Pages - Menu

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

COVID-19 và QUÊ HƯƠNG TÔI

Trưa hôm nay 17.03.2020, lệnh phong toả toàn quốc, như biện pháp chiến tranh toàn diện chống dịch Covid-19, mà tổng thống Emmanuel Macron đã công bố vào 20 giờ hôm qua 16.03.2020 chính thức có hiệu lực. Hơn một trăm ngàn cảnh sát được huy động để kiểm soát, và ngăn chặn việc đi lại, tụ tập không lý do cần thiết của tòan dân trên toàn nước.
Chấp hành lệnh phong toả, tôi bật khóc nhớ về quê hương tôi, nơi đó dân tôi cũng đang hoảng loạn, lo lắng không kém gì Âu Châu, nơi tôi định cư.
Tôi bật khóc không chỉ vì lo lắng cho dân tôi đang bấn loạn trong đại dịch, mà còn thương nhớ và biết ơn những người thân, bạn hữu đã quên lo cho mình, mà liên tục nhắn gửi tâm tình với những dặn dò đầy ắp tình yêu chăm sóc, như mẹ hiền lo cho đứa con tha hương những ngày loạn lạc. Tôi không khóc sao được khi người thân không lo cho mình, mà lo cho tôi, một người ở nước ngoài có an sinh xã hội trăm phần trăm bảo đảm, trong khi ở quê nhà, hệ thống bảo hiểm còn nhiều khó khăn, vì dù sao đất nước tôi cũng còn nhiều hạn chế. 
Tôi cũng đã khóc vì cảm kích trước những tấm lòng hy sinh, qủang đại, nặng tình nghiã của đồng bào tôi trước đại hoạ Covid-19 và đồng ruộng miền Tây bị xâm  mặn, khô hạn, khi rất nhiều người thuộc đủ thành phần đã thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ dân lành gặp nạn, chia sẻ miếng cơm manh áo với người nghèo khốn khổ.
Và nước mắt của tôi khô dần trước những tin vui: đất nước tôi khống chế thành công đại dịch, ngăn chặn hoàn toàn sức bành trướng vũ bão của virút Covid-19, bằng chứng là con số tử vong, cũng như người bị lây nhiễm ở nước tôi rất thấp so với các nước, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Anh…  
Ở vào thời điểm ngồi viết những dòng này, Việt Nam, quê hương tôi vẫn được nhìn nhận là quốc gia đang thành công trong công cuộc chống dịch, và tôi hãnh diện với bạn bè nước ngoài…
Nhưng, bỗng một nỗi lo chưa thể gọi tên trào dâng trong tôi, làm tôi ứ nghẹn, một nỗi sợ chưa thể xếp loại làm tim tôi se thắt, và chân tay rụng rời.
Sở dĩ nỗi lo chưa gọi được thành tên, nỗi sợ chưa xếp được thành loại, vì lo sợ ấy còn hỗn mang, mông lung, mặc dù đã làm cổ tôi rát khô, mắt tôi mờ, tim tôi lạc nhịp.
Tôi lo sợ cho những người bán vé số nghèo, mà bữa cơm dưa mắm cho đàn con dại chỉ trông vào những tấm vé số được bán trong ngày. Vì nghèo, và vì là lao động duy nhất của cả nhà, người cha bán vé số rất có thể đã nhiễm virút Corona, nhưng không dám khai báo, vì biết khai báo sẽ bị đem đi cách ly, và những ngày cách ly sẽ là những ngày đàn con thơ phải nhịn đói.
Tôi lo sợ cho những người nghèo “buôn thúng bán bưng”, mà virút dù có đuợc nhận ra trên thân thể cũng vẫn “tự nguyện” câm nín, thinh lặng, cẩn mật che giấu, vì một lý do duy nhất: không đi bán, tiền đâu nuôi sống chồng đau, con dại?
Tôi lo sợ cho những bác phu hồ nghèo luống tuổi, mà từ sáng sớm đã phải lam lũ, quần quật dưới nắng mưa, nên sức đề kháng rất yếu ớt, dễ trở thành mồi ngon cho virút đang gây ra đại dịch. Các bác phu hồ nghèo này, cũng như những cô chú, và các em bé ăn xin có biết mình bị lây nhiễm cũng chẳng dám khai báo để được chữa trị, chỉ vì sợ cách ly, không có tiền để trang trải từ tiền nhà cuối tháng, đến tiền ăn hằng ngày, chưa kể tiền hụi chết, hụi sống của đời nghèo rất phức tạp, nhiêu khê, mà chỉ những ai đã nghèo, đang nghèo mới hiểu nổi.
Tôi lo sợ cho người dân nghèo vùng sâu vùng xa, và anh chị em người dân tộc trên cao nguyên hoang vu, hẻo lánh mà đời sống qúa giản dị đến đáng thương, qúa đơn sơ đến chẳng có gì, qúa nghèo nàn đến không nhìn rõ hiện tại, nói gì tiên liệu tương lai, nên virút Côrôna, Cô Vi hay Cô gì đi nữa, họ cũng chẳng quan tâm, vì chẳng có gì được coi là quan trọng, và không còn gì để phải bận tâm, trong khi ngô khoai cho bữa ăn chiều còn chưa lo được.
Tôi lo sợ cho rất nhiều người già cám cảnh neo đơn vì nghèo, vì không tài sản, nhà đất, nên con cháu bỏ rơi, quên lãng đã từ chối vào bệnh viện vì không có tiền, và cũng không muốn trở thành gánh nặng cho ai, vì mặc cảm và tự ái tuổi già.
Tôi còn lo sợ cho những em bé đánh giầy, “bị chăn giắt” ăn xin, cả những em bé bị người lớn lạm dụng tình dục đổi lại bằng chút “tiền còm” ít ỏi chỉ đủ ngày hai bữa cơm canh. Các em biết gì mà đề phòng lây nhiễm, có gì để mất mà gìn giữ, thận trọng, nên Covid-19 hay Covid bao nhiêu đi nữa cũng không làm các em nao núng, sợ sệt, vì đối với các em, cái đói rã họng, cái đói lả người, cái đói tái tê đã là cái đáng sợ nhất trên đời rồi.
Tôi cũng lo sợ cho những công nhân ở quê lên tỉnh bỗng rơi vào tình trạng thất nghiệp, bế tắc kinh tế, đường cùng sinh hoạt vì nhà máy đóng cửa, xí nghiệp thiếu nguyên liệu do hậu qủa không thể tránh của đại dịch. Họ sẽ làm gì khi lây nhiễm? Thưa sẽ chịu trận, vì niềm tin cạn kiệt, do gánh đời qúa nặng trên đôi vai gầy không thể cam, nên đành gục đầu, qụy ngã trong câm lặng.
Vâng, tôi lo sợ một ngày khi những con người nghèo khổ, vô danh tiểu tốt, bần cùng của xã hội ở đất nước tôi thình lình đồng loạt bị phát hiện dương tính, bị cơ quan chức năng khám phá đã lây nhiễm virút Covid-19; tôi lo sợ đám đông nghèo lúc này còn có thể ẩn mình, tránh né, lẩn trốn, nhưng đến một ngày, ổ virút nổ tung, Covid-19 vỡ oà như ong vỡ tổ; tôi càng lo sợ đám trẻ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm đã không thể hiểu nguy hiểm của virút đại dịch, để tự bảo vệ, và  không làm lây lan sang người khác.      
Vâng, tôi lo sợ lắm, mặc dù bạn bè vẫn trấn an, chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo đừng hoang mang, hoảng loạn, vì đại dịch có thể bành trướng, “tác yêu tác quái” ở đâu, nhưng Việt Nam thì không có cửa cho virút hoành hành, nhờ tự giác cao độ của toàn dân, nhờ khả năng của các nhà khoa học, nhờ tinh thần phục vụ tận tụy, quên mình của các bác sĩ, y tá, nhân viên các bệnh viện, trung tâm cách ly, trạm xá. Đó là chưa kể biện pháp luôn kịp thời và hữu hiệu của chính phủ, cũng như khả năng tiên liệu, dự phòng rất khoa học của các cơ quan hữu trách trong công cuộc phòng chống đại dịch.  
Không  giấu được nỗi lo sợ nếu chẳng may dịch bùng nổ dữ dội từ những người nghèo, vì nghèo nên không khai báo “đã bị lây nhiễm” vì sợ cách ly; lo sợ dịch vỡ oà kinh hoàng từ những người nằm sát đáy xã hội bị lây nhiễm bất ngờ cùng lúc ồ ạt bị phát hiện;  lo sợ dịch Covid-19 bể tung tàn khốc từ những người già, người thất học, người dân tộc không biết, cũng không quan tâm virút đại dịch, nên lây nhiễm mà không hay, dương tính mà không hề biết để được chữa trị.
Không giấu được nỗi sợ nếu chẳng may ngày tai ương, buổi khốn khó đại dịch xẩy đến cho quê hương đã gánh lắm thương đau, đã chịu nhiều gian truân, thử thách, nên lúc này đây, tôi thực sự lo, khi Âu Châu nơi tôi đang sống rơi vào tình trạng chiến tranh, mà toàn dân phải hy sinh rất nhiều để có thể chiến thắng virút Covid-19 đang đe doạ nặng nề tính mạng và đời sống an bình của rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngước mắt nhìn trời đêm nay, trăng sao lác đác, như niềm hy vọng ló dần. Cùng với toàn dân Việt Nam ở quê hương, cũng như hải ngoại, tôi nguyện cầu Ơn Trên ban bình an cho dân tộc, đất nước tôi, một dân tộc mà lịch sử tuy đậm nét hào hùng, nhưng vô vàn thương đau, một giang sơn gấm vóc, nhưng đất nước vẫn còn nhiều gập ghềnh gian khổ.
Ước mơ của tôi đêm nay khi nhắn gửi các vì sao rải rác trên bầu trời, chính là quê hương tôi thoát đại dịch, đất nước tôi không bị phong toả toàn diện như Pháp, Ý, đồng bào tôi không phải mếu máo, “dở khóc dở cười” vì mất việc không lương, hay tức tưởi “nửa sống nửa chết” vì mất người thân, xa gia đình, thân quyến. 
Và với niềm tin, xin Thiên Chúa ban bình an cho đất nước con, gìn giữ quê hưng con, để không người dân Việt nào phải khóc nỗi đau chết chóc, nỗi buồn cách ly, nỗi lo đại dịch.
Jorathe Nắng Tím  

COVID-19 và TRUYỀN GIÁO

Khi đại dịch toàn cầu Covid-19 làm ngưng trệ một cách đáng kể sinh hoạt bình thường của đại đa số các quốc gia, tạo ảnh hưởng tiêu cực trên an sinh của phần lớn nhân loại, chúng ta thấy con người thật bé nhỏ, dòn mỏng, và lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân đáng thương của bất kỳ sức mạnh tàn phá nào.
Cùng chung số phận và cùng chia sẻ những vấn đề của con người, Giáo Hội không bao giờ cho phép mình đứng ngoài những khó khăn, vất vả, những băn khoăn, thao thức, những lo âu, khắc khoải, cũng như những cố gắng, phấn đấu của cộng đồng nhân loại. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh, đoàn thể “môn đệ của Đức Giêsu” luôn là những  người tích cực dấn thân, sẵn sàng tiên phong đi hàng đầu trong nỗ lực phục vụ và đem lại cho con người sự sống, bình an, và hạnh phúc, vì sứ vụ của Giáo Hội là đồng hành cùng nhân loại và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Giêsu” (Mt 28,19).
Trong tâm bão của đại dịch Covid-19, hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô lặng lẽ bước đi như người lữ hành khiêm tốn trên đường phố vắng vẻ của Rôma bị phong toả toàn diện, đến qùy trước bàn thờ, ngước nhìn Thánh Giá và Đức Trinh Nữ Maria nài xin ơn cứu thoát cho toàn thể nhân loại. Ngắm nhìn gương mặt sốt sắng cầu nguyện của ngài, ai cũng thấy Đức Thánh Cha muốn được mang hết nhân loại đang khổ đau, lo lắng, hoảng lọan vì đại dịch trong trái tim mục tử yêu thương, cảm thông, chăm sóc của ngài.
Cùng với Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân toàn cầu, ngoài kinh nguyện xin ơn cứu thoát và bình an, đều tìm cách đóng góp công sức vào việc cứu nguy, cứu trợ các nạn nhân bị lây nhiễm, và tiếp sức ngăn chặn dịch bệnh lây lan với chính quyền và tất cả những người thiện chí, thiện nguyện. Sự kiện mới nhất trong tuần này, với 6 linh mục Ý, một linh mục Mỹ qua đời vì đại dịch, hai mươi bốn nữ tu Ý cùng một giám mục Pháp, đức cha Emmanuel Delmas, giám mục giáo phận Angers phải nằm viện điều trị, và nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ bị cách ly vì “dương tính” trong khi thi hành sứ vụ và do làm việc trong các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm xá săn sóc bệnh nhân Covid-19 đã làm chứng sự có mặt chia sẻ và hoạt động bác ái cụ thể, sống động của toàn thể dân Chúa bên cạnh mọi người để phục vụ mọi người.
Trong bối cảnh này, người viết xin chia sẻ một vài suy tư về sứ mệnh truyền giáo, như căn tính của Giáo Hội, mà ở bất cứ hoàn cảnh nào, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, Giáo Hội vẫn trung thành và hăng hái “rao giảng Lời Chúa” (x. 2 Tm 4,2). Nếu không, Giáo Hội không còn là Giáo Hội của Đức Giêsu vì không thực hiện lệnh lên đường truyền giáo là bài sai duy nhất của Đức Giêsu đã trao tận tay các thánh Tông Đồ là những môn đệ trực tiếp của Ngài:Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,19-20).
1.   Truyền Giáo là căn tính của người Kitô hữu:
“Căn tính” là cái cho phép một thực thể hiện hữu. Thí dụ: căn tính của con người là linh hồn và thân xác, bởi nếu chỉ có hồn mà không có xác, con người không hiện hữu, nhưng thiên thần có mặt, vì thiên thần là thụ tạo chỉ có linh hồn thiêng liêng, mà không có xác thể vật chất. Trái lại, nếu chỉ có thể xác do các hợp chất làm nên, con người cũng không hiện hữu, nhưng con vật có mặt, vì con vật không có linh hồn, mà chỉ là vật chất.
Vì thế, để là người, để con người hiện hữu, để một “con người  chính danh, đúng nghiã” có mặt, thực thể ấy phải cùng lúc được tạo nên bởi hồn và xác, được gọi là căn tính của con người, vì thiếu một trong hai, con người không hiện hữu.
Truyền giáo sở dĩ là căn tính của người Kitô hữu, vì khi mang Đức Kitô, người tín hữu không mang “Thiên Chúa làm người” cho riêng mình, nhưng được Đức Giêsu đích thân chọn làm môn đệ để trao phó sứ mệnh mang Thiên Chúa cho mọi người, nên được rửa tội chỉ vì phần rỗi của riêng mình, làm người có đạo chỉ để nắm chắc chiếu khán vào thiên đàng, đi đạo để không bị mất linh hồn, sa hoả ngục thì người Kitô hữu đã không hiểu gì về ơn gọi làm Kitô hữu, sứ vụ của người Kitô hữu, trách nhiệm của người Kitô hữu mà mình đang là, đang mang, đang được Thiên Chúa kỳ vọng, và loài người đặt niềm tin tưởng.
Đàng khác, để cứu toàn thể nhân loại khỏi chết đời đời, Đức Giêsu cần đến các môn đệ, tức người Kitô hữu là những người dấn thân đi theo Ngài, để được Ngài biến đổi  trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài, thuộc trọn về Ngài để được Ngài sai đi làm cho muôn dân biết Ngài, thuộc về Ngài và trở nên “đồng hình đồng dạng với Ngài” như chính người môn đệ được thánh hiến và sai đi. 
Như thế, “con đường Kitô” cũng là ơn gọi, sứ mạng của người Kitô hữu là mang Đức Giêsu và làm cho mọi người thuộc về Đức Giêsu, trở thành môn đệ của Ngài, chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội.
Đó là lý do Giáo Hội không bao giờ bỏ quên việc truyền giáo, coi thường sứ mạng truyền giáo, xếp chương trình truyền giáo xuống hàng thứ yếu bên cạnh những công việc quản trị hành chánh, tổ chức nội bộ. Nhìn vào các thư chung, và công việc của các giáo phận, chúng ta thấy ngay truyền giáo luôn được đặt hàng đầu, ưu tiên số một, bởi đây là sức sống của Giáo Hội, niềm vui của người môn đệ và là vinh danh Thiên Chúa, khi “muôn dân trở thành môn đệ” của Ngài (Mt 28,19).
2.   Giáo Hội không ngừng truyền giáo, không sao lãng sứ mạng Tông Đồ trong bất cứ hoàn cảnh, tình thế nào:
Vì Truyền Giáo là căn tính của Giáo Hội, nên không một khoảnh khắc, thời điểm nào, dù là một giây, tâm hồn tông đồ, trái tim môn đệ, cuộc đời người Kitô hữu có thể ngừng nghỉ truyền giáo, có thể đình chỉ việc truyền giáo, có thể xếp lại việc truyền giáo, có thể thay thế truyền giáo bằng một công việc khác. Trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống, tâm trạng nào, dưới bất cứ áp lực, ảnh hưởng nào, Giáo Hội vẫn luôn luôn và mãi mãi là Giáo Hội truyền giáo do Lời Hứa bảo đảm của Đức Giêsu, Đấng sáng lập và gìn giữ Giáo Hội: “Thầy ở với anh em mọi ngày đến tận thế” (Mt 8,20).
Ở với anh em mọi ngày đến tận thế để không ngày nào của Giáo Hội thoái hoá thành ngày “không thao thức truyền giáo, không nỗ lực truyền giáo”; ở với anh em mọi ngày đến tận thế để không ngày nào của Giáo Hội được phép là ngày “rong chơi, thư giãn” mà quên hiệp tâm, hiệp lực truyền giáo;ở với anh em mọi ngày đến tận thế để  không ngày nào đoàn dân Chúa trên đường lữ hành có thể ươn lười, buông xuôi, hay hèn nhát gạt bỏ bổn phận truyền giáo ra khỏi hành trình đời sống mình.
Vì thế, cho dù giữa tâm đại dịch Covid-19, hay rơi vào bất cứ phong ba, bão táp nào kinh khủng hơn nữa, Giáo Hội vẫn kiên tâm thi hành sứ vụ truyền giáo, vẫn một lòng trung thành với Ơn Gọi được sai đi, và sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu”.
3.   Giáo Hội truyền giáo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần:
Giáo Hội không ra đi một mình, người tín hữu không lên đường đơn độc, nhưng đi với nhau, đi với toàn thể Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu đã hứa ban trước khi Ngài rời bỏ thế gian về với Chúa Cha: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật…” (Ga 14,16-17), “Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). 
Vì thế, trong mọi thay đổi của tình thế, hoàn cảnh, trước mọi thử thách, khó khăn, giữa mọi nguy hiểm, thách đố, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ dậy Giáo Hội phải làm gì, nói gì, hành động cách nào. Và việc quan trọng nhất là đồng hành với Giáo Hội trong công cuộc truyền giáo, ở đó, Chúa Thánh Thần luôn có mặt để hướng dẫn, chỉ bảo, “sửa chữa  mọi sự trong ngoài” cho xứng đáng và đẹp lòng Thiên Chúa.
Vâng, ở vào hoàn cảnh hiện nay, giữa nạn dịch Covid-19, khi việc truyền giáo tưởng như bị ngưng trệ, đình chỉ, nhiều người tín hữu tỏ vẻ lo âu, nghi ngại về công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Có người thất vọng và vẽ ra bức tranh “ngày mai tiêu điều của một Giáo Hội không còn có thể truyền giáo”.
Rơi vào ý nghĩ tiêu cực và thái độ đầu hàng, buông xuôi trên, vì thấy những hoạt động truyền giáo xem ra đang bị đe dọa, gián đọan, thay đổi, chúng ta nên cẩn trọng, vì cạm bẫy của ma qủy được cài đặt không xa chúng ta bao nhiêu.
Thận trọng để tín nhiệm ở Hội Thánh là Hiền Thê yếu dấu của Đức Giêsu; thận trọng để phân định chính xác: sứ mệnh truyền giáo không thay đổi, nhưng phương thức truyền giáo luôn được thích nghi với hoàn cảnh, thích ứng với đòi hỏi không ngừng biến chuyển, đổi mới của thời đại, tình thế, và con người.
Đồng thời thận trọng để nắm vững điều căn bản : không thể truyền giáo mà không liên tục sáng kiến.
Bởi truyền giáo không là hoạt động riêng lẻ, tách rời, nhưng là hoạt động của toàn Thân Thể mầu nhiệm Đức Giêsu, nên truyền giáo là hoạt động của tình yêu, truyền giáo thể hiện tình yêu, truyền giáo làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu, giới thiệu Đức Giêsu là “Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót”, mà tình yêu luôn đòi sáng kiến, như hai người càng yêu nhau, họ càng có nhiều sáng kiến để tỏ tình và làm vui lòng nhau. Vì thế, sáng kiến trong truyền giáo, sáng kiến để truyền giáo hữu hiệu, sáng kiến để mang lại thành qủa tốt đẹp là điều mà bất cứ nhà truyền giáo, hay bất cứ Kitô hữu nào cũng mong đợi, nỗ lực tìm kiếm, và quyết tâm thực hiện.
Thực vậy, hơn lúc nào hết, ngay trong tâm bão của đại dịch, Giáo Hội muốn nhắc nhở tất cả con cái mình đừng quên ơn gọi truyền giáo là căn tính của người Kitô hữu; đừng hiểu lầm: Giáo Hội không còn trung thành, hay giảm thiểu nhiệt tâm, sa sút nhiệt huyết với sứ vụ truyền giáo, nhất là phải tin tưởng tuyệt đối ở Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện cùng Giáo Hội trên hành trình truyền giáo.
Và để tuyệt đối tin tưởng ở Giáo Hội và cùng Giáo Hội lên đường truyền giáo ngay lúc này và ở đây, giữa tâm dịch Covid-19, chúng ta cần xác tín, như thánh tông đồ dân ngoại đã củng cố niềm tin, tinh thần truyền giáo, đốt nóng lòng nhiệt thành truyền giáo của Timôthê, môn đệ ngài và giáo đoàn Corinthô bằng những lời dậy dỗ và kinh nghiệm truyền giáo đầy thuyết phục:
a.   Thần Khí ở với chúng ta trên đường truyền giáo, và chúng ta phải dựa vào Ngài:
Vì Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Thiên Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi, để loan báo Tin Mừng (2 Tm 1,7-8).
b.   Chúng ta là những con người bất xứng, nhưng được Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng:
Khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người qúy phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt, không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người (1 Cr 1, 26-29).
c.    Gian truân và hy vọng là lương thực của nhà truyền giáo:
Trên đường truyền giáo, chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang  nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi (2 Cr 4,8-10).
d.   Truyền giáo là rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh:
Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ (1 Cr 1,22-23).
Vâng, trong hoàn cảnh khó khăn, bất lợi, không thuận tiện cho việc truyền giáo, như hiện tình đầy đe dọa của Covid-19, mỗi người Kitô hữu cần hồi tâm để xác tín sứ mệnh truyền giáo được Giáo Hội trao phó, và ý thức: chính trong hoàn cảnh và ở thời buổi các sinh hoạt truyền giáo như bị khựng lại ở cấp giáo phận, giáo xứ, lại là lúc mỗi người Kitô hữu được Giáo Hội trao trách nhiệm quan trọng và nặng nề hơn, được Giáo Hội tín nhiệm, tin tưởng và sai “ra xa, ra sâu hơn”, đến những nơi mà vì hoàn cảnh, cộng đòan không  cùng đến được, tập thể không thể cùng có mặt, đoàn thể không thể cùng đặt chân,  mà chỉ từng người, riêng lẻ từng cá nhân “Kitô hữu” mới có thể len lỏi hiện diện rao giảng, và làm chứng.
