự nó sẽ bị tiêu hủy, mà chẳng cần chúng ta nhúng tay nổi lửa đốt ; những
nét vẽ nham nhở, thô kệch, châm biếm họ vẽ trên người chúng ta cũng chỉ là những
tính cách đặc trưng, đặc thù của chính con người họ, nó sẽ trở về với họ, mà không
thể ở lâu với ta, vì không có đất sống, cũng không có chỗ trụ lại trên mình chúng
ta ; những râu ria, nanh vuốt, đuôi sừng
họ cắm trên thân thể chúng ta cũng chỉ là những phần cốt yếu của chính
con người họ, nên dù có xả cảng đi đâu, có cắt bỏ rồi ném thật xa qua nhà người khác, nó cũng có chân,
có cánh mò về với chủ nhân của nó ; những nét vẽ “kinh tởm, kinh hãi, kinh
khủng, kinh hoàng, kinh khiếp, kinh dị, kinh thiên động địạ” họ gán cho chúng
ta thực chất chỉ là những gì họ đã lâu ngày cưu mang, nuôi lớn, chúng đã mọc sâu,
ăn rễ chằng chịt trong tâm hồn họ, nên có cố bứng đi, nó cũng không chịu rời
con người, ở đó chúng đã chiếm cứ, thao
túng.
Không
quan tâm đồng nghĩa với không chấp những việc của những kẻ “chưa lớn nổi thành
người”, vì trí khôn qúa chật hẹp, và trái tim “ao tù” thiên thu ; không
quan tâm còn đồng nghiã với tha thứ, bỏ qua cho kẻ kiếm chuyện “vẽ người” , vì
qủa thực họ không đủ khả năng để biết và trách nhiệm trên những gì họ vẽ vời, bôi
bác trên mặt và cuộc đời người khác.
Và
cuối cùng, một lý do mạnh khác để chúng ta không cần quan tâm đến những người
chuyên lo “vẽ người” với dã tâm, ác ý, đó là ngay cả Thưọng Đế là Đấng vô hình,
vô tượng, mà con người không hề biết, không hề gặp, không hề thấy, không hề nghe
bao giờ cũng còn bị những kẻ “không tâm,
không tầm”, phản phúc, vô ơn vẽ vời, đúc tạc thành hình con vật, như dân Do Thái
trong sa mạc, trên đường về Đất Hứa năm xưa đã đúc tượng bò vàng và lập bàn thờ
bái lậy bò vàng, như thần đã đưa họ ra khỏi đất Ai Cập (x. Xh 32,3-5), huống hồ
chúng ta là “con người”, nên chuyện bị “người khác” vẽ vời, thêu dệt, đúc tạc hình
tượng theo “tối kiến” của họ với mục tiêu bôi nhọ hình ảnh và làm ô uế cuộc đời
chúng ta ắt là điều khó tránh khỏi, nên phải được coi là chuyện “tàm phào, tào
lao”, không đáng chúng ta quan tâm.
Ước
gì thế giới bớt dần đạo quân “vẽ người” để mọi người được sống những ngày bình
yên với sự thật của chính mình.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét