Pages - Menu

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

ƠN TRỞ LẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ

   
Thánh nhân nào cũng có một qúa khứ, và tội nhân nào cũng có một tương lai để nói lên một chân lý : đường thánh thiện chính là đường hướng đến một ngày mai trở về như ngôn sứ Giôen đã kêu gọi : Đây là sấm ngôn của Đức Chúa : Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta (Ge 2,12).
Thánh Phaolô có một quá khứ huy hoàng : ngài là nguời Do Thái trí thức, khoa bảng, có tên tuổi, rất được trọng vọng, vì với thầy Gamalien nổi tiếng uyên thâm, đạo đức, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa (Cv 22,3). Phaolô còn là công dân Rôma, công dân của đế quốc thống trị, nên quan quân Do Thái chẳng dám động vào, như sách Công Vụ các Tông đồ đã kể : khi Phaolô bị người Do thái bắt, viên đại đội trưởng đi báo cho vị chỉ huy rằng : Ông định làm gì bây giờ ? Đương sự là công dân Rôma ! Vị chỉ huy liền đến gặp Phaolô và hỏi : Ông nói cho tôi biết : Ông là công dân Rôma sao ?. Ông Phaolô trả lời : Phải. Vị chỉ huy nói tiếp : Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy. Ông Phaolô đáp : Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi. Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phaolô là công dân Rôma mà mình lại đã còng ông ấy (Cv 22, 26-29).
Nhưng qúa khứ huy hoàng ấy bỗng chợt sầm tối lại, khi ông được hội đồng kỳ mục Do Thái ở Giêrusalem ký giấy giới thiệu ông đi Đamát để truy lùng những người theo đạo của Đức Giêsu. Ông đã không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà theo đạo của Đức Giêsu, và giải họ về Giêrusalem trừng trị (Cv 22, 4-5).
Và còn tối tăm thê thảm hơn nữa, khi mắt ông không còn thấy gì (Cv 22,11) khi một luồng sáng chói lọi từ trời bao phủ ông và quật ông ngã xuống khỏi ngựa (x. Cv 22,6).
Phaolô đã bị hạ gục ê chề nhục nhã, để từ vinh quang trên ngựa đến mù loà, phải bò lê bò càng trên đường, dưới nắng trưa hừng hực thiêu đốt.
Con đường trở lại của ông đã khởi đi từ cú ngã ngựa thê thảm, ô nhục, nhưng  nhờ biến cố nốc ao (knock-out) đó, ông đã ra khỏi háo thắng, kiêu căng, hung hăng, cao ngạo, ỷ mình có tất cả, nghĩ mình làm được tất cả. Đúng hơn, Thiên Chúa đã cho Phaolô cơ hội trở lại với Ngài bằng đánh gục ông, để từ bóng tối nhục nhã, ông bước vào vùng sáng Khiêm Nhường. Và nhờ khiêm nhường, ông mới gặp được Chúa.
Thực vậy, biến cố ngã ngựa đã giúp Phaolô khiêm tốn, để có thể lên đường trở lại với Đức Giêsu, Đấng ông đang truy lùng, tiêu diệt, vì khiêm nhường là điều kiện đầu tiên để được hoà giải, gặp gỡ Thiên Chúa. 
Chỉ với tâm tình khiêm nhường biết mình đi sai đường, sau khi ngã ngựa, Phaolô mới tìm đường trở lại, và nhận ra tiếng Thiên Chúa ; chỉ với ước muốn khiêm nhường, Phaolô mới dám tín thác và hồn nhiên thưa với Chúa : Thưa Ngài, Ngài là ai ?, và mới được Chúa tự mặc khải cho: Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ (Cv 22,8) ; chỉ với thái độ khiêm nhường sẵn sàng thực thi Thánh Ý, Phaolô mới bình an xin Chúa dạy phải làm gì (x. Cv 22,10), và chỉ với sức mạnh siêu nhiên của khiêm nhường, Phaolô mới ngoan ngùy làm những gì Thiên Chúa chỉ dạy, và hiền hậu để các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đamát gặp ông Khamania, người mà Thiên Chúa  đã chọn để nói cho Phaolô  biết : Thiên Chúa đã chọn ông để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt muôn dân (x. Cv 22,12-16).
Mừng lễ thánh Phaolô trở lại, chúng ta hồi tâm để biết mình đang ở cây số nào trên đường trở lại với Chúa, vì sự thánh thiện, cũng như mức độ thánh thiện tùy thuộc vào tinh thần khiêm tốn trên đường trở về của chúng ta.
Rất có thể chúng ta đang trên đường về, nhưng về rất chậm, vì chúng ta không đủ khiêm tốn để dám thay đổi những gì đang sai, sửa đổi những gì đang lẫm lỗi, như thánh Phaolô tuy đang nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa (CV 22,3) như tất cả các tín hữu tốt lành của đạo Do Thái đã mạnh dạn từ bỏ ngay sứ mệnh truy lùng, giết chết những tín hữu Kitô, để được Đức Kitô biến đổi thành tông đồ dân ngoại ; rất có thể chúng ta không đủ khiêm nhường để nhận ra bên cạnh mình đang có rất nhiều người cũng được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn một cách khác mình, trên những con đường có thể chông gai, khó khăn, trắc trở, gian nan hơn con đường Chúa đã chọn cho mình, nên nhiều năm tháng qua, chúng ta mà vẫn dậm chân tại chỗ trên đường thánh thiện, vì lo bực bội, ganh ghét, tị nạnh, như những công nhân làm vườn nho từ sáng sớm đến cuối ngày đã gây sự với ông chủ, vì ông đã quảng đại trả lương một ngày làm cho cả những công nhân chỉ được nhận vào làm ở giờ cuối (x. Mt 20, 1-16) ; rất có thể chúng ta chưa đủ khiêm nhu, để  lợi dụng những biến cố bề ngoài xem ra bất lợi, thua lỗ, thất bại, nhưng lại là điều Chúa muốn, để khám phá rõ hơn thánh ý Chúa, và nhận rõ hơn dung mạo yêu thương của Ngài.
Lễ thánh Phaolô trở lại năm nay rơi vào ngày mùng một Tết. Thiết tưởng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại con đường đã đi qua của năm cũ, và hướng tới năm mới thánh thiện hơn, bằng chuẩn bị những bước chân khiêm nhường lắng nghe tiếng Chúa, khiêm tốn thực thi điều Chúa dạy, và khiêm nhu, đằm thắm khi thì cầm tay các bạn đồng hành, lúc thì để các bạn đồng hành cầm tay dắt đi gặp Chúa nơi những người anh em bé nhỏ nhất của Chúa đang sống chung quanh.
Người viết mến chúc các Bạn Năm Mới có Chúa, và Bình An trên đường trở lại như thánh Phaolô.
Jorathe Nắng Tím

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ VIÊN


THAY LỜI KẾT
Không ai có thể nói điều mình không biết, nhưng có nhiều thứ biết: có cái biết  để chuyển tải một kiến thức mà không cần cảm hoá, thuyết phục như cái biết của giáo viên dậy môn khoa học tự nhiên; có cái biết vừa đủ để có thể rình rang qủang cáo như cái biết của những nhân viên tiếp thị về một món hàng; có cái biết loáng thoáng, lơ mơ  của quan chức về một đơn vị hành chánh sắp đến thăm; có cái biết hời hợt, hoàn toàn có tính giao lưu tạm bợ, nhất thời của mấy anh “cò”; có cái biết  nông cạn, sai bét của những ông thần nát rượu từ sáng đến tối oang oang khoác lác trong những quán cóc đầu chợ.
Khác với những cái biết vừa kể, biết  để rao giảng, đồng hành, cảm hoá, và thuyết phục của Giáo Lý viên trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, tuyên xưng Đức Giêsu, quảng bá Lời Thiên Chúa là cái biết không giống bất cứ cái biết trần gian nào.
Không giống vì đó là cái biết Thiên Chúa: Biết con người đã khó, biết tâm hồn người khác đã nhiêu khê, nay phải biết Thiên Chúa chắc chắn phải  ngàn lần cam go hơn !
Cam go, vì “biết Thiên Chúa” đòi Đức Tin là ơn huệ Chúa ban nhưng không cho người dám liều đi với Chúa.
Cam go, vì “biết Thiên Chúa” đòi Tình Yêu là chính Chúa nơi trái tim biết quảng đại mở ra đón nhận.
Cam go, vì “biết Thiên Chúa” đòi tín thác, cậy trông một mình Chúa và thâm tín rằng: “Ơn phù trợ chúng con ở nơi Danh Chúa”.
Giáo Lý viên sẽ chỉ biết Thiên Chúa khi tin, yêu, hy vọng ở Đức Giêsu, Thiên Chúa - làm người. Trong Đức Tin, Đức Mến, Đức Trông Cậy, Giáo Lý viên được biến đổi để loan truyền Tin Mừng đích thực, giới thiệu không sai sót Hiến Chương Hạnh Phúc Nước Trời và mạnh dạn làm chứng  Ngôi Lời đã ở giữa chúng ta, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.
Lời chứng của Giáo Lý viên sẽ có sức cảm hoá, nếu đời sống của Giáo Lý viên là Lời Chúa sống động. Bài giảng của Giáo Lý viên sẽ có sức thuyết phục, nếu đời Giáo Lý viên mang sức sống của Thiên Chúa. Bởi để làm chứng Đức Giêsu tiên vàn phải trở nên giống Ngài, và để giống Ngài, môn đệ đi theo Ngài phải ở với Ngài, ở trong Ngài như cành nho gắn bó mật thiết với cây nho, như trái tim hai người yêu nhau đan quyện, như Ba Ngôi là một Thiên Chúa , như nhân tính và thiên tính cùng có mặt nơi Đức Giêsu.
Nên một với Đức Giêsu cũng chính là nên một trong thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội mà Giáo Lý viên thuộc về, được sai đi, hết tình yêu mến, và hết mình phục vụ.
Xin cho đời Giáo Lý viên được mãi như cây nến: cháy nhờ sáp hy sinh, nóng nhờ lửa nhiệt tình, để toả sáng cho đời nhờ  hiệp thông với  Đức Giêsu là nguồn Ánh Sáng cứu độ.
Tân Phú, Lễ Thánh Tâm Chúa 27/ 6/2014
Jorathe Nắng Tím

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ VIÊN


V.         LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY CỦA GIÁO LÝ VIÊN
Không đọc Lời Chúa mỗi ngày phải kể là một thiếu sót lớn đối với Giáo Lý viên. Kinh Thánh như thư tình Thiên Chúa gửi mỗi ngày cho người Chúa yêu và yêu Chúa, như những tin nhắn hai người yêu nhau nhiều lần  gửi cho nhau trong một ngày. Gửi cho nhau không chỉ để thông tin, nhưng còn để thông cảm thông tình, hiệp thông. Tình yêu đòi  chia sẻ, và trao đổi tâm tình là hoạt động  nhiều ý nghiã chia sẻ nhất.
Đọc Lời Chúa là gặp gỡ chính Đức  Giêsu, Đấng là Ngôi Lời đã đến để nói với nhân lọai. “Nói với” cần có “lắng nghe”. Hai ngưòi yêu nhau rất cần đối thoại, và Kinh Thánh là gặp gỡ, đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và con người.
Để đọc Lời Chúa như đối thoại với Ngài, để có Lời Chúa như tin nhắn yêu thương, để Lời Chúa trở thành tâm sự của Thiên Chúa và mỗi người, Giáo Lý viên phải lưu tâm :
1.      Trung tâm của toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước là Đức Giêsu Kitô.
Điều quan trọng nhất là đặt Đức Giêsu là trung tâm mà tất cả phải quy chiếu, tập trung vào. Cựu Ước chỉ là chuẩn bị cho Tân Ước; nói cách khác, lịch sử dân Do Thái là những chuẩn bị xa cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Lịch sử này với những biến cố thăng trầm của dân riêng được chọn luôn quy chiếu về một biến cố vô cùng trọng đại, đó là sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.
Vì thế, chúng ta không thể đọc Cựu Ước như đọc một bộ lịch sử bình thường của một dân tộc, bởi dân tộc này đã được Thiên Chúa chọn để chuẩn bị cho mầu nhiệm “làm người của Thiên Chúa”, một dân riêng được chính Thiên Chúa tuyển để  “Thiên Chúa làm người” trong một gia đình có cha có mẹ; một gia tộc có ông bà, cô dì, chú bác, anh em; một xóm làng có bà con láng diềng; một quê hương, dân tộc có tình tự; một đất nước có bề dầy lịch sử; nghiã là Thiên Chúa làm người ở một địa điểm, thời điểm chính xác trong giòng lịch sử sống động của con người. Mầu nhiệm làm người đã được chu đáo chuẩn bị từ đời đời, và dân tộc đón nhận Đấng Cứu Thế giáng trần là Ít-ra-en  được khai sinh từ  Áp-ra- ham, người được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ “một dân đông như sao trên trời” (St 15,5- 6).
Với sứ mạng chuẩn bị cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế đến trong thế giới, Cựu Ước làm nhiệm vụ tiên báo những gì Đức Giêsu sẽ thực hiện khi Ngài đến, cũng như Gioan Tẩy Giả là gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước đã kêu gọi mọi người ăn năn, xám hối: “ Hãy dọn sẵn con đường cho Thiên Chúa, sửa lối ngay thẳng cho Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,5- 6).
Một thí dụ điển hình: Khi đọc Thánh Vịnh 22 về “người đầy tớ đau khổ của Giavê” trong Cựu Ước, chúng ta nhận ra ngay “Đức Giêsu  khổ nạn” được kể trong Tân Ước. Thánh vịnh đã hình dung trước Đức Giêsu trong cuộc tử nạn với từng chi tiết đối chiếu với trình thuật “thương khó” của Tân Ước:
· Tv 22, 2: “Lậy Thiên Chúa, con tôn thờ, sao Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con ?” báo trước tiếng kêu thảm thiết của Đức Giêsu trên thánh giá giờ hấp hối: “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mt 27, 46).
·      Tv 22, 2-3: “Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời.Ngày kêu Chúa không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” báo trước giây phút cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu: “Người đi xa hơn, sấp mặt xuống đất cầu nguyện rằng: “Lậy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, nhung xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).
·      Tv 22, 4 - 6 : “Thế nhưng Chúa ngự nơi đền thánh và vinh quang của Ít-ra- en là Ngài. Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì” tiên báo vinh quang của Đức Giêsu được Chúa Cha ban sau cuộc tử nạn và sống lại của Ngài mà Tân Ước đã kể lại trong Ga 10, 18; Mt 11, 27; đặc biệt Cl 1, 15: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo”.
·      Tv 22, 10 -12: “Đưa con ra khỏi bào thai, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa từ sơ sinh. Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không người giúp cho” tiên báo cảnh Đức Giêsu phải trốn sang Ai Cập thuở sơ sinh để tránh sự truy lùng của vua Hêrôđê trong Mátthêu 2, 13 -15.
·      Tv 22, 13-14: “Quanh con cả đàn bò bao kín, thú Ba-san uà đến bủa vây. Há mồm đe dọa gớm thay, khác nào sư tử xé thây vang gầm” tiên báo âm mưu giết Đức Giêsu trong Mt 26,3-5, cảnh bắt Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu (Mt 26,47), ở đó mồ hôi máu Ngài đổ ra (Lc 22,44) và tâm hồn Ngài buồn đến chết được (Mt 26,38).
·      Tv 22, 16 -19: “Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào, quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân  tay, xương con đếm được ngắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” tiên báo toàn cảnh thương khó của Đức Giêsu, ở đó Ngài vác thánh giá có đám lính canh gác, bị đóng đinh chân tay vào thập giá, chịu khát cháy cổ (Mt 27, 34), áo thì bị  lính gác bốc thăm (Mt 27, 35), và người qua đường dòm ngó khinh bỉ (Mt 27, 39- 44).
·      Tv 22, 20 -22: “Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lậy Chúa, xin đừng đứng xa. Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, gỡ thân con thoát miệng chó rừng, khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên “là lời tiên báo kinh nguyện của Đức Giêsu trên thánh giá: “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
·      Tv 22, 23-24: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Hỡi những ai kính sợ Thiên Chúa, hãy ca tụng Người đi ! Hỡi toàn thể giống nòi Giacóp, nào hãy tôn vinh Người ! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai !” báo trước mầu nhiệm tử nạn của Đức Giêsu sẽ là nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi sắc dân trên điạ cầu, và một Ít-ra-en mới được thành hình, đó là Giáo Hội : “Còn Thầy, Thầy bảo cho con biết: “Con là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).
Rất nhiều lần trong Tân Ước đã trích dẫn lời tiên tri của các ngôn sứ  trong Cựu Ước nói về Đức Giêsu, và sứ mạng của Ngài, và được chính Đức Giêsu chứng thực như khi: “Đức Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc sách thánh. Người ta trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa… Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người, và Người bắt đầu nói với họ:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4, 16 -22).
Ngay cả chuyện Giuđa bán Đức Giêsu ba mươi đồng cũng đã được tiên báo trong Cựu Ước: “Giuđa ném số bạc vào đền thờ và ra đi thắt cổ. Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: Không được phép bỏ vào qũy Đền Thờ, vì đây là giá máu. Sau khi bàn định với nhau, họ dung tiền đó tậu “Thửa ruộng ông Thợ Gốm” để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là “Ruộng Máu” cho đến ngày nay. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người. Và họ lấy số bạc đó mà mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, theo những điều Thiên Chúa đã truyền cho tôi” (Mt 27,5 -10).
Nói chung, trong Tân Ước ta gặp rất nhiều  trích dẫn từ Cựu Ước, vì Cựu Ước chuẩn bị và tiên báo những gì sẽ xảy ra trong Tân Ước, như trong Mc 7, 6 -7 “khi các ông Pharisiêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? Người trả lời họ:”Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:”Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dậy chỉ là giới luật phàm nhân”. 
Tóm lại, đọc Kinh Thánh,  suy niệm Kinh Thánh, cầu nguyện với Kinh Thánh mà bỏ quên Đức Giêsu, hay không quy chiếu về Ngài, tập trung vào Ngài thì coi như “trệch đường rầy”, lạc hướng đi, sai điạ chỉ. Chính vì tách Đức Giêsu ra khỏi Kinh Thánh Cựu Ước mà nhiều người không thể hiểu được ý nghiã Đức Tin của các câu, đọan. Điều này đã gây sốc khi họ chỉ toàn gặp ở Cựu Ước những chuyện kể nhiều khi chẳng “ăn nhậu” gì đến “Lời Chúa”.
2.   Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội:
Lời Chúa là chân lý Đức Tin, kho tàng Đức Tin đã được Đức Giêsu trao cho Giáo Hội gìn giữ, loan truyền (Mt 16,18). Bổn phận đầu tiên của Giáo Hội là gìn giữ kho tàng chân lý ấy tinh tuyền, không bị bóp méo, pha chế, hư hao. Giáo Hội không thể làm gì khác là bảo vệ sự tinh ròng của chân lý đã được Đức Giêsu để lại. Chính vì thế, quyền giáo huấn, quyền cắt nghiã, giải thích Lời Chúa phải được đặt lên hàng đầu trong hoạt động của Giáo Hội. Giáo Hội không có quyền sáng tác thêm chân lý, chế biến lại chân lý của Đức Giêsu. Giáo Hội chỉ làm sáng tỏ các mầu nhiệm chân lý ấy bằng những phương tiện của mình với duy nhất một mục đích là làm cho mọi người đón nhận được chân lý ấy.
Vì được trao quyền gìn giữ và loan truyền chân lý Đức Tin, nên Giáo Hội có năng quyền, và ơn riêng, thường gọi là ơn đoàn sủng để thực hiện tốt đẹp bổn phận này. Chúa Thánh Thần ở cùng Giáo Hội để chân lý của Đức Giêsu không bị cắt nghiã lệch lạc, chú giải sai lầm, giảng dậy linh tinh. Lời Đức Giêsu hứa với các tông đồ trước khi rời các ông đã là điểm tựa cho xác tín này: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy ra. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13-15). Cũng trong bối cảnh sắp đi chịu chết, Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ sự có mặt của Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15, 26 -27). Với những lời này, Đức Giêsu khẳng định hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng, và Thánh Thần sự thật sẽ luôn có mặt và đồng hành với các chứng nhân trên đường loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ.
Trong đời sống Giáo Hội, các Giám Mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng có quyền giáo huấn các tín hữu qua việc cắt nghiã, giải thích Lời Chúa. Các Linh Mục, phó tế, Giáo Lý viên và những người được trao trách nhiệm giáo huấn, giảng dậy đều phải thông hiệp và vâng phục Đức Giáo Hoàng, và các Giám Mục bản quyền trong việc cắt nghiã, chú giải, trình bầy, loan báo Lời Chúa.
Anh em Tin Lành không chấp nhận quyền cắt nghiã, chú giải Kinh Thánh của Giáo Hội khi cho rằng: mỗi người tự hiểu Kinh Thánh theo ý mình khi đọc, vì mỗi người đều được linh ứng riêng. Chủ trương tùy mỗi người hiểu theo ý mình Lời Chúa đã là nguyên nhân phát sinh hằng trăm nhánh Tin Lành khác nhau, và các nhánh mỗi ngày một nẩy sinh những khác biệt trong việc giải thích Kinh Thánh.
Với người Công Giáo, Lời Chúa là ánh sáng cho muôn dân, nên ánh sáng ấy mang tính bất diệt, bất biến; có nghiã là cá nhân mỗi người không thể “tự biên tự diễn ánh sáng”, hay thay đổi, biến chế ánh sáng theo ý mình, mà chỉ có thể để ánh sáng ấy soi đường, dẫn lối, xua đuổi bóng đêm cuộc đời mình.
 Hơn nữa, Lời Chúa với người theo Đức Giêsu là chính Đức Giêsu, nên không ai có thể đúc tạc Đức Giêsu theo ý mình, uốn nắn Đức Giêsu như mình muốn, tô vẽ Đức Giêsu theo óc tưởng tượng và nhu cầu riêng tư, mà chỉ có thể để Đức Giêsu biến đổi, thánh hoá đời mình. Vì thế, với Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn thánh thiện, khôn ngoan của Giáo Hội có Chúa Thánh thần “bảo kê”, người tín hữu được  vững dạ an lòng để đọc và hiểu Lời Chúa như Giáo Hội dậy.
3.   Đặt đời mình trước Lời Chúa:
Vì Lời Chúa là chính Đức Giêsu, nên đọc Lời Chúa là gặp gỡ Đức Giêsu; cầu nguyện với Lời Chúa là diện đối diện với Đức Giêsu; chia sẻ Lời Chúa là đối thoại  với Đức Giêsu đang sống.
Vì có Đức Giêsu, nên khi đọc Lời Ngài, suy niệm Lời Ngài, sống Lời Ngài, chúng ta mở lòng, mở trí, mở cuộc đời với Chúa và để Chúa ở lại trong lòng trí, và trong cuộc đời chúng ta. Ở với ta, Ngài sẽ thu dọn căn nhà đời ta cho sạch như ý Ngài. Ở với ta, Ngài sẽ làm đẹp ngôi nhà tâm hồn ta. Ở với ta, Ngài sẽ sắp xếp, lo liệu  mọi chuyện lôm côm, lỉnh kỉnh, kể cả nhầy nhụa của đời ta để ta được bình an như Lời Ngài chúc phúc: “Bình an cho các con!” (Lc 24, 36), “Bình an cho nhà này !" (Lc 19,9).
Bình an là món quà vĩ đại Đức Giêsu ban cho những ai ở với Ngài. Ở với Ngài qua những gắn bó nghiã thiết, thân tình khi đọc Lời Ngài dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội. Sống Lời Ngài trong đời thường, cầu nguyện với Lời Ngài trong cuộc sống, chúng ta không còn sợ hãi cuộc sống nhiều bão tố, không  sợ người đời nhiều mánh lới thâm độc, không sợ tương lai mịt mờ nhiều bất trắc, không sợ đời sau chênh vênh giữa thiên đàng - hoả ngục. Không sợ gì nữa, cũng chẳng sợ ai, vì Lời Chúa  bảo đảm an toàn hạnh phúc có Chúa đồng hành trên đường đời hôm nay, và đời đời có Chúa là gia nghiệp.    
4.   Sống mỗi ngày một ý lực Tin Mừng:
Để toàn tâm toàn ý sống Lời Chúa, Giáo Lý viên tập sống mỗi ngày một ý lực Tin Mừng, nghiã là sau khi đọc và suy niệm một đọan Kinh Thánh, Giáo Lý viên sẽ chọn một câu Kinh Thánh làm ý lực cho suốt  ngày. Câu Kinh Thánh này sẽ được Giáo Lý viên nhẩm đi nhẩm lại, và thầm thĩ cầu nguyện nhiều lần trong ngày.
Ý lực Tin Mừng sẽ giúp Giáo Lý viên luôn ở trong bầu khí kết hiệp với Đức Giêsu và Lời Chúa sẽ là ánh sáng không ngừng soi dẫn mọi quyết định, chọn lựa. Với ý lực Tin Mừng, đời sống Giáo Lý viên sẽ được thấm nhuần ơn thiêng  từ Lời Chúa liên lỷ  được suy niệm, và nguyện cầu. Nhờ thế, Giáo Lý viên sẽ được Đức Giêsu biến đổi để nên giống Ngài mỗi ngày hơn.

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ VIÊN

IV.         THÁI ĐỘ KHI LOAN BÁO LỜI CHÚA
Giáo Lý viên chỉ có thể loan báo, nếu đã sống Lời Chúa trước đó, vì Giáo Lý viên giới thiệu một “Con người Thiên Chúa”, nên phải rất thiết thân, thiết tha, thiết nghiã với Ngài mới có thể làm cho người nghe tin mến và trở thành môn đệ của Ngài. Công việc làm chứng của Giáo Lý viên đòi điều kiện tiên quyết này để lời rao giảng có sức mạnh thuyêt phục. Bên cạnh điều kiện tiên quyết là những thái độ phải có khi loan báo Tin Mừng, tức làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương, cứu độ.
Thái độ của người làm chứng cũng không kém quan trọng, vì người nghe sẽ dễ dàng chấp nhận điều người làm chứng nói hay không luôn bắt đầu từ thái độ làm chứng. Có ba thái độ cần thiết:
· Tin yêu phó thác
· Thân yêu cộng tác
· Thương yêu tôn trọng

1.   Tin yêu phó thác:
Thái độ đầu tiên phải có chính là tin yêu phó thác ở Đức Giêsu, Đấng đã sai Giáo Lý viên đi làm chứng đời Ngài bằng loan truyền cuộc tử nạn cứu độ và sự sống lại vinh quang của Ngài cho tới khi Ngài trở lại.
Loan truyền Chúa chịu chết là loan truyền mầu nhiệm Thiên Chúa làm người , và mầu nhiệm cứu chuộc vì yêu con người của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã nhận lấy thân phận con người, kể cả cái chết của con người để nên giống con người trong mọi sự, trừ tội lỗi.
Loan truyền Chúa chịu chết là làm chứng Đức Giêsu là con người như chúng ta. Bản tính con người  thể hiện trăm phần trăm nơi Đức Giêsu và cuộc sống trần gian của Ngài là cuộc sống của một con người thật. Mầu nhiệm làm người là mầu nhiệm then chốt, căn bản nơi Đức Giêsu Thiên Chúa. Bởi không có mầu nhiệm làm người sẽ không có những mầu nhiệm khác. Chính mầu nhiệm làm người cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, Ngài muốn gì nơi con người, đồng thời con người được biết mình, biết vận mệnh, ý nghiã đời mình. Không có Đức Giêsu làm người, chúng ta mãi là những người mù loà trên đường đời và bất hạnh vì vô minh.
Giáo Lý viên loan truyền Chúa chịu chết là mầu nhiệm làm người và cứu chuộc, nhưng cũng tuyên xưng Chúa sống lại để làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, bởi chỉ Thiên Chúa mới tự mình sống lại, chỉ Thiên Chúa mới không bị thần chết khống chế, chỉ Thiên Chúa mới chiến thắng tội lỗi, vì chết là hậu qủa của tội. Tuyên xưng Chúa sống lại là công bố niềm hy vọng của con người vào Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng tử thần, hoả ngục, tội lỗi để trả lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Nhờ làm con Thiên Chúa, con người sẽ hưởng thừa kế Nước Trời là hạnh phúc đời đời Cha trên trời dành sẵn cho con cái loài người.
Công trình làm người, cứu chuộc của Thiên Chúa trong Đức Giêsu có mục đích là hạnh phúc làm con Thiên Chúa của con người. Như thế mới biết: Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng và yêu đến cùng. Tình yêu vĩ đại, khôn lường và đời đời ấy phải trở thành sức sống và nội dung lời chứng của cuộc đời Giáo Lý viên.
Chính vì làm chứng một Thiên Chúa làm người cho con người mà sứ mạng của Giáo Lý viên trở nên qúa cao siêu, vĩ đại. Cũng vì cao siêu, vĩ  đại mà Giáo Lý viên thấy mình bất xứng. Bất xứng nhiều nỗi:
a.   Bất xứng vì bất lực, không có khả năng làm chứng:
Chỉ nguyên việc nói về “Thiên Chúa  tuyệt đối” thôi đã đủ nói lên sự bất lực của Giáo Lý viên, vốn là con người bị ràng buộc bởi thế giới tương đối có không gian và thời gian.. Giáo Lý viên như Môsê đã thưa với Thiên Chúa Giavê : “Con là ai mà dám đến gặp Pharaô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập ?” (Xh 3,11).
b.   Bất xứng vì bất toàn:
Ai trong Giáo Lý viên dám xưng mình đủ thánh thiện để loan báo Lời Thiên Chúa toàn năng, cực thánh?
Ý thức mình bất lực như Môsê đã ý thức về mình, và thân thưa với Thiên Chúa Giavê, Giáo Lý viên cũng phải như A-ha-ron bắt đầu bằng nhận ra mình không đủ tài năng, đạo đức để chu toàn một sứ mạng vô cùng cao cả, thánh thiện, vĩ đại, lớn lao: phát ngôn viên của Thiên Chúa cho mọi người, để khiêm tốn năn nỉ Chúa: “Lậy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi, ngọng ngắt ngọng ngơ” (Xh 4,10).
Nhờ ý thức mình dòn mỏng, thiếu thốn, tội lụy, chứng nhân sẽ tín thác ở Đấng đã sai mình và đặt ở Ngài tất cả niềm tin tưởng ở ơn trợ giúp, phù hộ. Giáo Lý viên sẽ xác tín Lời Chúa dặn : “Không có Thầy, chúng con không làm được gì” (Ga 15,5), và lạc quan lên đuờng vì tin ở Lời Ngài  hứa: “Ta sẽ ở với con” (Xh 3,12).
Lòng tín thác, cậy trông là chià khóa cho việc loan báo Tin Mừng, rao giảng Lời Chúa. Thiếu lòng tín thác ở Chuá, tất cả mọi công trình truyền giáo, dù bên ngoài thấy tốt đẹp, thành công mỹ mãn cũng không đem lại hoa trái thiêng liêng nào, vì chỉ là công việc của con người đang tìm kiếm vinh quang con người và hoàn toàn vắng mặt Thiên Chúa và xa lạ với thánh ý Ngài.
Hãy thận trọng những thành công bên ngoài. Đó không phải là điều chúng ta tìm kiếm. Ích lợi thiêng liêng cho các tâm hồn mới là mục tiêu của truyền giáo; đổi mới trái tim con người mới là điều Giáo Lý viên trông đợi. Chính vì thế, có những lời rao giảng hôm nay sẽ sinh hoa kết trái ở vài chục năm sau; có những hạt giống Tin Mừng được gieo vãi bây giờ, nhưng thế hệ tới mới đâm chồi, nở hoa. Thời gian hạt giống được thối đi để nầy mầm trên thửa đất tâm hồn con người là việc của Chúa, không phải việc của chúng ta. Việc phải làm của Giáo Lý viên là quảng đại gieo Lời Chúa, hăng hái làm chứng Đức Kitô trong cuộc đời, bằng đời mình, và hết lòng phục vụ Tin Mừng cứu độ. Phần Đức Giêsu, Ngài luôn có mặt, đồng hành để thực hiện những gì còn lại như thánh hoá, đổi mới, cứu chữa, tuyển chọn làm môn đệ những người  có thiện chí lắng nghe, đón nhận Tin Mừng, Lời chứng.
Tin yêu, phó thác như các môn đệ đã vâng lời Đức Giêsu quăng lưới bên mạn phải thuyền, và các vị đã đánh được mẻ cá lớn 153 con, dù suốt cả đêm đã không bắt được con cá nào (Ga 21, 1-13). Tin thác như môn đệ nào đó đã đem cho Đức Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá để nuôi ăn đám đông hơn 5000 người (Ga 6, 5-13).
Qủa thực, sự ít oi, bé nhỏ của  con người đã làm chạnh lòng Thiên Chúa và phép lạ không ngừng được thực hiện trong cuộc đời, nếu con người biết tín thác, cậy trông nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa. Công cuộc “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại” của Giáo Lý viên và của tất cả Kitô hữu cũng không ra ngoài nguyên tắc tín thác, cậy trông này.
 
2.   Thân yêu cộng tác:
Thân tình hợp tác với “đồng nghiệp Giáo Lý viên”, và mọi người  để loan báo Tin Mừng là thái độ thứ hai cũng cần thiết không kém.
Làm tông đồ mà co cụm, ghen tuông; dậy Giáo Lý mà bon chen, tỵ nạnh, tranh giành ảnh hưởng; làm chứng Thiên Chúa tình yêu mà giận hờn, gieo thù gây oán, làm buồn khổ thiên hạ thì thật đáng tiếc, đáng buồn, và vô ích khi rao giảng Tin Vui, Tin Mừng Nước Trời.