Người Kitô hữu cũng cần phát huy tinh thần Hiệp Thông và Vâng Phục các Đấng Bản Quyền, vì Hiệp Thông và Vâng Phục trong hoàn cảnh khó khăn, thời buổi không thuận tiện cho việc truyền giáo của Giáo Hội chính là thực hiện truyền giáo cách tuyệt vời, hữu hiệu và đẹp lòng Chúa hơn cả. Bên cạnh là đời sống cầu nguyện và thực thi Đức Ái giữa gia đình, thân hữu, làng xóm, xí nghiệp, công ty, cộng đoàn giáo xứ…   
Trong thinh lặng của bầu khí căng thẳng vì đại dịch Covid-19, tôi nghe tiếng Mẹ Giáo Hội nhắc bảo: Phần con, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của con (2 Tm 4,5). Và tận đáy sâu tâm hồn nghe xôn xao, rộn ràng niềm vui truyền giáo, hạnh phúc tông đồ, khi mỗi ngày được “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22), để bằng mọi cách cùng Giáo Hội cứu được mọi người.
Jorathe Nắng Tím   

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (10)


                       Suy Niệm 10 : “TRỞ NÊN TẤT CẢ CHO MỌI NGƯỜI” (1 Cr 9,22)
Được sai vào đời để làm chứng Đức Giêsu cho đời, người môn đệ bắt buộc phải đi trên đường đời của người đời, phải chia sẻ, và chung vai gánh vác việc đời của người đời, phải hiểu biết và cảm thông những chuyện đời của người đời, như Đức Giêsu, để cứu chuộc nhân loại đã vào đời làm người, và sống đời người cách trọn vẹn như người trần thế, ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2, 7).
Vì thế, trở nên “tất cả cho mọi người – Omnia omnibus” để chinh phục mọi người là phương châm hoạt động truyền giáo đem lại nhiều kết qủa như thánh Phaolô đã viết trong thư gừi giáo đoàn Côrinthô : “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã triở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài Lề Luật của Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,19-23).
Thánh tông đồ dân ngoại đã táo bạo khi mạnh dạn tuyên bố và sống phương châm : “trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người”. Lòng khao khát các linh hồn đã đốt cháy tâm can thánh nhân, và ngài đã không còn biết làm gì tốt hơn là trở nên giống mọi người để cứu mọi người.
Nhưng tại sao phải trở nên giống mới chinh phục được ?
Bởi có giống nhau mới dễ đến với nhau ; có ít khác biệt, khoảng cách xa lạ, mới rút ngắn, ngại ngùng mới được thu nhỏ, và làm gần nhau hơn. Đó là lý do các nhà truyền giáo đã học sống như người bản xứ khi đến rao giảng, đã dìm mình vào văn hóa của dân bản địa, đã cố gắng trở nên giống họ bao nhiêu có thể, khi ở giữa họ, để có thể loan báo Tin Mừng và giới thiệu Đức Giêsu.
Một nhà truyền giáo không hội nhập, một thừa sai không hoà mình vào cuộc sống ở nơi mình rao giảng, một người môn đệ từ chối chia sẻ hoàn cảnh sống, điều kiện sống của người mình được sai đến để phục vụ sẽ không thể chinh phục được ai, không cảm hóa được người nào, và công cuộc truyền giáo sẽ nhanh chóng bế tắc, thất bại.
Cũng như Đức Giêsu, để chinh phục và cứu độ con người, đã xuống thế làm người, và trở nên con người trăm phần trăm, ngoại trừ tội lỗi, nhà truyền giáo cũng được mời gọi trở nên tất cả cho mọi người để chinh phục mọi người, hầu đem đến cho họ ơn cứu rỗi.
Như thế, để trở nên tất cả cho mọi người, hay trở nên mọi sự cho mọi người một cách  chính đáng và hữu hiệu, nhà truyền giáo phải đáp ứng những đòi hỏi sau :
1.   “Hoàn toàn tự do, không lệ thuộc ai” :
Hoàn toàn tự do, và không lệ thuộc ai, vì bất cứ lý do gì, thì chọn lựa “trở nên tất cả cho mọi người” của nhà truyền giáo mới có giá trị, bởi người ta có thể “phải” trở nên thế này cho người này, “phải” trở nên thế kia cho người kia, vì cả người này người kia đều có quyền khống chế, áp đạt, đều có khả năng trói chặt, đều có lý do ràng kỹ, đều có bằng chứng để đe dọa, uy hiếp, làm áp lực.
Vì thế, không phải tất cả các nhà truyền giáo đều hoàn toàn được tự do để “trở nên mọi sự cho mọi người”, bởi có vị đã lỡ thuộc về một người, có vị đã lỡ “dính trấu” với vài người, có vị đã bị kết nạp vào một nhóm người, để “nhất cử nhất động” đều bị canh chừng, giám sát, giới hạn, xử lý…
2.   Tự nguyện trở nên tất cả cho mọi người :
Có tự do chưa đủ, nhà truyền giáo còn phải tự nguyện liều thân, dấn thân, hiến thân, vì trở nên “cái khác” mình đang là, đang có, để “giống” cái người khác đang là, đang có đòi một khả năng xóa mình, quên mình, và một tinh thần vị tha quảng đại ở mức độ anh hùng, khi  khiêm tốn, hiền lành ra khỏi “cái tôi” độc tôn, độc tài, độc quyền, độc diễn, và qủa cảm chấp nhận tự thay đổi, tự nguyện thích nghi, vui lòng thích ứng với những gì mình chưa quen, chưa biết, cả những gì mình không thích, không hợp, vì không thuộc về mình, không làm mình dễ chịu, thoải mái, mà để đạt được đích tới : “trở nên tất cả cho mọi người”, nhà truyền giáo sẽ phải vất vả phấn đấu, và hy sinh rất nhiều.     
3.   Với mục đích chinh phục con người cho phần rỗi của con người và vinh danh Thiên Chúa :
Trong cuộc sống, không thiếu những người sẵn sàng làm bất cứ việc gì để lấy lòng người họ cần cho mục đích riêng tư. Như tên lừa đảo, hay anh chàng “sở khanh, đào mỏ” có thể “diễn sâu” bất cứ màn kịch nào để “cưa đổ” kiều nữ đại gia, vì mục đích chiếm đoạt tài sản, sau khi đã lấy lòng, và chiếm đọat thân xác mỹ nhân.
Nhà truyền giáo trở nên mọi sự cho mọi người chỉ với duy nhất một mục đích là hạnh phúc  Nước Trời của người khác và để Thiên Chúa được vinh danh hơn,  ngoài ra không vì bất cứ một mục đích riêng tư hay cộng đồng nào khác. Ở đây, chinh phục không còn ý nghiã “lấy lòng, chiếm hữu tình cảm, khống chế tự do, khuynh loát ý chí, lèo lái, đẩy đưa, mua chuộc”, nhưng là đồng hành với tình huynh đệ được chia sẻ, và trao đổi, hướng dẫn với lòng tôn trọng tự do.
Nhà truyền giáo vì nhắm tới hạnh phúc thiêng liêng của người khác, và để “danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, sẽ không mưu lược để thống trị, không thủ đoạn để áp chế, không kế sách để quyến rũ, mồi chài người khác dưới bất cứ hình thức và bằng bất cứ phương tiện nào, bởi làm như thế, nhà truyền giáo ngang nhiên phản bội sứ vụ truyền giáo của mình khi xâm phạm tự do và xúc phạm quyền chọn lựa của người khác, điều mà Thiên Chúa luôn nghiêm cấm và nặng lời khiển trách.
Như thế, để “trở nên tất cả cho mọi người” như ý Chúa muốn, nhà truyền giáo phải loại trừ tất cả ý nghĩ  tìm tư lợi, và loại bỏ mọi thái độ, việc làm kiếm chác vinh dự, xây dựng uy tín cá nhân, mà chỉ giữ trong mình một thao thức, khắc khoải, ước mơ là hạnh phúc của con người và vinh quang của Thiên Chúa.
Thực vậy, để tránh hiểu sai ý nghiã của “trở nên tất cả cho mọi người”, nhà truyền giáo cần xác tín những đòi hỏi căn bản trên, để không nghĩ rằng mình phải “sống đời” như người đời đang sống, phải “chịu chơi” như người đời ăn chơi, phải “xả ga, tới bến” như người đời đang thí thân, bạt mạng, hầu đem đến ơn cứu rỗi cho họ.
Bởi có nhà truyền giáo lầm tưởng : để rao giảng hữu hiệu cho đám thanh niên, phải dám “xả láng, sáng về sớm” như họ ; để dẫn dụ đám trẻ mới lớn ở thành phố, không gì hay hơn là cùng chúng nhẩy đầm, hát karaoke, ăn nhậu phố đêm, hát hò inh ỏi ; để hướng dẫn chị em doanh nhân, không gì  lôi cuốn hơn là xài hàng hiệu, góp cổ phần buôn bán, chơi hụi kiếm lời, tham gia du lịch nước ngoài ; để cải tạo đám gia trưởng khô khan, nguội lạnh, không gì chắc ăn hơn là gầy sòng ăn nhậu, kể chuyện tiếu lâm, tấu hài ; để làm chứng Giáo Hội đi kịp thời đại, không gì ấn tượng hơn là ăn mặc “à la mode”, ăn diện hợp thời trang, ăn uống nhà hàng sang trọng, ăn ở tiện nghi hạng nhất, hàng đầu ; để không mặc cảm xa rời quần chúng, đạt chuẩn “nắm rõ dân tình”, không gì sáng giá hơn là la cà từ quán càphê đầu xóm đến qúan thịt chó cuối làng và rôm rả những chuyện “không đầu không đuôi”, nặng mùi “đầu đường xó chợ” ; để được gọi là người hiểu xa biết rộng, có khả năng lãnh đạo cộng đoàn, không gì để được người đời nể nang hơn là chơi xe hơi, điện thoại đời mới, bữa ăn có rượu ngoại “hàng xách tay” ; để được giới trẻ thần tượng, đi theo, không gì thu hút hơn là để tóc dài rồi  búi lại cho ra vẻ thiền sư, guru ; để người đời dễ gần gũi, cảm thông, không gì sôi nổi hơn là dùng chính ngôn ngữ báng bổ đến chóng mặt của cánh bụi đời đường phố. Và hậu qủa bất ngờ là nhà truyền giáo đánh mất chính mình lúc nào không hay.
Đánh mất chính mình, vì lầm tưởng để mình được cuốn trôi theo trào lưu là kéo về với mình quần chúng ; vong thân, mất mình, vì ảo tưởng hoà đồng, tan biến với đám đông là chiếm hữu được đám đông ; lạc mất đời mình, vì ngây thơ hoặc qúa tự tin nghĩ rằng trở nên như mọi người  sẽ làm cho mọi người trở nên như ý mình muốn. Rất tiếc lại là ý nghĩ, việc làm và thất bại của một số nhà truyền giáo nhẹ dạ, cả tin và thiếu tinh thần truyền giáo đích thực 
Thực vậy, Đức Giêsu nhiều lần đã qủa quyết : môn đệ của Ngài không thuộc về thế gian, dù ở giữa thế gian để làm cho thế gian nhận biết Thiên Chúa là Cha và là Đấng Cứu Độ (x. Ga 15,19). Ngài còn cảnh báo các môn đệ : “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
Khẳng định như thế, Đức Giêsu không ngần ngại cho các môn đệ biết : Anh em không dễ chơi với thế gian đâu, vì con cái thế gian ma lanh hơn con cái sự sáng, nên con cái sự sáng là anh em không dễ gì “ăn” được thế gian, khi chung đụng, đối đầu với chúng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những nhà truyền giáo nghĩ mình “toàn năng”, có thể đổi mới, “thánh hoá” người khác bằng những phương tiện, phương án của riêng mình, mà quên một điều quan trọng : ngoài Thiên Chúa và những phương tiện thiêng liêng Chúa ban, các vị không thể tự mình làm được gì. Chưa kể, nhiều khi những phương tiện, phương án được “vô tình, vô ý, ngây ngô, nhẹ dạ” sử dụng để truyền giáo lại là những vũ khí của ma qủy, thế gian được ngụy trang “hàng hiệu thiên đàng”, được dán nhãn “chế tạo từ hãng xưởng Giáo Hội”, nhưng thực chất lại là sản phẩm được chế tạo từ gang thép của xảo trá, tham lam, từ lửa của ganh ghét, hận thù, từ hóa chất của bạo lực, từ nọc độc của kiêu căng.
Chính vì thế, thiện chí ban đầu của nhà truyền giáo rất dễ biến thành thất chí ở đọan sau, nếu không ăn rễ sâu trong Ơn Gọi và Sứ Vụ ; lý tưởng “trở nên tất cả cho mọi người” dễ biến thành ảo tưởng, nếu tâm hồn nhà truyền giáo không luôn bừng cháy lửa yêu mến các linh hồn và tình yêu Thiên Chúa ; công cuộc hội nhập, hoà nhập, thâm nhập vào nếp nghĩ, nếp sống, tâm tư, thao thức của người khác để chuyển tải ơn Cứu Rỗi cho họ dễ biến thành công cốc, nếu trái tim nhà truyền giáo không nồng nàn nhiệt huyết tông đồ và bước chân truyền giáo không được thúc bách, nâng đỡ bởi Thánh Thần Tình Yêu.
Vâng, hơn bao giờ hết, trào lưu tục hoá, phong trào “cào bằng” Đời - Đạo, để Đời cũng tốt, Đạo cũng đẹp đang gieo nhiều “ý nghĩ quá đời, ngôn từ quá đời, thái độ, việc làm qúa đời, lối sống qúa đời” trong đời sống nhà truyền giáo, và dần dà biến nhà truyền giáo thành những chuyên viên mị dân, những nhân viên mồi chài, mua chuộc hơn thuyết phục, bắt quy hàng, thần phục hơn chinh phục bằng làm chứng, để hướng dẫn người khác cùng đi về Chân - Thiện - Mỹ tuyệt đối là chính Chúa, với tinh thần tôn trọng tự do chọn lựa của mỗi người, và tình yêu phục vụ quên mình cho hạnh phúc đích thực của người mình rao giảng Tin Mừng, loan báo Nước Trời, giới thiệu và làm chứng Đức Giêsu.
Mùa Chay là mùa trở về : trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu là Đức Giêsu, trở về bản chất của Ơn Gọi Kitô hữu là Truyền Giáo. Mùa Chay cũng là mùa lên đường, mùa ra đi, ra sâu, ra xa để Tin Mừng Nước Trời được đi vào tâm hồn mọi người, tiến sâu trong lòng thế giới, khi người môn đệ, nhà truyền giáo ý thức : “trở nên tất cả cho mọi người” không vì mục tiêu chiếm hữu, thống trị, lợi dụng cho lợi ích bản thân, nhưng như thánh tông đồ dân ngoại, mỗi nhà truyền giáo cần xác tín và tuyên xưng với niềm vui truyền giáo : “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng (1 Cr 9,22-23). Đồng thời khiêm tốn tự cảnh tỉnh : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị lọai (1 Cr 9,27).
Jorathe Nắng Tím