Pages - Menu

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

MÙA CHAY

Mùa Chay bắt đầu với thứ tư lễ tro biểu hiện tinh thần sám hối, trở về : sám hối lỗi lầm xưa, và trở về với Thiên Chúa là Cha khoan dung, nhân hậu. Mùa Chay còn là thời điểm Đức Giêsu mời gọi mỗi người cùng Vượt Qua với Ngài : vượt qua cám dỗ để lớn lên trong ân sủng, vượt qua sự chết để được sống lại với Ngài trong ngày Phục Sinh vinh hiển.
Trong suốt mùa chay, chúng ta đi với Đức Giêsu trên hành trình sám hối, trở về, và với Đức Giêsu, chúng ta vào sa mạc để chiến đấu với cám dỗ, lên núi để chiêm ngưỡng Chúa biến hình, theo Chúa đến giếng Giacóp trò chuyện với người phụ nữ Samaria, tận mắt thấy người mù từ lúc mới sinh được Chúa cho sáng mắt và bỡ ngỡ, kinh ngạc khi Chúa gọi Ladarô, bạn của Ngài từ cõi chết sống lại, để qua những dấu chỉ và phép lạ, chúng ta nhận biết Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Đặc biệt trên đường vào thành thánh Giêrusalem khi đám đông lấy lá và áo choàng lót bước chân Ngài, và với Ngài trên đường Thánh Giá, chúng ta sẽ không còn nghi ngờ sứ mệnh Cứu Thế của Ngài, và cùng với Ngài chúng ta được chết và sống lại với Ngài.
Mùa Chay như thế chính là con đường từ bỏ những gì làm chúng ta xa Thiên Chúa, và gắn bó với những gì đem chúng ta lại gần Chúa hơn, trong tình yêu và ánh sáng cứu độ của Ngài.
Là con đường sám hối, Mùa Chay kêu gọi chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của mình, nhưng việc nhìn lại không đơn thuần chỉ là nhìn lại rồi thôi, nhìn lại rồi để đó, hay nhìn lại để thất vọng, tuyệt vọng, nhưng nhìn lại để lên đường trở về với ơn tha thứ, trở về với nguồn tình yêu, trở về trong vòng tay Cha giầu lòng thương xót.
Sau đây là những lý do thúc bách chúng ta sám hối, trở về :
1.   Sám hối trở về để thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa :
Ngôn sứ Giôen đã năn nỉ dân sám hối trở về với Đức Chúa, để mong được Đức Chúa rút lại hình phạt sắp đổ xuống trên dân :
Đây là sấm ngôn của Đức Chúa : “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương. Người hối tiếc vì đã giáng họa. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc” (Ge 2,12-14).
Và ngay cả không phạm tội, chúng ta cũng được kêu gọi trở về, vì cuộc đời người Kitô hữu hệ tại ở việc liên lỉ trở về với Đức Giêsu bằng từ bỏ lối sống thế gian không phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng. Chính cuộc trở về không ngơi nghỉ này là sứ mệnh phải chu toàn của người môn đệ Đức Giêsu, bởi trở về với Ngài là ơn gọi của người tin yêu và có Đức Giêsu trong cuộc đời.
2.   Sám hối, trở về để Giao Hoà :
Hành trình mùa chay, cũng là hành trình của người đi theo Đức Giêsu là hành trình trở về Hòa Giải : hoà giải với Thiên Chúa, hoà giải với anh em, hoà giải với chính mình.
Nhưng để hoà giải được với anh em, và với bản thân, trước hết và trên hết, chúng ta phải hoà giải với Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã tha thiết kêu gọi, bởi không hoà giải với Thiên Chúa, không có ơn hoà giải của Ngài, chúng ta không hoà giải được với ai, cũng không hoà giải được với chính mình, vì chỉ một mình Chúa mới bảo đảm và gìn giữ hồng ân Hoà Giải, như hoa trái của lòng sám hối, trở về :
“Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa… Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa ...” (2 Cr 5, 19 -20).  
Và để hoà giải một cách thiết thực, Tin Mừng đề nghị chúng ta :
a.   Cầu nguyện để hoà giải với Thiên Chúa :
Cầu nguyện với lòng khiêm tốn, chân thành, và “đừng làm như bọn đạo đức giả”, thích phô trương, khoe khoang khi cầu nguyện (x.Mt 6,5), nhưng “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo…” (Mt 6, 6).
b.   Chia sẻ, bố thí để hoà giải với anh em :
Chia sẻ với tha nhân, bố thí, giúp đỡ người thiếu thốn là “làm việc lành phúc đức”, nhưng khi làm việc lành này, “anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1), nhưng “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,4).   
c.    Ăn chay để hoà giải với chính mình :
Ăn chay là trở về với mình, trở lại lòng mình, để thấy mình rõ hơn, nhận ra mình chính xác hơn, hầu tìm lại bình an, thư thái, hạnh phúc cho tâm hồn.
Rất nhiều người “mất ăn mất ngủ”, lo lắng, bồn chồn, sầu khổ, thất vọng không vì thiếu ăn, thiếu mặc, hay cơ hàn, khốn khổ, cho bằng vì không làm hoà được với chính mình, “cái tôi” không làm hoà được với “cái mình”, “cái tôi” không nhất trí, hoà thuận được với “cái ta”. Và cái khổ, cái khó là khi đối kháng ở ngay tâm hồn, đối nghịch ở ngay nội tâm, đối chọi có ngay trong lòng, thì ai có thể hoà giải, giải hoà, nếu không phải là chính bản thân.
Vì thế, ăn chay không chỉ là chuyện không ăn thịt, hay không ăn nhiều bữa, nhưng chính yếu là từ bỏ những gì làm cho “cái tôi” hư hỏng, những gì làm “cái tôi” không còn quy hướng về Chân Thiện Mỹ, những gì làm “cái tôi” không còn biết yêu thương, chia sẻ, phục vụ tha nhân, những gì làm “cái tôi” ngạo mạn chống lại Thiên Chúa như những tính hư tật xấu : kiêu căng, ích kỷ, tham lam, ganh ghét, nhỏ mọn, lười biếng, hưởng thụ…
Tóm lại, ăn chay chính là tu thân, sửa mình, từ bỏ tính hư, tập tành nhân đức. Cũng như cầu nguyện và bố thí, Đức Giêsu căn dặn chúng ta phải kín đáo khi ăn chay, và “chớ làm bộ thiểu não như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6,16), vì Thiên Chúa, “Đấng hiện diện nơi kín đáo… thấu suốt những gì kín đáo” sẽ rộng lòng  yêu thương, chúc phúc (x. Mt 6, 18).
3.   Sám hối, trở về để đón nhận Nước Trời :   
Tất cả sứ điệp của Tin Mừng đều tập trung ở lời kêu gọi sám hối, trở về để được đón nhận Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã không ngừng chỉ cho môn đệ Ngài và tất cả những ai tin theo Ngài một lối sống mới đặt trên lời mời gọi và lệnh truyền của Thiên Chúa, chứ không đặt trên bản thân mình và những gì thuộc xã hội trần gian, và Thiên Chúa mới thực là Gia Nghiệp, Cùng Đích ; Nước Trời mới là chốn ước mong trở về, như tác giả  Thánh Vịnh 50 đã cảm tác :
“Lậy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tâm hồn cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con  niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần qủang đại đỡ nâng con” (Tv 50,12-14).
Vâng, Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện, là thời gian thuận lợi, là thời điểm Thiên Chúa chọn để tỏ lòng thương xót chúng ta là dân Ngài.
Cũng như đám đông ngày xưa đã kéo đến gặp Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Giôđan “xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3), chúng ta cũng khiêm tốn xin Chúa thương xót tha thứ, bằng sống tinh thần sám hối, trở về với Thiên Chúa là Cha vô cùng quyền năng và bao dung, nhân hậu, để với ơn Hoà Giải của Ngài, chúng ta được hoà giải với mình và với anh em.
Jorathe Nắng Tím

TÌNH YÊU BẤT TỬ


Ai cũng có kinh nghiệm khổ đau khi tiễn biệt người thân qua đời. Lần tiễn đưa cuối cùng buồn không sao kể xiết, lần chia tay vĩnh viễn, nói sao hết khổ đau. Nước mắt người ở lại, đau đớn người còn sống trước yên lặng não nề của người nằm xuống. Cái chết kinh hoàng, rùng rợn. Nó lấy đi tất cả không bận tâm; nó càn quét tận cùng không do dự; nó cay nghiệt tàn ác không thắc mắc, xót xa. Nhưng dù buồn đến đâu, dù tiếc thương đến mấy; ta vẫn phải chấp nhận nhìn người thân ra đi.
Trong nỗi nhớ người thân, ta không cho phép mình nguôi ngoai tình yêu, ta muốn họ mãi sống trong ta và một cách nào đó, họ trở nên bất tử, luôn có mặt trong đời ta. Tình yêu ta dành cho họ xem ra không để uy quyền của sự chết thống trị, không chịu cúi mình vâng theo định luật tan biến của hư vô. Người ta yêu tuy vắng mặt trong thế giới vật lý hữu hình, nhưng ta muốn và ta cảm thấy họ luôn hiện diện sống động trong trái tim ta.
Như thế, tình yêu không muốn chết, không chịu chết theo định luật thể lý, không chịu tan biến theo thịt, da, xương, máu. Nó muốn sống và sống mãi trong trái tim của những người sống khác. Nó muốn có mặt trong đời đang sống của những người nhớ đến nó và nó muốn trường tồn và nối dài đến vô tận sự sống của mình.
Khi người tôi yêu thương mất, tôi không muốn họ chết trong trái tim tôi, nhưng giữ họ không chỉ trong ký ức, tâm tưởng mà còn trong từng giây phút sống của đời tôi. Tôi thấy họ gần tôi hơn khi họ còn sống; tôi chia sẻ với họ trọn vẹn và sâu xa đến độ tôi quên họ đã qua đời. Đời họ gắn với đời tôi, tuy hai cuộc đời ở hai thế giới khác nhau. Kinh nghiệm ấy cho tôi nhận ra tính bất tử của tình yêu. Tôi yêu được cả người chết, và người chết ấy “phải sống” để sống mãi trong tình yêu tôi.Tình yêu không chết để tình yêu là mầu nhiệm. Tình yêu phải sống mãi cho con người được giống hình ảnh đấng Chủ Tạo bất tử, hằng sống. Điều này cắt nghĩa lý do và cách phân xử của Thiên Chúa trong ngày chung thẩm khi tình yêu sẽ là điều kiện duy nhất, thước đo duy nhất, giá trị duy nhất để được nhận vào cung lòng Thiên Chúa Tình Yêu. Nếu tình yêu cũng nát rữa như da thịt, tiêu tan như xương cốt thì còn đâu gạch nối giữa đất với trời, giữa Thiên Chúa với con người, giữa người sống và người chết?
Tính bất tử còn có lý do hiện hữu vì con người hữu hạn, có cùng phải tiếp tục hành trình của mình vào vô hạn, vô cùng. Vô hạn, vô cùng vì con người từ khi được tạo dựng đã mang sẵn mầm sống vĩnh cửu của tình yêu.
Gửi gắm tình yêu cho người đã khuất là bí tích hiệp thông trong Giáo Hội. Khi cầu nguyện cho người quá cố, ta thực hiện bí tích tình yêu, dấu ấn ngàn đời vĩnh cửu của những người theo Đức Kitô. Trong bí tích này, chính Đức Kitô tình yêu là sức mạnh tác động và là điểm tụ của mọi gặp gỡ. Chính Ngài cho tình yêu nơi ta bất tử và nối kết mọi con người bất tử bằng tình yêu là chính Ngài.

TÌNH YÊU MẦU NHIỆM


Tôi đã cùng bạn nhìn tình yêu dưới nhiều góc cạnh, nhiều trạng thái, nhiều hoàn cảnh mà mục đích là giới thiệu một Đức Kitô Tình Yêu. Tất cả những cách nhìn, hướng nhìn trên không mổ xẻ, lột trần, chặt nhỏ tình yêu; cũng không pha trộn mọi thứ tình để cho ra một thứ tình yêu kiểu cocktail “hằm bà lằng xí cấu”, nhưng mục đích chính là để dẫn ta vào thâm cung của tình yêu mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Quả thực, nếu chối bỏ tính mầu nhiệm của tình yêu, vô tình ta đã mang tình yêu vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học. Và tình yêu trong phòng thí nghiệm sẽ không còn những “bối rối, bồi hồi, xao xuyến, e ấp, thẹn thùng, bâng khuâng, day dứt, nhớ thương, thấp thỏm, đợi chờ; nó cũng không còn cao tới trời, sâu tận vực thẳm, bàng bạc bao la…”. Tình yêu ấy, khi bỏ xa vùng trời mầu nhiệm, sẽ trơ lạnh ù lì một khối và loài người sẽ chẳng khác gì những con chip, robot.
Trước hết, tình yêu mầu nhiệm vì Thiên Chúa là Tình Yêu và nguyên thủy của tình nhân loại là chính Thiên Chúa. Nơi Ngài có mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm này đã được mạc khải qua công trình vào đời, làm người, yêu người, cứu đời của Đức Kitô, con Thiên Chúa. Công trình ấy là một mầu nhiệm, một bí tích, một khung trời vượt khỏi tầm nhìn của con người. Khi nói đến mầu nhiệm Đức Kitô vào đời, làm người, ta cũng chỉ hiểu được phần nào mối tình phụ tử của Thiên Chúa và nắm bắt phần nào mức độ cao siêu của sứ điệp yêu thương. Chính các môn đệ thân cận của Đức Kitô cũng chẳng hiểu nhiều, bằng chứng là các ông đã bỏ chạy, phản bội Ngài trong những ngày cuối đời Ngài. Phải đợi đến khi Thánh Thần Tình Yêu xuống sưởi ấm, khai mở dần và với ơn của Ngài, các ông mới xác tín mầu nhiệm yêu thương trong ngày lễ Hiện xuống. Đóng chốt và được khai sinh từ tình yêu mầu nhiệm này, tình con người cũng là một mầu nhiệm cao vời khôn ví.
Tình ấy mầu nhiệm ở bản thể. Có ai nhốt được tình yêu trong lồng, trong lọ bao giờ. Nó ở đâu, hình dáng ra sao, không ai thấy, không ai biết; chỉ thấy được, biết được qua những biểu hiện của nó. Thấy người mẹ âu yếm, chăm sóc con, ta bảo người mẹ ấy yêu con. Nhìn các nữ tu tận tụy săn sóc người phong hủi, siđa, ta nhận ra tình yêu tha nhân nơi các chị. Là một mầu nhiệm, tình yêu luôn ẩn dấu kín đáo, không dễ nhận diện, nắm bắt.
Tình yêu còn mầu nhiệm ở phạm vi, lãnh vực sinh hoạt. Nó vượt mọi ranh giới, cao đến trời và yêu chính Thiên Chúa; sang hẳn thế giới bên kia và thương cả những người đã chết. Nó vượt mọi điều kiện của không gian, thời gian: yêu tổ tiên sống trước hằng bao nhiêu thế kỷ, thương đàn em chưa có mặt trong đời, yêu những người ở gần, đối diện; nhưng cũng thương những người nghìn trùng cách trở. Nó còn mầu nhiệm ở khả năng yêu nhiều đối tượng một lúc, mà tất cả đều được yêu tha thiết nồng nàn: ta có thể cùng yêu cha mẹ, vợ con, bạn bè với một khối tình no tròn, một biển tình đầy ắp.
Nhưng mầu nhiệm lớn của tình yêu là khả năng vừa yêu Chúa vừa yêu người; hay đúng hơn yêu người là yêu Chúa. Đọc Tin Mừng Thánh Matthêu (25,31-46), ta thấy tình yêu đã làm ngỡ ngàng những người lành khi họ không biết rằng tình họ dành cho người khác chính là tình họ dành cho Chúa. Mầu nhiệm của tình yêu đã làm kinh ngạc những người yêu và họ chỉ hiểu giá trị mầu nhiệm của tình yêu sau khi chết. Có ai trong họ khi sống đã nhận ra Thiên Chúa trong những người nghèo hèn, bệnh tật, tù đày, cô quả đâu. Có ai trong họ khi sống đã đo được giá trị của những ly nước, những tấm mền, chén cơm, những nụ cười cảm thông, những bàn tay chia sẻ đâu. Hạnh phúc hôm nay của họ là khám phá mầu nhiệm sâu thẳm của tình yêu sau khi đã yêu; mầu nhiệm ấy lại tiếp tục cuốn hút họ vào cung lòng của chính Đấng là Tình Yêu.
Tình yêu còn mầu nhiệm ở cường độ sinh hoạt. Cường độ này không căn cứ, tùy thuộc vào công việc, công trình. Ta có thể làm một việc rất lớn, rất cả thể với một chút tình cỏn con, thừa thãi; ngược lại ta cũng có thể làm một việc cỏn con, bé nhỏ không tạo tiếng vang, không gây ồn ào với một tình yêu vĩ đại. Có thế, những cánh hoa nhỏ mới có cơ hội trở thành biểu chứng của tình yêu lớn, những ân cần kín đáo, tế nhị mới nên kho tàng ẩn chứa tình yêu vĩ đại.
Cường độ của tình yêu, nhờ mầu nhiệm đã cho ta khả thể làm lớn tình yêu trong việc nhỏ. Đức Kitô yêu con người bằng tất cả tình yêu Thiên Chúa và con người của Ngài. Qua mọi việc làm và hoàn cảnh sống: từ năm tháng chôn vùi, ẩn dấu ở Bêlem, Nazareth cho đến những ngày rao giảng thành công, cả đến giờ phút đau đớn, kiệt sức, bất lực trên Thánh giá, Ngài luôn giữ một cường độ yêu mãnh liệt, thiết tha. Và cường độ ấy đã thúc đẩy Ngài vui lòng chết cho những người Ngài yêu.
Đi vào tình yêu là chạm mặt mầu nhiệm. Những chạm mặt này có khi cho ta hạnh phúc; nhưng cũng nhiều lúc làm ta đau khổ. Ta hạnh phúc khi mầu nhiệm cho ta đi lên để hồn ta bay bổng, chắp cánh; ta khổ đau khi tình yêu dẫn ta xuống thẳm sâu của mầu nhiệm, ở cõi nhiệm mầu thẳm thẳm, tăm tối này, ta cảm thấy chao đảo, bàng hoàng, sợ hãi. Nỗi khổ, niềm đau của con người biết yêu là những chạm mặt kinh khủng với chính mầu nhiệm của tình mình đang yêu; vì mầu nhiệm này chỉ được khai mở sau đoạn đường hầm đen tối mà tình yêu phải đi qua: không ra khỏi hầm, không có ánh sáng.
Chính vì thế, khi yêu con người, Đức Kitô đã chọn chính hành trình mầu nhiệm tình người. Nó phải đi theo chu trình của mầu nhiệm. Trong chu trình này, bóng tối thử thách luôn chiếm một phần quan trọng, làm nền và điều kiện cho ánh sáng.
Nhìn vào đời Đức Kitô, ta thấy không ít những đoạn đường hầm. Trên những đoạn hầm âm u, mù mịt này, Ngài đã không được chính các môn đệ của mình nhận ra dung mạo sáng láng, không còn được một chút tình của những người đã hoan hô, ủng hộ, không còn một chút cảm thương kính trọng nơi những người đã nghe giảng và chịu ơn; cả đến đường dây liên lạc với Trời, mối tình cha con bất diệt cũng bị cắt ngang. Trên đoạn trường này, Ngài cô đơn tột độ, yếu đuối tột độ, bất lực tột độ; nhưng luôn yêu thương tột độ. Ngài biết và vui lòng chấp nhận đi hết con đường mầu nhiệm của tình yêu. Ngài hiểu và can trường đi vào đường hầm tăm tối của mầu nhiệm vì Ngài muốn yêu đến cùng, yêu đến chết, yêu đến tận đáy sâu của mầu nhiệm: chết cho người mình yêu.
Khi chấp nhận đi với Đức Kitô trên đường tình, ta cũng sẽ phải như Ngài, phải chạm mặt với mầu nhiệm. Cái khó của tình yêu thật là chỉ thật khi chấp nhận và sống chính mầu nhiệm này, mầu nhiệm ngay trong ta, nơi người ta yêu, trong những biến cố, thử thách của tình yêu. Tình yêu thật ấy sẽ không bám ngoài da như bụi, không mau qua như son phấn, không bề ngoài như đồ trang sức; nhưng sâu thẳm, cao vời, vượt thời gian, phủ lấp không gian, che kín cả sự chết.
Tin vào mầu nhiệm của tình yêu là tin vào Đấng là Tình Yêu. Chỉ với và trong niềm tin này, tình yêu ta mới tránh được những phút giây tuyệt vọng khi khổ đau, mới an bình trước phong ba bão tố, mới thanh thản khi bị hiểu lầm, vô ơn. Chỉ với niềm tin vào chính Đấng là Tình Yêu, mầu nhiệm của tình yêu mới có đất sống, mới mang lại cho tình yêu mùa màng sung túc, mới dắt được hy vọng của tình yêu vào mùa xuân rực rỡ. Không mầu nhiệm, tình yêu không thể bất diệt, cũng chẳng bao la, sâu thẳm hay vời vợi tuyệt đối. Và hạnh phúc thật của người dám yêu, biết yêu là dấn thân vào mầu nhiệm này, ở đó họ gặp được chính Đấng là Tình Yêu.

TÌNH YÊU KỲ DIỆU

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 7, Thường Niên, Năm A
Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? (Mt 5,46)
Như thế, tình yêu được Đức Giêsu định nghiã hoàn toàn khác với tình yêu con người quan niệm : yêu kẻ yêu mình, thương người thương mình, và tình yêu là tình của hai người yêu nhau ; tình yêu của Đức Giêsu đề nghị  không còn là tình yêu con người thực hiện cho nhau : chỉ yêu người thương mình, chỉ thân thiện với người mình thân thương, chỉ chào hỏi người mình có cảm tình ; và giới luật mới  tình yêu mà Đức Giêsu muốn những ai đi theo Ngài phải sống cũng không giống luật sống : “Mắt đền mắt, răng đền răng”, mà con người coi như nguyên tắc căn bản trong tương quan ứng xử trong đời thường.
Qủa thực, Đức Giêsu đã thay đổi hoàn toàn định nghiã của Tình Yêu, bởi từ nay, với Ngài : Yêu không còn là yêu người yêu mình, mà còn là “yêu người không yêu mình, yêu người yêu mình không hết tình, yêu người yêu mình không đúng, không đủ”.
Nhưng vẫn chưa hết, tình yêu được định nghiã lại bởi Đức Giêsu còn đi xa hơn, lạ lùng hơn, quyết liệt hơn, và cũng cam go, khó khăn, vật vã hơn rất nhiều, khi đòi phải “yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (x. Mt 5,44). 
“Yêu kẻ thù” thế nào được, vì đòi hỏi này hoàn toàn mâu thuẫn với luận lý bình thường, bởi có yêu thì phải yêu người đáng yêu, người yêu mình, hay ít ra là người chưa có ân oán, nợ máu, nợ xương gì với mình, chứ ai lại “ngu si, đần độn, khờ dại và liều mạng” đến độ đi yêu kẻ thù, yêu kẻ chơi xấu mình, yêu kẻ lợi dụng mình, yêu kẻ chỉ muốn dùng mình như bàn đạp, phương tiện, yêu kẻ đâm sau lưng mình, yêu kẻ chống lại mình, yêu kẻ nguyền rủa, vu khống mình, yêu kẻ lên án mình, yêu kẻ tìm mọi cách đốn gục mình, yêu kẻ muốn hãm hại mình, yêu kẻ muốn tiêu diệt mình ? 
Yêu kẻ thù còn là điều không thể quan niệm trong tình yêu, vì không những vô lý, mà còn không thể thực hiện : vô lý, và bất khả thi, khi làm một điều ngược với điều lý trí “coi là bình thường”, và với điều trái tim “bình thường cảm thấy”, nhất là hoàn toàn đi ngược đường lối “khôn ngoan của xã hội” .   
Tin Mừng hôm nay với Tình Yêu được Đức Giêsu đề nghị các môn đệ Ngài thực hiện không chỉ là tình yêu chịu đựng, hiền lành như “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39) ; không chỉ là tình yêu quảng đại, hào sảng : “Ai lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài” (Mt 5,41), “Ai xin thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42) ; tình yêu kiên trì, nhẫn nại : “ai bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5,41), nhưng còn là Tình Yêu vượt qua bình diện tự nhiên, để vươn cao đến siêu nhiên, chạm được Thiên Chúa khi ‘gồng mình’ “cầu nguyện cho cả những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Đòi hỏi cầu nguyện cho kẻ thù là tột điểm của tình yêu mà Đức Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải thực hiện. Là tột điểm của tình yêu, vì là hành vi cao cả, kỳ diệu, thánh thiện, mầu nhiệm và tuyệt vời khôn sánh, bởi cầu nguyện cho kẻ thù không những vượt tầm hiểu biết, suy nghĩ, mà còn vượt khả năng thực hiện của con người.
Vì thế, trong tình yêu được đề nghị bởi Đức Giêsu sẽ không chỉ có con ngừơi yêu nhau, không chỉ là tình yêu thuộc bình diện nhân loại, tình người yêu con người, mà còn có Thiên Chúa là Tình Yêu hiện diện, có Thiên Chúa tình yêu hoạt động, có Thiên Chúa tình yêu tham dự, có Thiên Chúa tình yêu ban sinh lực và nâng đỡ, tắt một lời : trong tình yêu kỳ diệu này, luôn “có Thiên Chúa là Tình Yêu cùng yêu với”, bởi đây là tình yêu vượt ra khỏi tự nhiên, vượt lên trên con người, để đi vào vùng siêu nhiên, chạm được chính Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối.
Đó chính là lý do Đức Giêsu đã công khai tuyên bố : sự thánh thiện của con người chính là đạt đến tình yêu kỳ diệu này, tình yêu như giới luật mới của Thiên Chúa truyền ban cho con người, vì chỉ khi ra khỏi “tình yêu theo khuôn khổ tự nhiên, và định chế xã hội” để đạt đến tình yêu không biên giới, không điều kiện, không đòi đền đáp, tình yêu mang hình ảnh của Thiên Chúa, tình yêu từ nguồn thánh thiện của Thiên Chúa, tình yêu như ơn gọi trở nên con Thiên Chúa, Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45), người môn đệ Đức Giêsu mới thực sự sống theo Giới Luật mới của Thiên Chúa, và làm đẹp lòng Ngqài. Chỉ trong tình yêu “có Thiên Chúa”, với tình yêu không theo tính toán của thế gian, phù hợp với kế hoạch của loài người, bằng khôn ngoan của nhân loại, người môn đệ của Đức Giêsu mới có thể “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), và mới đáng được Thiên Chúa thưởng công đời đời (x. Mt 5,46-47).
Vâng, Đức Ái Kitô giáo không còn là tình yêu như người đời quan niệm, không còn là tình yêu như con người định nghiã, cũng không còn là tình yêu an nhàn, thoải mái, dễ thực hiện, nhưng đòi vượt qua nhiều biên giới, nhiều cản trở, nhiều chướng ngại, những chướng ngại của ích kỷ, tham lam, những cản trở của ganh ghét, đố kỵ, những biên giới của kỳ thị chủng tộc, giai cấp, thành phần xã hội.
Đức Ái ấy khó khăn, quyết liệt, và triệt để, đến cùng, nên khi thiếu yêu thương quên mình, thiếu chia sẻ đến thiệt thân, thiếu tha thứ đến nỗi bị đời cho là khờ dại, “người Giời”, chúng ta vẫn chưa được gọi là Con Thiên Chúa, vì bất xứng với Tình Yêu kỳ diệu, thần thánh mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi vào. Cũng vì lý do này, Giáo Hội còn gặp nhiều khó khăn, khi những người con của Giáo Hội không sống tình yêu theo định nghiã mới của Đức Giêsu, nhưng tiếp tục để “tình yêu” theo kiểu thế gian hớp hồn, lôi cuốn.
Jorathe Nắng Tím