Pages - Menu

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (5)

GIAN TRUÂN, ĐAU KHỔ VỚI ĐỨC GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Không có nhà truyền giáo nào không gian truân, đau khổ, vì một lý do dễ hiểu: truyền giáo là hành trình vác thập giá để loan báo và làm chứng “Đức Giêsu chịu đóng đinh” đã sống lại. Hành trình đã được Đức Giêsu vẽ ra ngay từ buổi đầu tuyển chọn các môn đệ: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27), và mục tiêu của con đường dành cho những ai đi theo Ngài cũng đã được Ngài báo trước: “Này chúng ta lên Giêsrusalem, và Con Người sẽ vị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).
Vì thế, bản chất, mục đích cũng như ý nghiã của con đường truyền giáo đã được Đức Giêsu trình bầy không giấu diếm: từ bỏ tất cả, vác thập giá mình đi theo Ngài vào cuộc tử nạn để được sống lại trong vinh quang với Ngài. Và vì loan báo Đức Giêsu cũng là làm chứng Đức Giêsu qua chính cuộc sống, nên khi loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhà truyền giáo cũng chịu đóng đinh với Đức Giêsu như thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Và đời nhà truyền giáo từ nay chính là “kiện toàn những gì còn thiếu sót nơi khổ hình thập giá của Đức Giêsu, vì lợi ích của dân Chúa tức Giáo Hội”. Những gian truân, đau khổ của nhà truyền giáo phải gánh chịu trên đường truyền giáo mang một giá trị rất lớn, không chỉ để làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà còn để xây dựng Thân Thể Đức Giêsu là Giáo Hội, đem lại lợi ích thiêng liêng cho  nhiều người và cho chính nhà truyền giáo, vì “Thánh Giá dẫn đến nguồn Cứu Rỗi”.    
Thực vậy, nhà truyền giáo là người gặp lắm gian truân và chịu nhiều đau khổ: gian truân vì được sai đến một nơi hoàn toàn xa lạ, như Ápraham; gian truân khi phải đi gặp những người không hề quen biết, như Môsê được sai đi gặp Pharaô, vua Ai cập và các niên trưởng của con cái Ítraen đang làm nô lệ bên đó; đau khổ vì lòng dạ nham hiểm, phản bội của những người mình tin tưởng, trọng dụng; đau khổ vì mưu thâm chước độc của những người ganh ghét; đau khổ vì đám đông nhẹ dạ, cả tin, a dua, bốc đồng hôm nay ủng hộ, ngày mai đả đảo, chống phá; đau khổ vì bị hiểu lầm, vu khống, nguợc đãi, vì không thể làm vui lòng mọi người trong mọi sự, vì đòi hỏi của sứ vụ và vì giới hạn của khả năng; đau khổ vì bị lừa đảo, do thiếu khôn ngoan; đau khổ vì không thực hiện tốt đẹp những việc được trao, không hoàn thành nhiệm vụ được ký thác, không hẳn vì lười biếng, vô trách nhiệm, nhưng vì gặp quá nhiều chống đối, phá hoại từ phiá những người rảnh rỗi “ăn không ngồi rồi” chỉ lo rình rập, “chọc gậy bánh xe”, kiếm chuyện vu khống.
Bên cạnh những gian truân, đau khổ vừa kể còn rất nhiều gian truân, đau khổ khác khi loan báo Tin Mừng, giảng dậy giáo lý khi bị những người tuy ở trong hàng ngũ “có đạo” khích bác, châm biếm, tìm cách hạ uy tín bằng những biện bác đầy ác ý, những tin đồn thất thiệt, những suy diễn vô căn cớ liên quan đời tư, những luận cứ rỗng tuếch, lỏng lẻo, rời rạc với mục đích bắt bẻ, làm nhục người môn đệ Đức Giêsu. Đó là chưa kể những gian truân, đau khổ do những nhóm “lạc đạo, bè rối” gây ra cho nhà truyền giáo. Thánh Phaolô đã viết về những người này như sau:
Về những kẻ huyênh hoang, kiêu ngạo: “Thật ra, chúng tôi đâu dám cho mình ngang hàng hay so sánh mình với những kẻ tự cao tự đại kia. Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn” (2 Cr 10,12); hoặc trước những người gieo rắc giáo lý sai lạc: “Thần Khí phán rõ ràng: vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma qủy; đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung” (1 Tm 4,1-2).  
Như thế, gian truân, đau khổ là hành trang thập giá của nhà truyền giáo, và với hành trang này, nhà truyền giáo lên đường đến với muôn dân với Đức Giêsu chịu đóng đinh:
1.   Trong gian truân đau khổ, nhà truyền giáo thấy mình gần Đức Giêsu chịu đóng đinh hơn:
Đối tượng của truyền giáo là loan truyền và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, nên nhà truyền giáo sẽ không thể làm chứng cách thuyết phục, cũng không thể loan báo với niềm xác tín, nếu chính mình không cảm nghiệm gian truân và  đau khổ Thầ đã chịu, bởi có biết rất rõ, hiểu rất sâu, yêu rất nhiều, người ta mới thuyết phục được người khác để họ cùng biết, cùng  hiểu và  cùng yêu  Đấng  được loan báo, giới thiệu.
Do đó, giới thiệu Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà chưa một lần thông phần đau đớn của gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng và những giây phút hãi hùng của Ngài trên Thánh Giá; loan báo Đấng Cứu Độ đã chết cho nhân loại trên thập tự, mà chưa hề chia sẻ thương tích thập giá với Ngài, thì qủa thực lời chứng có âm vang, khuyếch đại đến đâu cũng không làm chạnh lòng người nghe, khó đánh động trái tim người được rao giảng.
Vì thế, khao khát “nên một” với Đức Giêsu chịu đóng đinh, được “đồng hình đồng dạng” với Thiên Chúa của lòng thương xót phải là lẽ sống của nhà truyền giáo, để cảm được những gì thánh tông đồ dân ngoại đã sống và trải nghiệm trên đường truyền giáo: “Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời. Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,10-12).

2.   Trong gian truân, đau khổ, nhà truyền giáo xác tín hơn sứ vụ  loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh:
Kết thúc bài giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần, tông đồ trưởng Phêrô “đứng chung với Nhóm Mười Một” (Cv 2,14) đã  tuyên tín trước đám đông gồm đủ mọi ngôn ngữ: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 36).
Đây chính là sứ vụ của các môn đệ, nhà truyền giáo, như thánh Phaolô đã nhiều lần qủa quyết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 1,23).
Chỗ khác thánh nhân còn nhấn mạnh: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 1-2).     
Nhà truyền giáo cũng không làm gì khác ngoài loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhưng  không thể loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh như phát tán một tin tức, chuyển tải mớ kiến thức lạnh lùng, nhưng làm chứng một Con Người Thiên Chúa sống động, đang hiện diện và yêu thương, đang có mặt và  hoạt động, đang ở cùng và cảm thương, chia sẻ, trợ giúp, cứu chuộc loài người.
Sứ vụ này đòi nhà truyền giáo phải sống thiết thân, sống kết hiệp ân tình với Đức Giêsu chịu đóng đinh để cảm nghiệm sâu sa và xác tín mãnh liệt ơn Cứu Độ của Đức Giêsu chịu đóng đinh và ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh trong công việc tông đồ của mình, như thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7).
Vì thế, khi gian truân, đau khổ, nhà truyền giáo cận kề Đức Giêsu hơn, theo sát Đức Giêsu hơn, kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu hơn và xác tín Ơn Gọi lên đường Thánh Giá với Đức Giêsu để không còn nghi ngờ về sứ vụ loan báo, làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh và chính mình được đóng đinh với Ngài khi làm chứng . Nhờ vậy, nhà truyền giáo sẽ  bình an với niềm vui được sai đi, và can đảm trước gian truân, đau khổ vì cùng chịu đau khổ, gian truân với Đấng mình yêu mến, tôn thờ, phụng sự.
3.   Trong gian truân, đau khổ, nhà truyền giáo tự tin vì có Đức Giêsu chịu đóng đinh đồng hành:
  
Sở dĩ các Tông Đồ nhận ra quyền năng phi thường của Thiên Chúa trong công việc truyền giáo của mình, chính vì các ngài đã gặp nhiều gian truân, đau khổ để nhận ra một chân lý vô cùng vĩ đại: Thiên Chúa luôn có mặt, đồng hành vơi ơn sức mạnh của Ngài, như thánh Phaolô đã viết: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,8-11). 
Vâng, chính vì xác tín việc loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh là sứ vụ được trao phó, mà nhà truyền giáo đón nhận gian truân, đau khổ như “phần không thể thiếu” trong sứ vụ thừa tác viên của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định điều này trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô: “Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng” (2 Cr 6,4-5).  
Và nhờ liên lỷ chung phần đau khổ của Thập Giá Đức Giêsu, nhà truyền giáo mới tự tin, nhờ tin vào sức mạnh gìn giữ và nâng đỡ của Thiên Chúa trong gian truân, thử thách, đau khổ. Nhà truyền giáo sẽ không tự tin ở khả năng, tài cán và khôn ngoan của mình, nhưng tự tin vì tin ở Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà nhà truyền giáo được sai đi để làm chứng.
Vì có Đức Giêsu chịu đóng đInh ở với và đồng hành, nhà truyền giáo nhìn mọi gian truân, đau khổ bằng đôi mắt của chính Đức Giêsu chịu đóng đinh. Đó là đôi mắt nhân từ đã đón nhận mọi đau khổ để cứu chuộc mọi người; là đôi mắt của Thiên Chúa giầu lòng thương xót không nỡ bỏ một con người nào mà Ngài đã dựng nên vì yêu thương; là đôi mắt bao dung rộng lượng tha thứ cho hết mọi người đã làm tổn thương, xúc phạm, đóng đinh mình; là đôi mắt nhìn trước tương lai được đổi mới của tội nhân; là đôi mắt thương xót tha tội và âu yếm ban bình an ; là đôi mắt đem lại niềm vui được  cứu sống và hạnh phúc được yêu thương.

Thực vậy, đời nhà truyền giáo không thể rời xa Thánh Giá, vì trên đó có Đức Giêsu chịu đóng đinh, đối tượng của tình yêu và sứ vụ của nhà truyền giáo; Thánh Giá cũng là con đường Đức Giêsu đi và mời gọi nhà truyền giáo cùng đi với Ngài.
Vì thế, khi đón nhận gian truân và đau khổ, nhà truyền giáo thực hiện trọn vẹn Thánh Ý, và đem lại lợi ích góp phần xây dựng Thân Thể Đức Giêsu là Giáo Hội (Cl 1,24), khi trở thành “người đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 2,3), để rồi sẽ được mãn nguyện thốt lên như thánh tông đồ dân ngoại vào cuối đời: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2 Tm, 4,6-8), bởi nhà truyền giáo khi chịu gian truân, đau khổ trên đường truyền giáo đã luôn ý thức: “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyêt vời” (2 Cr 4,17).
Jorathe Nắng Tím

Covid-19 và Người Tù


Hai mươi bốn ngày trước khi mãn hạn 44 năm tù, vì bắn chết một người đàn ông, William Garrison đã qua đời vì dịch Covid-19 ngày 13/04/2020 tại nhà tù Macomb thuộc thị trấn Lenox, Michigan, Hoa Kỳ, sau gần một nửa thế kỷ ở tù, từ năm mười sáu tuổi. Gia đình của William đã chuẩn bị chu đáo ngày đón ông mãn án tù để trở về đời sống  bình thường với người thân.
Thật thương tâm khi đọc bản tin rất buồn về nỗi buồn thân phận của một người tù, mà “sáu mươi năm cuộc đời” không biết có được mấy ngày vui, vì tuổi mười sáu mới chỉ là tuổi  thiếu niên thơ dại, bồng bột, “ăn chưa no, lo chưa tới”,  nhưng chẳng may đã sa vào vòng tù tội; buồn vì chế độ giam giữ đã qúa khắc nghiệt đối với một tội phạm vị thành niên, nhất là suốt bốn mươi bốn năm ở tù, tù nhân gần nửa thế kỷ W. Garrison đã được công nhận là người kỷ luật, hiền hoà và năng nổ  giúp đỡ các bạn tù, nhưng buồn nhất là người tù đáng thương và dễ thương ấy đã chết vì dịch bệnh Covid-19 trong cô đơn ngút ngàn, và nỗi đau chất ngất khi niềm vui, hy vọng, hạnh phúc vụt tắt cách “tàn nhẫn” làm hụt hẫng, tê dại, sững sờ, chết đứng người thân, gia đình.
Covid ơi, mi đến từ đâu mà sao mi tàn nhẫn với con người đến thế? Mi tự nhiên đi lạc vào thế giới này hay được chế tạo bởi bàn tay ai, mà sao mi khủng khiếp đến như vậy? Ta hỏi nhỏ mi nhé: mi bị ép buộc hay mi đồng loã, tình nguyện tiếp tay với lũ ác nhân, ác qủy  mà gieo qúa nhiều đau thương, bất hạnh cho con người?
Mi có biết đến hôm nay, mới chỉ vài tháng ngắn ngủi, mi đã lấy đi bao nhiêu mạng người vô tội không, từ mạng trẻ em mới lớn, đến mạng của các bậc trưởng thượng đáng kính, từ mạng của những bậc tu hành quên mình, xả thân vì nhân loại, đến mạng những y tá, bác sĩ qủa cảm và hy sinh đã chấp nhận bị giết chết bởi nọc độc nguy hiểm của mi, khi tận tụy săn sóc, cứu sống những nạn nhân của mi và của những con người “lòng lang dạ thú” đã sinh ra mi, mà nhiều nhà khoa học như giáo sư Luc Montagnier, người Pháp được giải thưởng Nobel y khoa năm 2008 đã chính thức công bố: mi đích thị là một loại “virút nhân tạo”, tức được tạo nên do bàn tay con người, chứ không là virút tự nhiên, tất nhiên những con người tạo ra mi phải là những tên gian ác, ác hơn ác thú, vì nhẫn tâm sử dụng mi để “ăn thịt” cả đồng loại, tiêu diệt hết loài người.
Xin lỗi Bạn, tôi đã không giấu được cảm xúc nóng giận đối với những người đã làm khổ cả thế giới, vì tham vọng bất chính hoặc cá nhân, hoặc đảng phái, hoặc quốc gia, dân tộc, bởi bất cứ tham vọng bất chính nào đều không thể biện minh bằng mục đích, để tự cho phép xử dụng những phương tiện phi nhân, tàn nhẫn đối với đồng loại. Những khám phá, truy tìm sự thật về Covid-19 ngày càng được công khai, đem ra ánh sáng, và thế giới đang chờ những sự thật không thể ngờ được, những sự thật kinh tởm sẽ làm lợm giọng mọi người còn lương tri, tình người.
Càng giận Covid-19 và bè lũ sinh ra nó, tôi càng thương những người nghèo sống nhờ đường phố: những cụ già tàn tật, hốc hác, những em bé đen như cục than, gầy giơ xương, áo quần xốc xếch, rách rưới, dơ bẩn dưới nắng trưa cháy da cháy thịt, tay chià những tập vé số, miệng năn nỉ, van xin. Tôi thương họ vì không còn được bán vé số vì cách ly Covid, họ sẽ sống làm sao, xoay sở thế nào để có miếng cơm, tiền nhà, tiền thuốc cho cha mẹ già đau yếu, cho con thơ đói khổ, bởi “làm ngày nào, xào ngày đó”, ngày nào không đi bán, là ngày đó không có ăn.
Càng bực bội với con số tử vong, lây nhiễm chưa chịu dừng, tôi càng khó chịu với những bàn tay vấy máu nhân loại là anh chị em tôi, mà người anh em, chị em rất đáng thương trong cơn bão dịch này là những tù nhân trong các trại tù.
Người tù thời Covid rất đáng thương, vì họ hoàn toàn bất lực để tự bảo vệ, bởi ở tù thì lấy đâu phòng riêng, ở riêng, ăn riêng mà tránh dịch, lấy đâu khẩu trang được thay đổi, giặt sạch hằng ngày, thuốc rửa tay để phòng chống lây nhiễm. Đó là chưa nói đến tình trạng “nhân mãn” khi phòng giam ở nhiều nước không quá hai mươi bốn mét vuông cho năm mươi người tù, và nhu cầu vệ sinh bình thường của người tù không được đáp ứng, bảo đảm.
Người tù thời Covid rất đáng thương, vì họ hoàn toàn bất an, khi hơn bao giờ hết, người ta không quan tâm nhiều đến họ, vì bận lo cho sinh mạng của mình, và của gia đình mình. Người tù trở thành “con số” đúng nghiã, khi mạng sống của họ lúc này, lúc mà thần chết Covid thoải mái ra vào nhà tù, nơi có nhiều người tụ tập,  nhiều chung đụng, cọ sát, nhiều cơ hội, điều kiện lây nhiễm nhanh rộng.
Người tù thời Covid rất đáng thương, vì họ hoàn toàn cô đơn, khi thân nhân không được thăm nuôi, gặp mặt, vì chế độ cách ly. Hơn nữa, ai cũng cho rằng nhà tù là ổ Covid, vì ở đó, chỉ còn lại những người “không giá trị vì có tội”, chỉ còn lại những gánh nặng của xã hội, mà một cách vô thức, người ta đang dần lãng quên giữa thời lo âu, bận rộn vì Covid.
Người tù thời Covid rất đáng thương, vì họ không chỉ sợ Covid vô tình, tự nhiên đến thăm và lấy đi mạng sống, mà còn sợ Covid một lần nữa là cái cớ ác nhân dùng, cái bình phong tiểu nhân xử dụng, cái vũ khí kẻ gian ác cần đến để thủ tiêu, giết chết người tù cô thân cô thế, không khả năng tự vệ.
Người tù thời Covid rất đáng thương, không chỉ vì bất an, bất ổn do sinh hoạt nhà tù thay đổi theo chiều đi xuống, chất lượng quan tâm giảm sút trầm trọng, mà còn lo lắng, hoang mang, hoảng loạn trước một tương lai không lối thoát, trước ngày mai tăm tối, mịt mờ vì bị đe doạ tứ phiá, do ảnh hưởng của đại dịch, mà họ chỉ được nghe loáng thoáng, hiểu mù mờ, và hoàn toàn bất lực để tìm một giải pháp phòng thân hữu hiệu.
Qủa thực, bỏ một bên tội lỗi của phạm nhân phải ngồi tù, chúng ta chỉ nhìn thực trạng hôm nay và lúc này để cảm thương những người tù rất đáng thương giữa thời dịch bệnh Covid đang hoành hành dữ dội. Nếu hoàng gia, quan chức chính phủ, lãnh đạo tôn giáo cao cấp, đại gia, trọc phú còn chết vì Covid, mặc dù những thành phần quan trọng này có đầy đủ phương tiện và điều kiện phòng chống, cứu chữa, thì nhà tù với hàng trăm, hàng ngàn tù nhân trong những điều kiện qăn ở, vệ sinh không đạt chuẩn, với những phương tiện phòng chống Covid rất hạn chế, thô sơ và  nhỏ giọt, nhất là mức độ quan tâm, săn sóc giảm sút vì nhiều lý do chắc chắn sẽ không thể làm an tâm người tù, cũng như không hứa hẹn một đảm bảo an toàn cho sức khỏe và sinh mạng của anh chị em đã “trượt chân, lỡ bước” để lâm vào hoàn cảnh tù đầy nghiệt ngã.
Ước gì trong lời cầu nguyện của chúng ta có thân phận rất đáng thương của người tù. Xin Ơn Trên thương và ban cho anh chị em tù nhân niềm hy vọng trong cơn thử thách nhiều lần cam go, trong đe dọa nhiều lần sợ hãi hơn chúng ta, những người  tuy phải cách ly xã hội, nhưng còn may mắn và hạnh phúc ở với gia đình, ở giữa người thân, có phương tiện phòng chống dịch bệnh.  
Jorathe Nắng Tím