Suy Niệm 10 : “TRỞ NÊN TẤT CẢ CHO MỌI NGƯỜI” (1 Cr 9,22)
Được sai vào đời để làm chứng Đức Giêsu cho đời, người
môn đệ bắt buộc phải đi trên đường đời của người đời, phải chia sẻ, và chung
vai gánh vác việc đời của người đời, phải hiểu biết và cảm thông những chuyện đời
của người đời, như Đức Giêsu, để cứu chuộc nhân loại đã vào đời làm người, và sống
đời người cách trọn vẹn như người trần thế, ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2, 7).
Vì thế, trở nên “tất cả cho mọi người – Omnia omnibus” để
chinh phục mọi người là phương châm hoạt động truyền giáo đem lại nhiều kết qủa
như thánh Phaolô đã viết trong thư gừi giáo đoàn Côrinthô : “Tôi là một
người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người,
hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do
Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã triở
nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh
phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã
trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài Lề Luật của Thiên
Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề
Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu.
Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì
Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của
Tin Mừng” (1 Cr 9,19-23).
Thánh tông đồ dân ngoại đã táo bạo khi mạnh dạn tuyên bố
và sống phương châm : “trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi cách cứu
được một số người”. Lòng khao khát các linh hồn đã đốt cháy tâm can thánh nhân,
và ngài đã không còn biết làm gì tốt hơn là trở nên giống mọi người để cứu mọi
người.
Nhưng tại sao phải trở nên giống mới chinh phục được ?
Bởi có giống nhau mới dễ đến với nhau ; có ít khác biệt,
khoảng cách xa lạ, mới rút ngắn, ngại ngùng mới được thu nhỏ, và làm gần nhau
hơn. Đó là lý do các nhà truyền giáo đã học sống như người bản xứ khi đến rao
giảng, đã dìm mình vào văn hóa của dân bản địa, đã cố gắng trở nên giống họ bao
nhiêu có thể, khi ở giữa họ, để có thể loan báo Tin Mừng và giới thiệu Đức
Giêsu.
Một nhà truyền giáo không hội nhập, một thừa sai không
hoà mình vào cuộc sống ở nơi mình rao giảng, một người môn đệ từ chối chia sẻ
hoàn cảnh sống, điều kiện sống của người mình được sai đến để phục vụ sẽ không
thể chinh phục được ai, không cảm hóa được người nào, và công cuộc truyền giáo
sẽ nhanh chóng bế tắc, thất bại.
Cũng như Đức Giêsu, để chinh phục và cứu độ con người, đã
xuống thế làm người, và trở nên con người trăm phần trăm, ngoại trừ tội lỗi,
nhà truyền giáo cũng được mời gọi trở nên tất cả cho mọi người để chinh phục mọi
người, hầu đem đến cho họ ơn cứu rỗi.
Như thế, để trở nên tất cả cho
mọi người, hay trở nên mọi sự cho mọi người một cách chính đáng và hữu hiệu, nhà truyền giáo phải
đáp ứng những đòi hỏi sau :
1. “Hoàn
toàn tự do, không lệ thuộc ai” :
Hoàn toàn tự do, và không lệ thuộc ai, vì bất cứ lý do
gì, thì chọn lựa “trở nên tất cả cho mọi người” của nhà truyền giáo mới có giá
trị, bởi người ta có thể “phải” trở nên thế này cho người này, “phải” trở nên
thế kia cho người kia, vì cả người này người kia đều có quyền khống chế, áp đạt,
đều có khả năng trói chặt, đều có lý do ràng kỹ, đều có bằng chứng để đe dọa,
uy hiếp, làm áp lực.
Vì thế, không phải tất cả các nhà truyền giáo đều hoàn
toàn được tự do để “trở nên mọi sự cho mọi người”, bởi có vị đã lỡ thuộc về một
người, có vị đã lỡ “dính trấu” với vài người, có vị đã bị kết nạp vào một nhóm
người, để “nhất cử nhất động” đều bị canh chừng, giám sát, giới hạn, xử lý…
2. Tự
nguyện trở nên tất cả cho mọi người :
Có tự do chưa đủ, nhà truyền giáo còn phải tự nguyện liều
thân, dấn thân, hiến thân, vì trở nên “cái khác” mình đang là, đang có, để “giống”
cái người khác đang là, đang có đòi một khả năng xóa mình, quên mình, và một
tinh thần vị tha quảng đại ở mức độ anh hùng, khi khiêm tốn, hiền lành ra khỏi “cái tôi” độc
tôn, độc tài, độc quyền, độc diễn, và qủa cảm chấp nhận tự thay đổi, tự nguyện
thích nghi, vui lòng thích ứng với những gì mình chưa quen, chưa biết, cả những
gì mình không thích, không hợp, vì không thuộc về mình, không làm mình dễ chịu,
thoải mái, mà để đạt được đích tới : “trở nên tất cả cho mọi người”, nhà
truyền giáo sẽ phải vất vả phấn đấu, và hy sinh rất nhiều.
3. Với
mục đích chinh phục con người cho phần rỗi của con người và vinh danh Thiên
Chúa :
Trong cuộc sống, không thiếu những người sẵn sàng làm bất
cứ việc gì để lấy lòng người họ cần cho mục đích riêng tư. Như tên lừa đảo, hay
anh chàng “sở khanh, đào mỏ” có thể “diễn sâu” bất cứ màn kịch nào để “cưa
đổ” kiều nữ đại gia, vì mục đích chiếm đoạt tài sản, sau khi đã lấy lòng, và chiếm
đọat thân xác mỹ nhân.
Nhà truyền giáo trở nên mọi sự cho mọi người chỉ với duy nhất một mục đích là hạnh
phúc Nước Trời của người khác và để
Thiên Chúa được vinh danh hơn, ngoài
ra không vì bất cứ một mục đích riêng tư hay cộng đồng nào khác. Ở đây, chinh
phục không còn ý nghiã “lấy lòng, chiếm hữu tình cảm, khống chế tự do, khuynh
loát ý chí, lèo lái, đẩy đưa, mua chuộc”, nhưng là đồng hành với tình huynh đệ được chia sẻ, và trao đổi, hướng dẫn với
lòng tôn trọng tự do.
Nhà truyền giáo vì nhắm tới hạnh phúc thiêng liêng của
người khác, và để “danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị, ý Chúa được
thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, sẽ không mưu lược để thống trị, không thủ
đoạn để áp chế, không kế sách để quyến rũ, mồi chài người khác dưới bất cứ hình
thức và bằng bất cứ phương tiện nào, bởi làm như thế, nhà truyền giáo ngang
nhiên phản bội sứ vụ truyền giáo của mình khi xâm phạm tự do và xúc phạm quyền
chọn lựa của người khác, điều mà Thiên Chúa luôn nghiêm cấm và nặng lời khiển
trách.
Như thế, để “trở nên tất cả cho mọi người” như ý Chúa muốn,
nhà truyền giáo phải loại trừ tất cả ý nghĩ tìm tư lợi, và loại bỏ mọi thái độ, việc làm
kiếm chác vinh dự, xây dựng uy tín cá nhân, mà chỉ giữ trong mình một thao thức,
khắc khoải, ước mơ là hạnh phúc của con người và vinh quang của Thiên Chúa.
Thực vậy, để tránh hiểu sai ý nghiã của “trở nên tất cả
cho mọi người”, nhà truyền giáo cần xác tín những đòi hỏi căn bản trên, để
không nghĩ rằng mình phải “sống đời” như người đời đang sống, phải “chịu chơi”
như người đời ăn chơi, phải “xả ga, tới bến” như người đời đang thí thân, bạt mạng,
hầu đem đến ơn cứu rỗi cho họ.
Bởi có nhà truyền giáo lầm tưởng : để rao giảng hữu
hiệu cho đám thanh niên, phải dám “xả láng, sáng về sớm” như họ ; để dẫn dụ
đám trẻ mới lớn ở thành phố, không gì hay hơn là cùng chúng nhẩy đầm, hát
karaoke, ăn nhậu phố đêm, hát hò inh ỏi ; để hướng dẫn chị em doanh nhân,
không gì lôi cuốn hơn là xài hàng hiệu,
góp cổ phần buôn bán, chơi hụi kiếm lời, tham gia du lịch nước ngoài ; để
cải tạo đám gia trưởng khô khan, nguội lạnh, không gì chắc ăn hơn là gầy sòng
ăn nhậu, kể chuyện tiếu lâm, tấu hài ; để làm chứng Giáo Hội đi kịp thời đại,
không gì ấn tượng hơn là ăn mặc “à la mode”, ăn diện hợp thời trang, ăn uống
nhà hàng sang trọng, ăn ở tiện nghi hạng nhất, hàng đầu ; để không mặc cảm
xa rời quần chúng, đạt chuẩn “nắm rõ dân tình”, không gì sáng giá hơn là la cà
từ quán càphê đầu xóm đến qúan thịt chó cuối làng và rôm rả những chuyện “không
đầu không đuôi”, nặng mùi “đầu đường xó chợ” ; để được gọi là người hiểu
xa biết rộng, có khả năng lãnh đạo cộng đoàn, không gì để được người đời nể
nang hơn là chơi xe hơi, điện thoại đời mới, bữa ăn có rượu ngoại “hàng xách
tay” ; để được giới trẻ thần tượng, đi theo, không gì thu hút hơn là để
tóc dài rồi búi lại cho ra vẻ thiền sư, guru
; để người đời dễ gần gũi, cảm thông, không gì sôi nổi hơn là dùng chính ngôn
ngữ báng bổ đến chóng mặt của cánh bụi đời đường phố. Và hậu qủa bất ngờ là nhà
truyền giáo đánh mất chính mình lúc nào không hay.
Đánh mất chính mình, vì lầm tưởng để mình được cuốn trôi
theo trào lưu là kéo về với mình quần chúng ; vong thân, mất mình, vì ảo
tưởng hoà đồng, tan biến với đám đông là chiếm hữu được đám đông ; lạc mất
đời mình, vì ngây thơ hoặc qúa tự tin nghĩ rằng trở nên như mọi người sẽ làm cho mọi người trở nên như ý mình muốn.
Rất tiếc lại là ý nghĩ, việc làm và thất bại của một số nhà truyền giáo nhẹ dạ,
cả tin và thiếu tinh thần truyền giáo đích thực
Thực vậy, Đức Giêsu nhiều lần đã qủa quyết : môn đệ
của Ngài không thuộc về thế gian, dù ở giữa thế gian để làm cho thế gian nhận
biết Thiên Chúa là Cha và là Đấng Cứu Độ (x. Ga 15,19). Ngài còn cảnh báo các
môn đệ : “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải
khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
Khẳng định như thế, Đức Giêsu không ngần ngại cho các môn
đệ biết : Anh em không dễ chơi với thế gian đâu, vì con cái thế gian ma
lanh hơn con cái sự sáng, nên con cái sự sáng là anh em không dễ gì “ăn” được thế
gian, khi chung đụng, đối đầu với chúng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những
nhà truyền giáo nghĩ mình “toàn năng”, có thể đổi mới, “thánh hoá” người khác bằng
những phương tiện, phương án của riêng mình, mà quên một điều quan trọng :
ngoài Thiên Chúa và những phương tiện thiêng liêng Chúa ban, các vị không thể tự
mình làm được gì. Chưa kể, nhiều khi những phương tiện, phương án được “vô
tình, vô ý, ngây ngô, nhẹ dạ” sử dụng để truyền giáo lại là những vũ khí của ma
qủy, thế gian được ngụy trang “hàng hiệu thiên đàng”, được dán nhãn “chế tạo từ
hãng xưởng Giáo Hội”, nhưng thực chất lại là sản phẩm được chế tạo từ gang thép
của xảo trá, tham lam, từ lửa của ganh ghét, hận thù, từ hóa chất của bạo lực,
từ nọc độc của kiêu căng.
Chính vì thế, thiện
chí ban đầu của nhà truyền giáo
rất dễ biến thành thất chí ở đọan sau, nếu không ăn rễ sâu trong
Ơn Gọi và Sứ Vụ ; lý tưởng “trở
nên tất cả cho mọi người” dễ biến thành ảo
tưởng, nếu tâm hồn nhà truyền giáo không luôn bừng cháy lửa yêu mến các
linh hồn và tình yêu Thiên Chúa ;
công cuộc hội nhập, hoà nhập, thâm nhập vào nếp nghĩ, nếp sống, tâm tư,
thao thức của người khác để chuyển tải ơn Cứu Rỗi cho họ dễ biến thành công cốc, nếu trái tim nhà truyền giáo
không nồng nàn nhiệt huyết tông đồ và bước chân truyền giáo không được thúc
bách, nâng đỡ bởi Thánh Thần Tình Yêu.
Vâng, hơn bao giờ hết, trào lưu tục hoá, phong trào “cào
bằng” Đời - Đạo, để Đời cũng tốt, Đạo cũng đẹp đang gieo nhiều “ý nghĩ quá đời, ngôn từ quá đời, thái độ,
việc làm qúa đời, lối sống qúa đời” trong đời sống nhà truyền giáo, và dần
dà biến nhà truyền giáo thành những chuyên viên mị dân, những nhân viên mồi
chài, mua chuộc hơn thuyết phục, bắt quy hàng, thần phục hơn chinh phục bằng
làm chứng, để hướng dẫn người khác cùng đi về Chân - Thiện - Mỹ tuyệt đối là
chính Chúa, với tinh thần tôn trọng tự do chọn lựa của mỗi người, và tình yêu
phục vụ quên mình cho hạnh phúc đích thực của người mình rao giảng Tin Mừng,
loan báo Nước Trời, giới thiệu và làm chứng Đức Giêsu.
Mùa Chay là mùa trở về : trở về nguồn mạch của đời sống
Kitô hữu là Đức Giêsu, trở về bản chất của Ơn Gọi Kitô hữu là Truyền Giáo. Mùa
Chay cũng là mùa lên đường, mùa ra đi, ra sâu, ra xa để Tin Mừng Nước Trời được
đi vào tâm hồn mọi người, tiến sâu trong lòng thế giới, khi người môn đệ, nhà
truyền giáo ý thức : “trở nên tất cả cho mọi người” không vì mục tiêu chiếm
hữu, thống trị, lợi dụng cho lợi ích bản thân, nhưng như thánh tông đồ dân ngoại,
mỗi nhà truyền giáo cần xác tín và tuyên xưng với niềm vui truyền giáo : “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng
mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để
cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,22-23). Đồng thời khiêm tốn tự cảnh tỉnh : “Tôi bắt thân
thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi
lại bị lọai” (1 Cr 9,27).
Jorathe Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét