Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên,
Năm A
Càng
gần những ngày cuối của ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu càng cảm thấy
áp lực nặng nề từ phía giáo quyền Do Thái, khi các thượng tế, ký lục và nhóm
Pharisêu ngày càng công khai dồn sức tấn công và tìm mọi cách giăng bẫy Ngài với
hy vọng giao nộp Ngài cho chính quyền đế quốc Rôma và ước mơ thấy Ngài lãnh án
tử hình đóng đinh, hầu triệt tiêu một khuôn mặt gây nhiều phiền phức, có sức đảo
lộn toàn bộ sinh hoạt xã hội, tôn giáo, và làm sụp đổ thành trì “cơ chế” vững
chắc bảo đảm an toàn chỗ đứng của họ.
Ở
thời điểm căng thẳng này, Đức Giêsu nhiều lần nói với những chức sắc tôn giáo ấy
bằng một cung giọng ngày càng cứng rắn, và không ngại lột trần dã tâm đen tối,
xấu xa của họ, như dụ ngôn “Tiệc Cưới Nước Trời” được ghi lại trong Tin Mừng
Mátthêu.
Dụ
ngôn được coi như bản cáo trạng thu gọn lên án thái độ khinh bạc và quyết định khước
từ của Ítraen, dân Chúa trước lời mời vào dự tiệc Nước Trời của Thiên Chúa. Qua
hình ảnh những khách được mời đã viện đủ lý do để từ chối, đã tìm mọi cách để
không đến dự tiệc, dù “cỗ bàn đã dọn xong, bò tơ, thú béo đã hạ rồi, và mọi sự
đã sẵn” (Mt 22,4). Không đếm xỉa và coi thường lời mời của Thiên Chúa đã đành,
Ítraen còn bắt bớ, hành hạ và giết cả những người của Thiên Chúa sai đến để mời
họ, và Đức Giêsu đóng lại bản cáo trạng bằng một kết luận đanh thép : “Tiệc
cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng” (Mt 22,8).
Trước
lửa hận thù đang sôi sục trong tâm hồn những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái
lúc bấy giờ, lời tuyên bố không nể nang, nhân nhượng của Đức Giêsu về một dân
riêng không còn xứng đáng với tình thương và lòng trân trọng của Thiên Chúa
khác nào đổ thêm dầu để ngọn lửa bùng phát ngàn lần dữ dội, khủng khiếp. Bằng
chứng là ngay sau đó “những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm
cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15).
Khi
nghe Đức Giêsu tố cáo như vậy, chắc chắn một số trong họ đã nghĩ đến ngôn sứ
Giêrêmia, người mà cha ông họ đã bạc đãi, đối xử tồi tệ, bất công, đồng thời nhớ
lại đội quân hùng mạnh của Nabucodonoso gần 6 thế kỷ trước (năm 587 trước công
nguyên) đã tàn phá Đền Thờ và dẵm nát quê hương “Đất Hứa” của họ. Và nhiều người trong họ đã coi đó là hình phạt của
Thiên Chúa Giavê đổ trên dân riêng “bất xứng, ngỗ nghịch”.
Riêng
Đức Giêsu, hôm nay Ngài chính thức cho họ biết có một dân mới được mời gọi vào
yến tiệc Nước Trời thay thế họ ; có những người khách mới được Thiên Chúa
đích thân đón vào dự tiệc cưới ; có những con người mới xứng đáng hơn họ được
Thiên Chúa yêu thương, trân trọng cho đồng bàn. Và những khách mới, người mời,
dân mới ấy chính là “bất cứ ai gặp được ở các ngã đường”, bởi đã đến lúc Thiên
Chúa “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” trong Vương Quốc của Ngài (Mt 22,9).
Hình
ảnh những người khách mới gặp được ở các ngã đường để thay thế những “khách mời
bất xứng” chính là Giáo Hội của Đức Giêsu, một dân tộc mới “gồm muôn dân” được
mời vào dự tiệc của Chiên Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia đã loan báo : “Ngày
ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc : tiệc
thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6), vì
Thiên Chúa, Đấng thiết đãi muôn dân yến tiệc Nước Trời là Mục Tử nhân lành,
Đấng dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, bên dòng nước trong lành ; Ngài
dắt chiên đi trên đường ngay nẻo chính, và dọn sẵn cho chiên “bữa tiệc ngay trước
mặt quân thù” (x. Tv 22,1-5).
Nhưng
khi các khách mời đã vào bàn tiệc, thì một biến cố buồn bất chợt xẩy ra : “nhà
vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ
cưới, mới hỏi người ấy : Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục
lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người
phục dịch : “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó
người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22,13).
Biến
cố thật bất ngờ và đáng buồn chắc chắn đã làm sững sờ nhiều người, nhất là thực
khách bị nhà vua chiếu tướng, điểm mặt và ra lệnh bắt giam, đem đi hành hạ. Ngay
cả chúng ta cũng chung một tâm trạng hụt hẫng ấy, bởi cứ sự thường những vị “khách mới” bất ngờ giờ chót được mời
ở các ngã ba, ngã tư đường đã vào bàn tiệc với y phục thường ngày, vì
không ai trong họ đã được biết trước
mình sẽ được nhà vua mời dự tiệc cưới trong hoàng cung. Thái độ nổi giận và
hình phạt nặng nề của nhà vua trên vị khách không mặc y phục lễ cưới qủa thật
làm sốc không ít và chúng ta cảm thấy có
chút gì bất công về phiá nhà vua.
Thực
ra, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh y phục lễ cưới để nói lên một chân lý quan trọng
đó là Nước Trời từ nay được mở ra cho tất cả mọi người, không trừ ai, không
phân biệt sắc dân, chủng tộc, trình độ, hoàn cảnh, nhưng điều đó không có nghiã
những người được nhận vào Nước Trời không còn phải đáp ứng bất cứ đòi hỏi nào.
Trái lại, luật mới của Tin Mừng, luật của Giao Ước Mới, luật mới của Đức Giêsu,
tuy khác Luật cũ Môsê, nhưng vẫn đòi hỏi không kém, vẫn có những điều kiện buộc
người muốn vào dự tiệc Nước Trời phải tuân giữ, thực hiện. Và Luật đó chính là
Luật Yêu Thương, y phục lễ cưới đó chính là Đức Ái, điều kiện để được Thiên
Chúa yêu thương cho đồng bàn với Ngài trong Vương Quốc, như thánh Tông Đồ Gioan
đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình
yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở
lại trong người ấy”, và “đây là điều răn mà chúng ta đã nhận từ Người : ai
yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,16.21).
Xin
Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên mang sẵn trên mình y phục lễ cưới là Đức
Ái, để bất cứ giờ nào, ở đâu Thiên Chúa mời gọi vào dự Tiệc Cưới Nước Trời,
chúng ta đều đến với Ngài trong y phục Tình Yêu lộng lẫy, xinh đẹp, để xứng đáng đồng bàn với chính Thiên Chúa và các
thánh của Ngài trên Thiên Đàng.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét