Những ngày này, truyền thông Âu Châu bàn bạc, tranh luận nhiều về hiện tượng bạo lực ở giới trẻ, sau những cuộc khủng bố đẫm máu liên tiếp xảy ra tại Pháp mà thủ phạm đều là người trẻ tuổi đời chỉ mười chín, đôi mươi. Brahim cắt cổ hai người, đâm chết một người trong nhà thờ Notre-Dame de l’Assomption ở Nice sáng ngày 29.10.2020 mới 21 tuổi ; Abdoullakh cắt cổ ông Samuel Paty, giáo sư sử địa tại Conflans-Ste-Honorine ngày 16.10.2020 cũng chỉ bước vào tuổi 18; ngày 26.07.2016, hai người trẻ hồi giáo qúa khích Abdel Kermiche và Abdel Malik đã xông lên cung thánh cắt cổ cha Jacques Hamel 86 tuổi khi ngài đang dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ St. Etienne-du-Rouvray, có đông giáo dân tham dự cũng chỉ là những thanh niên chưa qua tuổi hai mươi.
Tâm
trạng chưa thôi bàng hoàng, thì chiều nay, người bạn từ Việt Nam chia sẻ clip bạo
lực ở một nhà trẻ. Tôi bàng hoàng, và không dám tin vào mắt mình khi em bé độ ba tuổi nhiều lần lao tới và thẳng chân
đá vào người một em bé khác chắc chỉ hơn kém một tuổi. Cảnh tượng thật đau lòng
và làm tâm hồn người xem chùng xuống thật sâu.
Chùng
suống thật sâu vì sẽ chẳng còn gì tốt đẹp có thể nổi trội ở tuổi trẻ sau này, nếu
ngay từ nhà trẻ, các bé đã được thoải mái thể hiện quyền thống trị bạo tàn, và
tự do hành hạ đồng loại cách dã man ; sẽ chẳng có gì bảo đảm một tuổi trẻ
của ngày mai được giáo dục nhân cách, được dậy dỗ cách sống làm người tử tế, nhân
ái, được đào tạo thành những người có tâm hồn cao thượng và trách nhiệm, nhờ được
xây dựng từ nền tảng đạo đức nhân bản vững chắc, nếu ngay từ nhà trẻ hôm nay, các
bé đã được sống lối sống ngông cuồng “mạnh được yếu thua” ; sẽ chẳng còn gì
để trông đợi ở tuổi trẻ tương lai như rường cột của đất nước, nếu ngay từ nhà
trẻ, các bé đã không được khai tâm bằng lòng nhân ái, tình huynh đệ, nghiã đồng
bào ; sẽ chẳng còn gì để hy vọng một dân tộc hùng mạnh, bình an, hạnh phúc,
nếu ngay từ nhà trẻ, các bé đã có thể bạọ hành người khác như giữa chốn không
người ; sẽ không bao giờ có một quê hương ấm êm, thanh bình, nếu ngay từ
nhà trẻ, bảo mẫu đã tự nguyện giải giới vô trách nhiệm, bằng giải pháp vắng mặt,
bận rộn việc khác và bỏ mặc bé lớn ăn hiếp bé nhỏ theo nguyên tắc “cá lớn nuốt
cá bé”.
Sẽ
chùng sâu hơn nữa, vì làm sao trong tương lai, trên đất nước này sẽ có được những
đứa con hiếu thảo, những người chồng, người vợ hiền hoà, những anh chị em tương
thân tương ái, những người bạn chân tình, những công dân yêu quê hương, đồng bào,
nếu ngay từ nhà trẻ người ta đã coi nhẹ trách nhiệm giáo dục những em bé, mà không
tập cho các bé biết nhường bạn, biết chơi chung đồ chơi, biết kính sợ bảo mẫu,
biết tôn trọng người lớn, biết việc gì được phép và việc gì không được phép làm ;
sẽ chùng sâu hơn nữa tương lai của gia đình và xã hội, khi không ai, không quyền
bính nào có thể bảo đảm gia đình sẽ không là “mảnh đất mầu mỡ” của các kiểu bạo
hành, xã hội sẽ là đấu trường thi thố bạo lực, nếu ngay từ nhà trẻ, người lớn đã
không dám lên tiếng bênh vực các bé yếu thế, vì cha mẹ nghèo, không dám bảo vệ
các bé không được gửi gắm riêng, không dám
đối xử bình đẳng giữa các bé thuộc diện con cháu đại gia, quan chức và các bé
thuộc diện gia đình có hoàn cảnh, nhưng dồn nỗ lực, thời gian o bế, chiều chuộng,
bao che, chăm sóc những bé có cha mẹ làm lớn, có quyền, nhiều tiền để tìm lợi
nhuận và “bình an” cho cơ sở; sẽ chùng sâu thật sâu, và khó ngoi lên lắm tương
lai của đất nước này, nếu ngay từ nhà trẻ, nạn phân biệt đối xử, kỳ thị giai cấp giữa các bé đã trở thành bình thường, và chẳng
còn mấy người quan tâm tìm cách ngăn chặn, sửa đổi.
Qủa
thực, giáo dục bắt đầu từ tuổi thơ, nhưng bức tranh giáo dục tuổi thơ trong nhiều
nhà trẻ hôm nay không mang nhiều mầu sắc hy vọng. Bằng chứng là người ta không
ngớt phơi bầy những cảnh bảo mẫu bạo hành, cha mẹ đến lớp bạo hành, và tất nhiên
rất nhiều cảnh bạo hành tương tự giữa các bé với nhau, mà không có sự can thiệp
cấp thời của người có trách nhiệm chăm
nom các bé…
Trước
những hiện tượng làm se dạ thắt lòng trong giáo dục, nhất là giáo dục tuổi thơ,
thiết tưởng chúng ta không cần phải lý giải, biện luận, giãi bầy, thanh minh với
đủ thứ lý do linh tinh, và luận chứng nhùng nhằng. Chúng ta cần lương thiện hơn
lúc nào hết để cứu lấy nền giáo dục của hiện tại đang rữa nát, băng hoại, và cứu
lấy tương lai của con cháu không xa vực thẳm bao nhiêu.
Chúng
ta cần lương thiện, mỗi người cần lương thiện, vì chỉ lương thiện trở về với chính
mình, chúng ta mới có cơ may ra khỏi qũy đạo gian dối, thoát khỏi quy trình lừa
đảo mà xã hội thực dụng, tiêu thụ, vật chất đang khống chế, nghiền nát chúng ta
một cách tinh vi, nhưng rất vô nhân đạo.
Và
ngay bây giờ, lương thiện đòi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, sự thật bạo hành
ngay từ nhà trẻ, bởi không can đảm đối diện sự thật và chấp nhận sự thật, dù sự
thật có thể qúa phũ phàng, và ghê tởm, kinh khiếp, chúng ta vẫn phải lương thiện
đối diện, lương thiện nhìn nhận, lương
thiện sửa sai, đổi mới, vì chỉ sự thật mới thực sự giải phóng chúng ta và cho dân
tộc chúng ta được tự do để thăng tiến.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét