Pages - Menu

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

THÁNH GIUSE, NGƯỜI CHA NUÔI LÝ TƯỞNG

 

Thánh Giuse không chỉ là người Cha yêu thương, mà còn là người “cha nuôi” lý tưởng của Đức Giêsu, vì ngài đã không chỉ là người cha “hiền lành, hy sinh, hiện diện, mà còn sống đời làm cha với tình yêu trách nhiệm và niềm vui phụ tử.

Như chúng ta biết, sứ vụ của thánh Giuse là làm cha nuôi của Đức Giêsu và làm bạn thanh sạch của Đức Mẹ đồng trinh, một sứ vụ vô cùng khó khăn, vượt sức người có hạn, và ở ngoài trí tưởng tượng của con người, bởi đó là ý muốn và chương trình của Thiên Chúa, mà đối với Ngài “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) như lời sứ thần Gabrien nói với Đức Maria ngày truyền tin.

Là cha nuôi của Đức Giêsu, thánh Giuse đã không coi Đức Giêsu là đứa con “hạng hai”, “vòng ngoài”, vì không do mình đẻ ra ; cũng không tự giảm bớt trách nhiệm làm cha đối với Đức Giêsu, vì “vô trách nhiệm dựa dẫm” vào Thiên Chúa, khi nghĩ rằng mình chỉ đóng vai trò rất phụ. Trái lại, ngay từ khi nhận được lời căn dặn của sứ thần Chúa trong giấc mộng : “Đừng ngại đón bà Maria về làm vợ, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), thánh Giuse đã sống ơn gọi và sứ vụ người cha nuôi với tất cả tình yêu và trách nhiệm của người cha đẻ, và sống trọn vẹn niềm vui của tình cha con đích thực.

1.   Thánh Giuse đã yêu  Đức Giêsu với trái tim của người cha đẻ :

Tuy là cha nuôi và sứ vụ được trao là cha nuôi, nhưng thánh Giuse đã sống tình yêu của người cha đẻ. Ngài đã bảo bọc tuổi thơ của Đức Giêsu bằng tình phụ tử tròn đầy, và đồng hành vào đời với Đức Giêsu với tình cha bao la. Chính tình phụ tử đầy ắp và sâu lắng của người cha nuôi là thánh Giuse đã xây dựng nhân cách của Đức Giêsu, và đào tạo Ngài thành một con người tốt của xã hội, một người con xứng đáng của gia đình, một người tín hữu đẹp lòng Thiên Chúa, như Tin Mừng Luca đã khẳng định : “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghiã đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Thực vậy, qua mạc khải của Tin Mừng, chúng ta không thể chối cãi : Đức Giêsu đã có một tuổi thơ, tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành đẹp. Đẹp vì khỏe mạnh, khôn ngoan, đầy ân nghiã đối với Thiên Chúa và mọi người. Chỉ một dòng ngắn ngủi, thánh sử Luca đã cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã lớn lên và trưởng thành nhờ được nuôi dưỡng trong một gia đình hạnh phúc vì có cha mẹ yêu thương ; được huấn luyện, đào tạo toàn diện bởi cha mẹ có khả năng và trách nhiệm, để trở thành một người trưởng thành và quân bình trong mọi chiều kích, phương diện với thân xác cường tráng, với  tinh thần “khôn ngoan”, với đời sống đức tin đầy ân nghiã. Và để đạt được mục tiêu này, người con “có phúc” ấy ắt phải có người cha, người mẹ rất yêu thương con cái, tình yêu mà những người con mất cha, mất mẹ phải ở với cha mẹ nuôi rất khó có được.

Qủa thực, khi không có trái tim qủang đại, người “cha nuôi” khó có thể yêu “con nuôi” như người cha đẻ yêu đứa con do chính ông tạo ra, vì bản năng ích kỷ không buông tha ai, và tính ghen tương luôn châm chọc, khiêu khích. Thực tế làm chứng điều này, khi những đứa con nuôi bị phân biệt đối xử, và tình trạng một số người cha nuôi  đã nhẫn tâm biến những đứa con nuôi của mình thành thằng hầu, con sen phục vụ đám con đẻ, và thường gặp hơn nữa là cảnh “mẹ ghẻ con chồng”, hay “bố ghẻ, dượng ghẻ” mà kết cục thường là  bi kịch đau thương, ngậm ngùi, tủi hận về phía “con nuôi”.

2.   Thánh Giuse đã mang hết trách nhiệm của người cha đẻ đối với Đức Giêsu :   

Tin Mừng  cho thấy suốt ba mươi năm sinh sống ở Nadarét, không một người Do Thái nào, kể cả đồng hương của Thánh Gia biết thánh Giuse là cha nuôi của Đức Giêsu, nhưng chỉ biết : Đức Giêsu là con của bà Maria và ông Giuse, như họ bảo nhau : “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”, khi Đức Giêsu về thăm quê hương và “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, khi Người giảng trong hội đường (Lc 4,22).

Khi nói Đức Giêsu là con của ông Giuse và bà Maria, mọi người biểu lộ một lòng  kính trọng, khâm phục không chỉ dành cho Đức Giêsu, vì “Người giảng dậy như Đấng có quyền, chứ không như các kinh sư”, mà còn dành cho cha mẹ của Ngài, những người đạo đức, thánh thiện đã huấn luyện, đào tạo nên Đức Giêsu, một con người tài giỏi, khôn ngoan, đạo hạnh.

Thực vậy, thánh Giuse đã mang hết trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục  Đức Giêsu của một người cha đích thực, mà không có bất cứ dấu vết nào của phân biệt đối xử, của than thở, tính toán, của khó chịu, bực bội thường gặp ở những người cha nuôi, mẹ nuôi đối với con nuôi của mình. Tinh thần trách nhiệm tuyệt vời ấy phát xuất từ tình yêu cao vời của thánh Giuse dành cho Đức Giêsu, người con với tên gọi : “Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, mà sứ thần đã hiện nói với ngài trong giấc mộng (x. Mt 1,20-21).  

Vì tình yêu nơi những người cha nuôi, mẹ nuôi không lớn bằng tình yêu của cha đẻ, mẹ ruột, nên những người cha nuôi, mẹ nuôi thường lơ là với trách nhiệm làm cha, làm mẹ mà họ phải có đối với những đứa con do họ tự nguyện nhận về nuôi, hoặc có bổn phận nuôi theo luật định. Lại một lần nữa, nhiều người trong chúng ta phải chứng kiến tình cảnh bi đát của con cái trong các gia đình vì hoàn cảnh phải “chắp nối”, và những hệ qủa rất đáng thương trên đời sống của những đứa con không được may mắn sống với cả “cha  đẻ, mẹ ruột” này.

3.   Thánh Giuse sống niềm vui tình phụ tử trong Thiên Chúa : 

Sở dĩ thánh Giuse đã hết lòng hết dạ yêu thương, và chu toàn trách nhiệm của người cha đẻ đối với Đức Giêsu, vì ngài là người công chính không những luôn sống theo đường lối, thánh chỉ của Thiên Chúa, mà còn sống niềm vui của ơn gọi và sứ vụ làm cha trong Thiên Chúa.

Sống theo đừờng lối, thánh chỉ của Thiên Chúa ở thánh Giuse là “nhận lấy Trinh Nữ Maria làm vợ, và Đức Giêsu làm con”, sau khi được sứ thần Chúa cho biết Đức Maria thụ thai là do quyền phép của Chúa Thánh Thần, và Con Trẻ là “Emmanuen - Thiên Chúa - ở - cùng - chúng - ta”.

Vì sống theo đường lối và tuân theo thánh chỉ của Thiên Chúa mà thánh Giuse không còn e dè, do dự, ngại ngùng, lo lắng khi “yêu thương và chịu trách nhiệm” về sự an toàn và hạnh phúc của Đức Giêsu và Đức Maria như người bảo vệ, che chở, gìn giữ, nhưng tận tụy, hăng hái, nhiệt thành, hết tình hết mình chăm lo, săn sóc Đức Giêsu và Mẹ Ngài.       

Chính vì vâng phục và tuân giữ đường lối, thánh chỉ của Thiên Chúa, mà thánh Giuse đã sống đời Cha nuôi Đức Giêsu và Bạn thanh sạch của Đức Maria một cách hoàn hảo, tuyệt vời, bởi chính Thánh Ý Thiên Chúa đã bảo đảm sự công chính, thánh thiện của tình yêu, và trách nhiệm ở thánh Giuse, người công chính.

Bên cạnh đó là niềm vui của người công chính trong Thiên Chúa, vì “quả thật có phần thưởng dành cho người công chính” (Tv 57,12), khi họ được Thiên Chúa đưa đến nơi Ngài ngự, như lời thánh vịnh : “Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua” (Tv 117,20). Cũng vậy, “đầu người công chính được Chúa chúc lành” (Cn 10,6), “chuyện may lành là phần thưởng của chính nhân” (Cn 13,21), và “người công chính thật có phúc, vì kết qủa việc họ làm, họ sẽ được dùng được hưởng” (Is 3,10).

Vì biết đón nhận và sống  niềm vui Chúa ban cho người làm theo Thánh Ý Chúa, mà thánh Giuse đã hiểu và cảm nhận niềm vui làm Cha nuôi của Đức Giêsu, và niềm vui ấy đã không dừng lại ở niềm vui của người cha nuôi, nhưng bao trùm luôn hạnh phúc của người cha đẻ, vì là niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui của người công chính trong Thiên Chúa vô cùng, tuyệt đối.

Tóm lại, thánh Giuse tuy là cha nuôi, nhưng đã yêu bằng tình yêu của cha đẻ ; tuy không là cha đẻ, nhưng đã mang hết trách nhiệm của người cha  toàn tâm, toàn ý lo cho con nuôi ; tuy chỉ là người bảo vệ, che chở, giữ gìn Ngôi Lời nhập thể, nhưng đã hưởng tron niềm vui của tình phụ tử trong Thiên Chúa.

Ngài thực là gương mẫu lý tưởng của những người cha nuôi, những người cha đã tự nguyện nhận làm con những người con vì hoàn cảnh nào đó đã mất cha đẻ, không còn cha ruột, và phải chịu những bất hạnh của đời làm con không cha.

Ngài thực là niềm an ủi của những đứa “con nuôi”, vì nhờ tình yêu che chở, bảo vệ thiêng liêng của ngài, cuộc đời “con nuôi” sẽ bớt sầu tỉi, nhưng tìm lại niềm vui làm con, nhờ được tình cha của ngài bao phủ, bù đắp.

Ngài thực là động cơ thúc đẩy mọi người biết nhận ra ơn gọi thánh thiện,  và sứ vụ cao cả “làm cha nuôi”, như ngài đã làm cha nuôi Đức Giêsu, để trái tim sẽ sẵn sàng mở lớn, đôi tay sẽ qủang đại giang rộng để yêu thương và nhận làm con với tình thương, trách nhiệm và niềm vui phụ tử những em bé, hay bất cứ ai đang cần tình cha, đang mơ ước một mái ấm bình an, đang khao khát, trông đợi người cha tốt lành, nhân hậu cho một tương lai hạnh phúc.     

Sau hết, chúng ta hiệp nhau xin Thánh Cả chúc lành và nâng đỡ tất cả những người cha nuôi trên thế giới đang âm thầm hy sinh, và tận tụy xây dựng cuộc đời của vô số em bé mồ côi cha vì chiến tranh, tai nạn, hoặc vì ích kỷ, hưởng thụ và ác độc của người lớn.

Jorathe Nắng Tím  

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

THIÊN CHÚA GẶP GỠ DÂN NGÀI

 

Suy Niệm Tin Mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ



Tin Mừng Luca hôm nay cho chúng ta đi vào bầu khí sinh hoạt phụng tự của thánh gia ở Nadarét, với sự tuân phục và thực thi lề luật Môsê cách chu đáo, sốt sắng của thánh Giuse và Đức Mẹ, khi hai ngài bế Con là Hài Nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để chịu phép cắt bì, đồng thời Đức Maria dâng lễ vật làm lễ thanh tẩy cho mình sau khi sinh con, theo như luật dậy.       

Với Ítraen, cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa Giavê và dân riêng của Ngài, như Thiên Chúa đã phán với tổ phụ Ápraham: “Mọi đàn ông, con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu : đó sẽ là dấu hiệu giữa Ta với các ngươi. Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các ngươi dùng bạc mà mua của bất cứ  người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các ngươi” (St 17,10-12), và “Đây là giao ước vĩnh cửu : Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này” (St 17,7).

Bên cạnh luật phải cắt bì cho con trẻ sau tám ngày, còn một luật khác liên quan đến người mẹ sau khi sinh con, mà sách Lêvi đã ghi rõ : “Đức Chúa phán với ông Môsê rằng : Hãy nói với con cái Ítraen ; Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bẩy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày khó ở vì kinh nguyệt. Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy ; nó không đìợc đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình. Nếu sinh con gái, thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng hai tuần, như khi có kinh ; rồi nó phải đợi sáu mươi ngày cho máu được thanh tẩy. Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non, hay một chim gáy làm lễ tạ tội… Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội” (Lv 12,1-6.8).    

Như thế, thánh gia  đã thực hiện cùng một lúc cả hai điều Luật dậy, vào thời hạn thanh tẩy của Đức Mẹ : “Khi đã đến ngày thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22), và đã chọn lễ vật của người nghèo, là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” để làm lễ toàn thiêu và lễ tạ tội (x. Lc 2,24).

Chính trong hoàn cảnh dâng con và chịu thanh tẩy của nguời tín hữu nghèo khó, nhưng trung tín, tuân phục lề luật của cha mẹ Ngài, mà Đức Giêsu đã gặp gỡ toàn thể nhân loại ngay trong Đền Thờ là Nhà của Cha Ngài.

Ngài đã gặp gỡ, thăm viếng Ítraen, dân Ngài, mà người đại diện là cụ già Simêon, “người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen”, là “được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa” (Lc 2,25.26).

Ngài cũng gặp gỡ, tỏ mình cho toàn thể nhân loại, khi là “Ánh Sáng muôn dân”, như tâm tình cảm tạ trên môi miệng phấn khởi, hạnh phúc vì được toại nguyện của cụ già đạo đức Simêon : “Lậy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân : Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại…” (Lc 2,29-32).  

Được Đức Giêsu viếng thăm, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ở với chúng ta, như “hằng ngự trên cụ già Simêon” (x. Lc 2,25) ; thúc đẩy chúng ta yêu mến và phục vụ Giáo Hội, như “Thần Khí đã thúc đẩy” cụ già đạo đức lên Đền Thờ, ở đó, chúng ta được gặp Đức Giêsu, được có Đức Giêsu ngay trong nhà của Ngài là Giáo Hội, như cụ già Simêon đã được thấy và “ẵm lấy Hài Nhi trên tay” (Lc 2,28) ngay trong Đền Thánh của Thiên Chúa Giavê.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

ĐẤNG THIÊN SAI

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 Thường Niên, Năm B

Suốt thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã nói với dân Ngài qua các ngôn sứ là những người được chính Ngài chọn giữa dân. Sách Đệ Nhị Luật đã ghi lại lời ông  Môsê  nói với dân: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy”, và Lời của Thiên Chúa nói với Môsê về sứ vụ của ngôn sứ  : “Ta sẽ đặt những Lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” (Đnl 18,15.18).

Như thế, ngôn sứ là người thuộc về Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa chọn, đồng thời thuộc về dân, vì được chọn từ dân để phục vụ dân, khi chuyển đến dân Lời Thiên Chúa muốn nói với họ. Vì thế, ngôn sứ là người đáng được yêu mến, kính trọng và lắng nghe, vì là phát ngôn viên của Thiên Chúa, trung gian giữa Thiên Chúa và con người, gần gũi con người, và được Thiên Chúa bảo đảm, phù giúp, với điều kiện ngôn sứ ấy phải trung tín và trung thực với Lời Ngài, không làm sai lệch Lời Ngài, như chính Ngài đã căn dặn : “Kẻ nào không nghe những Lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết” (Đnl 18,19-20).

Lịch sử Cứu Độ đã minh chứng sự trung thành, và dũng cảm của các ngôn sứ, khi các vị sẵn sàng chịu chết, chiu mọi nhục hình vì nói Lời Thiên Chúa, như Gioan Tiền Hô, vị “ngôn sứ gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước” đã bị vua Hêrôđê chém đầu, vì nói sự thật khi ngăn cản vua cưới bà Hêrôđia, vợ ông Philipphê, anh trai mình (x. Mt 14,3-12).  

Tin Mừng chúa nhật hôm nay đưa chúng ta đi vào Tân Ước, thời đại của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, thời đại mà chính Thiên Chúa xuống thế gian, ở giữa con người để nói với con người. Trong thời Tân Ước, chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người nói với con người bằng ngôn ngữ của loài người, qua tiếng nói của con người, như vào những ngày đầu của sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã vào hội đường ở Caphácnaum và giảng dậy. Ở đây Ngài đã làm “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dậy của Ngài, vì Ngài giảng dậy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22).  

Ngài đã làm mọi người sửng sốt về nội dung giáo lý, vì Ngài đề nghị một giáo lý mới, một con đường mới, một giới luật mới là chính Ngài, chứ không như các kinh sư chỉ nhai đi nhai lại luật Môsê một cách giáo điều, khô khan, hay cứng cỏi quy chiếu vào những “bổn cũ” của người đi trước.

Ngài làm toàn thể cử tọa hôm ấy ngạc nhiên, ngưỡng mộ, vì phong cách, thái độ, và lối nói rất đáng kính và thuyết phục của Ngài như Tin Mừng Gioan đã viết : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,45). Điều này chứng tỏ Đức Giêsu không giảng như các kinh sư, cũng không như ngôn sứ của Cựu Ước, nhưng trong cương vị Ngôi Hai Thiên Chúa, trong tư thế Thiên Chúa làm người, với sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể nói với  và cứu chuộc loài người.

Sự thật Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa đang trực tiếp nói với mọi người trong hội đường còn được xác nhận, minh chứng qua sự kiện một người bị qủy ô uế ám có mặt trong hội đường đã thình lình la lớn : “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24), và Đức Giêsu đã ra lệnh cho thần ô uế ra khỏi người này trước sự kinh ngạc của mọi người.

      

Thực vậy, bài học  mà chúng ta là những người đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần có thể tìm thấy trong Tin Mừng Máccô hôm nay, đó là đừng đóng chặt cửa lòng nữa, nhưng biết mở lòng ra để đón nhận tiếng Thiên Chúa nói với lòng mình, qua Giáo Hội, vì Giáo Hội là “công trình hoạt động” của Chúa Thánh Thần. Ngài ở với Giáo Hội, hướng dẫn Giáo Hội như Đức Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ trước khi lên đường chịu chết : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,26). Với trách nhiệm gìn giữ, bảo toàn kho tàng chân lý đức tin, và sứ vụ loan báo Tin Mừng là “kho báu Nước Trời” ấy, Giáo Hội  tiếp nối sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu, dưới sự trợ giúp của Chúa thánh Thần, và là ngọn hải đăng cho chúng ta không mất hướng, lạc đường.

Sở dĩ chúng ta cần học bài học tin tưởng và lắng nghe Giáo Hội, vì ở thời đại chúng ta hôm nay, người ta đang dồn hết lực lượng để tách Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội, cắt Giáo Hội lìa khỏi Đức Giêsu, vì ma qủy, thế gian biết : bao lâu chúng ta gắn bó với Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm, Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, bấy lâu kho tàng đức tin, “chân lý  Đức Giêsu”, và công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa sẽ không bị  suy giảm, rạn nứt.

Jorathe Nắng Tím   

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

TẾT COVID

 



Còn hơn hai tuần nữa thôi là Tết, nhưng Tết này không về được quê cha đất tổ, không gặp được người thân, không được quây quần dưới mái ấm gia đình để ăn Tết, mừng xuân vì đại dịch Covid 19.

Chưa bao giờ tết buồn như năm nay, khi cả thế giới vẫn còn bàng hoàng, lo sợ, dù vaccin đã tìm được, và bắt đầu chiến dịch chích ngừa, trước tai hoạ khôn lường của đại dịch: hơn hai triệu người đã chết vì nhiễm Covid, kinh tế các nước tuột dốc thảm hại, qũy an sinh xã hội có nguy cơ vỡ nợ lớn, và mọi người trên thế giới tiếp tục sống những ngày bất an, khi covid đang “biến thể” và trở nên nguy hiểm hơn.

Tết năm nay chắc sẽ buồn, vì chỉ còn hai tuần, mà chẳng nơi nào có không khí Tết : nhà cửa năm nay không được sơn phết, dọn dẹp như mọi năm, cây cảnh không được chăm chút cắt tiả như Tết các năm trước, cả đến áo quần làm đẹp ngày Xuân cũng ít được quan tâm, chú ý.

Tết năm nay chắc sẽ không vui, vì người thân xa quê hương không về được, mà có ở gần nhau cũng phải hạn chế gặp gỡ, đoàn tụ, vì lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập. 

Tết năm nay không khỏi đong nhiều nước mắt ngậm ngùi trong nỗi tiếc thương những người đã ra đi vì đại dịch suốt năm qua. Cái Tết buồn với xót xa không được nhìn mặt người thân giờ cuối, không được hiện diện để chịu tang ông bà, cha mẹ, không được tiễn đưa người thương, bạn hiền đến nơi an nghỉ.

Tết năm nay nặng một gánh sầu, vì công ăn việc làm trắc trở, học hành dở dang, tin buồn thất nghiệp, phá sản dồn dập đe dọa đen kịt cả bầu trời năm mới.     

Nhưng Tết năm nay, nhiều người sẽ thấm thiá giá trị của lời chúc Sức Khỏe - Bình An, vì chỉ khi sức khoẻ cá nhân bị “nhãn tiền” đe dọa, bị cụ thể tấn công, người ta mới sợ bệnh, mới ngộ ra sức khỏe là vàng và qúy hơn tất cả. Cũng thế, chỉ khi đời sống bị xáo trộn, an ninh bản thân không còn được bảo đảm, người ta mới hiểu và trân qúy những tháng ngày an bình.    

Tết năm nay chắc sẽ buồn, nhưng ai nấy sẽ có dịp trầm lắng với những suy tư về hạnh phúc của tình người, niềm vui của gia đình đoàn tụ, khi phải xa nhà, xa quê, xa người thân, xa bạn hữu những ngày xuân.

Tết Covid năm nay không cho ai ôm hôn ai khi chúc tuổi, cấm cản những bàn tay thân ái nắm chặt đón xuân, bịt kín miệng, không cho nụ cười rạng rỡ mở lời mừng tuổi, nên ăn Tết sẽ không “ngon”, đón Xuân sẽ không mấy rộn ràng, nao nức, nhưng lại là dịp để ta kịp nhận ra mình trước đây đã dửng dưng, lạnh lùng, ơ hờ, coi thường những tình thân qúy báu, hiếm hoi.

Tết Covid tuy không náo nhiệt, hoành tráng như những Tết năm xưa, nhưng ít nhiều sẽ giúp ta nhìn thấy rất nhiều người chung quanh đã âm thầm gánh nỗi đau của nhân loại, vác trên vai bất hạnh của người khác, khi quên mình phục vụ tha nhân, tận tụy mưu tìm công ích, và rồi như gương, ta sẽ thấy mình khi ngắm họ.

Tết Covid thật khó vui, nhưng trong khó khăn, ta biết mình có giới hạn và cần đến nhau từng giây từng phút. Ta còn thấy đời vô thường, vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, niềm vui nào sẽ kéo về, nỗi buồn nào sẽ ập đến.  

Thế nên, mừng Xuân năm nay, đón Tết Covid, ta cần chọn một thái độ mới, hợp với hoàn cảnh đặc biệt của thế giới : Thái độ trân trọng những gì ta còn cho nhau được hôm nay, vì chỉ những gì của hiện tại mới thuộc về ta, chỉ những con người bên cạnh, có mặt với ta “ở đây, lúc này”, ta mới cho họ được những gì ta có, ta là, chỉ hạnh phúc hôm nay mới có thật, để không phải hối tiếc một ngày sẽ không còn có nhau để yêu thương, chia sẻ, vì có ai đã biết được Tết năm nay, cả thế giới phải đón Xuân trong tiếc nuối, nhớ thương?  

Cùng một tâm tình và thái độ được đề nghị, thi sĩ Như Nhiên chia sẻ :

“Đời ngắn lắm cầm tay nhau chưa đủ

Nói làm chi lời chia cách vực sâu,

Hắt hơi thở là tạ từ cuộc lữ

Dẫu muốn tìm, chẳng dễ gặp nhau đâu!

 

Ngày ngắn lắm chưa cười đêm đã xuống

Sao ta hoài ước muốn chuyện... suơng tan.

Sao chỉ thấy ngày mai là hạnh phúc,

Còn bây giờ để phai úa thời gian?

 

Đời ngắn ngủi sao lời thương chưa nói?

Ngại ngần chi, người đang rủ nhau đi

Ai khóc ngất tiễn ai vào mộ địa

Bởi niềm thương dấu nhẹm lúc đương thì

                                                                             

Đời qúa ngắn thương nhau còn chưa đủ

Bận lòng chi bao óan hận bâng quơ

Ta cười bóng trong gương cười trở lại

Lòng yêu thương thành biển rộng vô bờ”.

                                                                     (Như Nhiên)

Mến chúc qúy Bạn Năm Mới “dồi dào Sức Khoẻ và Bình An”, là hai điều chúng ta đều mong ước giữa đe dọa của đại dịch.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

SỨ VỤ CỦA THÁNH GIUSE

 

Trong chương trình nhập thế, nhập thể để cứu chuộc nhân loại của Ngôi Lời, thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn và trao phó sứ vụ làm “Bạn trăm năm trinh khiết” của Trinh Nữ Maria, và là “Cha nuôi” của Đức Giêsu, mà ngôn sứ Isaia đã loan báo : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghiã là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Sứ vụ ấy thật vô cùng cao cả, nhưng cũng rất kín đáo, âm thầm dưới mắt người đời :

1.   Sứ vụ vô cùng cao cả, thánh thiện :

Sứ vụ của thánh Giuse vô cùng cao cả, vì sứ vụ ấy chạm đến sự cao cả, thánh thiện vô cùng của chính Thiên Chúa, khi được chọn làm người bảo vệ  Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời của Thiên Chúa và bảo vệ Đức Maria, Mẹ của “Thiên Chúa làm người”.

Vì cao cả, thánh thiện, nên Ngôi Lời là Đức Giêsu đã thụ thai trong cung lòng của Trinh Nữ Maria do quyền phép Chúa Thánh Thần, tức quyền năng của chính Thiên Chúa, chứ không do ý muốn của nam nhân. Không do ý muốn của nam nhân, không thụ thai qua quan hệ giữa hai người nam nữ là cách thức tự nhiên, Thiên Chúa đã minh nhiên tỏ cho nhân loại biết Đức Giêsu trước khi là con  người, Ngài đã là Thiên Chúa đồng bản vị với Chúa Cha, và được tôn thờ cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đồng thời cho chúng ta thấy sư can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa trong công trình nhập thế, nhập thể của Ngôi Hai, Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta.

Cũng vì sự cao cả, thánh thiện của Thiên Chúa, thánh Giuse đã được chọn làm Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, để bảo vệ danh dự, uy tín của Đức Maria trước xã hội và trong đời sống thực tế thường ngày, vì không ai có thể hiểu được để đón nhận mầu nhiệm nhập thể làm người của Đức Giêsu trước thời điểm Thiên Chúa muốn.

Bảo vệ danh dự của Đức Maria, vì Đức Maria cần được bảo vệ bởi một người chồng, vì ở bất cứ thời nào, “làm mẹ không chồng” vẫn là điều không nên, không chỉ bị xã hội lên án, mà cả Lề Luật cũng không cho phép. Chính vì thế, khi thấy Đức Maria có thai trước khi hai người về chung sống, thánh Giuse đã rất  bối rối,  phần vì thương Đức Mẹ, phần vì lo lắng tìm cách bảo vệ danh dự của Đức Mẹ trước xã hội và Lề Luật (x. Mt 1,18-19).

Sự can thiệp của sứ thần Chúa trong giấc mộng đã mạc khải cho thánh Giuse biết sứ vụ cao cả, thánh thiện của mình, và ngài đã hiểu ngay việc phải làm khi mau mắn thực hiện lời sứ thần Chúa căn dặn : “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), vì nhận ra sự cao cả, thánh thiện của công trình Nhập Thể, mà ngài được diễm phúc góp phần, như người bảo vệ trung tín, đắc lực.

Sứ thần truyền cho thánh Giuse : “Đừng ngại” vì trước đó ngài đã rất ngại, nên mới “định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19), vì chuyện “có thai trước khi về chung sống” tự thân là việc xấu, khó có thể chấp nhận. Nhưng cùng lúc, thánh Giuse cũng ngại “không muốn tố giác bà” (Mt 1,19) vì ngài là người công chính, không thể làm điều ác cho người khác, chưa kể đó là  người mình hết lòng kính trọng, ngưỡng mộ, yêu thương, nhất là chưa nắm rõ sự thật, khi chưa được nghe chính đương sự thổ lộ, trình bầy.

Thực vậy, sứ vụ của thánh Giuse thật cao cả, thánh thiện , vì  không chỉ được chọn làm người bảo vệ Đức Trinh Nữ, Mẹ Đấng Cứu Thế trong vai trò làm chồng, mà còn bảo vệ chính Thiên Chúa làm người trong vai trò làm cha nuôi.

Khi chu toàn sứ vụ làm cha nuôi, thánh Giuse đã bảo vệ danh dự của Đức Giêsu, khi tránh cho Ngôi Lời Thiên Chúa tiếng xấu “con rơi, con hoang, con ngoại hôn” của miệng đời thị phi, độc ác, điều mà ngay cả hôm nay, ở thời đại này, những đứa con xinh xắn ngoài hôn thú, những em bé dễ thương của “tình yêu ngoài luồng” vẫn bị đời khinh miệt, cho là xấu xa.         

Như thế, Thiên Chúa đã khôn ngoan khi chọn thánh Giuse, người công chính và tôi tớ trung tín của Ngài để gìn giữ sự cao cả thánh thiện của Ngôi Lời khi xuống thế làm người giữa loài người, để không một tì vết, một quyền lực, một định chế nào của con người có thể ảnh hưởng xấu trên sự thánh thiện, cao cả của Đức Giêsu và Mẹ Ngài.

2.   Sứ vụ âm thầm và  hy sinh :

Vì mầu nhiệm Nhập Thể, Nhập Thế chỉ được loan báo đúng thời điểm Thiên Chúa muốn, nên sứ vụ bảo vệ Đức Giêsu và Mẹ Ngài trong xã hội loài người, trước những lề luật, định chế trần gian đòi hỏi nhiều hy sinh và kín đáo, âm thầm nơi thánh Giuse, người được Thiên Chúa chọn để bảo vệ, gìn giữ Thánh Gia.

Suốt ba mươi năm Đức Giêsu ẩn dật ở Nadarét, thánh Giuse đã bảo vệ Ngài, để không một ai biết Ngài đã được nuôi dưỡng, giáo dục bởi một người cha nuôi, mà không phải cha thật, theo nghiã huyết thống. Và không chỉ âm thầm, kín đáo làm nhiệm vụ của cha nuôi, thánh Giuse còn chấp nhận hy sinh quyền làm cha thật của mình, để chương trrình của Thiên Chúa được hoàn hảo nơi ngài.

Sứ vụ làm bạn trăm năm, tức làm chồng, nhưng là chồng trinh khiết không một lần quan hệ, ân ái với Đức Trinh Nữ Maria của thánh Giuse cũng được kín đáo, âm thầm thi hành, mà không để ai biết, vì giờ Thiên Chúa chưa tới. Sứ vụ làm bạn thanh sạch của Đức Mẹ đồng trinh ấy cũng đòi thánh Giuse đón nhận nhiều hy sinh khi tự nguyện tháo bỏ  mọi quyền lợi của người chồng, tình nguyện bỏ mình và rời khỏi vị thế số một trong gia đình, vì ý thức sự cao cả, thánh thiện của sứ vụ “người bảo vệ Thiên Chúa làm người và Mẹ Ngài”.

Tin Mừng cho chúng ta thấy suốt thời thơ ấu, niên thiếu, rồi thanh niên của Đức Giêsu đã được thánh Giuse bảo vệ, gìn giữ cẩn thận, chu đáo. Cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu ở Nadarét  thực là hoa trái của sự phối hợp trinh khiết giữa hai người là thánh Giuse và Đức Maria, dưới sự bảo bọc của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí Thiên Chúa đã che giấu Đức Giêsu suốt thời  ẩn dật, cho đến ngày Ngài khởi sự đời sống công khai loan báo Tin Mừng Cứu Thế, khi đến với Gioan Tẩy Giả để xin chịu phép rửa bên bờ sông Giođan. Thời gian ẩn dật được bảo vệ này rất cần thiết để một Thiên Chúa làm người không có “cha đẻ” đến với nhân loại, và đi vào đời sống, cuộc đời của mọi người.

Học với thánh Giuse gương âm thầm và  kín đáo chu toàn sứ vụ được Thiên Chúa trao phó, chúng ta xin Thánh Cả nâng đỡ lòng quảng đại, hy sinh của chúng ta, để khi làm công việc của Chúa, chúng ta biết khiêm tốn ẩn mình, như nếp sống ẩn dật của Thánh Gia ở Nadarét, và kín đáo xóa mình, quên mình như Thánh Cả đã giấu mình, ghìm mình thật sâu trong tin yêu - phục vụ.

Jorathe Nắng Tím               

THÁNH GIUSE SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI TÌNH YÊU PHÓ THÁC

 

Có hai dạng người sống hiện tại : dạng sống kiểu hiện sinh buông thả, lười biếng, để dòng đời nổi trôi không đường hướng, không lý tưởng, không chuẩn bị, không xây dựng, nhưng tiêu cực, yếm thế, dựa dẫm, tầm gửi ; một dạng người khác cũng sống giây phút hiện tại, nhưng chủ động, tích cực, yêu đời, yêu người, nhiệt huyết, dấn thân, có lý tưởng, có động lực phấn đấu, giầu nghị lực và hy sinh, do tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, và Lời Hứa của Ngài, đồng thời trông cậy vào ơn Chúa luôn đủ cho người tôi tớ trung tín sống ơn gọi và sứ vụ được trao.

  Thánh Giuse, người tôi tớ công chính của Thiên Chúa là người đã sống từng  giây phút hiện tại  với tình yêu tín thác đó.

1.    Một cuộc sống gia đình nhiều biến cố :

Chỉ riêng hai chương đầu của Tin Mừng Mátthêu cũng đủ cho chúng ta thấy đời làm chồng, làm cha của thánh Giuse không êm ả chút nào, điều mà nhiều người lầm tưởng, khi nghĩ Thánh Gia vì là gia đình thánh, nên không có vấn đề, cũng chẳng trải qua khốn khó, gian nan như các gia đình bình thường khác.       

Sự thật hoàn toàn khác, khi chính trong gia đình thánh ấy, bão tố không ngừng nổi lên tấn công dồn dập, bởi ngay từ buổi đấu, trước khi về chung sống, thánh Giuse đã hoang mang, đau khổ vì thấy Đức Maria  có thai, rồi bất ngờ phải về Bêlem do “lệnh kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1) của hoàng đế Augúttô, khi vợ mình đến ngày sinh con, và vì không tìm được nhà trọ đã phải mượn chuồng chiên cừu làm chỗ sinh con, mượn máng cỏ làm nôi cho con nằm (x. Lc 2,12).

Tiếp đến là cuộc trốn chạy cơn điên và nỗi lo sợ bị mất ngôi của vua Hêrôđê khi biết Hài Nhi Giêsu, “vua dân Do Thái” vừa mới sinh ra ở Bêlem. Còn cảnh nào hãi hùng, lao đao hơn khi phải tức tốc, gấp rút đem Hài Nhi mới sinh và Mẹ Ngài vượt biên sang Ai Cập, bởi Hêrôđê ra lệnh tàn sát “tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16), và cảnh tượng giết lát trẻ em vô tội rất bi thương trên đã được ngôn sứ Giêrêmia loan báo : “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khó của than rền rĩ : tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,18).

Cũng như các gia đình, thời nào có khó khăn của thời đó, và con cái ở mỗi độ tuổi đều mang đến những nỗi lo mới cho cha mẹ, như Đức Giêsu đã tự ý ở lại đền thờ Giêrusalem dịp trẩy lễ, mà cha mẹ chẳng hề hay biết, và “sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dậy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46).

Chúng ta có thể mường tượng nỗi lo lắng “nát gan, đứt ruột” của Đức Maria và thánh Giuse trong những ngày lạc mất con. Thế mà, khi tìm được con, hai đấng  đã ngẩn ngơ, hụt hẫng, và chẳng hiểu gì khi nghe con trai trả lời : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Vì “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”, nên chỉ còn biết lặng lẽ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,50.51). Những điều ấy chính là nỗi đau của bậc làm cha mẹ, khi không còn hiểu được con cái…

Tóm lại, cuộc sống của Thánh Gia đã có nhiều biến cố làm dậy sóng, và chao đảo con thuyền gia đình. Tin Mừng không ghi thêm, nhưng không vì thế mà chúng ta nghĩ rằng Thánh Gia được yên trong những năm tháng Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng. Bằng chứng là khi Đức Giêsu trở về thăm quê nhà Nadarét, bà con đồng hương đã không niềm nở đón tiếp Ngài, nhưng khi nghe Ngài giảng dậy, “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,28-30). Và chính Đức Giêsu đã  buồn rầu nói với đồng hương ngay trên quê hương của mình : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).

2.     Thánh Giuse sống từng giây phút của hiện tại :

Tin Mừng Matthêu hé mở cho chúng ta : thánh Giuse không biết trước những biến cố xảy ra cho Thánh Gia, và tự ngài cũng không có nhiều dự án, kế hoạch cho tương lai. Bằng chứng là tất cả các biến cố đều chỉ được báo trước, và được chỉ dẫn cách giải quyết qua sứ thần Chúa hiện đến báo mộng. 

Nhìn lại những biến cố của đời thánh Giuse trong vai trò làm cha, làm chồng, chúng ta thấy tất cả đều vượt khỏi tầm kiểm sóat bình thường của con người, nghiã là không thể lập trình, tính toán trước bất cứ sự gì, như sự kiện Đức Maria có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần, khi hai ông bà chưa về chung sống. Làm sao thánh Giuse có thể nghĩ tình huống bi đát, ngặt nghèo, bế tắc như vậy có thể xẩy ra cho ngài và Đức Mẹ là người ngài hết lòng yêu mến, ngưỡng mộ, kính trọng? Cũng vì không ngờ, nhưng qúa bất ngờ, mà ngài đã phải nghĩ đến chọn lựa cuối cùng là bỏ Đức Mẹ và ra đi cách kín đáo, để giữ thanh danh và bảo đảm an toàn cho Đức Mẹ trước búa rìu của xã hội và Lề Luật (x. Mt 1,19). Và điều rất lạ là chỉ trong giấc ngủ, khi sứ thần hiện đến báo mộng, thánh Giuse mới biết sự thật và làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Cũng như sự việc trốn sang Ai Cập, rồi trở về Nadarét từ Ai Cập sau khi vua Hêrôđê chết, tất cả đều không thể đoán trước, vì hoàn toàn vượt ngoài dự đoán, phỏng định, để lại một lần nữa, sứ thần Chúa đã hiện ra nói với thánh Giuse việc gì phải làm, nơi nào phải đến, thời điểm nào phải lên đường.

Khi đề cập đến cảnh tượng xẩy ra trong giấc mộng, gặp người này người nọ trong giấc mơ, chúng ta hiểu ngay đó là những chuyện khó tin, không có thực. Chẳng thế mà người ta vẫn chế diễu, châm chọc những người không thực tế, sống ảo là “người mơ giữa ban ngày”, và nhắc nhở, cảnh tỉnh đám trẻ ở tuổi mộng mơ : “Đời không đẹp như mơ”.

Nhưng ở đây, chúng ta thấy thánh Giuse đã hành động theo những gì nhận được từ sứ thần Chúa trong giấc mộng. Điều này nói lên tinh thần phó thác tuyệt đối ở Thiên Chúa của người tôi tớ trung tín chỉ biết làm theo lệnh ông chủ truyền. Người tôi tớ trung tín ấy không lười biếng, nhưng chăm chỉ sống từng giây phút hiện tại trong tinh thần sẵn sàng thực hiện điều ông chủ muốn, nghiã là lúc nào cũng hướng về ông chủ và hiện diện trước mặt ông chủ để không lỡ bất cứ công việc nào ông chủ trao, dù ở thời khắc nào. Người tôi tớ trung tín ấy cũng đặt mình ở hiện tại tròn đầy trước ông chủ, để không một giây biếng lười, môt phút lơ đãng vì nghĩ đến bản thân, mà không kịp làm tốt công việc ông chủ dậy, vào đúng thời điểm ông chủ muốn.

Vì thế, để có thể tỉnh thức nghe được tiếng của sứ thần trong giấc ngủ, và mau mắn thi hành lệnh của Thiên Chúa từ sứ thần, thánh Giuse đã luôn ở trong tình trạng sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa, bằng khắc khoải, thao thức, trông ngóng, đợi chờ Thánh Ý Chúa trong từng giây phút của hiện tại. Đó là một trái tim mở rộng, một trí khôn tỉnh táo, bén nhạy luôn hướng về Thiên Chúa, và chỉ với khối óc, con tim hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa của người công chính thuộc về Thiên Chúa, chúng ta mới có thể sống như thánh Giuse khi luôn sẵn sàng lắng nghe và ứng trực thực thi Thánh ý Chúa trong từng giây phút của thời gian  hiện tại.

Do đó, giữa kiểu sống tiêu cực, vô tâm, vô ý trước hiện tại và chọn lựa sống tích cực, với ý thức từng phút giây của hiện tại là hồng ân được ban, với ý chí luôn sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa và làm theo ý muốn thánh thiện của Ngài là một vực thẳm  không thể vượt qua. Sự khác biệt rất lớn và quan trọng ấy cho phép chúng ta nhận ra ai là người trân qúy hiện tại và ai là người bỏ quên hiện tại ; ai là người xây dựng tương lai bằng sống hiện tại, và ai là người từ chối ngày mai khi phung phí, coi thường hiện tại, nhất là biết rõ ai là người sống niềm tin phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, và ai là người lơ là, không quan tâm sống theo đường lối Thiên Chúa.

3.   Thánh Giuse sống hiện tại với  đức tin phó thác :      

    Sở dĩ thánh Giuse đã có thể  sống từng giây phút hiện tại cách tích cực, vì ngài  tin tưởng,  phó thác vào Thiên Chúa, Đấng ngài tôn thờ, yêu mến, và phụng sự.

Là người công chính, tức là người sống theo đường lối của Thiên Chúa, thánh Giuse đã học với các tổ phụ đức tin phó thác. Phó thác khi tin tưởng “chỉ có mình Chúa ban cho con được sống yên hàn”, và chỉ mình Ngài “lúc ngặt nghèo mới mở lối thoát cho con” (Tv 4,2.9) ; phó thác khi từng phút giây ngóng trông và đặt trọn hy vọng nơi  Chúa : “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông…, bởi Chúa luôn một lòng từ ái, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa, tràn đầy” (Tv 129,6.7) ; phó thác “như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ, và trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2) ; phó thác nên “ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài. Xin dậy con đường lối phải theo, vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa” (Tv 142,8) ; và phó thác khi “ký thác mọi việc cho Đức Chúa”, vì “mọi việc Đức Chúa làm đều có cùng đích riêng” (Cn 16,3.4).

Là người tôi tớ trung tín, thánh Giuse đã sống niềm tin phó thác cách triệt để, nên mới có thể đón nhận một cách khiêm tốn và dũng cảm mọi thử thách trong từng giây phút hiện tại, trên từng cây số của hành trình ơn gọi làm người gìn giữ bảo vệ Đức Giêsu và Mẹ Ngài.

Như Ápraham đã tín thác tuyệt đối khi tiếng gọi ở hiện tại : “Hãy đem sát tế con trai duy nhất Ixaác” hoàn toàn mâu thuẫn với Lời Hứa ở tương lai : “Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ của một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển”, thánh Giuse đã sống trọn vẹn và dũng cảm từng giây phút căng thẳng, cam go, nguy nan của hiện tại với một đức tin phó thác tuyệt đối ở Chúa quan phòng, Đấng đã hứa với người Ngài chọn : “Này Ta ở với ngươi ; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi… vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều ta đã phán với ngươi” (St 28,15). Và suốt đời thực thi sứ vụ Thiên Chúa trao phó, thánh Giuse đã vững dạ, an lòng trong niềm  phó thác, vì tin ở Lời Thiên Chúa : “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghiã của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay” (Is 54,10).   

Thực vậy, thánh Giuse đã không bỏ qua một giây phút hiện tại nào mà không hướng về Thiên Chúa để tìm kiếm và thực hiện Thánh Ý Ngài. Thánh Cả là  “người công chính” đích thực và gương mẫu với trái tim say mê Thiên Chúa, tâm hồn  tràn đầy Thiên Chúa, và cuộc đời khao khát tìm gặp Thiên Chúa.

Nguyện xin Ngài bầu cử cho chúng con đừng lãng phí thời gian hiện tại, nhưng noi gương Ngài sống trọn vẹn và dũng cảm từng giây phút hiện tại, dù thách đố có cam go, dù thử thách có se dạ thắt lòng, dù lòng người có tàn nhẫn phụ bạc, dù tình đời có “đổi trắng thay đen”, dù chuyện đời có thương đau, đắng đót, dù đường đời có nguy hiểm, trái ngang.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

LỜI CHÚA

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3, Thường Niên, Năm B

Ngày 30 tháng 9 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Chúa Nhật Lời Chúa” và chọn chúa nhật thứ ba thường niên là ngày toàn thể Giáo Hội đặc biệt cử hành, học hỏi, chia sẻ, và loan báo Lời Chúa, với mục đích nhắc nhở các tín hữu : Lời Chúa là nguồn Mạc Khải sống động, có tầm quan trọng như Thánh Thể mà Đức Giêsu đã ban cho Giáo Hội của Ngài. Chúa nhật thứ ba thường niên còn là khởi điểm của Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất giữa những người  cùng tin vào Đức Giêsu Kitô.

Trước hết, Lời Thiên Chúa là Lời đem lại sự sống cho những người sắp phải chết hay đáng chết vì tội lỗi của mình, như Thiên Chúa đã tha tội chết cho dân thành Ninivê vì họ đã nghe Lời Ngài, như được kể lại trong sách ngôn sứ Giôna : Có Lời Đức Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai rằng : “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi. Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Đức Chúa phán” (Gn 3,1-3). Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ. Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3,4-5). “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10). Và tai họa mà trước đó Thiên Chúa muốn giáng trên Ninivê chính là tất cả mọi người ở trong thành sẽ phải chết (x. Gn 3,9).

Tin Mừng Máccô cũng không ra ngoài mục đích của Lời Chúa, khi công bố chính Lời của Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa : Sau khi ông Gioan bị bắt, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).

Trước khi cho biết việc con người phải làm để được cứu sống, Đức Giêsu đã  nghiêm khắc cảnh báo : “thời gian không còn dài, thời kỳ đã mãn”, thời điểm đã chín mùi vì Nước Trời, Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến gần. Và liền sau đó, Ngài tuyên bố : “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Như thế cả Cựu Ước cũng như Tân Ước, từ miệng các ngôn sứ đến miệng Đức Giêsu, Lời Chúa mãi là Lời cứu độ, Lời ban sự sống, Lời giải thoát khỏi tội lỗi, án tử, và điều kiện để đón nhận Lời hằng sống, Lời cứu sống ấy chính là sám hối, trở về và tin vào Lời Thiên Chúa phán dậy.

Do đó sẽ không có sự sống, không được cứu sống, nếu từ chối sám hối và phủ nhận Tin Mừng là Lời của Thiên Chúa hằng sống.

Tin Mừng Máccô hôm nay còn cho chúng ta thấy cảnh Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên là hai anh em ông Anrê, Simon, và hai anh em ruột khác là Giacôbê và Gioan. Các vị là những cộng sự viên được Đức Giêsu chọn ở những ngày đầu của công cuộc Cứu Thế, để cùng Ngài loan báo Tin Mừng, rao giảng Lời Thiên Chúa.

Qủa thực, với Lời Chúa, chúng ta không chỉ được cứu thoát, mà còn được sống sự sống của chính Thiên Chúa, nhờ lắng nghe, đón nhận và thực thi Lời hằng sống của Ngài. Cũng với Lời Chúa, mọi hiểu lầm, tị hiềm, đố kỵ giữa những anh em cùng tin vào Đức Giêsu và Lời của Ngài sẽ hiệp nhất với nhau một ngày không xa, nếu mỗi người  Kitô hữu thực thi Lời Đức Giêsu năm xưa ở Galilê : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

GƯƠNG THINH LẶNG CỦA THÁNH GIUSE

Hình ảnh ấn tượng của thánh gia ở Nadarét là cả ba Đấng đều ít nói, nhất là thánh Giuse, người gia trưởng hầu như luôn thinh lặng. Bằng chứng là không một lời nào của Thánh Cả đã được Tân Ước ghi lại.

Thật khác xa với gia đình hôm nay, ở thời đại tự do ngôn luận, nhân quyền, bình đẳng, khi cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em thi nhau nói, giành nhau nói, bịt miệng người khác lại để một mình nói, và ít khi có “người nói người nghe”, hay một người nói, nhiều người nghe, nhưng thường là “chẳng ai nói ai nghe”, vì ai cũng nói, mà không ai chịu thinh lặng lắng nghe nhau.

Người thời nay ham nói, vì nói là cách biểu hiện quyền thống lĩnh, cai trị ; nói để thiên hạ biết mình tiền nhiều, tài giỏi, kiến thức rộng, bằng cấp cao ; nói để hù dọa, lấn át, dụ dỗ, mua chuộc, tán tỉnh người khác ; nói để tự khẳng định mình và bành trướng ảnh hưởng, quyền lực… Nói chung, đây là thời đại của những con người chỉ nói, không biết thinh lặng.

Vì nói nhiều, và không biết thinh lặng để nghe người khác, và để người khác nói, mà gia đình  liên tục cãi cọ, xào xáo, bất hoà, đấu đá, bạo hành khi không ai chịu “nhường lời” để có thể “nhường nhịn”, và hậu qủa là gia đình từ tình trạng ồn ào, inh ỏi tranh nhau nói bỗng biến thành “trung tâm câm điếc”, không ai muốn nói, cũng chẳng ai muốn nghe, nhưng phải sống chung trong bầu khí lạnh lùng, nặng nề, tẻ nhạt.

Kinh Thánh nói về người ba hoa và người biết thinh lặng : “Kẻ nhiều lời sẽ bị chán ghét”, “kẻ ba hoa thì đáng khinh chê” (Hc 20,5.8), “Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt”, “Người khôn ngoan nói ít cũng gây được thiện cảm, lời hoa mỹ của kẻ ngu đần chỉ là thứ đổ đi”, “Người ghét thói ba hoa sẽ tránh được sự dữ” (Hc 20, 7.13 ; 19,6), “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn, “Giữ mồm giữ miệng là bảo toàn mạng sống, khua môi muá mép ắt sẽ phải thiệt thân (Cn 10,19 ; 13,3).

    Thánh Giuse là người công chính, mà người công chính thì khôn ngoan, và người khôn ngoan thì biết sống thinh lặng như Kinh Thánh dậy.

1.   Thánh Giuse thinh lặng để cầu nguyện, và nghe được tiếng Thiên Chúa :

Thiên Chúa không nói với con người nơi phố chợ ồn ào, huyên náo, nhưng nói trong thinh lặng, ở nơi yên ắng như đã nói với ngôn sứ Êlia được ghi lại trong sách Các Vua : Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Đức Chúa phán với ông : “Êlia, ngươi làm gì ở đây?”… Rồi Người nói với ông : “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kià Đức Chúa đang đi qua”. Gió to bão lớn  xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu” (1 V 19,9.11-12), và trong tiếng gió hiu hiu, nhè nhẹ, Đức Chúa đã nói với ông.

Cựu Ước cũng kể lại cậu chuyện Thiên Chúa  gọi cậu bé Samuen giữa đêm khuya thanh tịch, khi Samuen đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa. Sau nhiều lần tưởng thầy cả Êli gọi, lần cuối cùng, Samuen nghe lời thầy Êli đã thưa với Thiên Chúa khi Ngài gọi tên cậu : “Lậy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe!” (1 S 3,10).

Như Êlia và Samuen đã nghe được tiếng Thiên Chúa ở nơi yên tĩnh, trong gió nhẹ hiu hiu, giữa đêm khuya đền thờ, thánh Giuse cũng đã nhận ra tiếng sứ thần Chúa nói với ngài : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” giữa đêm khuya cầu nguyện, trong giấc ngủ chập chờn, vì thao thức tìm Thánh Ý Chúa, và với trái tim thinh lặng biết tỉnh thức, chăm chú lắng nghe tiếng Chúa, ngài cũng  đã kịp thời đưa Hài Nhi Giêsu và mẹ Người trốn sang Ai Cập, thoát khỏi gươm đao của Hêrôđê, khi sứ thần hiện ra báo mộng  (x. Mt 2,13-14).

Thực vậy, nếu không tỉnh thức trong thinh lặng cầu nguyện, chắc chắn thánh Giuse đã không nghe được tiếng sứ thần nói với ngài trong giấc ngủ, cũng như không thấy sứ thần hiện ra trong cơn mộng, nhưng nhờ đức tin của người công chính luôn hướng về Thiên Chúa, đức tin của người tôi tớ trung tín luôn tìm làm vui lòng ông chủ, thánh Giuse đã biết thinh lặng để cầu nguyện, thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, thinh lặng để đón nhận Thánh Ý, khi ý thức “Thiên Chúa nói với trái tim con người, đưa con người vào sa mạc để cùng con người thổ lộ tâm tình (x. Hs 2,16).

Nhờ sống thinh lặng, thánh Giuse đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để được nghe Chúa nói, nhưng thao thức trong thinh lặng, đợi chờ trong thinh lặng Lời Thiên Chúa phán bảo, truyền dạy trong suốt cuộc đời làm bạn thanh sạch của Đức Mẹ, và cha nuôi của Đức Giêsu ở Nadarét.

2.   Thánh Giuse thinh lặng để yêu thương, phục vụ :        

 

Sứ mệnh của thánh Giuse là yêu thương, phục vụ và bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria, mẹ Người. Sứ vụ ấy chính thức bắt đầu khi ngài nhận Đức Maria làm vợ và đưa về nhà mình, sau khi được sứ thần Chúa hiện đến báo mộng : “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).  

Thực vậy, thánh Giuse đã thinh lặng trước sự việc khó khăn mà ngài không thể hiểu, cũng như tình cảnh bế tắc tưởng không thể vượt qua, khi thấy Đức Mẹ có thai, mặc dù hai người chưa về chung sống, không chỉ để đợi chờ Thánh Ý Chúa, để nhận được đáp số từ Thiên Chúa, có được phương án giải quyết của Thiên Chúa, mà còn thinh lặng vì yêu thương, và để yêu thương Đức Mẹ  khi không một lời tra vấn, hạch hỏi, nhưng tuyệt đối tôn trọng, âu yếm, tế nhị, dễ thương đối với  vợ mình. Và suốt đời sống gia đình, kể từ khi đưa Đức Mẹ về nhà cho đến giờ chết, thánh Giuse vẫn một lòng yêu mến với tình yêu sâu lắng của trái tim thinh lặng.

Ngài thinh lặng phục vụ Đức Mẹ trên đường về Bêlem, và những ngày mới sinh con ; ngài thinh lặng bảo vệ Đức Mẹ và Hài Nhi trên đường trốn tránh vua Hêrôđê ; ngài thinh lặng chia sẻ “lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng dạ” với Đức Mẹ ngày dâng con vào Đền Thờ ; và bằng thinh lặng, ngài an ủi Đức Mẹ trong những ngày lạc mất con ở Giêrusalem ; với thinh lặng ngài biểu lộ cùng với Đức Mẹ  lòng vâng phục chương trình của Thiên Chúa, mặc dù không hiểu gì, khi Đức Giêsu trả lời : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Thánh Giuse đã chọn thinh lặng, vì thinh lặng là ngôn ngữ tuyệt hảo của tình yêu, bởi có người nào đã một lần tha thiết yêu mà không cảm nghiệm sự bất lực của ngôn ngữ trước mầu nhiệm của tình yêu ; có người nào đã đắm đuối yêu, mà  không thấy mình mất hết khả năng diễn đạt bằng tiếng nói, ngôn từ trước cao vời khôn tả và sâu thẳm khôn lường của tình yêu ; có người nào đã da diết yêu, mà không nhận mình có nhiều giới hạn trước vô cùng và tuyệt đối của tình yêu, nên chỉ còn thinh lặng của trái tim, thinh lặng của tâm hồn mới nói lên được những rạo rực, xôn xao, náo nức của tình đầu, cũng như nỗi đau của mẹ dưới chân thập tự treo xác con, mới biểu lộ được khổ đau câm nín của “ơn cha, nghiã mẹ”, mới bật thành tiếng hát, lời ru  khối tình thiên thu, thần thánh.

Với thinh lặng của trái tim đầy ắp yêu thương, thánh Giuse đã bảo vệ an toàn sự sống của Thánh Gia, cũng như đem lại an bình, hạnh phúc cho đời sống gia đình Nadarét, khác với những gia đình thiếu dưỡng khí tình yêu vì không ai biết trân qúy, gìn giữ thinh lặng là điều kiện cho tình yêu  gia đình được lớn lên. 

Học với thánh Giuse thinh lặng cầu nguyện, để mọi nơi mọi lúc, trong mọi tình thế, hoàn cảnh, nhất là trong những lúc mây mù che phủ, giông tố dữ dội kéo về, mọi người trong gia đình biết dẹp bỏ thanh âm ồn ào, náo nhiệt của thế gian, cũng như tiếng nói oang oang nhưng vô nghiã của người đời, để lắng đọng tìm nghe tiếng Chúa, lắng nghe Thánh Ý Ngài.

Học với thánh Giuse thinh lặng yêu thương, để người làm chồng không ỷ quyền làm chủ, cậy thế gia trưởng lớn tiếng chửi rủa, xỉ vả vợ mình khi không hài lòng, vừa ý ; người làm vợ “không cả vú lấp miệng em” xối xả nguyền rủa, hồ đồ kết tội chồng mình, khi chưa rõ nội tình, chưa thấu đáo nguyên nhân, căn cớ ; người ở phận con cái không lao nhao đấu đá, tranh giành quyền này quyền nọ, nhưng tất cả biết thinh lặng để nhường  lời cho Chân Lý, dành tiếng nói cho Tình Yêu.

Học với thánh Giuse thinh lặng phục vụ, để gia đình không thiếu cơm ăn, áo mặc, nhưng ấm no hạnh phúc, ngập tràn niềm vui, khi mọi thành viên tận tụy hy sinh, dấn thân quên mình, quảng đại sẻ chia, vì tình yêu gia đình, mà không ai tỵ nạnh kể công, vênh vang tự hào công trạng.

Học với thánh Giuse biết thinh lặng trong đời sống hôn nhân nhiều thách đố, vì những khác biệt, để vợ chồng không hơn thua nhau từng “lời ăn tiếng nói”, như đám gà ganh nhau tiếng gáy, nhưng nhịn nhường, hoà giải bằng thinh lặng yêu thương, để Lời Chúa ngự giữa gia đình như ánh sáng hướng dẫn, sức mạnh đỡ nâng, nguồn sống, và bình an, hy vọng.

Jorathe Nắng Tím  


Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

THÁNH GIUSE, ĐẤNG BẢO VỆ SỰ SỐNG

 

Trong Tin Mừng, hai lần thánh Giuse bị đặt vào tình huống “khó khăn và khó xử” trước sự sống : một lần trước mầm sống khi Đức Maria có thai  Đức Giêsu do quyền phép Chúa Thánh Thần mà ngài không hề hay biết ; lần khác khi vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu, sau khi gặp ba đạo sĩ  đến từ phương đôngn và biết Bêlem là nơi “vua dân Do Thái” mới ra đời.

Thánh Mátthêu kể lại : “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính, và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà đi cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kià sứ thần Chúa hiện đến báo mộngt cho ông rằng : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,18-21).

Một hoàn cảnh rất khó khăn và khó xử đối với bất cứ người chồng nào trên thế gian này, khi vợ mình có thai, mặc dù hai người chưa một lần quan hệ. Còn khó khăn, khó xử hơn gấp bội, nếu vợ mình là người không chỉ “được tiếng đạo hạnh” mà đích thực là người đạo đức, tốt lành, chung thủy, “công dung ngôn hạnh” vẹn toàn như Đức Maria.

Trong thực tế, khi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu trên, rất hiếm những người tình, người chồng đã có thể bình tĩnh tìm một giải pháp tốt đẹp cho bào thai và cho người mẹ, mà không làm tổn thương cả hai mẹ con. Trái lại, để đơn giản hoá vấn đề, hầu hết đã chọn giải pháp hủy bỏ bào thai, hoặc từ chối nhận làm vợ người đàn bà có thai với người khác mà giấu diếm mình.

Đây là hiện trạng của thời đại “sống thử” và thực dụng mà chúng ta đang sống, ở đó nhiều bạn trẻ nam nữ sống thử trước khi cưới, và tất nhiên, hậu qủa khó tránh trong thời gian sống thử là có thai, và “giải pháp đương nhiên” theo trình tự không dễ thay đổi và thoát ra, đó là phá thai, vứt bỏ mầm sống, hủy diệt sự sống mới được thành hình.

Sở dĩ phần đông bạn trẻ chọn giải pháp phá thai, vì họ bị bế tắc, mắc kẹt trước hoàn cảnh kinh tế, do áp lực gia đình, và  đòi hỏi của tương lai, nghề nghiệp, mà trong bấn loạn, hoảng hốt khi mầm sống do họ tạo ra vừa xuất hiện, họ chỉ thấy trước mắt một vùng đen đe dọa, một ngõ tối nguy hiểm, mà chỉ có thể thoát ra để tồn tại bằng xử lý không gớm tay, không xót dạ, đau lòng sự sống của một “con người”,  là “người con” của họ.    

Thánh Giuse cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khó xử trước sự sống con người như nhiều người, nhưng giải pháp được ngài chọn không là giải pháp dễ dàng nhưng tàn nhẫn, nhanh chóng nhưng dã man, gọn nhẹ nhưng nặng nề độc ác, không phiền lụy ai nhưng cực kỳ phi nhân : phá thai, hủy bỏ mầm sống, tiêu diệt sự sống. Trái lại, ngài đã bình tĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, nhẫn nại đợi chờ một giải pháp cho sự sống con người từ Thiên Chúa.

Để có thể bình tĩnh trước cú sốc cực mạnh : vợ có thai mà chưa một lần quan hệ, thánh Giuse đã phải là Người Công Chính khi tuyệt đối tin tưởng rằng Thiên Chúa mới thực là Chủ Tể của sự sống, là Sự Sống, Đấng thông ban sự sống cho muôn loài, như Lời Thiên Chúa : “Ta chính là Ta, bên cạnh Ta chẳng có thần nào khác, Ta cầm quyền sinh tử” (Đnl 32,3), “Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta ; mạng sống của cha, cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta” (Ed 18,4), vì “Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài… Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự” (Cv 17,24.25).

Chính vì tin tưởng Thiên Chúa làm chủ mọi sự sống, và mọi sự sống nằm trong chương trình của Ngài, nên dù chưa biết bào thai trong bụng vợ mình đến từ đâu, do người nào, thánh Giuse vẫn có thể bình tĩnh mà không giận dữ, ghen tức, nổi khùng, chửi mắng, xua đuổi, bạo hành như nhiều “đấng mày râu” khác, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn như ngài.

Để có thể khôn ngoan tìm giải pháp xứng hợp trước một chuyện “không hề dám nghĩ tới”, đó là vợ có thai không phải với mình, thánh Giuse đích thực là Người Công Chính, như ông Gióp, cũng là người công chính trong thử thách, gian khổ vẫn “luôn giữ vững đường lối của mình”, và tin rằng “kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được thêm sức mạnh” (G 17,9), nên dù có phải chịu thiệt thòi, người công chính vẫn không đăt điều cáo gian, hồ đồ lên án, đoán già đoán non theo cảm xúc nhất thời, bất nhất, nhưng “chính trực ghét lời dối trá” (Cn 13,5), và sống đời “chứng nhân ngay thật để cứu sống bao mạng người” (Cn 14,25). Bởi thánh Giuse có thể tố cáo vợ mình là người lăng loàn, và xã hội sẽ đồng tình với ngài, vì ngài ở thế mạnh, “kèo trên” do Đức Mẹ có thai “trước khi hai ông bà về chung sống”, nhưng đức khôn ngoan của người công chính đã dậy thánh Giuse tìm gặp Thiên Chúa và thân thưa, đối thoại với Ngài để nhận được từ Ngài giải pháp tốt nhất và đẹp lòng Ngài hơn cả (x. G 23,7). 

Tin Mừng Mátthêu vắn tắt ghi lại : “sứ thần Chúa hiện đến báo mộng” cho thánh Giuse trong giấc ngủ, mà không ghi thêm chi tiết : thánh Giuse đã suy nghĩ, cầu nguyện rất nhiều để nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Vì thế mà giấc ngủ của ngài  chập chờn do tha thiết cầu nguyện, do liên lỷ bầy tỏ tâm sự và thỉnh ý Thiên Chúa, bởi người công chính được tràn đầy ơn khôn ngoan để nhận ra từ Thiên Chúa điều Thiên Chúa muốn.   

Để có thể khiêm tốn, nhẫn nại trước biến cố nghịch lòng, khi yên lặng nuốt nước mắt vào bên trong, nén nỗi buồn tận đáy sâu tâm hồn, mà không hạch hỏi, tra khảo, hay nói xa nói gần với giọng khiêu khích, khinh bỉ Đức Mẹ, thánh Giuse thực sự phải là Người Công Chính, vì chỉ người công chính mới dũng cảm đặt giá trị sự sống con người lên trên tất cả, vì sự sống thuộc quyền Thiên Chúa, sự sống là quà tặng qúy giá của Thiên Chúa, và chuyện sinh tử không thuộc quyền con người ; đàng khác, chỉ người công chính mới hiền lành và chạnh lòng xót thương, mới dám hy sinh mình vì người khác, mới rộng lượng bao dung, tha thứ và nỗ lực xây dựng tình thân, kiến tạo hoà bình với mọi người  (x. Mt 5,4.7.9).

Thánh Giuse đã khiêm tốn chiu đựng mọi cay đắng, thiệt thòi của một người chồng, vì ngài nhìn thấy rõ Thiên Chúa có mặt nơi sự sống đang lớn lên trong lòng Đức Mẹ, nhận ra trách nhiệm của người công chính trước sự sống, như Ápraham, cũng là  người công chính đã tin tưởng Thiên Chúa, “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có” (Rm 4,17).        

Thực vậy, với tinh thần và thái độ bình tĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, nhẫn nại của người công chính, thánh Giuse đã thực hiện hoàn hảo thánh ý Thiên Chúa, bằng “làm như sứ thần Chúa dậy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24), và sự sống của Ngôi Lời đã được tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ an toàn.

Tiếp đến là trình thuật thứ hai của thánh Mátthêu về việc Hêrôđê tìm truy diệt Hài Nhi Giêsu: Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng : “Này ông dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13).   

Lần này thì thánh Giuse không “nhẫn nại” suy nghĩ, tìm thánh ý, vì thánh ý đã được sứ thần báo rõ, nên ngài tức tốc hành động, mau chóng thực hiện cuộc vuợt biên : “đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14). Đây là thái độ qủa cảm, quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ sư sống con người, khi thánh Giuse đã mau mắn, bất chấp mọi nguy hiểm, đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu đi trốn, vì yêu mến, tôn trọng, trân qúy sự sống của những người mình yêu thương và có trách nhiệm. Tấm lòng và thái độ ấy, người ta chỉ gặp được ở người công chính, vì kẻ bất chính thì coi nhẹ, khinh thường, không ngại làm tổn thương sự sống của chính mình và của người khác.

Sở dĩ kẻ bất chính coi nhẹ sự sống, vì tiên thiên chúng đã coi thường Thiên Chúa, là nguyên ủy của mọi sự sống, là Đấng ban cho tất cả sự sống và gìn giữ sự sống. Vì khinh mạn Đấng tạo nên sự sống, nên kẻ bất chính không ngại ngùng đe dọa sự sống, không gớm tay vi phạm quyền sống, không tự hổ thẹn tiêu diệt sự sống dưới mọi hình thức và phương tiện, như Hêrôđê đã nhẫn tâm “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi han cặn kẽ các nhà chiêm tinh”, để nắm chắc trăm phần trăm đã khử được Hài Nhi Giêsu, “Vua Ítraen” hầu ngăn ngừa hậu họa bị truất phế, lật đổ.

Tóm lại, hai trình thuật của Tin Mừng Matthêu 1,18-25, và 2,13-18, mà trong đó thánh Giuse là nhân vật quan trọng đã giữ trách nhiệm giải quyết vấn đề, đối phó  tình thế đều có đối tượng là sự sống con người, sự sống của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, và trong cả hai tình huống, thánh Giuse đã luôn xử lý như một người công chính của Thiên Chúa, khi đặt sự sống lên trên lợi ích, cảm xúc cá nhân vì ý thức sự sống thuộc về một mình Thiên Chúa, sự sống là giá trị cao cả, hồng ân qúy giá được Thiên Chúa ban cho con người.

Với ý thức và lòng tôn trọng sự sống con người, thánh Giuse đã tìm ra giải pháp cho những hoàn cảnh khó khăn, đáp số cho những nan đề khó giải bằng đi tìm Thánh Ý Thiên Chúa qua tâm tình và thái độ bình tĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, nhẫn nại, và khi đã nhận ra Thánh Ý thì dứt khoát, mau mắn, quyết tâm và dũng cảm thực hiện, vì với thánh Giuse, người công chính, sự sống con người phải luôn được trân qúy, gìn giữ, bảo vệ bằng mọi giá, bởi đó là dấu ấn của Thiên Chúa hằng sống, biểu chứng của Tình Yêu tạo dựng, và là vinh quang của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài.

Noi gương thánh Giuse, Đấng yêu mến và bảo vệ sự sống, chúng ta tập sống mỗi ngày tinh thần và thái độ của người công chính để trong mọi hoàn cảnh, tình huống, dù khó khăn, bi đát, bế tắc đến đâu cũng không coi thường, chối bỏ sự sống con người, dù sự sống ấy còn bé nhỏ trong lòng mẹ, đồng thời dũng cảm hành động để không quyền lực bất chính, phi nhân nào làm tổn thương sự sống, vi phạm quyền sống của con người.

Ước gì gương bảo vệ sự sống của thánh Giuse, người công chính, mang lại cho chúng ta nghị lực để phấn đấu chống lại lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ của thời đại để không một con người nào, dù còn là thai nhi bị cưỡng đoạt, cướp đi sự sống là hồng ân vô cùng qúy giá của Thiên Chúa hằng sống ban cho nhân loại.

Jorathe Nắng Tím