Thiên Chúa cần ta hợp tác với Ngài, nhưng cũng cần chúng ta hợp tác thân tình và chân thành với nhau. Thiếu hợp tác trong công việc loan báo Tin Mừng, trong sứ mệnh làm chứng Đức Giêsu là điều không thể quan niệm được, vì Giáo Lý viên, thay vì là người làm chứng, sẽ trở thành kẻ phản chứng; bởi một lý do rất đơn giản: Người khác sẽ không nhận ra Đức Giêsu qua các chứng nhân của Ngài khi những chứng nhân này không yêu thương nhau. Đức Giêsu biết rõ điều này, nên đã ân cần căn dặn các môn đệ :
Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Yêu thuơng nhau mới không làm người khác “sốc” khi các môn sinh có chung một sư phụ mà xâu xé, chống phá, hiềm khích, bôi nhọ, triệt hạ nhau, vì chỉ tình thân giữa những anh em cùng một cha mới có thể làm chứng hữu hiệu lòng nhân hậu của Cha.
Thử hỏi Giáo Lý viên sẽ làm chứng thế nào khi cùng là Giáo Lý viên, cùng rao giảng Thiên Chúa là Tình yêu, cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân hậu, giầu bao dung, hay chạnh lòng mà lại “nói hành nói tỏi”, bôi bác, kèn cựa, kiếm chuyện chống phá nhau ?  Làm sao có thể dậy người khác yêu thương, hợp tác xây dựng Giáo Hội, khi những người được cùng sai đi rao giảng lại phe cánh kình địch, kỳ thị, lên án, làm hại nhau ?
Hãy thận trọng trước những kẽ hở của ảnh hưởng, lời khen, phe nhóm, thế lực, thành tích, công trạng; bởi những kẻ hỡ này sẽ là những lưỡi dao cắt đứt tình thân, những búa tạ đập nát mọi khả thể hợp tác, những viên  thuốc độc giết chết hồn tông đồ, và nhiệt tình truyền giáo.
Đừng  qúa vô tình chú ý đến thành qủa bên ngoài, thành công có tính trần thế để vì những bả danh dự sẽ đánh mất yếu tính “làm chứng” của Giáo Lý viên. Hãy noi gương thân tình hợp tác của tông đồ dân ngoại Phaolô. Với kinh nghiệm loan báo Tin mừng, thánh nhân viết cho giáo đoàn Côrinthô:
“Vậy Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có Đức Tin, và mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mớ làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng, người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thên Chúa, là ngôi nhà của Thiên Chúa xây lên ” (1 Cr 3, 5- 9).
Điều đó làm chứng một thực tại: Trong việc loan báo Đức Giêsu, ít nhiều  chúng ta bị cám dỗ bởi “cái tôi vĩ đại ” và những lấn cấn, lôm côm  hầu hết phát sinh từ tính ích kỷ, coi mình là “số một” và là chân lý này. Tính ích kỷ, thần tượng, tôn sùng “cái tôi” đã là nguyên nhân đưa đến nhiều đổ vỡ, thất bại. Giáo Lý viên cần ý thức cơn cám dỗ âm ỉ  nhưng mãnh liệt này để giữ cho mình một tình thân và một tinh thần hợp tác với đồng nghiệp khi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu.
3.   Thương yêu tôn trọng:
 Không chỉ tin yêu phó thác ở Đức Giêsu, Đấng sai đi, và thân yêu hợp tác với hết mọi người, nhất là các “đồng nghiệp” - Giáo Lý viên khác, ta còn phải thương yêu tôn trọng người đang lắng nghe Tin Mừng, những người đang thao thức kiếm tìm Đức Giêsu, đang đợi chờ Giáo Lý viên  giới thiệu Thiên Chúa làm người cho họ.
Thương yêu tôn trọng là tôn trọng người  khác với tình yêu thật sự, tình yêu sâu sắc, tình yêu chân thành, tình yêu của một người muốn trao ban hết, chia sẻ tận cùng và mơ ước những điều tốt đẹp nhất, đồng thời nỗ lực làm cho ước mơ đó được thực hiện.
Thương yêu tôn trọng là nhìn đối tượng lắng nghe Tin Mừng như những con người được chính Thiên Chúa tuyển chọn, kêu mời như chính người rao giảng đã được kêu mời, tuyển chọn; nghiã là, tất cả cùng một đẳng cấp: con Thiên Chúa, và anh em với nhau; cùng lãnh chung ân huệ của tình xót thương; cùng chung sứ mạng làm cho người khác đón nhận Tin Mừng cứu độ, hưởng hạnh phúc Nước Trời, và hương vị ngọt ngào “có Thiên Chúa”. Dụ ngôn vườn nho khẳng định: tất cả chúng ta đều bình đẳng trước Thiên Chúa và mọị sự chúng ta có đều là hồng ân (Mt 20, 1-15).     
Dụ ngôn nhắc chúng ta: Những người thợ đến sớm từ giờ đầu và những người vào làm ở giờ chót đều được Thiên Chúa yêu thương, và lương bổng của mỗi người đều là ơn huệ. Chính vì thế, người rao giảng không có quyền khinh khi, coi thường, đánh giá thấp người được giảng dậy, và nhà truyền giáo không nên khinh miệt người đang học hỏi Lời Chúa, bởi tất cả đều là những người thụ ơn và bổn phận phải chu toàn là làm cho Lời Chúa  đến được tận cùng thế giới, với hết mọi người, ở mọi thời đại, trong mọi nền văn hoá.
Đàng khác, chúng ta không có quyền lấy thước đo là tâm hồn bé nhỏ, ngắn ngủi, nông cạn của ta để đo lòng nhân hậu, lượng bao dung và quyền năng bao la, vô cùng trong tình yêu của Thiên Chúa; bởi “Chẳng lẽ tôi không có quyền tự ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? ” (Mt 20, 15).   
Ý thức rao giảng như bổn phận sẽ tránh cho Giáo Lý viên não trạng “ta là người  am tường  Thiên Chúa, hiểu biết các mầu nhiệm, nắm giữ mọi chân lý, có đặc quyền, đặc lợi hơn mọi người”. Nguy hiểm của não trạng này là đẩy Giáo Lý viên đến vực thẳm kiêu căng, tự mãn, khi dựa hoàn toàn vào kiến thức giáo lý của mình “đạo đức” của mình để “cho điểm, đánh giá” người khác theo tiêu chuẩn, thước đo trần thế. Và tai hại hơn, Giáo Lý viên đến một lúc, khi kiến thức giáo lý tương đối dầy, sẽ không còn tôn trọng và quy chiếu vào quyền giáo huấn của Giáo Hội bằng cách cắt nghiã Lời Chúa theo cảm hứng, chú giải Tin Mừng theo lý luận riêng, mà quên mình đã được Giáo Hội ủy thác sứ mạng và sai đi với “bài sai”: Gìn giữ và loan truyền chân lý Đức Tin thánh thiện.
Ý thức loan báo Tin Mừng là bổn phận còn giúp Giáo Lý viên khiêm tốn nhận ra: Thiên Chúa luôn tỏ cho những kẻ bé mọn, dốt nát, tầm thường, yếu kém  những mầu nhiệm mà người thông thái không được biết: “ Lậy Cha, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”  (Lc 10, 21)”. Vì đó là thánh ý của Ngài.
Ý thức làm chứng Đức Giêsu là nghiã vụ cao cả và thánh thiện, Giáo Lý viên sẽ tránh tự đồng hoá mình với sự thánh thiện, để không đi vào vết xe của những người Biệt Phái năm xưa : giả hình, ăn trên ngồi trước, quan liêu, trịch thượng, thiếu từ tâm, bác ái  (x. Mt 23, 1-32).       
Thực vậy, truyền giáo cho thế giới hôm nay đòi Giáo Lý viên một tình yêu tôn trọng người được thụ huấn, người nghe giảng dậy, người trên đường tìm kiếm Đức Giêsu. Bắt đầu bằng tôn trọng nhân vị, nhân phẩm, đến tôn trọng văn hoá, tư duy, nếp nghĩ của người học giáo lý, tiếp đến là tôn trọng tự do chọn lựa của họ.
Chính vì tôn trọng mà Đức Giêsu được giới thiệu cách chân thực, rõ ràng và hấp dẫn nhất. Chính vì tôn trọng người nghe mà Lời Chúa được quảng diễn đầy đủ, chính thống và có sức thuyết phục nhất. Bởi khi con người được tôn trọng là lúc Thiên Chúa được vinh danh; khi phục vụ, và mưu tìm hạnh phúc cho con người là lúc Thiên Chúa đưọc phụng sự và tôn thờ xứng đáng.
Tách Thiên Chúa ra khỏi con người. Đó là cách ma qủy thường dùng để đánh phá những người đi theo Đức Giêsu khi tách thiên tính ra khỏi
nhân tính nơi Ngài; cũng như  không mệt mỏi tìm cách tách Giáo Hội ra khỏi Đức Giêsu như cắt rời đầu ra khỏi thân, chia lià phu quân xa khỏi hiền thê.
Ngón độc của ma qủy là trình bầy một Thiên Chúa “không hề làm người” để chúng tha hồ thêu dệt một thiên chúa “độc ác, dữ tợn, oán thù, thất hứa, bất trung, khát máu”, và vẽ vời một loài người  sa đoạ, tội lỗi, chắc chắn bị luận phạt, và không  hy vọng được thứ tha. Ma qủy rất sợ Giáo Lý viên loan báo một Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người, vì đã “làm người và ở giữa loài người chúng ta”, Thiên Chúa mới mặc khải Thiên Chúa là ai, và loài người là gì. Chính vì “làm người.” và mặc khải toàn bộ chân lý về Thiên Chúa, con người, vũ trụ, đời sau, ý nghiã đời người, đau khổ, hạnh phúc của con người … mà ma qủy không còn đường phỉnh gạt, dụ dỗ, lửa đảo con người vào hư vô, tự hủy diệt.
Mầu nhiệm làm người của Thiên Chúa là sự thực hiện ý muốn của một Thiên Chúa là tình yêu: muốn ở với con người, nên chọn làm người ở giữa con người, để nhờ sự có mặt “làm người, như con người” của Ngài, con người được nâng lên vị thế quan trọng trong trái tim Thiên Chúa, và được trở thành những người thừa kế gia nghiệp đời đời của Thiên Chúa.
Xác tín này giúp Giáo Lý viên tôn trọng con người, không vì con người vĩ đại hay to lớn gì, nhưng vì con người đã được Thiên Chúa thương, cứu chuộc và chọn làm bạn đồng hành. Với tâm tình trân trọng con người của Tin Mừng, Giáo Lý viên sẽ giới thiệu chính xác dung nhan Đức Giêsu và mọi người sẽ nhận ra Đức Giêsu qua thái độ yêu thương tôn trọng của những chứng nhân có tình người này.       

Như thế, thái độ của Giáo Lý viên khi rao giảng, làm chứng Đức Giêsu là đòi hỏi không thể thiếu để Lời Chúa không bị biến hoá,và chân dung Đức Giêsu không bị bóp méo lệch lạc. Với thái độ tin yêu phó thác, giáo Lý viên gắn bó chặt chẽ và kết hợp mật thiết với Đức Giêsu; thái độ thân yêu hợp tác bảo đảm và xây dựng tình bác ái huynh đệ giữa những người được kêu gọi; thái độ thương yêu tôn trọng làm chứng sống động Thiên Chúa là Tình Yêu và Tin Mừng là tin vui cứu độ mang lại tự do và hạnh phúc thực của con cái Thiên Chúa .Với ba thái độ trên, Giáo Lý viên sẽ không sợ trệch đường truyền giáo, vì lúc nào, và ở đâu cũng được tình yêu Đức Giêsu hướng dẫn, được tình huynh đệ của mọi người trong Giáo Hội đỡ nâng, yểm trợ trên đường yêu thương đến với mọi người.