Pages - Menu

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

TRÔNG ĐỢI VÀ THỬ THÁCH

 

Một sự thực mà phần đông dân ítraen đã không ngờ là Lời của Thiên Chúa Giavê hứa với họ : “Ta là Đức Chúa. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi làm việc khổ sai cho người Ai Cập, sẽ cứu các ngươi khỏi làm nô lệ chúng. Ta sẽ giơ cánh tay uy lực mà chuộc các ngươi lại” (Xh 6,6) đã không là lý do để từ nay họ không phải chiến đấu trước những thử thách đủ loại, càng không là bảo đảm của một cuộc sống lười biếng, rong chơi, thụ hưởng, hay không còn phải làm việc “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Trái lại, trông đợi không lọai bỏ thử thách, Lời Hứa không triệt tiêu phấn đấu, hy sinh, và hình ảnh những năm tháng dài Vượt Qua để về Đất Hứa của dân Thiên Chúa cho chúng ta thấy Trông Đợi và Thử Thách luôn sánh đôi đồng hành .

1.   Lời Hứa của Thiên Chúa và tự do đón nhận Lời Hứa của con người :

Lời Hứa của Thiên Chúa luôn đòi con người tự do đón nhận hay khước từ, vì Lời Hứa không áp đặt, tạo áp lực trên người được hưởng Lời Hứa, như ai đó hứa với ta điều gì, ta luôn có quyền không  quan tâm đến việc thực hiện lời hứa ấy, nếu ta không muốn, vì không tin hoăc không yêu mến người đã mở lời hứa với ta.

Vì thế, Lời Hứa của Thiên Chúa mang bản chất và sắc thái của một Giao Ước như chính Ngài đã nói với Môsê : “Này Ta sắp lập một giao ước. Trước mặt toàn dân của ngươi, Ta sẽ làm những việc lạ lùng chưa hề được thực hiện trong một nước hay một dân nào. Toàn dân ở chung quanh ngươi sẽ thấy việc Đức Chúa làm, vì điều Ta sắp dùng ngươi mà làm thì thật dáng sợ” (Xh 34,10).

Và điều mà Thiên Chúa đòi dân Ngài phải đáp lại Lời Hứa, điều kiện mà Ítraen phải đáp ứng để Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê  được thực hiện chính là “Hãy giữ kỹ điều Ta truyền cho ngươi hôm nay… Hãy ý tứ, đừng lập giao ước với dân cư trong xứ nơi ngươi sắp vào, kẻo chúng trở thành cạm bẫy ở giữa ngươi” (Xh 34,11.12).

 

2.   Lời Hứa của Thiên Chúa mở ra và kêu gọi lòng trung tín của con người :

Nếu không có Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê, Ítraen không trông đợi ngày giải phóng, không hy vọng những ngày được sống bình an, thịnh vượng trên “miền đất chảy sữa và mật”, nhất là không trông đợi có Thiên Chúa đầy uy lực bảo vệ, hướng dẫn, thì Ítraen không cần phải chu toàn một khế ước, giao kèo với Thiên Chúa Giavê.

Nhưng vấn đề ở đây là Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của dân tộc này, và nhận Ítraen là dân riêng, thuộc về riêng Ngài, nên đòi hỏi Ngài đưa ra mà Ítraen phải tuân giữ chính là “Ngươi không được lập giao ước với dân cư trong xứ, kẻo khi chúng đàng điếm với các thần của chúng và tế họ, chúng sẽ mời người và ngươi sẽ ăn đồ cúng của  chúng, ngươi sẽ kén vợ cho con trai ngươi trong số con gái của chúng, con gái chúng sẽ đàng điếm với các thần của chúng và làm cho con trai ngươi đàng điếm với các thần đó” (Xh 34,15-16).

Tất cả cạm bẫy sẽ đến từ việc “lập giao ước với dân cư trong xứ”, mà Thiên Chúa cảnh báo Môsê và dân Ngài, bởi Ngài biết dân Ngài sẽ không kiên định giữ Giao Ước đã ký kết vói Ngài trước những cám dỗ của dân ngoại, để rồi rơi vào tình trạng phản bội Thiên Chúa, theo dân ngoại đúc tạc và thờ lậy ngẫu thần.

Thiên Chúa cũng biết mọi tội lỗi sẽ ập về cuốn trôi dân Ngài, khi Ítraen không còn trung tín với Giao Ước, không còn tin vào Lời Hứa của Ngài. 

Thực vậy, Lời Hứa không là “bánh vẽ”, thuốc phiện cho con người ru ngủ mình trong mộng vàng ảo tưởng, nhưng là khởi đầu một hành trình Vượt Qua nhiều thử thách, là liều lĩnh dấn thân trên con đường đầy thách đố, mạo hiểm, do Lời Hứa lôi cuốn, thúc đẩy. Chính Lời Hứa làm cho hành trình phấn đấu có ý nghiã ; chính Giao Ước ban cho trái tim nhiệt huyết và đôi chân sức mạnh dẻo dai để vượt qua mọi gian nan, vất vả.

3.   Lời Hứa của Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót và trung tín của  Ngài :

Ítraen đã không nghĩ rằng mình có thể phản bội Thiên Chúa dễ dàng đến thế, và Môsê đã không thể tưởng tượng dân đã cứng đầu cứng cổ đến như vậy, với không biết bao nhiêu lần vi phạm Giao Ước, chối bỏ Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê.

Không nói đến những lần kêu ca, trách móc, than thở “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống ?” (Xh 15,24), “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây !” (Xh 16,3). Chỉ kể đến lần Ítraen đã làm một tội rất lớn là bỏ Thiên Chúa Giavê và thay thế Giavê Thiên Chúa bằng Bò Vàng, khi “toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông Aharon. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói : “Hỡi Ítraen, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập. Thấy vậy, ông Aharon dựng một bàn thờ trước tượng con bê …” (Xh 32,3-5).

Thế là Lời Hứa của Thiên Chúa bị khinh miệt, từ chối bởi toàn dân và cả Aharon, người thay mặt Môsê lãnh đạo dân trong khi Môsê vắng mặt, lên núi gặp Thiên Chúa ; Giao Ước ký kết với Thiên Chúa đơn phương bị dân xé bỏ cách tàn nhẫn, phũ phàng ; tình thương và ân huệ của Thiên Chúa bị chính dân Ngài phủ nhận khi nhận bò vàng là thần đã giải phóng họ khỏi đất Ai Cập.

Qủa thực không còn tội ác nào kinh khủng hơn, không còn hành động phản phúc nào nặng nề hơn, không còn xúc phạm nào đáng nguyền rủa, trừng phạt hơn. Thế mà Thiên Chúa vẫn nhẫn nại, trung tín với Lời Ngài hứa, và bao dung tha thứ cho dân, khi phán với ông Môsê : “Ngươi hãy đẽo hai bia đá giống như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước mà ngươi đã đập vỡ. Ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng cho sáng ngày mai”. Và ngày mai, “Đức Chúa đã ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông”, và Ngài xưng mình là “Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghiã và thành tín, giữ lòng nhân nghiã với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi…” (Xh 34, 1-2.5-7).

Trong Tân Ước, Lời Hứa của Thiên Chúa : “Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2) và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23) cũng đòi điều kiện : “Anh em hãy sám hối”, tức “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3).

Đây cũng là thách đố đầy cam go, thử thách đòi nhiều cố gắng, hy sinh để vượt qua, vì không ai “trốn được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, nếu không sám hối, cũng như đừng ai tưởng rằng “chúng ta có tổ phụ Ápraham” (Mt 3,7-9), vì “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh qủa tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,9-10), như Thiên Chúa Giavê đã nói với Môsê về Ítraen cứng đầu : Tuy là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi… nhưng Thiên Chúa “không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34,8).

Vâng, Trông Đợi không miễn trừ những thách đố, thử thách trước những cám dỗ phản phúc, bội ước đối với Thiên Chúa và Giao Ước, Lời Hứa của Ngài. Trông đợi cũng không lấy đi những giới hạn, yếu đuối, mỏng dòn của thân phận làm người nơi chúng ta. Vì thế, là con cái của Lời Hứa, thuộc giống nòi của Giao Ước, người Kitô hữu được mời gọi học với Môsê, “con người khiêm nhường nhất trong con cái loài người” (Ds 12,3) để khiêm hạ phủ phục thờ lậy và thân thưa : “Lậy Chúa, nếu qủa thực con được nghiã với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 34,9).

Với tâm tình khiêm tốn tín thác trông đợi ấy, Thiên Chúa sẽ không đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ, và thịnh nộ trừng phạt, nhưng  thương xót tha tội và cùng đi với chúng ta trên đường Hy Vọng vào Lời Hứa Cứu Độ và Trông Đợi ngày Chúa đến đón chúng con vào trong vinh quang của Ngài.

Jorathe Nắng Tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét