Pages - Menu

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

SỨ VỤ CỦA THÁNH GIUSE

 

Trong chương trình nhập thế, nhập thể để cứu chuộc nhân loại của Ngôi Lời, thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn và trao phó sứ vụ làm “Bạn trăm năm trinh khiết” của Trinh Nữ Maria, và là “Cha nuôi” của Đức Giêsu, mà ngôn sứ Isaia đã loan báo : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghiã là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Sứ vụ ấy thật vô cùng cao cả, nhưng cũng rất kín đáo, âm thầm dưới mắt người đời :

1.   Sứ vụ vô cùng cao cả, thánh thiện :

Sứ vụ của thánh Giuse vô cùng cao cả, vì sứ vụ ấy chạm đến sự cao cả, thánh thiện vô cùng của chính Thiên Chúa, khi được chọn làm người bảo vệ  Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời của Thiên Chúa và bảo vệ Đức Maria, Mẹ của “Thiên Chúa làm người”.

Vì cao cả, thánh thiện, nên Ngôi Lời là Đức Giêsu đã thụ thai trong cung lòng của Trinh Nữ Maria do quyền phép Chúa Thánh Thần, tức quyền năng của chính Thiên Chúa, chứ không do ý muốn của nam nhân. Không do ý muốn của nam nhân, không thụ thai qua quan hệ giữa hai người nam nữ là cách thức tự nhiên, Thiên Chúa đã minh nhiên tỏ cho nhân loại biết Đức Giêsu trước khi là con  người, Ngài đã là Thiên Chúa đồng bản vị với Chúa Cha, và được tôn thờ cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đồng thời cho chúng ta thấy sư can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa trong công trình nhập thế, nhập thể của Ngôi Hai, Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta.

Cũng vì sự cao cả, thánh thiện của Thiên Chúa, thánh Giuse đã được chọn làm Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, để bảo vệ danh dự, uy tín của Đức Maria trước xã hội và trong đời sống thực tế thường ngày, vì không ai có thể hiểu được để đón nhận mầu nhiệm nhập thể làm người của Đức Giêsu trước thời điểm Thiên Chúa muốn.

Bảo vệ danh dự của Đức Maria, vì Đức Maria cần được bảo vệ bởi một người chồng, vì ở bất cứ thời nào, “làm mẹ không chồng” vẫn là điều không nên, không chỉ bị xã hội lên án, mà cả Lề Luật cũng không cho phép. Chính vì thế, khi thấy Đức Maria có thai trước khi hai người về chung sống, thánh Giuse đã rất  bối rối,  phần vì thương Đức Mẹ, phần vì lo lắng tìm cách bảo vệ danh dự của Đức Mẹ trước xã hội và Lề Luật (x. Mt 1,18-19).

Sự can thiệp của sứ thần Chúa trong giấc mộng đã mạc khải cho thánh Giuse biết sứ vụ cao cả, thánh thiện của mình, và ngài đã hiểu ngay việc phải làm khi mau mắn thực hiện lời sứ thần Chúa căn dặn : “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), vì nhận ra sự cao cả, thánh thiện của công trình Nhập Thể, mà ngài được diễm phúc góp phần, như người bảo vệ trung tín, đắc lực.

Sứ thần truyền cho thánh Giuse : “Đừng ngại” vì trước đó ngài đã rất ngại, nên mới “định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19), vì chuyện “có thai trước khi về chung sống” tự thân là việc xấu, khó có thể chấp nhận. Nhưng cùng lúc, thánh Giuse cũng ngại “không muốn tố giác bà” (Mt 1,19) vì ngài là người công chính, không thể làm điều ác cho người khác, chưa kể đó là  người mình hết lòng kính trọng, ngưỡng mộ, yêu thương, nhất là chưa nắm rõ sự thật, khi chưa được nghe chính đương sự thổ lộ, trình bầy.

Thực vậy, sứ vụ của thánh Giuse thật cao cả, thánh thiện , vì  không chỉ được chọn làm người bảo vệ Đức Trinh Nữ, Mẹ Đấng Cứu Thế trong vai trò làm chồng, mà còn bảo vệ chính Thiên Chúa làm người trong vai trò làm cha nuôi.

Khi chu toàn sứ vụ làm cha nuôi, thánh Giuse đã bảo vệ danh dự của Đức Giêsu, khi tránh cho Ngôi Lời Thiên Chúa tiếng xấu “con rơi, con hoang, con ngoại hôn” của miệng đời thị phi, độc ác, điều mà ngay cả hôm nay, ở thời đại này, những đứa con xinh xắn ngoài hôn thú, những em bé dễ thương của “tình yêu ngoài luồng” vẫn bị đời khinh miệt, cho là xấu xa.         

Như thế, Thiên Chúa đã khôn ngoan khi chọn thánh Giuse, người công chính và tôi tớ trung tín của Ngài để gìn giữ sự cao cả thánh thiện của Ngôi Lời khi xuống thế làm người giữa loài người, để không một tì vết, một quyền lực, một định chế nào của con người có thể ảnh hưởng xấu trên sự thánh thiện, cao cả của Đức Giêsu và Mẹ Ngài.

2.   Sứ vụ âm thầm và  hy sinh :

Vì mầu nhiệm Nhập Thể, Nhập Thế chỉ được loan báo đúng thời điểm Thiên Chúa muốn, nên sứ vụ bảo vệ Đức Giêsu và Mẹ Ngài trong xã hội loài người, trước những lề luật, định chế trần gian đòi hỏi nhiều hy sinh và kín đáo, âm thầm nơi thánh Giuse, người được Thiên Chúa chọn để bảo vệ, gìn giữ Thánh Gia.

Suốt ba mươi năm Đức Giêsu ẩn dật ở Nadarét, thánh Giuse đã bảo vệ Ngài, để không một ai biết Ngài đã được nuôi dưỡng, giáo dục bởi một người cha nuôi, mà không phải cha thật, theo nghiã huyết thống. Và không chỉ âm thầm, kín đáo làm nhiệm vụ của cha nuôi, thánh Giuse còn chấp nhận hy sinh quyền làm cha thật của mình, để chương trrình của Thiên Chúa được hoàn hảo nơi ngài.

Sứ vụ làm bạn trăm năm, tức làm chồng, nhưng là chồng trinh khiết không một lần quan hệ, ân ái với Đức Trinh Nữ Maria của thánh Giuse cũng được kín đáo, âm thầm thi hành, mà không để ai biết, vì giờ Thiên Chúa chưa tới. Sứ vụ làm bạn thanh sạch của Đức Mẹ đồng trinh ấy cũng đòi thánh Giuse đón nhận nhiều hy sinh khi tự nguyện tháo bỏ  mọi quyền lợi của người chồng, tình nguyện bỏ mình và rời khỏi vị thế số một trong gia đình, vì ý thức sự cao cả, thánh thiện của sứ vụ “người bảo vệ Thiên Chúa làm người và Mẹ Ngài”.

Tin Mừng cho chúng ta thấy suốt thời thơ ấu, niên thiếu, rồi thanh niên của Đức Giêsu đã được thánh Giuse bảo vệ, gìn giữ cẩn thận, chu đáo. Cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu ở Nadarét  thực là hoa trái của sự phối hợp trinh khiết giữa hai người là thánh Giuse và Đức Maria, dưới sự bảo bọc của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí Thiên Chúa đã che giấu Đức Giêsu suốt thời  ẩn dật, cho đến ngày Ngài khởi sự đời sống công khai loan báo Tin Mừng Cứu Thế, khi đến với Gioan Tẩy Giả để xin chịu phép rửa bên bờ sông Giođan. Thời gian ẩn dật được bảo vệ này rất cần thiết để một Thiên Chúa làm người không có “cha đẻ” đến với nhân loại, và đi vào đời sống, cuộc đời của mọi người.

Học với thánh Giuse gương âm thầm và  kín đáo chu toàn sứ vụ được Thiên Chúa trao phó, chúng ta xin Thánh Cả nâng đỡ lòng quảng đại, hy sinh của chúng ta, để khi làm công việc của Chúa, chúng ta biết khiêm tốn ẩn mình, như nếp sống ẩn dật của Thánh Gia ở Nadarét, và kín đáo xóa mình, quên mình như Thánh Cả đã giấu mình, ghìm mình thật sâu trong tin yêu - phục vụ.

Jorathe Nắng Tím               

THÁNH GIUSE SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI TÌNH YÊU PHÓ THÁC

 

Có hai dạng người sống hiện tại : dạng sống kiểu hiện sinh buông thả, lười biếng, để dòng đời nổi trôi không đường hướng, không lý tưởng, không chuẩn bị, không xây dựng, nhưng tiêu cực, yếm thế, dựa dẫm, tầm gửi ; một dạng người khác cũng sống giây phút hiện tại, nhưng chủ động, tích cực, yêu đời, yêu người, nhiệt huyết, dấn thân, có lý tưởng, có động lực phấn đấu, giầu nghị lực và hy sinh, do tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, và Lời Hứa của Ngài, đồng thời trông cậy vào ơn Chúa luôn đủ cho người tôi tớ trung tín sống ơn gọi và sứ vụ được trao.

  Thánh Giuse, người tôi tớ công chính của Thiên Chúa là người đã sống từng  giây phút hiện tại  với tình yêu tín thác đó.

1.    Một cuộc sống gia đình nhiều biến cố :

Chỉ riêng hai chương đầu của Tin Mừng Mátthêu cũng đủ cho chúng ta thấy đời làm chồng, làm cha của thánh Giuse không êm ả chút nào, điều mà nhiều người lầm tưởng, khi nghĩ Thánh Gia vì là gia đình thánh, nên không có vấn đề, cũng chẳng trải qua khốn khó, gian nan như các gia đình bình thường khác.       

Sự thật hoàn toàn khác, khi chính trong gia đình thánh ấy, bão tố không ngừng nổi lên tấn công dồn dập, bởi ngay từ buổi đấu, trước khi về chung sống, thánh Giuse đã hoang mang, đau khổ vì thấy Đức Maria  có thai, rồi bất ngờ phải về Bêlem do “lệnh kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1) của hoàng đế Augúttô, khi vợ mình đến ngày sinh con, và vì không tìm được nhà trọ đã phải mượn chuồng chiên cừu làm chỗ sinh con, mượn máng cỏ làm nôi cho con nằm (x. Lc 2,12).

Tiếp đến là cuộc trốn chạy cơn điên và nỗi lo sợ bị mất ngôi của vua Hêrôđê khi biết Hài Nhi Giêsu, “vua dân Do Thái” vừa mới sinh ra ở Bêlem. Còn cảnh nào hãi hùng, lao đao hơn khi phải tức tốc, gấp rút đem Hài Nhi mới sinh và Mẹ Ngài vượt biên sang Ai Cập, bởi Hêrôđê ra lệnh tàn sát “tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16), và cảnh tượng giết lát trẻ em vô tội rất bi thương trên đã được ngôn sứ Giêrêmia loan báo : “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khó của than rền rĩ : tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,18).

Cũng như các gia đình, thời nào có khó khăn của thời đó, và con cái ở mỗi độ tuổi đều mang đến những nỗi lo mới cho cha mẹ, như Đức Giêsu đã tự ý ở lại đền thờ Giêrusalem dịp trẩy lễ, mà cha mẹ chẳng hề hay biết, và “sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dậy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46).

Chúng ta có thể mường tượng nỗi lo lắng “nát gan, đứt ruột” của Đức Maria và thánh Giuse trong những ngày lạc mất con. Thế mà, khi tìm được con, hai đấng  đã ngẩn ngơ, hụt hẫng, và chẳng hiểu gì khi nghe con trai trả lời : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Vì “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”, nên chỉ còn biết lặng lẽ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,50.51). Những điều ấy chính là nỗi đau của bậc làm cha mẹ, khi không còn hiểu được con cái…

Tóm lại, cuộc sống của Thánh Gia đã có nhiều biến cố làm dậy sóng, và chao đảo con thuyền gia đình. Tin Mừng không ghi thêm, nhưng không vì thế mà chúng ta nghĩ rằng Thánh Gia được yên trong những năm tháng Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng. Bằng chứng là khi Đức Giêsu trở về thăm quê nhà Nadarét, bà con đồng hương đã không niềm nở đón tiếp Ngài, nhưng khi nghe Ngài giảng dậy, “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,28-30). Và chính Đức Giêsu đã  buồn rầu nói với đồng hương ngay trên quê hương của mình : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).

2.     Thánh Giuse sống từng giây phút của hiện tại :

Tin Mừng Matthêu hé mở cho chúng ta : thánh Giuse không biết trước những biến cố xảy ra cho Thánh Gia, và tự ngài cũng không có nhiều dự án, kế hoạch cho tương lai. Bằng chứng là tất cả các biến cố đều chỉ được báo trước, và được chỉ dẫn cách giải quyết qua sứ thần Chúa hiện đến báo mộng. 

Nhìn lại những biến cố của đời thánh Giuse trong vai trò làm cha, làm chồng, chúng ta thấy tất cả đều vượt khỏi tầm kiểm sóat bình thường của con người, nghiã là không thể lập trình, tính toán trước bất cứ sự gì, như sự kiện Đức Maria có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần, khi hai ông bà chưa về chung sống. Làm sao thánh Giuse có thể nghĩ tình huống bi đát, ngặt nghèo, bế tắc như vậy có thể xẩy ra cho ngài và Đức Mẹ là người ngài hết lòng yêu mến, ngưỡng mộ, kính trọng? Cũng vì không ngờ, nhưng qúa bất ngờ, mà ngài đã phải nghĩ đến chọn lựa cuối cùng là bỏ Đức Mẹ và ra đi cách kín đáo, để giữ thanh danh và bảo đảm an toàn cho Đức Mẹ trước búa rìu của xã hội và Lề Luật (x. Mt 1,19). Và điều rất lạ là chỉ trong giấc ngủ, khi sứ thần hiện đến báo mộng, thánh Giuse mới biết sự thật và làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Cũng như sự việc trốn sang Ai Cập, rồi trở về Nadarét từ Ai Cập sau khi vua Hêrôđê chết, tất cả đều không thể đoán trước, vì hoàn toàn vượt ngoài dự đoán, phỏng định, để lại một lần nữa, sứ thần Chúa đã hiện ra nói với thánh Giuse việc gì phải làm, nơi nào phải đến, thời điểm nào phải lên đường.

Khi đề cập đến cảnh tượng xẩy ra trong giấc mộng, gặp người này người nọ trong giấc mơ, chúng ta hiểu ngay đó là những chuyện khó tin, không có thực. Chẳng thế mà người ta vẫn chế diễu, châm chọc những người không thực tế, sống ảo là “người mơ giữa ban ngày”, và nhắc nhở, cảnh tỉnh đám trẻ ở tuổi mộng mơ : “Đời không đẹp như mơ”.

Nhưng ở đây, chúng ta thấy thánh Giuse đã hành động theo những gì nhận được từ sứ thần Chúa trong giấc mộng. Điều này nói lên tinh thần phó thác tuyệt đối ở Thiên Chúa của người tôi tớ trung tín chỉ biết làm theo lệnh ông chủ truyền. Người tôi tớ trung tín ấy không lười biếng, nhưng chăm chỉ sống từng giây phút hiện tại trong tinh thần sẵn sàng thực hiện điều ông chủ muốn, nghiã là lúc nào cũng hướng về ông chủ và hiện diện trước mặt ông chủ để không lỡ bất cứ công việc nào ông chủ trao, dù ở thời khắc nào. Người tôi tớ trung tín ấy cũng đặt mình ở hiện tại tròn đầy trước ông chủ, để không một giây biếng lười, môt phút lơ đãng vì nghĩ đến bản thân, mà không kịp làm tốt công việc ông chủ dậy, vào đúng thời điểm ông chủ muốn.

Vì thế, để có thể tỉnh thức nghe được tiếng của sứ thần trong giấc ngủ, và mau mắn thi hành lệnh của Thiên Chúa từ sứ thần, thánh Giuse đã luôn ở trong tình trạng sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa, bằng khắc khoải, thao thức, trông ngóng, đợi chờ Thánh Ý Chúa trong từng giây phút của hiện tại. Đó là một trái tim mở rộng, một trí khôn tỉnh táo, bén nhạy luôn hướng về Thiên Chúa, và chỉ với khối óc, con tim hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa của người công chính thuộc về Thiên Chúa, chúng ta mới có thể sống như thánh Giuse khi luôn sẵn sàng lắng nghe và ứng trực thực thi Thánh ý Chúa trong từng giây phút của thời gian  hiện tại.

Do đó, giữa kiểu sống tiêu cực, vô tâm, vô ý trước hiện tại và chọn lựa sống tích cực, với ý thức từng phút giây của hiện tại là hồng ân được ban, với ý chí luôn sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa và làm theo ý muốn thánh thiện của Ngài là một vực thẳm  không thể vượt qua. Sự khác biệt rất lớn và quan trọng ấy cho phép chúng ta nhận ra ai là người trân qúy hiện tại và ai là người bỏ quên hiện tại ; ai là người xây dựng tương lai bằng sống hiện tại, và ai là người từ chối ngày mai khi phung phí, coi thường hiện tại, nhất là biết rõ ai là người sống niềm tin phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, và ai là người lơ là, không quan tâm sống theo đường lối Thiên Chúa.

3.   Thánh Giuse sống hiện tại với  đức tin phó thác :      

    Sở dĩ thánh Giuse đã có thể  sống từng giây phút hiện tại cách tích cực, vì ngài  tin tưởng,  phó thác vào Thiên Chúa, Đấng ngài tôn thờ, yêu mến, và phụng sự.

Là người công chính, tức là người sống theo đường lối của Thiên Chúa, thánh Giuse đã học với các tổ phụ đức tin phó thác. Phó thác khi tin tưởng “chỉ có mình Chúa ban cho con được sống yên hàn”, và chỉ mình Ngài “lúc ngặt nghèo mới mở lối thoát cho con” (Tv 4,2.9) ; phó thác khi từng phút giây ngóng trông và đặt trọn hy vọng nơi  Chúa : “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông…, bởi Chúa luôn một lòng từ ái, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa, tràn đầy” (Tv 129,6.7) ; phó thác “như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ, và trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2) ; phó thác nên “ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài. Xin dậy con đường lối phải theo, vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa” (Tv 142,8) ; và phó thác khi “ký thác mọi việc cho Đức Chúa”, vì “mọi việc Đức Chúa làm đều có cùng đích riêng” (Cn 16,3.4).

Là người tôi tớ trung tín, thánh Giuse đã sống niềm tin phó thác cách triệt để, nên mới có thể đón nhận một cách khiêm tốn và dũng cảm mọi thử thách trong từng giây phút hiện tại, trên từng cây số của hành trình ơn gọi làm người gìn giữ bảo vệ Đức Giêsu và Mẹ Ngài.

Như Ápraham đã tín thác tuyệt đối khi tiếng gọi ở hiện tại : “Hãy đem sát tế con trai duy nhất Ixaác” hoàn toàn mâu thuẫn với Lời Hứa ở tương lai : “Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ của một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển”, thánh Giuse đã sống trọn vẹn và dũng cảm từng giây phút căng thẳng, cam go, nguy nan của hiện tại với một đức tin phó thác tuyệt đối ở Chúa quan phòng, Đấng đã hứa với người Ngài chọn : “Này Ta ở với ngươi ; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi… vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều ta đã phán với ngươi” (St 28,15). Và suốt đời thực thi sứ vụ Thiên Chúa trao phó, thánh Giuse đã vững dạ, an lòng trong niềm  phó thác, vì tin ở Lời Thiên Chúa : “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghiã của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay” (Is 54,10).   

Thực vậy, thánh Giuse đã không bỏ qua một giây phút hiện tại nào mà không hướng về Thiên Chúa để tìm kiếm và thực hiện Thánh Ý Ngài. Thánh Cả là  “người công chính” đích thực và gương mẫu với trái tim say mê Thiên Chúa, tâm hồn  tràn đầy Thiên Chúa, và cuộc đời khao khát tìm gặp Thiên Chúa.

Nguyện xin Ngài bầu cử cho chúng con đừng lãng phí thời gian hiện tại, nhưng noi gương Ngài sống trọn vẹn và dũng cảm từng giây phút hiện tại, dù thách đố có cam go, dù thử thách có se dạ thắt lòng, dù lòng người có tàn nhẫn phụ bạc, dù tình đời có “đổi trắng thay đen”, dù chuyện đời có thương đau, đắng đót, dù đường đời có nguy hiểm, trái ngang.

Jorathe Nắng Tím