Không phải ai cũng thích và biết làm việc chung với người khác, bởi có rất nhiều công trình đã thất bại vì người trong cuộc không biết hoặc không muốn cộng tác đến cùng, do rất nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết các nguyên nhân đều quy về cái lý do tối thượng, tối cao, tối quan trọng, đó là cái tôi ích kỷ kiêu căng, cái tôi ích kỷ sở hữu, cái tôi ích kỷ chiếm đọat.
Nếu bạn đã làm việc chung, đã cùng nhiều người đóng góp công sức, tiền bạc đầu tư vào một kế hoạch, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm tương tự như những gì tôi sắp chia sẻ :
1. Không phải ai cũng có thể cộng tác, làm việc chung :
Ban đầu khi kế hoạch còn trong trứng nước, ở thời kỳ phôi thai, cưu mang, bàn tính thì ai cũng mạnh miệng cộng tác và năng nổ hô to khẩu hiệu : « mỗi người một tay xây dựng công trình, thực hiện kế họach », nhưng khi mọi sự đã lên khuôn, mọi việc đã chạy đều, thì phát sinh rất nhiều vấn đề, những vấn đề của con người khi cộng tác với nhau. Và chỉ lúc này, nhiều người trong cuộc mới té ngửa thất vọng khi nhận ra không phải ai cũng có thể cộng tác, làm việc chung, vì rất ít người muốn cộng tác để cùng phát triển, thích cộng tác để cùng thăng tiến, và càng ít người có khả năng tinh thần để cộng tác chân thành, cao thượng.
2. Không có thể cộng tác, làm việc chung vì ích kỷ :
Yếu tố làm cho cộng tác thành tựu, làm cho việc chung tiến triển tốt đẹp chính là mỗi người phải bỏ bớt « cái tôi », dẹp bớt « cái mình » ích kỷ, để việc chung không biến thành việc riêng, quyết định chung không biến thành quyết định riêng, đường lối chung không bị bẻ cong thành đường riêng của một người, bởi khi làm việc chung, nếu để khuynh hướng ích kỷ của « cái tôi » lấn lướt thì « cái chúng tôi » không còn chỗ đứng và ý nghiã cộng tác không thể tồn tại ; nếu sức mạnh ích kỷ của cá nhân có sức áp đảo tập thể cộng tác, thì sớm muộn, công trình chung sẽ phải đình trệ, đổ vỡ, vì không ai đủ nghị lưc và kiên nhẫn để đối đầu với cá nhân ích kỷ khi làm việc chung với họ.
Người ích kỷ chỉ nghĩ cho mình, nên độc đoán và tìm mọi cách đưa đẩy, lèo lái, khống chế đường lối chung theo ý muốn riêng mình ; người ích kỷ chỉ tính toán lợi nhuận về mình, nên dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn mượn uy tín của tập thể để làm lợi cho bản thân mình, dùng công trình, thành qủa chung làm bàn đạp để tiến thân, xây dựng cơ đồ, thành qúach riêng cho mình ; người ích kỷ chỉ thu gom cho mình, nên ma mãnh biến của chung thành của riêng, tìm sơ hở để sở hữu, chiếm đoạt bao nhiêu có thể tài sản của tập thể ; người ích kỷ chỉ nghĩ mình là trung tâm, nên coi thường đóng góp của người khác, mà chỉ vênh vang đề cao công sức, vai trò của mình ; người ích kỷ chỉ tìm mình, nên không quan tâm đến người cùng làm việc, không nhìn nhận kết qủa công việc của người cùng làm, và luôn đánh giá thấp người cộng tác với mình.
3. Để cộng tác, phải có tâm hồn cao thượng :
Người ích kỷ thì nhỏ mọn, hẹp hòi : hẹp hòi từ cái nhìn đến tư duy, chọn lựa ; nhỏ mọn từ lời ăn tiếng nói đến ứng xử hành động. Ở người ích kỷ, người ta không gặp được những gì cao đẹp, cao qúy, cao thượng, bởi tâm hồn họ đóng kín, khép chặt, bởi trái tim họ không có chỗ cho bất cứ ai, ngoài gia sản Ích Kỷ kếch sù của họ, nên đời sống tinh thần của họ kinh niên nghèo nàn, cằn cỗi, khô héo.
Khác với người ích kỷ, người có tâm hồn cao thượng không tìm mình khi làm việc chung với người khác, nhưng nhìn việc chung như cơ hội tốt để tự đào tạo mình thành người tốt hơn, bằng quan tâm đến thành công và hạnh phúc của người khác, những người cùng chia sẻ công việc với họ ; người có tâm hồn cao thượng ý thức giá trị của hợp tác, ý nghiã cao đẹp của cộng tác, và tìm mọi cách để mọi người làm việc chung vói nhau trong niềm vui và hạnh phúc ; người có tâm hồn cao thượng không dòm ngó, rình mò, truy xét cái yếu của người cùng làm việc với mình, nhưng quan tâm bảo vệ, giúp đỡ nâng tầm ; người có tâm hồn cao thượng không coi mình là chià khóa của thành công, nhân tố quyết định duy nhất, nhưng nhìn thấy giá trị của từng người, thành qủa đóng góp của từng cá nhân trong công việc chung ; người có tâm hồn cao thượng không lợi dụng tập thể cho cơ đồ cá nhân, không khai thác những người cùng làm việc cho lợi ích riêng, nhưng đặt lợi ích chung của nhóm trên tất cả.
Bên cạnh những đức tính tốt đẹp cần thiết cho hợp tác, cộng tác, người có tâm hồn cao thượng còn nổi bật ở tinh thần vị tha, qủang đại, khi biết lắng nghe và kiên nhẫn chịu đựng : lắng nghe những người cùng làm việc, mà không tìm cách áp đặt người khác bằng mọi giá quan điểm, ý kiến của mình, đồng thời kiên nhẫn chịu đựng những thiếu sót của người cộng tác với mình, vì tôn trọng và yêu mến.
Thực vậy, có làm việc chung, người ta mới biết mình và biết người khác cách chính xác, bởi chỉ khi cộng tác, những đức tính và nết xấu mới có cơ hội lộ ra rõ ràng, không thể chối cãi, bởi người ích kỷ thủ lợi thì mấy khi để ý đến việc chung, quan tâm đến người khác, do thời gian đã được dành hết để lo thu gom, bốc hốt cho mình ; bởi người ích kỷ lười biếng thì nói nhiều hơn làm, đưa đẩy người khác ra tuyến đầu, chống chọi mọi khó khăn, còn mình thì ung dung, « phè cánh nhạn » ; bởi người ích kỷ vô trách nhiệm thì tong tớn phê bình, thụt thò chỉ trích, và hở ra là đấu đá, phá họai ; bởi người ích kỷ gian tham thì luôn miệng kể lể công lao, tự phong danh hiệu cách lố bịch, kệch cỡm, mà không biết mình rất tầm thường, tồi tệ khi mưu đồ chiếm đọat thành qủa chung, công trình của nhiều người khó có thể ngụy trang, che giấu mãi.
Vì thế, có làm việc chung, chúng ta mới thấm thiá tình đời, và con người phức tạp, nhiêu khê khó đo lường ; có từng cộng tác, chúng ta mới biết phần lớn những thất bại không phải vì không có « thiên thời, địa lợi », nhưng vì thiếu « nhân hoà » giữa những người cùng làm việc ; có làm việc với nhiều người, chúng ta mới thấy được cộng tác với những người « có tâm có tầm » là một may mắn rất hiếm hoi trong cuộc đời ; có trải qua những thách đố cam go khi giữa những người cùng làm việc có một, hay hai người ích kỷ, chúng ta mới thấu hiểu cái mệt mỏi, chán chường khi công trình chung không tiến được chỉ vì một trái tim qúa nhỏ nhen, hẹp hòi, ti tiện ; có từng vất vả chèo chống công trình chung đến kết qủa cuối cùng với một tập thể gồm nhiều thành phần, chúng ta mới cảm nghiệm sâu sa sự cao qúy của những con người có tâm hồn cao thượng.
Ước gì chúng ta biết dẹp bỏ một chút cái tôi kiêu căng, quên đi một chút cái mình ích kỷ để cao thượng và chân thành cộng tác với mọi người cho lợi ích chung của xã hội, đất nước, Giáo Hội và của chính mình.
Jorathe Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét