Nhà
thờ không còn chỗ, và nhiều người phải đứng bên ngoài, vì hôm nay là ngày đầu
năm, mọi người đến dâng thánh lễ Minh Niên để tạ ơn và cầu xin bình an, may
lành cho năm mới.
Chắc
chắn ai cũng có những điều phải xin với Chúa, phải cầu với Đức Mẹ cho năm mới,
vì chẳng ai không cần Chúa, bởi có ai tự mình làm được hết mọi sự cần thiết cho
mình và mình muốn đâu.
Trong
thánh lễ minh niên, bên cạnh những nỗi niềm thầm kín, những tâm tình yêu mến,
biết ơn dâng lên Chúa, ai nấy còn có những nhu cầu đủ loại từ nhu cầu tinh thần,
thiêng liêng, đến nhu cầu thân xác, vật chất ; những nhu cầu của bản thân
và nhu cầu của gia đình, làng nước, dòng tộc ; nhu cầu của giáo xứ đến nhu
cầu của giáo phận, Giáo Hội toàn cầu… Rất nhiều và rất nhiều nhu cầu chúng ta
muốn ; rất lớn và đôi khi qúa lớn những nhu cầu chúng ta mơ ước được Chúa
ban cho trong năm mới.
Chúng
ta hoàn toàn có lý khi thân thưa với Chúa những nhu cầu nhỏ to, lớn bé, xa gần
của mình, vì Chúa muốn thế. Bằng chứng là Đức Giêsu đã khuyến khích chúng ta cầu
xin : “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở
ra. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho”
(Mt 7,7-8), bởi “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”
(Mt 6,32), và Ngài còn cho chúng ta biết người cha Thiên Chúa ấy rất nhân hậu
và quảng đại, khi qủa quyết : “Có người nào trong anh em, khi con mình xin
cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy,
nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành,
phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho
những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,9-11).
Nhưng
cũng chính vì có qúa nhiều nhu cầu luôn được xem là cấp bách, khẩn trương mà khi cầu xin, chúng ta thường quên một điều
quan trọng, đó là ý muốn của Thiên Chúa. Quên bẵng ý muốn của Thiên Chúa, vì thực
sự chúng ta rối trí, khi rơi vào hoàn cảnh quẫn bách, bế tắc, cùng đường ;
quên khuấy Chúa mới là Đấng ban ơn, nên ít nhất cũng phải đợi ý Ngài, khi chúng
ta nóng lòng muốn thực hiện gấp rút kế họach, chương trình đã được đề ra, soạn
sẵn của mình ; nhất là quên hẳn Chúa là Cha nhân nhậu và quan phòng, khi
chúng ta ảo tưởng về thế giá, khả năng, cũng như sự thánh thiện của mình, để tự
cho mình cái quyền làm áp lực trên Thiên Chúa, dù áp lực đó chỉ là áp lực tình
cảm, đạo đức.
Tin
Mừng cho chúng ta làm quen với nhiều người đã cầu xin, và họ đã được toại nguyện.
Hầu hết họ đều nài xin lòng thương xót Chúa khi cất chung một lời kinh : “Lậy
Chúa Giêsu, xin thương xót con! ”. Nhưng bên cạnh những người này, chúng ta được
Tin Mừng giới thiệu một người khác. Người này khác lắm, vì đã không cầu xin bằng lời
kinh “Xin Chúa thương xót!” quen thuộc, nhưng đã bắt đầu bằng : “Nếu
Ngài muốn”. Thánh Máccô kể về người ấy như sau :
Có
người phong hủi đến gặp Đức Giêsu, anh ta qùy xuống van xin rằng : “Nếu
Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người chạnh lòng thương giơ tay đụng
vào anh và bảo : Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (Mc
1,40-41).
Khác
với nhiều người trong chúng ta, người phong hủi đã cầu xin với đức tin tinh
ròng, khi bình an tín thác vào giờ của Thiên Chúa muốn, vào thời điểm Thiên
Chúa quyết định, mà không yêu sách đến độ bắt ép Thiên Chúa phải thực hiện ngay
điều anh xin, dù đó là điều anh hằng mơ ước và muốn, khi thưa với Đức
Giêsu : “Nếu Ngài muốn”, bởi đức tin phải đặt nền tảng trên ý muốn của
Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã dậy các tông đồ cầu nguyện : “Xin cho Ý Cha
thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10). Nói cách khác, dấu chỉ của một
đức tin tinh ròng là đặt Ý Muốn của Thiên
Chúa trên hết mọi sự, và ngoan ngùy thuận theo Thánh Ý.
Khác
với phần đông chúng ta, người phong đã cầu nguyện với tình yêu kiên nhẫn khi
tin tưởng tuyệt đối vào lòng nhân hậu, tốt lành của người Cha Thiên Chúa, bằng
thân thưa với niềm hy vọng : “Nếu Ngài muốn”.
Khác
với thái độ của chúng ta, người phong hủi đã nài xin Chúa với lòng khiêm tốn thẳm
sâu trước Thiên Chúa toàn năng, Đấng làm được mọi sự, và có quyền trên mọi
loài, khi tuyên xưng niềm tin của mình : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm
cho tôi được sạch”.
Khác
với chúng ta, người phong hủi đã không đặt Thiên Chúa trước điều anh muốn,
nhưng khiêm hạ đặt mình trước điều Thiên Chúa muốn ; không yêu sách, ra điều
kiện, mặc cả, trả giá, thương lượng : “Nếu Chúa ban cho con điều con muốn,
con sẽ thực hiện điều Chúa muốn”, nhưng hoàn toàn đón nhận ý muốn của Thiên
Chúa với lòng tin yêu, phó thác. Anh đã không như chúng ta đảo ngược, đánh tráo
hai ý muốn : ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con người.
Khác
với chúng ta, người phong hủi đã không lập trình sẵn ý muốn của mình và yêu cầu
Chúa chứng nhận, thực hiện, như kiểu đặt người khác trước chuyện đã rồi, nhưng
ngay từ đầu đã nhận mình là người dơ bẩn, ô uế, nên đã cậy dựa vào lòng nhân hậu
toàn năng của Thiên Chúa, khi qủa quyết : “Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Khác
với chúng ta, cung cách của người phong hủi khi chạy lại và qùy xuống, cũng như
lời anh nài xin : “Nếu Ngài muốn”… đã không cứng cỏi, phảng phất kiêu
căng, nhưng rất dễ thương, và Đức Giêsu đã ân cần đáp trả “những dễ thương” của
anh bằng “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh”.
Khác
với chúng ta, người phong hủi đã hy vọng với một đức tin đằm thắm, không ồn
ào ; đã kiên nhẫn đợi chờ giờ của Thiên Chúa với niềm tin sâu lắng, bền bỉ,
khi kính cẩn, dõng dạc tuyên xưng đức tin : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể
làm cho tôi được sạch”.
Qủa
thực, vì thấy người phong hủi tin tưởng, yêu mến, khiêm tốn, kiên trì, Đức Giêsu đã đáp lại lời cầu xin của anh :
“Nếu Ngài muốn” bằng “Tôi muốn”, và “Ngài có thể làm cho tôi được sạch” bằng “Anh
sạch đi!”.
Tết
năm nay, giữa giông bão Covid đang kéo về trên đất nước, sau nhiều tháng tương
đối lắng đọng, tất cả chúng ta đều muốn một điều là đại dịch Covid-19 bị đẩy
lui, tiêu diệt, vì đã hơn một năm, toàn thế giới phải điêu đứng, điên đảo, kinh
hãi vì mãnh lực tàn phá khủng khiếp của nó. Hơn hai triệu người chết, trong số
đó có nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và người thân yêu của chúng ta,
chưa kể rất nhiều thiệt hại trên mọi bình diện tinh thần cũng như vật chất,
kinh tế chính trị cũng như y tế, giáo dục, cá nhân cũng như cộng đồng, quốc gia
cũng như quốc tế… Ước muốn của chúng ta chính đáng, vì bảo vệ sự sống là giá trị
cao cả, là quà tặng qúy báu của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Lời cầu xin của
chúng ta đẹp lòng Chúa, vì những gì mưu
ích cho con người đều đẹp lòng Chúa.
Vì thế, cùng với Hội Thánh, chúng ta cầu
xin Chúa trong thánh lễ đầu năm ơn bình an cho mọi người trong năm mới. Xin
Chúa xua đuổi Covid ra khỏi đời sống của mọi người, dẹp tan đại dịch khỏi đất
người đang sống. Và để đáng được Chúa thương và Chúa muốn, không gì tốt hơn, cần
thiết hơn, và đẹp lòng Chúa hơn là bắt chước tâm tình và thái độ của người
phong hủi năm xưa trong Tin Mừng, bằng chạy đến với Đức Giêsu và qùy xuống van
xin Người : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho chúng con được chữa
lành ; nếu Ngài muốn, Ngài có thể gìn giữ chúng con khỏi nhiễm bệnh ;
nếu Ngài muốn, Ngài có thể cứu quê hương chúng con và toàn thế giới khỏi mọi hiểm
nguy, đe dọa của đại dịch ; nếu Ngài muốn, Ngài có thể đổi mới chúng con
và toàn thể địa cầu như ý muốn của Ngài, lậy Thiên Chúa toàn năng nhân hậu của
chúng con!”.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét