Chưa
bao giờ một vi khuẩn bé tí teo, mới cuối năm ngoái còn “vô danh tiểu tốt” bỗng
trở thành mối đe dọa toàn cầu, khi làm mọi người hoảng loạn, hoang mang, do sức
công phá kinh khủng nhanh chóng và tàn bạo.
Sức
công phá vũ bão không những đang làm rối loạn, điên đảo toàn bộ sinh hoạt của con người trong các lãnh vực sức khỏe, giáo
dục, chính trị, kinh tế, xã hội… mà còn làm đảo lộn sinh hoạt tâm linh, hoạt động
thờ phượng của các tôn giáo trên khắp địa cầu.
Vì
lệnh cấm tập trung, hội họp do sợ bị lây nhiễm, các nhà thờ bị đóng cửa, thánh
lễ không được cử hành cho cộng đoàn, các lớp giáo lý tạm ngưng, nhiều giáo phận
cho phép xưng tội tập thể, và ngay tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thay đổi
hầu như toàn bộ sinh hoạt mục vụ của Ngài, và chấp hành những biện pháp ngăn chặn
virút đại dịch được chính quyền Ý ban bố.
Đứng
trước sức xâm lấn ngạo mạn, ngang ngược của Covid-19, và những biện pháp mục vụ
được đưa ra bởi các đấng bản quyền, không ít người tín hữu đã có những cảm nghĩ
trái chiều.
Có
người cho rằng những biện pháp như đóng cửa nhà thờ, hạn chế sinh hoạt tông đồ
giáo dân, ngưng các lớp giáo lý, chỉ cho phép rước lễ bằng tay… là những hành động
biểu lộ một đức tin yếu kém, một tinh thần nhu nhược chạy theo chỉ đạo, hướng dẫn
của thế gian, thế quyền, mà không biết lợi dụng cơ hội khó khăn, thử thách của
dịch bệnh để làm chứng đức tin, sống tinh thần qủa cảm, anh dũng, bất khuất của
tiền nhân Tử Đạo.
Có
người cho rằng chính lúc này, hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải chứng tỏ là Giáo Hội
của Đức Kitô, Giáo Hội có Chúa Kitô, một Giáo Hội vượt trên tất cả đe dọa, dù đe
dọa đó đến từ đâu, và điều phải làm là kiên cường sống chết, liều lĩnh hi sinh
với những gì Giáo Hội đang là, đang có, mà không cần phải thay đổi, thích nghi
cho phù hợp. Hơn nữa, những kiểu cách “chạy theo xu hướng thế tục”, răm rắp tuân
hành chỉ thị của thế quyền sẽ chỉ làm giảm thiểu lòng tin của người tín hữu vào
ơn phù trợ của Thiên Chúa.
Thực
ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay giữa thánh đô Rôma, sau khi lệnh đóng cửa các
nhà thờ trong toàn giáo phận Rôma của Đức Giám Qủan Rôma, cũng có những phản ứng
tương tự, không chỉ từ thành phần tín hữu, mà còn từ một vị hồng y có thế giá. Ở
Pháp cũng không tránh được tình trạng này, khi một giám mục giáo phận lên tiếng
không đồng ý với việc đóng cửa nhà thờ, hạn chế các sinh hoạt phụng vụ của các
giáo phận khác.
Đứng trước đại dịch và những quyết định của các đấng
bản quyền, người viết, với tư cách một tín hữu xin được chia sẻ với Bạn một vài
suy tư:
1.
Giáo
Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình:
Nếu
nhìn Giáo Hội là một cơ chế cứng cỏi, một cơ cấu hành chánh chặt chẽ, một pháo đài
giáo lý mang tính phòng thủ, chiến đấu, chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa
cũng như giá trị của những quyết định mục vụ trước những đe dọa chính sự sống của
giáo dân do Covid-19 mang lại.
Khi
quyết định đóng cửa nhà thờ, ngưng các sinh hoạt phụng vụ, Giáo Hội hành xử như
người mẹ yêu thương con, bằng tình mẫu tử bao la, và với quyền bảo vệ bằng bất
cứ giá nào sự sống của đàn con, vì chỉ một mình mẹ là người đã cho các con sự sống.
Khi
quyết tâm bảo vệ sự sống của đoàn chiên, Giáo Hội xác tín: Thiên Chúa là Sự Sống,
là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng ban sự sống cho muôn loài, nên sự sống là món
qùa qúy báu con người nhận được từ Thiên Chúa. Vì lẽ đó, Thiên Chúa luôn trân
trọng và gìn giữ sự sống mà người đã ban cho nhân loại.
Khi
chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng, Thiên Chúa đã ban cho ông Isaác, con trai
duy nhất khi ông và vợ ông đã luống tuổi (x. St 17,15-19), để ông biết: Thiên
Chúa từ nay ông tôn thờ là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống. Ngài
còn đi xa hơn, khi cho thiên sứ đến ngăn tay ông, không để ông làm
tổn thương sự sống của con trai Isaác, khi ông vâng lời đem Isaác lên núi, giết
đi làm của lễ tế Giavê Thiên Chúa, như tập tục tế sống con người cho các thần
trong các tôn giáo ngẫu thần thời đó (x. St 22). Một lần nữa, Thiên Chúa mặc khải
cho ông và dân riêng: Ngài không muốn của lễ dâng Ngài là mạng sống con người,
vì sự sống con người là điều qúy giá trước mặt Ngài, bởi do chính Ngài đã trao
ban.
Trong
Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cũng đã khẳng định: Ngài không để kẻ trộm, người chăn
chiên thuê hay sói rừng hãm hại hay lấy đi mạng sống của chiên Ngài, nhưng cứng
rắn qủa quyết : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng
sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).
Chúa
chiên nhân lành là Đức Giêsu không giống như “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết
hại và phá hủy” (Ga 10,10), hay như “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và
vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ
lấy chiên và làm cho chiên tán lọan” (Ga 10,12). Nhưng Ngài “tự ý hy sinh mạng
sống mình” (Ga 10,18), để “cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).
Như
thế, mục đích hy sinh của Mục Tử nhân lành là chiên của ông được sống và sống dồi
dào. Dồi dào đây là được no nê, ấm áp, được yêu thương, cưng chiều, được hạnh
phúc, bình an.
Hình
ảnh Mục Tử nhân lành là Giáo Hội với các Đấng Bản Quyền với quyền yêu thương,
chăn giắt. Sở dĩ là quyền yêu thương chăn giắt, vì chăn giắt không yêu thương sẽ
không là mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, nhưng sẽ chỉ được gọi là kẻ
chăn thuê, hay tên ăn trộm.
Do
đó, quyết định của Mục Tử trước những nguy hiểm đe doạ sự sống của đoàn chiên,
như đại dịch Covid 19 đang đe doạ tính mạng của mọi người phải được hiểu là quyết
định xuất phát từ tình yêu mục tử đối với đoàn chiên, từ bổn phận bảo vệ đoàn
chiên khỏi nguy cơ bị giết hại, và chúng ta hãy tín thác vâng phục thi hành, với
lòng yêu mến, biết ơn.
2.
Phải
thận trọng phân định giá trị của Lề Luật và giá trị của Con Người :
Khi
bực bội, khó chịu trước những quyết định đóng cửa nhà thờ, hạn chế thời gian cử
hành phụng vụ, hoặc các biện pháp khác nhằm tránh lây nhiễm và bảo vệ tính mạng
cho cộng đoàn, chúng ta vô tình rơi vào tinh thần vị luật của các luật sĩ qúa khích và Pharisêu cực đoan bảo thủ ngày
xưa đã phản bác, bắt bẻ Đức Giêsu khi Ngài chữa người bị bệnh bại tay trong ngày
sabát là ngày cấm làm việc theo luật Môsê (x. Lc 6,6-10 ; Mc 3,1-6)
Trả
lời họ, Đức Giêsu khẳng định: ưu tiên luôn dành cho con người, cho sự sống và hạnh
phúc của con người. Cũng như khi các môn đệ bứt lúa để ăn vì đói, khi băng qua một cánh đồng trong ngày
sabát, Ngài đã lên tiếng bênh vực các ông trước lời khiển trách nặng nề của những
người Pharisêu vị luật: con người có giá hơn Lề Luật, bởi “ngày sabát được tạo ra cho con
người, chứ không phải con người cho ngày sabát.” (Mc 2,27).
Thực
vậy, hạnh phúc của con người đang sống
là điều lành, việc tốt con người phải làm cho nhau, và được đặt thành ưu tiên,
bởi đó chính là vinh danh đích thực của Thiên Chúa (x. Mt 12,9-14 ; Lc
6,6-10); đồng thời là đòi hỏi của Giới Luật mới Yêu Thương.
Nay Covid-19 ập tới, đe dọa tính mạng của
con người, thì luật đi lễ ngày Chúa Nhật, cũng như nề nếp sinh hoạt phụng vụ, tất
cả đều có thể được thay đổi, đình chỉ, tạm ngưng, vì lợi ích chung của đoàn chiên.
Và điều này không được hiểu như hành vi bất tuân lệnh Thiên Chúa, hay vi phạm
giới luật của Ngài.
Thái
độ bất mãn với giáo quyền trong việc đình chỉ sinh hoạt phụng tự cũng nói lên
tinh thần gắn bó sai lệch của chúng ta vào những nghi thức bên ngoài, mang nặng
tính phô trương, biểu dương lực lượng, để rồi đức tin bị “điều kiện hoá” bởi những
hình thức không luôn cần thiết, mà không ăn rễ sâu, nhờ đời sống nội tâm cầu
nguyện, và thực hiện Đức Ái, trong khi cầu nguyện thì không bị lệ thuộc bất cứ
hoàn cảnh nào, và Đức Ái thì không thế lực, chướng ngại, sức mạnh nào có thể hạn
chế, ngăn chặn.
3.
“Thờ
phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”.
Đức
Giêsu, bên bờ giếng Giacóp đã chẳng nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người
sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hoặc tại Giêrusalem… Nhưng giờ
đã đến, và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ
phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ
phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải
thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-26).
Nói
như thế không có nghiã chúng ta phủ nhận Giáo Hội hữu hình, chối từ giáo phận, phủ
nhận giáo xứ, nhà thờ, và rút lui vào “cái tôi”, co cụm, một mình khép kín với
thần khí và sự thật.
Hoàn
toàn không, vì Giáo Hội là một gia đình, một cộng đồng yêu thương, đoàn lữ hành
đang cùng bước đi, nên Gắn Bó, Hiệp Thông với Đầu là Đức Giêsu và với nhau là
những chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là đòi hỏi tiên quyết.
Là
người Kitô hữu trong Giáo Hội, chúng ta không lên thiên đàng cô đơn, cô độc, lủi
thủi một mình, nhưng lên với nhau, cùng nhau lên, cùng nhau về Nước Trời, cùng
nhau thực hiện hành trình về Nước Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu, Mục
Tử và sự cộng tác của các Đấng Bậc được Thiên Chúa tuyển chọn để quản trị, chăm
nom, dẫn giắt đoàn chiên được trao phó.
Do
đó, Hiệp Thông là yếu tính của Giáo Hội, Hiệp Nhất là đòi hỏi của người Kitô hữu,
nên trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người tín hữu phải gắn bó, hiệp nhất,
hiệp thông với tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, vì đức tin của Giáo Hội là
hiệp nhất, hiệp thông.
Chính
vì có hiệp nhất trong Giáo Hội mà chúng ta mới thờ phượng Thiên Chúa trong thần
khí và sự thật được, cũng không phải lệ thuộc vào một đền thánh, đền thờ hữu hình
ở một nơi chốn nào. Chính nhờ đức tin hiệp thông của Giáo Hội, mà chúng ta được
hoàn toàn dự phần, được trọn vẹn tham dự vào sức sống và tình yêu của Giáo Hội,
là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, trong những hoàn cảnh không thể đến nhà thờ, không thể sinh hoạt phụng tự, không
thể cử hành thánh lễ…
Vâng,
Covid-19 đặt chúng ta, những người Kitô hữu vào một hoàn cảnh mà phần đông chưa
bao giờ thấy. Ở vào hoàn cảnh đặc biệt này, chúng ta cần hiểu biết chính xác ý
nghiã và giá trị đức tin của các quyết định từ các đấng bản quyền, để không ai,
không thế lực thần dữ nào có thể lợi dụng tình thế hầu làm suy yếu ở chúng ta đức
tin, và lòng tin tưởng, tín nhiệm ở Mẹ Hội Thánh.
Bởi
trong những thời khắc khủng hoảng, thời điểm tinh thần dễ bị chao đảo, lung
lay, ma qủy nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội đánh phá Đức Ái giữa đoàn chiên và
Mục Tử trong Giáo Hội, bằng khủng bố tinh thần Hiệp Nhất, và triệt hạ tinh thần
Hiệp Thông bằng dấy lên ngọn lửa kiêu căng, bất tuân phục.
Hiệp
cùng Hội Thánh Việt Nam và toàn cầu, chúng ta xin Chúa cứu thế giới khỏi đại dịch
Covid-19 nguy hiểm, và ban bình an cho tất
cả mọi người trên thế giới.
Lời
cầu nguyện chân thành ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa gấp bội, nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong tinh thần hiệp
thông với Giáo Hội và tinh thần Vâng Phục của đoàn chiên biết và lắng nghe
tiếng Mục Tử của mình, những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước: biết rõ
chiên mình, gọi tên từng con, “mang vào mình mùi chiên”, và sẵn sàng hi sinh mạng
sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).
Jorathe Nắng Tím
Tạ ơn Chúa. Điều quan trọng là khi thấy dấu chỉ dịch bệnh xảy ra lan tràn trên thế giới, chúng ta có nhận ra Chúa muốn nói gì với tôi qua đại dịch covid - 19 này? Chúa muôn tôi phải làm gì? Và phải mang trong mình tâm tình như thế nào đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và đối với chính mình? Tôi có càng gắn bó mật thiết với Chúa hơn không? Tôi có cây tin phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa hơn không? Hay tôi chỉ ngồi đó để phê phán chỉ trích người này kêu ca người kia, đổ lỗi cho người nọ mà không thật tình ăn năn sám hối trở về với Chúa trong chay tịnh, trong nước mắt và trong nguyện cầu cho thế giới, cho từng con người luôn biết hương Thiên, hướng tha... Phải không ạ. Con cám ơn tác giả về bài viết đày tính suy tư, khắc khoải và thao thức mang đậm nét của Tin Mừng này. Xin Chúa chúc lành cho tác giả (nếu con không làm thì tác giả là một linh mục phải không ạ?).
Trả lờiXóa