Pages - Menu

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

TÌNH YÊU PHỤC VỤ CỦA ĐỨC KITÔ


Cuộc sống là chuỗi dài chọn lựa nên không chọn lựa là không sống. Cũng có những cuộc sống không chọn lựa; nhưng chính khi không chọn lựa gì, những cuộc sống ấy đã chọn sống cuộc đời không chọn lựa.
Tôi tin rằng, bạn muốn sống đời bạn, sống đời của bạn nên vấn đề chọn lựa trở thành chính cuộc sống, gắn bó, gần gũi, triền miên, cấp bách.
Có những chọn lựa rất quan trọng, nhưng chỉ chọn một lần trong đời như đi tu, lập gia đình. Có những chọn lựa ít quan trọng hơn và có thể chọn đi chọn lại nhiều lần như chọn ngành học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, nhà cửa, xe cộ... Bên cạnh đó có những chọn lựa liên lỉ hằng ngày, hằng giờ, hằng phút: chọn một thái độ.
Thái độ là bộ mặt của cuộc sống. Qua bộ mặt này, ta gặp gỡ tha nhân, ta đến với người khác. Bộ mặt biểu lộ tình trạng vui buồn, sung sướng, lo âu, xuề xòa, bẳn gắt, dễ thương của tâm hồn. Và thái độ rất ít khi phản bội sự thực của con tim, tổng hành dinh của sự sống.
Chọn một thái độ sống, tức là chọn cho đời sống một hình ảnh, một hướng đi, một mục đích. Thái độ không giản đơn ở bề mặt, ngoại diện, nhưng là kết quả của những cố gắng, những chọn lựa của trí óc và qủa tim. Trí óc ấy gắn bó với trái tim để hình thành một thái độ xứng hợp. Thái độ cao qúy làm cho đời trở thành cao qúy; thái độ làm xàm biến đời thành vô vị. Bởi qua thái độ, người ta cho điểm giá trị cuộc đời.
Như thế, tình yêu cũng đòi một thái độ. Khi yêu nhau, thái độ phải khác khi chưa yêu. Bằng chứng là ta đã dành không ít thời giờ để lo lắng, chăm sóc từng cử chỉ, điệu bộ khi ra mắt người yêu, khi gần gũi người yêu. Thái độ ấy không thể đi ngược tình yêu ta đang có. Nên nếu phải đóng kịch, thì thái độ ấy cũng chỉ qua được một vài màn, rồi sẽ tự lộ tẩy, bị khám phá, lật mặt.
Thái độ trong tình yêu là yêu. Nhưng đó chỉ là thái độ chung chung chưa chính xác, chưa được gọi đích danh. Phải tìm ra một thái độ nào đó có khả năng làm nền cho tình yêu đứng vững, có sức mạnh đẩy tình yêu đi lên, có nghị lực nâng đỡ tình yêu đang đổ vỡ, có độ mặn làm nồng nàn tình yêu đang nguội lạnh, có chất diệp lục làm xanh lại tình yêu đang héo úa. Thái độ ấy không thay thế những đòi hỏi của tình yêu nhưng làm nền móng cho ngôi nhà tình yêu, ngôi nhà lý tưởng mà ai cũng mơ ước.
Tôi không hơn bạn trong tình yêu, bằng chứng là tôi đã nhiều phen thất điên bát đảo vì tình, lận đận lao đao vì yêu. Chỉ có Đức Kitô, đấng là Tình Yêu mới là thầy dậy xứng đáng của tình yêu.
Trong suốt cuộc đời và giáo huấn, Đức Kitô không mệt mỏi loan báo Tin Mừng Tình Yêu. Ngài yêu tha thiết mọi người và kêu gọi mọi người thương nhau. Ngài biết điều này không dễ, nhưng không phải không thể thực hiện. Khi chết cho tình yêu, Ngài muốn minh chứng tình của Ngài là Tình tuyệt đối, không giới hạn, lớn hơn sự chết và thực hiện được. Mục đích của Ngài là mời gọi chúng ta cùng Ngài thực hiện Tin Mừng Tình Yêu.Để đạt được mục đích này, qua các môn đệ, Ngài đề nghị chúng ta một thái độ.
Tin Mừng theo Thánh Gioan (13,1-35) kể lại, thái độ yêu thương phải có mà chính Đức Kitô trước khi lìa trần đã ân cần căn dặn các môn đệ: thái độ phục vụ nhau trong khiêm tốn. Khi cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ, Đức Kitô muốn các ông động lòng vì thái độ khiêm tốn, rung cảm vì việc làm phục vụ của Ngài. Nói về yêu thương đã nhiều, giảng về yêu thương khiông ít; nhưng đợi đến giây phút chót trước khi từ giã lên đường tử nạn, Đức Kitô mới đặt các ông trước một thái độ phải có để thực hiện Yêu thương: khiêm tốn phục vụ.
Quả thực, ta có thể nói về yêu thương hằng giờ, viết về yêu thương từng tập; nhưng yêu thương sẽ chẳng bao giờ nhập cuộc, cũng sẽ không nhập thể, nhập thế nếu thiếu một thái độ cụ thể như điểm khởi hành, như bãi đáp cho những cánh trực thăng tình yêu huyền thoại. Tình yêu có cánh nên thích bay bổng, mênh mông ngoài đời. Bay ngoài đời sẽ thoải mái, nhẹ nhàng, dễ thở, khoan khoái hơn bay vào đời, bay nhào vào khu dân sinh nghèo nàn, đáp thẳng giữa đám dân thiếu học, giữa những gia đình nhiều tranh chấp, đố kỵ. Tình yêu bay bổng vẫn luôn là ước mơ của nhiều người vì tình yêu ấy có mộng mơ của thơ, có du dương của nhạc, có vần điệu của văn chương. Chính vì thế, nhiều khi tình yêu chỉ được nói đến, viết đến nhưng lại không được thực hiện trong cuộc sống.
Cũng như người muốn trở thành thầy dòng chiêm niệm nhưng lại ngại cầu nguyện, người muốn lái xe nhưng sợ ngồi xe, người thích làm bác sỹ nhưng không chịu thực tập ở bệnh viện vì sợ bệnh nhân; người ca tụng tình yêu, người muốn yêu nhưng không bắt đầu bằng chọn một thái độ yêu cũng giống như thế. Khi không chọn thái độ khiêm tốn phục vụ, tình yêu sẽ mãi là tình của ánh trăng trên mặt nước, rất thi vị, mộng mơ nhưng sẽ mãi hão huyền, viển vông, dễ vỡ.
Để tình yêu bám được vào da thịt, ăn sâu trong lòng đời, lớn lên trong lòng người, sinh hoa kết trái cho đời, nó phải đi từ khiêm tốn, phục vụ. Đây là bằng chứng hùng hồn và duy nhất để nhận ra ở đâu có tình yêu; đây là mã số cần thiết để tìm ra địa chỉ của tình yêu. Không thể có chìa khóa nào khác ngoài chìa khóa “phục vụ, khiêm tốn" để mở cửa kho tàng tình yêu.
Đức Kitô hiểu rõ, thiếu khiêm tốn tình yêu sẽ biến thể thành hung hãn, thiếu phục vụ tình yêu sẽ đổi mặt thành độc tài, thống trị. Khiêm tốn, phục vụ không những là khởi điểm của hành trình tình yêu, là điều kiện cho hành trình tình yêu đặt chân lên đất người; nó còn là thước đo mức độ yêu thương, là dưỡng chất nuôi dưỡng tình yêu.
Thái độ ấy, chọn lựa phục vụ, khiêm tốn ấy không dễ. Nó là cả một hành trình sống, đòi hỏi hy sinh và quên mình. Không dễ khiêm tốn vì khiêm tốn dễ bị thua người, dễ bị người bắt nạt, “chơi cha”. Phục vụ lại càng khó vì ai cũng muốn mình được người khác phục vụ, nên phục vụ ai thường dễ bị xem là nô lệ của người đó. Thái độ ấy còn đòi hỏi một từ bỏ quả cảm: bỏ mình. Bỏ cha mẹ, gia đình, của cải đã quá khó, nay phải bỏ mình, xem ra ngao ngán, khó khăn bội phần. Thế nhưng Đức Kitô đã dậy ta như vậy, đã bảo ta phải có thái độ này khi yêu, dù là yêu ai đi nữa, thái độ khiêm tốn, phục vụ vẫn là thái độ căn bản, không thể thiếu.
Trong đời sống, với những kinh nghiệm yêu, ta thấy tình yêu hay lên xuống, trồi sụt. Vì thế, khi thiếu nền tảng vững chắc, tình yêu sẽ không tránh được có ngày phá rào rong chơi rồi mất dạng. Nền tảng lôi kéo tình yêu ở lại là phục vụ nhau trong khiêm tốn. Người yêu ta dù bê bối đến đâu đi nữa, cũng không thể chai đá mãi trước thái độ khiêm tốn phục vụ của ta. Chính thái độ này sẽ cảm hóa, đánh thức trái tim đang ngủ vùi của họ; vì yêu ai trong phục vụ là yêu chính họ. Nhận ra mình được yêu thực sự, họ sẽ khám phá ra hạnh phúc được yêu và tìm ra lý tưởng phải thực hiện là yêu lại hết mình.
Chiều nay, Đức Kitô ghé nhà bạn. Trước bữa ăn, bạn thấy Ngài dọn bàn, cẩn thận lau từng đôi đũa, xếp từng chiếc ly. Sau bữa ăn, Ngài đon đả dành phần rửa chén. Bạn không muốn Ngài làm những việc nhỏ mọn ấy vì biết Ngài là Thiên Chúa; nhưng Ngài chỉ cười và thì thầm với bạn: “Niềm vui của Thầy là phục vụ; con có muốn chia sẻ niềm vui yêu thương đó với Thầy không? “ Tôi nghĩ, bạn khó có thể trả lời không, vì tim bạn đã tràn đầy Tình yêu Ngài. Tôi cũng muốn được cùng bạn chia sẻ niềm vui ấy.

TINH THẦN CỦA GIỚI LUẬT MỚI

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 6 Thường Niên, Năm A
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nhiều lần tỏ ra bất chấp lề luật, như khi chữa người bị bại tay trong ngày Sabát, điều mà Luật Môsê cấm không được làm trong ngày dành cho Thiên Chúa. Tin Mừng Matthêu đã kể lại chi tiết : Đức Giêsu đi vào hội đường của người Do Thái, tại đây, có người bị bại một tay. Người ta hỏi Đức Giêsu rằng : “Có được phép chữa bệnh ngày sabát không ?”. Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp : “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao ? Mà người thì qúy hơn chiên biết mấy ! Vì thế, ngày sabát được phép làm điều lành”. Rồi Đức Giêsu bảo người bại tay : “Anh giơ tay ra ! Người ấy giơ tay ra và tay liền trở lại bình thường lành mạnh như tay kia” (Mt 11,10-13). Tin Mừng Máccô còn ghi thêm qủa quyết vững chắc của Đức Giêsu : “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn ngày sabát” (Mc 2,27).    
Nhưng cũng trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu lại hết lời bênh vực Lề Luật : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn Sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Ngài còn đi xa hơn : “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5, 21-22).
Chúng ta cần ghi nhận những điều quan trọng  Đức Giêsu muốn nói với chúng ta :
1.   Đức Giêsu không mâu thuẫn trong giáo lý và Giới Luật mới Yêu Thương của Ngài :
Trong cả hai đọan Tin Mừng xem ra như đối nghịch, mâu thuẫn, Đức Giêsu đều nhấn mạnh giới luật Yêu Thương : đoạn Tin Mừng chữa người bại tay trong ngày Sabát là ngày Luật Môsê cấm làm việc, Đức Giêsu đã tuyên bố : ngày Sabát được làm ra cho con người, và ưu tiên ở đây là thực hiện đức ái đối với người bị bại tay đang cần được cứu chữa. Nói cách khác, bất cứ lề luật nào, bất kỳ khoản luật nào của bộ luật sẽ chỉ có giá trị khi quy chiếu về tình yêu phục vụ, bởi theo Đức Giêsu : lề luật được làm ra là để phục vụ hạnh phúc của con người, chứ con người không làm nô lệ cho lề luật.
Cũng trong ý hướng duy nhất đó, Đức Giêsu đi đến tận nguồn cội, cốt lõi của giới luật mới Tình Yêu, khi đòi buộc chúng ta phải quan tâm, lưu ý đến cả những chi tiết của tình yêu, những việc nhỏ trong giới luật Tình yêu, những chi tiết và việc nhỏ mà luật Môsê không để ý, cũng không đề cập đến, nhưng trong thực tế lại là nguyên nhân làm người khác bị tổn thương, đau khổ nhiều và thường xuyên như giận dỗi anh em, mắng nhiếc anh em là đồ ngu ngốc, chửi rủa anh em là đồ phản đạo (x. Mt 5,22).
2.   Tính cách luôn tích cực của Giới Luật mới Yêu Thương :
Lề Luật Môsê chỉ dừng lại ở Công Bình, với nguyên tắc : “Mắt đền mắt, răng đền răng” (x. Mt 5,38), cũng như “chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5,21), nghiã là nếu anh giết người thì anh sẽ bị ra toà, và quan toà sẽ nhân danh luật “máu đòi máu, mạng đền mạng” để bắt anh phải chết, nhưng Luật cũ Môsê không đi xa hơn, không vươn cao hơn, không chủ động tích cực, để có thể vượt ngưỡng Công Bình bước vào Bác Ái, mà thực hiện đòi hỏi của Đức Ái sâu thẳm và nền tảng như “khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24). Cũng như “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5,39-41).
Qủa thực, chuyện “bỏ của lễ lại đó trước bàn thờ mà đi làm hoà với anh em”, đi xin lỗi người mình xúc phạm, làm buồn lòng, chuyện người ta tát má phải lại chừa thêm má trái, ai xin áo ngoài, cho cả áo trong, ai đòi dẫn đi một cây số, sẽ không ngại đi hết cây số thứ hai với họ, thì chỉ có Giới Luật mới Yêu Thương của Đức Giêsu mới đề cập và đòi buộc, chỉ có người đi theo Đức Giêsu mới dám dấn thân thực hiện, và chỉ với ơn của Thánh Thần Tình Yêu, người tín hữu của Đức Giêsu mới có thể sống trọn vẹn tinh thần của  giới luật yêu thương.
3.   Tinh Thần của Lề Luật :
Một điều rất quan trọng khác Đức Giêsu muốn nói trong đọan Tin Mừng này là : chân trời của Lề Luật phải được mở ra cho tương quan giữa con người với con người. Điều này có nghiã : tất cả khoản luật trong luật Môsê phải được hướng đến Giới Luật mới của Tân Ước, tức Luật Yêu Thương giữa con người với con người của Đức Giêsu, mà chân trời của Giới Luật này là hạnh phúc của con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ, và nhờ đó, tất cả mọi người hoà giải được với nhau và  sống với nhau trong tình yêu, khi tuân giữ giới luật của chính Thiên Chúa ban cho con người : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Lề Luật từ nay không còn là những khoản luật lạnh lùng mà con người phải chu toàn một cách máy móc, trong trạng thái đầy lo âu, sợ sệt như sẽ bị trừng phạt, nếu sai phạm, thiếu sót, nhưng là tinh thần phân định để sống Luật Yêu Thương  của Thiên Chúa là Tình Yêu dưới cái nhìn của Thiên Chúa và Lời  Ngài. Tinh thần phân định này là ơn sủng của Thần Khí, như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô đã viết : “Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10). Chính tinh thần phân định đượcThần Khí ban đã giúp chúng ta sống Lề Luật một cách trọn hảo, và đẹp lòng Thiên Chúa.
Sau cùng, Lề Luật từ nay không chỉ là những tội danh được gọi tên như giết người, ngoại tình… nhưng là sống tinh thần hoà giải của lề luật, sống sự thật của tâm hồn, sống trung thành với Lời hằng sống, và như thế Lề Luật luôn mang tính giải phóng, thăng tiến, xây dựng con người dưới bầu trời yêu thương, quan phòng của Thiên Chúa.
Vâng, Đức Giêsu không phá hủy Lề Luật Môsê của Cựu Ước, vì Luật này đã được làm nên cho Dân riêng của Thiên Chúa, với mục đích chuẩn bị cho Giới Luật mới Yêu Thương của Đức Giêsu sẽ được công bố trong Tân Ước, cũng như Ngài không xóa bỏ lời các ngôn sứ, bởi các ngôn sứ đã được sai đến để loan báo công cuộc Nhập Thể và Cứu Độ của Con Thiên Chúa trong thời kỳ mới, ở đó Thiên Chúa lấy chính máu của Con duy nhất mình mà ký Giao Ước mới với nhân loại.
    Thực vậy, Đức Giêsu không hủy bỏ, nhưng kiện toàn, và làm cho nên hoàn hảo bằng ban cho Luật cũ một tinh thần mới của Thần Khí, Thần Khí của Thiên Chúa là Tình Yêu, để từ nay chỉ còn một Giới Luật mới là “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Jorathe Nắng Tím  

YÊN LẶNG TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ


Trong các đoạn Tin Mừng, tôi thích nhất câu chuyện Đức Kitô và người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình bị các ký lục và nhóm biệt phái áp giải đến hỏi ý kiến của Đức Kitô (Ga 8,3-11).
Tôi không biết bằng cách nào họ đã chụp được chị “nguyên con, ngon lành và trọn ổ” như vậy. Chị bị bể mánh thảm thương chưa từng thấy. Cứ tưởng tượng cảnh chị bị bắt tại trận đang ăn nằm với người tình mà tội cho chị. Tôi mường tượng những cặp mắt phẫn nộ, quyền lực của các ông cảnh sát tôn giáo đang bóc trần thân thể vốn đã trần truồng, co rúm vì sợ hãi, thẹn thùng của chị. Tôi nghe đâu đó những tiếng hét mạ lỵ, lên án, khinh khi. Các ông đang nhân danh luật pháp, nhân danh Thiên Chúa Giavê để lột da, xẻ thịt một người đàn bà yếu đuối, rất yếu vì tình, rất đuối vì bẽ bàng. Tôi cũng hình dung những nụ cười cao ngạo, đắc chí của một số người trong họ đang lớn tiếng khoe khoang công trạng trước khuôn mặt mếu máo đẫm lệ của chị. Và tôi thực sự hãi hùng trước cảnh tượng những chức sắc trong đạo đang nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ luật Chúa bằng phân thây xẻ thịt một người đàn bà yếu đuối, đáng thương hơn đáng trách.
Chị bị bắt quả tang nên không biện minh lấp liếm được gì. Người ta thành công vì đã nắm được chị “nguyên con” đang làm tình, với đầy đủ nhân chứng, vật chứng. Và con đường phải tới của chị là bản án bị ném đá. Nhưng tại sao họ lại đưa chị đến gặp Đức Kitô, trong khi quyền đang ở trong tay họ? Đức Kitô có là gì đâu để có thể can thiệp trong vụ này?
Đúng thế, họ có toàn quyền; nhưng khi đưa người đàn bà đến gặp Đức Kitô, họ muốn đặt chính Ngài vào bẫy của họ; vì từ lâu Ngài đã chỉ loan báo Tin Mừng cứu độ, thứ Tin Mừng đi ngược luật lệ của cha ông, thứ Tin Mừng bênh vực những người có tội, phường đói rách, đám phung hủi, cánh “chị em ta, gái đứng đường”, thứ Tin Mừng kỳ lạ kêu gọi bình đẳng nam nữ, xây dựng bác ái, thứ tha. Đặt Đức Kitô vào bẫy, họ đã nắm chắc trăm phần thắng; bởi theo họ, Ngài sẽ không thể bênh vực người đàn bà ngoại tình bị túm quả tang này, nếu không phủ nhận luật Maisen. Họ tin tưởng phần thắng sẽ về họ với kết quả kẻ dâm phụ bị ném đá và ông Giêsu, người tự nhận là Đấng Cứu Thế, sẽ bị ê mặt vì không bênh vực đuợc giáo lý mới của ông. Câu hỏi hóc búa như chiếc bẫy cực kỳ nguy hiểm đã được họ giăng sẳn: “Theo luật Maisen thì mụ này phải bị ném đá chết, còn ông, ông nghĩ sao?”.
Trước ác ý và âm mưu của họ, Đức Kitô đã không cãi cọ, đấu lý. Ngài không nói gì, cũng chẳng nhìn ai, lại càng không châm chọc, khiêu khích. Ngài bình thản ngồi xuống, nguệch ngoạc mấy chữ trên cát, chữ gì thì không ai biết, có khi cũng chẳng thành chữ mà chỉ là những nét ngoằn ngoèo, vô nghiã. Không nhìn họ, Ngài cũng chẳng nhìn người đàn bà ngoại tình đang ôm mặt thẹn thùng, chua xót. Để cho họ huyênh hoang, ngạo nghễ hồi lâu, Ngài mới ngước mắt nhìn họ và nghiêm nghị đề nghị: “ Ai trong các người vô tội, hãy ném đá chị ta đi ”. Nghe chưa hết câu, các ông đã giật mình tìm lối thoát, chuồn êm vì có ông nào vô tội đâu, nhất là tội lợi dụng thân xác đàn bà, tội ngoại tình, tội ngồi bia ôm, tội đi chơi điếm…
Kết quả hoàn toàn trái ngược âm mưu và kế hoạch dự liệu. Đức Kitô đã cứu sống một người tội lỗi. Không chỉ cứu sống đời chị, Ngài còn truyền sang tim chị một giòng máu mới tinh nguyên, nồng nàn: giòng máu yêu thương từ trái tim Ngài.
Tôi yêu cung cách tế nhị, nhân bản và rất tình của Đức Kitô.
Trong tình yêu, trước yếu đuối của người khác, Đức Kitô đã dùng thinh lặng, thinh lặng của ngôn ngữ và ánh mắt. Thái độ yên lặng không đưa mắt nhìn láo lien, soi mói, không nói gì trước người tình yếu đuối tội lỗi là thái độ yêu thương sâu thẳm, tuyệt vời và cao thượng. Nói với nhau là điều tốt, nhưng trong những trường hợp nhiêu khê, bẽ bàng, thì yên lặng lại trở thành ngôn từ, tâm sự cần thiết và tha thiết nhất.
Không nói gì, nhưng Ngài đã nói quá nhiều. Nói với các ông ký lục và biệt phái về thân phận yếu đuối, tội lỗi của các ông; không phải để lên án hay dùng tội của các ông mà chạy tội cho người đàn bà bị các ông tố cáo, nhưng để giúp các ông nhận ra sự thực của chính đời mình. Nhờ nhận ra sự thực này, các ông sẽ khiêm tốn hơn và từ tâm hơn. Không nói nhiều với các ông, Đức Kitô muốn tỏ cho các ông thấy Ngài rất trân trọng công tác bảo vệ luật pháp của các ông và tôn trọng chính các ông nữa và Ngài cũng muốn các ông cần nhìn xa hơn, đừng để con người bị chà đạp, nghiền nát, tiêu diệt bởi chính luật lệ đã được đặt ra để bảo vệ con người. Luật lệ được làm cho con người, đó là điều Đức Kitô muốn và không bao giờ con người được phép tự biến thành nạn nhân của luật lệ. Con người phải là mục đích của luật lệ và khi cần, tất cả mọi khoản ngoại lệ của luật đều phải được sáng tạo và xử dụng để bảo vệ tối đa con người. Ở đây, Đức Kitô đã tự mình tìm một luật trừ ở giờ chót để bảo vệ người đàn bà ngoại téinh bị bắt qủa tang.
Không nói gì, nhưng Ngài đã nói tất cả với người đàn bà ngoại tình. Chị không dám nhìn Chúa vì sợ, vì nghe Ngài là một đại tiên tri, là Đấng Cứu Thế. Chị càng không dám lên tiếng nài nỉ, van lơn Ngài vì không ai cho chị nói vì chị là tội nhân; không ai nghe chị vì chị không còn nhân phẩm; không ai giải quyết cho chị vì luật lệ đã ghi chú đầy đủ biện pháp và chi tiết xử lý. Nhưng chị đã suy đoán sai thái độ và tâm tình của Đức Kitô và chị chỉ hiểu hết khi Ngài hỏi: “Những người tố cáo con đâu cả rồi? Không ai ném đá con sao? Thầy cũng vậy” và Ngài ân cần căn dặn: “Con đi bình an và đừng phạm tội nữa ”.
 Không nói nhiều, Đức Kitô đã tỏ ra một tình yêu rất sâu xa đối với chị. Ngài biết, chị ngại nói về tội mình, ngại khai lý lịch đời mình, ngại lặp lại một lần nữa câu chuyện ngoại tình rất xấu hổ. Cảnh tượng nhốn nháo truy lùng, bắt bớ, hạch hỏi của các ông cảnh sát tôn giáo vừa xảy ra đã quá kinh hoàng và làm chị còn run rẩy. Sự yên lặng của Đức Kitô đã gỡ chị ra khỏi bói rối, nhấc chị ra khỏi cơn bàng hoàng và ban cho chị sự bình an thật. Chị sững sờ chiêm ngắm người vừa cứu chị, chị chẳng nghe hết những điều Ngài nói vì mải say mê Ngài. Đức Kitô hiểu nỗi đau của chị và muốn xoa dịu, băng bó vết thương lòng ấy bằng yên lặng chia sẻ, yên lặng cảm thông, yên lặng nâng đỡ, yên lặng đồng hành, yên lặng trao ban. Trong yên lặng, tình yêu được chữa lành, chăm sóc. Yên lặng trong tình yêu cũng cần như giấc ngủ mỗi đêm. Nó cho tình yêu chiều sâu và tính bén nhậy, tinh tế.
Yêu như Đức Kitô, ta phải tập yên lặng khi tình yêu đòi hỏi. Khuynh hướng bình thường là biện bạch, trình bày, cắt nghĩa, nhưng có những lúc và những hoàn cảnh ở đó ta càng nói, càng không hiểu nhau; càng lý luận, ta càng sớm xa nhau; càng thao thao bất tuyệt, tình yêu càng xuống cấp; càng hỏi han tìm tòi, càng cầy sâu vết thương trong nhau. Bởi nỗi khổ và giới hạn của con người là không thể hiểu hết nhau, không thể khám phá trọn vẹn vũ trụ của nhau, không thể sống thay nhau nên không thiếu những tai nạn trong tình yêu như hiểu lầm nhau, hiểu sai ý nhau, hiểu chưa thấu hay hiểu hoàn toàn ngược, chưa kể đến những hoàn cảnh bi đát ở đó ta hoàn toàn không hiểu gì về nhau. Sự yên lặng lúc đó sẽ là điều kiện cần thiết để cứu sống tình yêu.
Hỡi Đức Kitô dấu yêu của những mảnh đời tội lỗi! Nếu Chúa đã bất chấp luật lệ để cứu người đàn bà tội lỗi khỏi chết dưới làn mưa đá; nếu Chúa đã can đảm đương đầu với cả thành trì luật pháp kiên cố để tránh tai ương cho một phụ nữ nhỏ bé, vô danh, dâm đãng tội lụy; nếu Chúa đã công khai đặt vấn đề trong sạch với những người quyền thế để bênh vực người đàn bà vô tích sự trước mặt xã hội; nếu Chúa đã nhắm mắt không nhìn vào bộ luật của cha ông vì yêu thương một con người hư hỏng thì Lạy Chúa, con đây, con có tất cả các điu kiện trên: tội lỗi, vô tích sự, dâm đãng, vô danh để đựợc Chúa cứu vớt. Xin cho con tin tưởng vào Tình yêu Chúa và trở thành niềm tin tưởng cho những người con yêu.