Không phải tất cả những ai đến nhà đều là
khách, bởi có những khách không mời cũng
đến, những khách đuổi không đi, bị chủ
nhà nguyền rủa, khinh bỉ cũng vẫn lì lợm
lân la, và không phải người con nào cũng
được cha mẹ mong đợi và vui mừng đón tiếp khi vào đời làm người, bởi không thiếu
những cha mẹ đã run rẩy hoảng hốt, hoặc nổi khùng, nổi điên
khi nghe tin con « thành hình » trong bào thai, và ngao ngán, chán nản
khi con chào đời.
Giáng Sinh về, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu
trong chuồng chiên cừu ở Bêlem, chúng ta thấy Ngài vừa là khách được niềm nở đón tiếp, là người nhà được ân cần mời
ở lại, nhưng đồng thời vừa là gai nhọn, đối
thủ, kẻ thù làm xốn xang, bực bội và bị săn
lùng, tiêu diệt như một tội phạm nguy hiểm
đối với nhiều người.
Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định sự thật
Ngôi Lời bị từ chối, không được người nhà mình đón nhận
khi nói về « mầu nhiệm làm người » của Đức Giêsu : « Người đã
đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu
đón nhận » (Ga 1,11), «Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà
có, nhưng lại không nhận biết Người » (Ga 1, 10).
Qủa thực, Đức Giêsu đã đến trong nhà mình,
giữa anh em mình, vì yêu thương và để cứu chuộc họ, nhưng « Ngôi Lời là ánh
sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người » ấy (Ga 1, 9) đã không
được đón nhận, vì người nhà đã chọn ở lại
trong bóng tối, khi từ chối « sự sống là ánh sáng cho nhân loại » (Ga
1,3).
Có rất nhiều người đã từ chối ánh sáng của
Ngôi Lời quanh biến cố Giáng Sinh. Bắt đầu là những chủ nhà trọ ở Bêlem, khi không ông bà chủ nào đã chạnh lòng thương cảm, không qúan trọ nào đã
dành một chỗ cho người đàn bà có thai
« đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa » (Lc 2,6), không tấm lòng nào đã trắc ẩn và qủang đại thu xếp cho vợ
chồng nghèo đến từ Nazareth xa xôi một góc
nhỏ để sinh con.
Tất nhiên, Bêlem những ngày kiểm tra dân số ấy
rất đông đúc, náo nhiệt, nên các chủ nhà
trọ tranh thủ cho thuê phòng, vì chẳng mấy
khi nhu cầu mướn phòng lại lớn như vậy. Cũng
vì đông khách thuê phòng, mà chủ nhà trọ tha hồ tuyển chọn những khách ngon lành,
béo bở. Và đó chính là lý do tất cả đã từ
chối cha mẹ của Đức Giêsu, vì không ai muốn ôm vào những phiền lụy, rắc rối khi đón tiếp trong
nhà mình người mẹ sắp sinh con.
Những
người chủ nhà trọ đại diện cho những người mải mê làm giầu, chọn vật chất làm lẽ
sống, lấy tiền bạc làm cứu cánh cuộc đời. Tâm hồn họ chất đầy của cải, không còn
kẽ hở cho tình người, nên trái tim đã quên hẳn nhịp đập của tình yêu, lòng thương
xót đối với những người khốn cùng đang cần được họ thương xót, cứu giúp.
Bên cạnh những chủ nhà trò mê làm giầu là vua Hêrôđê, và những thượng tế, kinh sư ở
Giêrusalem. Những người này không chỉ từ chối, mà còn dùng quyền lực truy lùng,
sát hại, ngay khi biết thông tin về nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra (x. Mt 2, 1-18),
như Tin Mừng Mattthêu kể lại : « Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các
nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các
con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng
ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia :
Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc thương rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình
và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa (Mt 2,16-18).
Họ là những người đói khát quyền lực, danh vọng,
nên bảo vệ bằng mọi giá uy danh và quyền
hành đang nắm trong tay, đồng thời ráo riết
thu tóm thế lực, ảnh hưởng từ những
người chung quanh nhiều và rộng lớn bao nhiêu có thể, để không ai còn khả thể đe dọa lật đổ, chiếm đoạt ngai toà của họ.
Qủa thực, Hài Nhi Giêsu đã không được toàn thể người nhà mình niềm nở đón tiếp, cũng không được tất cả anh em mình mời vào nhà,
vì đường vào trái tim họ đã bị vật chất đóng
chốt và chật kín những nhà đất, vàng bạc,
kho báu, kế họach đầu tư làm giầu, cũng
như cửa lòng họ đã bị danh vọng, quyền lực khóa chặt nhiều vòng
Cả hai nhóm người trên, vì thấy mình không
thiếu gì, không cần ai khi vật chất dư thừa, quyền hành bao phủ, danh vọng chói
chan, nên biến cố Ngôi Lời làm người không gây bất cứ chấn động nào nơi họ, không
ảnh hưởng gì đến họ, bởi họ cảm thấy không cần gì ở Hài Nhi Giêsu vừa
sinh ra. Trái lại, biến cố xuống thể làm người của Hài Nhi Giêsu có thể trở thành gai nhọn làm nhức mắt họ, như ánh sáng
làm choáng những người lâu năm sống trong bóng tối. Biến cố Giáng Sinh ấy còn làm
họ khó chịu, bực bội, vì là tiếng nói trái chiều có sức ngăn cản, cảnh cáo, nhắc
bảo.
Ngược lại với những người không vui, và từ
chối Ngôi Lời nhập thể, khi ngần ngại, dè dặt,
hoảng sợ, giận dữ, và phản ứng bằng bạo lực trước biến cố sinh vào đời của
Ngôi Lời Thiên Chúa, là những người chăn
chiên nghèo khó, dốt nát, bé nhỏ, hồn nhiên, đơn sơ. Những con người cùng đinh, « vô danh tiểu tốt »
này đã tìm đến thờ lậy Hài Nhi Giêsu khi sứ thần báo tin vui cho họ, và họ đã
phấn khởi đón tiếp Ngôi Lời vào nhà tâm hồn họ, giữ Ngài ở lại trong nhà cuộc đời
họ, bởi họ nhận ra Ngài là Đấng yêu thương và
cứu độ họ ; nhận ra ở với Ngài, họ sẽ được
thoả lòng mong uớc ; nhận ra đi theo Ngài, họ tìm được lẽ sống ; nhận
ra phụng sự Ngài, họ không bị ruồng rẫy, đàn áp, bóc lột, nhưng được yêu thương,
chăm sóc, nhất là nhận ra Ngài là Đấng
Thiên Chúa sai đến, là Bình An của Thiên Chúa, là Gia Nghiệp đời đời, là
« Đường, Sự Thật và Sự Sống », khi họ tin vào Lời Hứa mà Thiên Chúa mặc
khải cho họ là những người bé mọn (x. Mt
11,25-26).
Đó là Lời Hứa Nước Trời cho những tâm hồn
nghèo khó, hiền lành, bị bách hại vì sống công chính và làm chứng vương quốc của
Thiên Chúa; Lời Hứa được Thiên Chúa ủi an, thương xót, cho diện kiến và phần thưởng
lớn lao trên trời cho những tấm lòng sầu khổ, trong sạch, hay chạnh lòng xót
thương anh em và tận tụy xây dựng một thế giới công lý, hoà bình (x. Mt 5,
2-12).
Cùng đi trên đường tìm gặp để thờ lậy Hài
Nhi với các mục đồng nghèo khó, còn những nhà chiêm tinh thông thái luôn thao
thức, khắc khoải và thành tâm thiện chí
trước Chân Lý. Vì thế, khi ngôi sao lạ xuất hiện, các vị đã bất chấp mọi nguy hiểm, mau mắn lên đường đi tìm Hài Nhi,
« Vua dân Do Thái vừa mới sinh ra » (Mt 1,1-2), bởi các vị là những
người trung chính, và chân thực đã tin vào ánh sao sự thật và lời các ngôn sứ đã
viết về sự ra đời của « vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen » (x. Mt 1,2.6).
Vâng, chúng ta cũng không khác hai nhóm người
trên trước mầu nhiệm Giáng Sinh, bởi chúng ta có thể hững hờ, dửng dưng, lanh lùng
với Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ Bêlem đêm nay, nếu chúng ta không thấy cần Ngài, không nhận ra mình thiếu thốn, yếu đuối,
tội lụy luôn cần được Ngôi Lời thương xót, tha thứ, cứu chữa, hướng dẫn chở
che ; bởi chúng ta có tự do từ chối sự hiện diện của Ngài trong đời sống,
nếu thấy mình làm được tất cả, bảo đảm được
tất cả, mà không cần đến ai, kể cả Thiên Chúa, khi tự hào đã đủ đạo đức, thánh thiện, đủ tài năng, sức mạnh,
đủ tiền bac, của cải, đủ uy danh, quyền lực, đủ an toàn, bền vững, đủ sung sướng đời này, đủ hạnh phúc đời sau.
Vì thế, lễ Giáng Sinh chỉ thực sự có ý nghiã
và là Niềm Vui trọn vẹn, Tin Mừng lớn lao cho chúng ta, nếu chúng ta nhận ra mình
đang rất cần Chúa, rất cần lòng thương xót, bao dung, nhân hậu của Ngài, rất cần
được Đấng Cứu Độ xóa hết tội lỗi nặng nề,
ghê tởm, gớm ghiếc, tha cho tội chết và
cứu khỏi án phạt đời đời. Chỉ với ý thức và tâm tình của người có tội cần được
Chúa thương xót và mọi người thương cảm, như người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa
tang đang run rẩy sợ hãi trước đám đông phẫn nộ tay cầm đá sẵn sàng ném, hay như
người gian phi bị đóng đinh ở giờ hấp hối, và như cả hai không còn biết trông cậy
vào ai ngoài Đức Giêsu ở phút lâm nguy,
giờ lâm tử, chúng ta mới vui mừng đón rước
Chúa Hài Đồng đến cư ngụ giữa chúng ta và
trong
cuộc đời mỗi người, bởi chỉ khi cần Chúa, chúng ta mới khát khao trông đợi
và vui mừng đón tiếp Ngài giáng sinh làm người.
Và như thế, chúng ta sẽ tràn đầy ơn
Bình An của Chúa, để vui vẻ chúc nhau một lễ Giáng Sinh « biết mình luôn cần
Chúa, và mãi mãi được Chúa xót thương ».
Jorathe Nắng
Tím